Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Tìm hiểu bộ lọc cổ phiếu Canslim

Nội dung

    Điểm nhất chính:

    - Mỗi chữ cái trong từ CANSLIM đại diện cho một tiêu chí quan trọng cần tìm hiểu khi mua cổ phiếu, một cách lựa chọn cổ phiếu để đầu tư

    - Bộ lọc cổ phiếu CANSLIM được sử dụng nhằm mục đích kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.  

    Bộ lọc cổ phiếu CANSLIM là gì?

    Bộ lọc cổ phiếu CANSLIM (gọi tắt là CANSLIM) là một hệ thống lựa chọn cổ phiếu tăng trưởng bằng cách sử dụng kết hợp các kỹ thuật phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.

    Bộ lọc này được sáng lập bởi William J. O'Neil và phát triển từ năm 1950, khi ông là một nhà môi giới chuyên nghiệp. Ông cũng là người sáng lập tạp chí Investor’s Business Daily với độ nổi tiếng “ngang ngửa” với The Wall Street Journal.  

    Cách lựa chọn cổ phiếu để đầu tư: Các tiêu chí chọn lọc cổ phiếu trong phương pháp CANSLIM

    CANSLIM đưa ra một quy trình mà nhà đầu tư có thể sử dụng để tìm kiếm các cổ phiếu có khả năng tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình. Mỗi chữ cái trong từ viết tắt đại diện cho một tiêu chí quan trọng cần tìm hiểu khi mua cổ phiếu. Các cổ phiếu là “ứng cử viên” của CANSLIM có các thuộc tính sau:

    C - Current quarterly earnings per share (EPS): Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) quý hiện tại
    Mức tăng trưởng EPS lý tưởng là trên 20%, và càng cao thì càng tốt. Tuy nhiên, để tránh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố mang tính thời vụ, bạn nên so sánh EPS ở thời điểm hiện tại xem liệu nó có quá cách biệt so với con số trong cùng kỳ năm trước hay không. Thêm vào đó, khi một doanh nghiệp có báo cáo kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, hãy kết hợp kiểm tra các doanh nghiệp cùng ngành để xem mức tăng trưởng liệu có hợp lý hay không.

    Thông thường, tăng trưởng doanh thu sẽ tỷ lệ thuận với lợi nhuận. Vì vậy, nhà đầu tư nên đặt dấu chấm hỏi đối với những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận nhưng không tăng trưởng doanh thu. Một điểm cần lưu ý nữa là thu nhập phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, cho nên bạn hãy loại bỏ những khoản thu bất thường, hay khoản thu phát sinh một lần, như thanh lý tài sản, chuyển nhượng dự án, v.v.

    Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần xem xét cẩn thận các khoản thu nhập từ doanh thu hoạt động tài chính, chi phí tài chính, và các thu nhập khác phòng trường hợp doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu hoặc dùng thủ thuật để gian lận sổ sách.

    A - Annual earnings increases: Tăng trưởng lợi nhuận hàng năm

    Mức tăng trưởng lợi nhuận hàng năm lý tưởng nhất là trên 20% trong vòng 3-5 năm. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải hoạt động có lãi trong ít nhất 3 năm liên tiếp.

    Với hai tiêu chí A (Thu nhập trên mỗi cổ phiếu) và C (Tăng trưởng lợi nhuận hàng năm), O’Neil đã xây dựng hai chỉ số để đánh giá tiêu chí doanh nghiệp và chất lượng doanh nghiệp là EPS rating và SMR rating. Trong đó:

    EPS rating là chỉ số đánh giá tăng trưởng thu nhập của doanh nghiệp. Chỉ số này được tổng hợp dựa trên kết quả EPS của 2 quý gần nhất và bình quân của 3 năm gần nhất. EPS rating được xếp hạng từ 1 đến 99. Cổ phiếu có EPS rating từ 90 trở lên sẽ nằm trong top 10% cổ phiếu có mức tăng trưởng thu nhập tốt nhất thị trường.

    SMR rating là chỉ số đánh giá chất lượng EPS dựa trên 3 yếu tố: tỷ suất lợi nhuận, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Doanh nghiệp sẽ được xếp hạng từ A đến E, tương ứng với mức “tốt nhất” đến “tệ nhất”. Doanh nghiệp sở hữu cổ phiếu có SMR rating đạt mức A sẽ lọt top 20% doanh nghiệp có chất lượng tăng trưởng EPS tốt nhất thị trường. 

    Hai chỉ số này bạn có thể tham khảo và tìm chỉ số của từng cổ phiếu tại trang “Bảng xếp hạng cổ phiếu” của FHUB.

    N - New products, new management, new highs: Sản phẩm mới, quản lý mới, mức giá mới

    Doanh nghiệp cải tiến hoặc phát triển sản phẩm vượt trội hơn so với đối thủ cả về giá cả lẫn chất lượng sẽ là yếu tố dự báo giá cổ phiếu tăng trưởng trong tương lai. Cùng với đó, những thay đổi trong hệ thống quản trị thúc đẩy doanh nghiệp phát triển có thể tạo phấn khích trong ngắn hạn, thúc đẩy sự lạc quan trên thị trường và làm tăng giá cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu sự thay đổi diễn ra liên tục hoặc bất thường, cần đặt nghi vấn về tính ổn định của doanh nghiệp đó.

    S - Supply and Demand: Cung và cầu của cổ phiếu

    Mối quan hệ cung - cầu chính là yếu tố quyết định sự tăng giảm của giá cổ phiếu. Nguồn cung khan hiếm cùng với nhu cầu mua cổ phiếu mạnh mẽ sẽ tạo ra lượng cầu dư thừa giúp tăng giá cổ phiếu.

    Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên để ý tới các công ty mua lại cổ phiếu của chính họ để làm cổ phiếu quỹ. Điều này có nghĩa là, công ty mua lại cổ phiếu của mình trên thị trường, làm giảm nguồn cung cổ phiếu đang lưu hành và từ đó thúc đẩy sự tăng giá cổ phiếu. Tuy vậy, không phải lúc nào công ty mua cổ phiếu quỹ cũng là một “tín hiệu tốt”, bởi lẽ công ty có thể làm điều này vì muốn che đậy tình hình tài chính thực tế không mấy khả quan của mình.

    L - Leaders: Cổ phiếu “dẫn đầu”

    Nhà đầu tư nên lựa chọn những doanh nghiệp có sức mạnh về giá cổ phiếu cao trong thị trường. Ngược lại, cần tránh đầu tư vào những cổ phiếu bị rớt giá nhiều nhất vì chúng là những cổ phiếu yếu nhất.

    Để theo dõi được yếu tố này, nhà đầu tư có thể sử dụng chỉ số sức mạnh tương đối (RSI). RSI là một chỉ báo động lượng đo lường mức độ thay đổi trong giá để xác định xem giá của cổ phiếu/tài sản có ở mức quá mua hay quá bán hay không.

    RSI = 100 – [100/ (1 + Mức lãi trung bình/Mức lỗ trung bình)]

    Trong công thức trên, mức lãi/lỗ trung bình là mức tăng hoặc giảm trung bình trong khoảng thời gian xét đến. Công thức sử dụng giá trị dương cho tổn thất trung bình và số ngày tiêu chuẩn trong khoảng thời gian đánh giá là 14 ngày.

    Ví dụ, cổ phiếu A có giá trị thị trường tăng trong 7/14 ngày với mức tăng trung bình là 1%, trong khi 7 ngày còn lại là giảm với mức lỗ trung bình là -0.8%. Khi đó, chỉ số RSI sẽ là:

    RSI = 100 – [100/ (1+1%/0.8%)] = 55.5

    Chỉ số RSI sẽ dao động từ 0 đến 100. Chỉ số RSI dưới 30 cho thấy cổ phiếu đang bị bán quá mức và có thể bị định giá thấp, tạo cơ hội mua. Chỉ số RSI trên 70 biểu thị rằng một cổ phiếu có thể bị mua quá mức hoặc được định giá quá cao và có thể là cơ hội để bán. 

    I - Institutional Sponsorship: Nhà đầu tư tổ chức

    Nhà đầu tư nên hướng tới những doanh nghiệp mà cổ phiếu của họ được các tổ chức lớn và uy tín mua như ngân hàng, quỹ đầu tư, … Thông thường, những tổ chức này sẽ có đội ngũ chuyên gia phân tích thị trường chuyên nghiệp, khi họ mua một cổ phiếu nào đó chứng tỏ tiềm năng về giá của loại cổ phiếu đó. Ngược lại, trường hợp tổ chức sở hữu ồ ạt bán ra cổ phiếu sẽ là tín hiệu xấu báo hiệu cổ phiếu sẽ bị tuột giá.

    M - Market direction: Xu hướng thị trường

    Xác định xu hướng thị trường bằng cách xem xét chỉ số trung bình thị trường hàng ngày, chẳng hạn như VNIndex. Thị trường luôn dịch chuyển và được chia làm 3 xu hướng chính gồm: xu hướng tăng, xu hướng giảm và xu hướng đi ngang. Cổ phiếu CANSLIM có xu hướng hoạt động tốt hơn trong thị trường giá tăng.  

    Kiến thức chơi chứng khoán: Ưu điểm và nhược điểm của CANSLIM

    CANSLIM được sử dụng để hiểu hướng đi của thị trường chứng khoán tại một thời điểm nhất định, từ đó giúp tập hợp những cổ phiếu tăng trưởng tiềm năng nhất. Bộ lọc này không phù hợp cho tất cả mọi người, vì một số tiêu chí của nó đòi hỏi nhà đầu tư phải có kinh nghiệm và am hiểu các khía cạnh của phân tích kỹ thuật, thường là các nhà giao dịch lớn, có mức độ chấp nhận rủi ro cao và đòi hỏi tốc độ giao dịch nhanh, để kiếm được lợi nhuận tối đa trong ngắn hạn.

    Tuy vậy, nhà đầu tư thông thường vẫn có thể kiếm được lợi nhuận đáng kể nếu có khẩu vị rủi ro cao và dự đoán được thời điểm để mua cổ phiếu.

    Chiến lược này không được xây dựng cho thị trường giảm giá mà chỉ có thể được sử dụng để phát hiện các cơ hội trong một thị trường tăng giá. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, các cổ phiếu phù hợp với chiến lược CANSLIM có thể sẽ nằm trong số những cổ phiếu giảm giá nhanh nhất nếu thị trường đảo chiều, và khi các nhà đầu tư lớn dần thay đổi chiến lược đầu tư.

    Do đó, cổ phiếu CANSLIM không thể mua và giữ trong thời gian dài; nó nhằm mục đích kiếm lợi nhuận thay vì đầu tư dài hạn.  


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán