Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Cách xem đồ thị kỹ thuật để xác định điểm mua bán

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Các công cụ và khái niệm cơ bản trong phân tích kỹ thuật bao gồm biểu đồ nến Nhật, xác định xu hướng tăng giá, giảm giá, đi ngang…

    - Một số mô hình cơ bản trong phân tích kỹ thuật bao gồm phá vỡ, thoái lui, và vai-đầu-vai, cốc tay cầm, … có thể đưa ra dự đoán giá và quyết định giao dịch.  

    Phân tích kỹ thuật là gì?

    Khi bắt đầu tìm hiểu những kiến thức cơ bản về đầu tư và phân tích cổ phiếu, bạn sẽ bắt gặp nhiều kỹ thuật và phương pháp khác nhau dùng để đánh giá và định giá cổ phiếu. Trong đó, phân tích kỹ thuật là phương pháp sử dụng những dữ liệu quá khứ như biến động giá và khối lượng của cổ phiếu để phân tích và dự đoán giá và xu hướng của nó trong tương lai.

    Khác với phân tích cơ bản, cố gắng xác định giá trị của chứng khoán dựa trên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, phân tích kỹ thuật tập trung vào cung và cầu của một chứng khoán và xem liệu chúng có ảnh hưởng đến sự biến động về giá và khối lượng của nó.  

    Phân tích kỹ thuật cơ bản

    Hãy cùng tìm hiểu các khái niệm và mô hình cơ bản bạn cần biết trong phân tích kỹ thuật để có thể xác định điểm mua và bán trong ngắn hạn.

    Biểu đồ nến Nhật (Candlestick) là một công cụ phân tích kỹ thuật phổ biến giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về biến động giá trong một khoảng thời gian nhất định. Mỗi cây nến trên biểu đồ đại diện cho dữ liệu giá trong một khoảng thời gian cụ thể, bao gồm bốn thông tin chính: giá mở cửa, giá đóng cửa, giá cao nhất, và giá thấp nhất.

    - Thân nến là phần rộng của nến, cho biết giá mở cửa và giá đóng cửa trong khoảng thời gian đó. Nếu giá đóng cửa cao hơn giá mở cửa, thân nến thường được tô màu xanh lá. Nếu giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa, thân nến thường được tô màu đỏ.

    - Bóng nến là đường mảnh phía trên và dưới thân nến, cho thấy phạm vi giá dao động trong khoảng thời gian đó, với bóng trên cho thấy giá cao nhất và bóng dưới cho thấy giá thấp nhất.  

    Xu hướng tăng giá (Uptrend) được xác định khi giá liên tục tạo ra các đỉnh cao hơn (higher highs) và các đáy cao hơn (higher lows) trên biểu đồ. Điều này cho thấy sự lạc quan và nhu cầu tăng dần trong thị trường, với nhà đầu tư sẵn lòng trả giá cao hơn cho cổ phiếu đó.

    Phá đỉnh là khi giá vượt qua mức đỉnh trước đó, tạo ra một mức cao mới. Điều này thường được xem là tín hiệu mạnh mẽ của xu hướng tăng giá.

    Xu hướng giảm giá (Downtrend) xảy ra khi giá tạo ra các đỉnh thấp hơn (lower highs) và các đáy thấp hơn (lower lows). Điều này phản ánh sự bi quan và áp lực bán ra, khi các nhà đầu tư chấp nhận giá thấp hơn để thoát khỏi cổ phiếu đó.

    Thủng đáy là khi giá giảm sâu hơn mức đáy trước đó, tạo ra một mức thấp mới, được coi là tín hiệu của xu hướng giảm giá tiếp diễn.

    Xu hướng đi ngang (Sideway) xảy ra khi giá không tạo ra các đỉnh và đáy cao hơn hoặc thấp hơn mà dao động trong một phạm vi nhất định. Điều này cho thấy một sự cân bằng giữa cung và cầu, không có sự áp đảo rõ ràng từ bên nào.  

    Mức hỗ trợ là mức giá mà tại đó nhu cầu được coi là đủ mạnh để ngăn chặn giá giảm thêm. Khi giá tiếp cận mức hỗ trợ, người mua có xu hướng tham gia mạnh hơn, tin rằng giá sẽ không giảm nữa.

    Mức kháng cự là mức giá mà tại đó nguồn cung được coi là đủ mạnh để ngăn cản giá tăng thêm. Khi giá đến gần mức kháng cự, áp lực bán bắt đầu xuất hiện lớn hơn, khiến giá khó có thể tăng thêm.  Các mô hình kỹ thuật phổ biến

    Phá vỡ (Break-out) xảy ra khi giá di chuyển ra ngoài một mức hỗ trợ hoặc kháng cự quan trọng, hoặc ra khỏi xu hướng tăng giảm ban đầu, thường đi kèm với khối lượng giao dịch gia tăng. Điều này cho tín hiệu sự thay đổi mạnh mẽ trong cung và cầu, và thường dẫn đến việc thiết lập xu hướng mới, từ đó cho xác nhận điểm mua/bán.

    Thoái lui (Pull-back) thường xảy ra sau một đợt phá vỡ, khi đó giá thường điều chỉnh về một phần trước khi tiếp tục xu hướng ban đầu. Thoái lui là cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường với giá tốt hơn, dựa trên niềm tin rằng xu hướng ban đầu sẽ tiếp tục.  

    Vai-đầu-vai là một trong những mô hình đảo chiều phổ biến nhất. Mô hình này bao gồm ba đỉnh: đỉnh giữa (đầu) cao hơn hai đỉnh trước đó và sau đó (vai). Khi diễn biến giá cổ phiếu hình thành mô hình này, nó báo hiệu một sự đảo ngược từ xu hướng tăng sang giảm.

    Đầu tiên là vai trái, giá cổ phiếu tạo ra một đỉnh, và sau đó giảm xuống một mức hỗ trợ, gọi là cổ. Giá sau đó tăng lên tạo ra một đỉnh cao hơn - đầu - trước khi giảm trở lại mức hỗ trợ tương tự, tạo ra cổ thứ hai. Cuối cùng, giá tăng lên một lần nữa nhưng không vượt qua đỉnh "đầu" và giảm xuống, tạo ra vai phải. Khi giá phá vỡ mức hỗ trợ (còn gọi là 'neckline' - đường cổ), thì đây là tín hiệu để bán.

    Vai-đầu-vai ngược là phiên bản đối ngược của mô hình vai đầu vai, với ba đáy thay vì ba đỉnh. Đáy giữa sâu hơn hai đáy hai bên. Mô hình này thường xuất hiện trong một xu hướng giảm và báo hiệu một sự chuyển đổi sang xu hướng tăng. Khi giá phá vỡ đường cổ của mô hình, hướng lên phía trên, thì đây là tín hiệu mua, cho thấy xu hướng tăng có thể sắp bắt đầu.

    Mô hình hai đỉnh gồm hai đỉnh giá gần bằng nhau và một đáy ở giữa, tạo thành hình chữ "M". Mô hình này thường xuất hiện sau một giai đoạn tăng giá và báo hiệu rằng xu hướng tăng giá có thể sắp kết thúc, chuyển sang xu hướng giảm.

    Mô hình hai đáy là phiên bản đảo ngược của mô hình hai đỉnh, với hai đáy giá gần bằng nhau và một đỉnh ở giữa, tạo thành hình chữ "W". Mô hình này thường xuất hiện sau một giai đoạn giảm giá và báo hiệu rằng xu hướng giảm giá có thể sắp kết thúc, chuyển sang xu hướng tăng.  

    Tam giác cân là mô hình mà trong đó giá giao động trong một phạm vi ngày càng hẹp, tạo ra một hình tam giác với đường kháng cự giảm và đường hỗ trợ tăng. Mô hình này không chỉ ra rõ ràng xu hướng tiếp theo cho đến khi giá phá vỡ ra khỏi hình tam giác, tạo ra một xu huớng mới có thể tăng hoặc giảm.

    Tam giác tăng hình thành trong xu hướng tăng với một đường kháng cự ngang và đường hỗ trợ tăng dần. Nó báo hiệu sự tiếp tục của xu hướng tăng khi giá phá vỡ và đóng cửa trên đường kháng cự.

    Tam giác giảm hình thành trong một xu hướng giảm với một đường hỗ trợ ngang và đường kháng cự giảm dần. Nó báo hiệu sự tiếp tục của xu hướng giảm khi giá phá vỡ và đóng cửa dưới đường hỗ trợ.  

    Mô hình cốc tay cầm (Cup and Handle) thường xuất hiện sau một giai đoạn tăng giá và được xem như là một dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng có thể tiếp tục sau khi mô hình hoàn thiện. Mô hình này bao gồm hai phần chính là phần cốc (cup) và phần tay cầm (handle). Phần cốc hình thành khi giá trải qua một giai đoạn điều chỉnh, tạo ra một hình dạng giống như chữ "U". Điều này cho thấy việc bán ra đã chậm lại và mua vào bắt đầu tăng lên, dẫn đến việc giá phục hồi. Sau khi phần cốc được hình thành, giá sẽ bước vào một giai đoạn điều chỉnh nhỏ hơn, tạo ra phần tay cầm. Phần tay cầm thường có hình dạng giống như một tam giác giảm dần hoặc một hình chữ nhật nghiêng.

    Đây thường được coi là một cơ hội mua cho nhà đầu tư, với kỳ vọng rằng sau khi hoàn thiện mô hình, giá sẽ bắt đầu một xu hướng tăng mới. Điểm mua thường được xác định khi giá phá vỡ phần trên của tay cầm và thường đi kèm với khối lượng giao dịch gia tăng để xác nhận sức mạnh của xu hướng tăng tiếp diễn.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán