Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

NHNN độc quyền vàng miếng có còn cần thiết?

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Nghị định số 24/2012/NĐ-CP được Chính phủ Việt Nam ban hành vào năm 2012 để quản lý hoạt động về vàng tại Việt Nam.

    - Vấn đề thiếu hụt nguồn cung, nhu cầu cao, và chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước vẫn là những thách thức đối với thị trường vàng Việt Nam.  

    Độc quyền vàng miếng để áp chế tình trạng "vàng hóa"

    Vàng hóa (Goldization) là khái niệm đề cập đến quá trình vàng trở thành phương tiện dự trữ giá trị chính, phương tiện thanh toán, hoặc tiêu chuẩn đầu tư trong một nền kinh tế, thay thế hoặc bổ sung cho tiền tệ chính thức của quốc gia đó. Việc này có thể diễn ra khi người dân mất niềm tin vào giá trị của tiền tệ quốc gia do lạm phát cao, bất ổn kinh tế hoặc chính trị, và bắt đầu tích trữ vàng như một cách để bảo toàn tài sản.

    Trước năm 1975, vàng được sử dụng làm phương tiện trao đổi và đơn vị đo lường tiền tệ. Vào những năm 1960, chiếc xe máy Honda Cub có giá 3 lượng vàng, hay lương hàng tháng của một quan chức chính phủ cấp cao được ấn định ở mức 2 lượng vàng.

    Sau Chiến tranh Việt Nam là giai đoạn siêu lạm phát, khi mà lạm phát liên tục tăng hai chữ số từ năm 1975 đến đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, khi lạm phát giảm bớt vào đầu những năm 2000, chức năng trao đổi và đo lường giá trị tiển tệ của vàng cũng giảm dần.

    Và, sau nhiều năm được cho phép giao dịch tự do, đặc biệt là từ năm 2008 đến năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định có hành động hạ nhiệt thị trường vàng, và ban hành các biện pháp kiểm soát, bao gồm việc đóng cửa hơn 20 sàn giao dịch vàng.

    Vào năm 2012, Chính phủ và NHNN đã ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP cho việc quản lý hoạt động về vàng tại Việt Nam, bao gồm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến vàng, nhằm kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng, đảm bảo ổn định kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia, cũng như và hạn chế tình trạng vàng hóa.  

    Nghị định 24 và độc quyền vàng miếng

    Để mạnh mẽ kiểm soát tình trạng vàng hóa hơn từ năm 2012, NHNN đã ban hành Nghị định 24, trong đó cho phép NHNN can thiệp trực tiếp vào thị trường vàng, trở thành cơ quan độc quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh, sản xuất vàng miếng và xuất-nhập khẩu vàng nguyên liệu.

    Các quy định mới trong Nghị định 24 bao gồm, chỉ những công ty có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng Việt Nam, nộp thuế hàng năm 500 triệu đồng và có chi nhánh ở tối thiểu ba tỉnh mới được phép kinh doanh vàng và nhập khẩu vàng miếng. Điều này đã khiến nhiều nhà kinh doanh vàng nhỏ bị phá sản. Số lượng nhà kinh doanh vàng giảm mạnh từ trên 10,000 xuống còn khoảng 2,500.

    Nghị định này cũng cấm một số hoạt động chính như, Sản xuất và kinh doanh vàng miếng hoặc xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép của NHNN; Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán;... Đồng thời chỉ cấp giấy chứng nhận kinh doanh vàng, trang sức cho một số công ty, như Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Vàng bạc Đá quý Doji (Doji) và Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu (BTMC).

    Cùng với đó là việc tiếp quản Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và ấn định thỏi vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia, từ đó thiết lập vị thế độc quyền trên thị trường vàng. Việc này là nhằm thống nhất quản lý thị trường vàng, giảm số lượng các nhãn hiệu vàng miếng lưu hành trên thị trường, hạn chế chỉ kinh doanh vàng miếng được sản xuất dưới sự giám sát của Bộ.

    Những điều này giúp tiêu chuẩn hóa thị trường vàng, hạn chế đáng kể giao dịch đầu cơ, ổn định giá vàng và hạn chế tình trạng tích trữ vàng và vàng hóa trong nền kinh tế, từ đó hạn chế ảnh hưởng của giá vàng đến tỷ giá, giá trị đồng VND cũng như lạm phát.

    Những vướng mắc trong thị trường vàng hiện nay

    Mặc dù đã được thực hiện hơn một thập kỷ qua nhưng dường như Nghị định 24 vẫn đang phải đối mặt với những thách thức trong việc thích ứng với nền kinh tế thị trường cạnh tranh hiện nay.

    Đầu tiên là nhu cầu về vàng ở Việt Nam không có dấu hiệu suy giảm. Do truyền thống người Việt Nam có xu hướng tích trữ của cải, và vàng từ lâu được coi là một tài sản cất giữ giá trị lâu dài và an toàn cũng như do sự khan hiếm của nó, nên các hộ gia đình ngoài việc giữ tiền tiết kiệm, tiền đô, đầu tư bất động sản, còn tích trữ vàng đáng kể. Hiện nay, người dân Việt Nam đang tích trữ vàng và nắm giữ khoảng 400 tấn vàng.

    Và, mặc dù được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, Việt Nam vẫn đang đi sau các quốc gia khác về giao dịch kỹ thuật số và không dùng tiền mặt. Theo số liệu của Nhà nước, chỉ 31% người trưởng thành ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng và hơn 95% giao dịch thanh toán được thực hiện bằng tiền mặt và vàng. Thậm chí người dân còn có thể mua bất động sản bằng vàng, bổ sung thêm cho tiền mặt.

    Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), người tiêu dùng Việt Nam đã mua 43 tấn vàng vào năm 2022, tăng 37% so với năm trước, là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á và nằm trong top 10 nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.

    Thứ hai là thiếu hụt nguồn cung vàng. Kể từ năm 2014, NHNN đã không phát hành thêm vàng miếng ra thị trường để kiểm soát lượng vàng trong lưu thông, hạn chế đầu cơ và bảo đảm ổn định kinh tế. Do vậy mà vàng miếng SJC còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ để phục vụ nhu cầu bán lẻ trong nước cũng như nhu cầu xuất khẩu. Điều này càng gia tăng mức độ thiếu hụt nguồn cung vàng trong nước.

    Ngoài ra, Việt Nam có một số mỏ vàng, nhưng sản lượng không lớn, do vậy mà có sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, việc NHNN độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng thông qua SJC đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung vàng tại Việt Nam.

    Hơn nữa, Việt Nam dùng ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Nếu nhập khẩu lượng vàng quá lớn có thể gây áp lực lên tỷ giá bởi sẽ khiến nguồn ngoại tệ bị suy giảm, do vậy mà số lượng vàng nhập khẩu cũng phải được đảm bảo ở mức vừa phải. Và, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đánh đổi ngoại tệ để nhập khẩu lượng lớn vàng sẽ ảnh hưởng dự trữ ngoại hối ở mức cao để hỗ trợ xuất nhập khẩu, bảo đảm khả năng thanh toán của nền kinh tế và ổn định tỷ giá.

    Hai yếu tố trên dẫn đến tình trạng "sốt" giá vàng và chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước ngày càng lớn. Cầu cao hơn cung là yếu tố chính dẫn đến các cơn sốt giá vàng trong nước. Mặt khác, bất ổn địa chính trị và kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân chính.

    Trước đây, Nghị định 24 ra đời khi giá vàng thế giới đứng ở mức 1,670 USD/ounce và giá vàng trong nước là 42.5 triệu đồng/lượng. Nhưng tới nay, vào cuối 2023, giá vàng thế giới đã vượt 2,054 USD/lượng và giá vàng trong nước có lúc lên tới mức kỷ lục 80.3 triệu đồng/lượng, khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có lúc tăng vọt lên khoảng 20 triệu đồng/lượng. Hiện, mức chênh lệch này chỉ còn khoảng 13-15 triệu đồng, nhưng vẫn là quá cao so với trong quá khứ.

    Hơn nữa, tình trạng thiếu cung còn dẫn đến nguồn cung vàng buôn lậu vào Việt Nam ngày càng gia tăng, càng gây áp lực lên giá vàng trong nước.

    Thứ tư là giá vàng thế giới có mối quan hệ mật thiết và ngược chiều với chính sách tiền tệ của Mỹ. Các quyết định về lãi suất của Fed là động lực chính cho biến động giá vàng. Khi Fed tăng lãi suất, các tài sản sinh lãi như trái phiếu và tài khoản tiết kiệm sẽ trở nên hấp dẫn hơn so với vàng, vốn không mang lại lãi suất. Do vậy, lãi suất cao hơn có thể dẫn đến giá vàng thấp hơn. Ngược lại, khi Fed hạ lãi suất, vàng trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn hơn, có khả năng đẩy giá của nó lên cao.

    Từ năm 2024, chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ được nới lỏng hơn với dự đoán sẽ có 3 đợt giảm lãi suất. Điều này sẽ nhiều khả năng gây áp lực lên giá vàng thế giới và thậm chí khiến giá vàng trong nước tiếp tục leo cao hơn, có thể tiếp tục thúc đẩy cơn sốt vàng trong năm nay. Theo dự đoán của Cơ quan Dự báo Kinh tế EFA, Mỹ, giá vàng năm 2024 có thể đạt đỉnh tới 2,489 USD/ounce.

    Thứ năm là sự trỗi dậy của thị trường vàng online. Sự xuất hiện của các kênh mua vàng online đang thu hút sự chú ý ở Việt Nam. Người tiêu dùng, nhất là những người trẻ, đang có xu hướng tìm đến các kênh có thể "lưu trữ" vàng giúp họ trên nền tảng số. Đây được xem là chất xúc tác mới cho thị trường vàng Việt Nam cũng như giá vàng mà NHNN và các cơ quan liên quan cần phải quan tâm đến, để tránh tình trạng "sốt ảo" của giá vàng.

    Thị trường vàng cần có những sửa đổi, bổ sung gì?

    "Giá vàng thế giới tăng 1 mà trong nước tăng 3 là không thể chấp nhận được.", Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận xét. Đồng thời cho rằng việc sửa Nghị định 24/2012 trong giai đoạn hiện nay là điều cần thiết, và cần xem xét lại vai trò của SJC và NHNN trong việc quản lý cung ứng vàng hiện nay. Theo đó, các chuyên gia trong lĩnh vực có những đề xuất về việc sửa đổi Nghị định 24/2012, bao gồm:

    Ngưng cơ chế độc quyền thị trường vàng

    Việc cho phép các công ty vàng uy tín và có khả năng khác ở Việt Nam nhập khẩu vàng sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh trong thị trường. Sự cạnh tranh này có thể dẫn đến việc định giá và khả năng tiếp cận vàng một cách thực tế và minh bạch hơn. Chẳng hạn như nhìn vào trường hợp của Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia tiêu thụ vàng vật chất hàng đầu thế giới, đã từng áp đặt kiểm soát nghiêm ngặt thị trường vàng nhưng sau đó cũng chuyển hướng sang thị trường tự do hơn và đã giúp thị trường này trở nên ổn định theo xu hướng phát triển hơn.

    Vì vậy, sự tham gia trực tiếp của NHNN Việt Nam vào việc sản xuất và kinh doanh vàng miếng được cho là chỉ nên diễn ra trong ngắn hạn. Và, theo xu hướng hội nhập với thế giới, nên có những cải cách về mô hình quản lý thị trường vàng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

    Thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia

    Để tăng cường minh bạch và hiệu quả trong giao dịch vàng, có sự đề xuất thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia, từ đó cung cấp một môi trường được quản lý cho các nhà cung ứng vàng, có khả năng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và ổn định giá cả. Việc này sẽ giúp người dân không phải cất giữ vàng miếng trong nhà với nhiều rủi ro mất mát, đồng thời kiểm soát hợp nhất các sàn giao dịch vàng online mới nổi hiện nay với cơ chế theo Nhà nước quy định.

    Cơ hội đi kèm với thách thức

    Mặc dù việc sửa đổi Nghị định 24/2012 có thể mở ra cơ hội lớn cho thị trường vàng Việt Nam, nó cũng có thể đi kèm với thách thức và rủi ro cần được quản lý cẩn thận để đảm bảo sự phát triển bền vững và lợi ích chung của người tiêu dùng. Chẳng hạn như chất lượng vàng và giá cả biến động không ổn định do có quá nhiều đơn vị tham gia cung ứng. Hoặc, lo ngại về việc xuất hiện nguồn cung dư thừa nếu các doanh nghiệp nhập khẩu quá nhiều vàng, dẫn đến giảm giá vàng mạnh, ảnh hưởng đến kinh tế và nhà đầu tư.

    Nhìn chung, hiện nay không có dấu hiệu xảy ra tình trạng sốt giá vàng như trước đây, nhưng việc giá vàng trong nước liên tục "nhảy nhót" và mức chênh lệch so với giá vàng thế giới quá cao đi cùng với vấn đề nguồn cung hạn chế, là những yếu tố kêu gọi cần có những sửa đổi trong Nghị định 24 cũng như cách vận hành thị trường vàng hiện nay.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán