Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Các động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới

Nội dung

    Điểm nhấn chính: 

    - Các yếu tố như tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đầu tư, tài nguyên thiên nhiên và du lịch là những cơ chế chủ yếu thúc đẩy sự gia tăng sản lượng và thu nhập quốc gia. 

    - Các chính sách hỗ trợ và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra và duy trì các động lực tăng trưởng bền vững.    

    Các động lực tăng trưởng kinh tế 

    Động lực tăng trưởng kinh tế đề cập đến các cơ chế cơ bản thúc đẩy một nền kinh tế tiến lên với sự gia tăng về sản lượng và thu nhập quốc gia. Các động lực này bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, từ tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đầu tư đến tài nguyên thiên nhiên và du lịch.  

    Đối với các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp, việc nắm bắt những khái niệm này là điều cần thiết để đưa ra các quyết định sáng suốt, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cũng như để hiểu cách các nền kinh tế mở rộng, đổi mới và thích ứng với điều kiện toàn cầu thay đổi.   

    1. Tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng 

    Tăng trưởng dựa vào tiêu dùng (Consumer-led growth) là mô hình kinh tế trong đó việc chi tiêu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi người dân mua sắm, các doanh nghiệp tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu, mở rộng quy mô và tuyển dụng thêm lao động, từ đó tạo thu nhập và kích thích chu kỳ chi tiêu tiếp theo, đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng bền vững. 

    Mỹ là một ví dụ điển hình với mức tiêu dùng nội địa chiếm khoảng 70% GDP, tỷ lệ này duy trì ổn định trong hơn một thập niên trở lại đây. Người dân Mỹ chi tiêu nhiều cho các sản phẩm công nghệ mới, du lịch, giải trí và ăn uống ngoài. Sự đổi mới liên tục trong các sản phẩm công nghệ và dịch vụ tạo ra một thị trường tiêu dùng phong phú và đa dạng. Các công ty lớn như Apple, Google và Amazon liên tục cải tiến sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và tạo ra các xu hướng mới.  

    Năm 2022, người tiêu dùng Mỹ chi khoảng 17.4 nghìn tỷ USD cho hàng hóa và dịch vụ, với chi tiêu cho dịch vụ chiếm 66% tổng chi tiêu. Các yếu tố chính góp phần vào sự tăng trưởng này bao gồm mức tiêu dùng cao, sự tự tin của người tiêu dùng, thu nhập cao và sự sáng tạo trong hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. 

    Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người tại Mỹ đã tăng từ 14,781 USD vào năm 1959 lên 56,929 USD vào năm 2023 (giá đô la cố định năm 2017), và được hỗ trợ bởi tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, dao động từ 3-5% hàng năm (trừ những năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch), giúp duy trì sức mua và khả năng chi tiêu của người dân. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ cũng cung cấp nhiều chương trình hỗ trợ tài chính như trợ cấp thất nghiệp và chăm sóc sức khỏe, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt trong những năm gần đây, sự phát triển của ngành tài chính công nghệ (FinTech), với mức đầu tư toàn cầu đạt khoảng 210 tỷ USD vào năm 2021, trong đó Mỹ chiếm khoảng 70 tỷ USD, đã khiến các xu hướng tài chính mới nổi lên, như thanh toán di động, tiền điện tử, mô hình mua trước trả sau (BNPL) cùng với nhiều chính sách tín dụng tiêu dùng mới. Từ đó thúc đẩy việc tiếp cận tài chính và gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng.  

    Theo dữ liệu của BEA Hoa Kỳ, chi tiêu tiêu dùng đã đóng góp trung bình khoảng 2-3% vào tổng tăng trưởng GDP hàng năm của Mỹ trong giai đoạn 2013-2022. Năm 2022, khi GDP của Mỹ tăng trưởng khoảng 2.1%, chi tiêu tiêu dùng chiếm đến 1.5 điểm phần trăm của sự tăng trưởng này, tương đương với hơn 70% tăng trưởng GDP.   

    2. Tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu 

    Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu (Export-led growth) là một mô hình kinh tế mà trong đó việc sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra thị trường quốc tế đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.  

    Nhật Bản là một trong những quốc gia tiêu biểu cho mô hình này, với sự phụ thuộc mạnh vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù mô hình tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản phát triển theo thời gian được thúc đẩy bởi các yếu tố như xuất khẩu, công nghiệp, đầu tư và tiến bộ công nghệ. Nhưng trong đó tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu đặc biệt có sức ảnh hưởng từ những năm 1950 đến cuối 1980 khi Nhật Bản trở thành cường quốc sản xuất toàn cầu đối với các mặt hàng như ô tô và đồ điện tử. 

    Cụ thể, tăng trưởng GDP của Nhật Bản đạt trung bình khoảng 9-10% hàng năm trong giai đoạn 1950-1960, nhờ công nghiệp hóa nhanh chóng và các chính sách thúc đẩy xuất khẩu. Tuy trong những năm 1970-1980, tăng trưởng giảm nhẹ nhưng vẫn mạnh, trung bình khoảng 4-6% hàng năm, chủ yếu do khủng hoảng dầu mỏ và bong bóng giá tài sản làm chậm nền kinh tế tạm thời. 

    Sự thành công của Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất - xuất khẩu bắt nguồn từ chất lượng cao và sự đổi mới liên tục của sản phẩm. Các công ty nội địa đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để duy trì tính cạnh tranh, với tỷ lệ R&D trên GDP đạt 3.5%, cao hơn so với nhiều quốc gia khác. Hơn nữa, chính phủ cũng tích cực tạo điều kiện với các chính sách hỗ trợ công nghiệp, nhằm thúc đẩy xuất khẩu thông qua tỷ giá hối đoái thấp cũng như tận dụng viện trợ tái thiết từ Hoa Kỳ. 

    Ngành ô tô là một ví dụ điển hình với các hãng ô tô như Toyota, Honda và Nissan không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa Nhật mà còn có mặt mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ và châu Âu. Năm 2023, Nhật Bản đã xuất khẩu 4.42 triệu xe vào năm 2023, tăng 16% so với năm trước đó và tiếp tục giữ vai trò là nước xuất khẩu hàng đầu kể từ năm 2017. Ngoài ra, ngành điện tử với các thương hiệu như Sony, Panasonic và Toshiba cũng là biểu tượng của sự chất lượng và đổi mới, được xuất khẩu ra toàn thế giới, đạt giá trị xuất khẩu khoảng 68 tỷ USD vào năm 2023. 

    Trong năm 2023, Nhật Bản đạt tổng giá trị xuất khẩu 717 tỷ USD, chiếm 16.0% GDP, tỷ lệ này đạt đỉnh 21.5% vào năm 2022.     

    3. Tăng trưởng kinh tế dựa vào đầu tư 

    Tăng trưởng dựa vào đầu tư (Investment-led growth) là một mô hình tăng trưởng kinh tế mà các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp đóng vai trò chính. Đặc điểm chính của loại hình này là sự tăng trưởng mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, sản xuất công nghiệp và công nghệ.  

    Trung Quốc là ví dụ điển hình cho loại hình tăng trưởng này. Kinh tế Trung Quốc trị giá 18 nghìn tỷ USD, chiếm gần 18% GDP toàn cầu, khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ, quốc gia chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu. Đặc biệt, tuy Trung Quốc chỉ chiếm 13% tiêu dùng toàn cầu nhưng lại chiếm tới 32% tổng đầu tư toàn cầu. 

    Trên toàn cầu, theo Ngân hàng Thế giới, đầu tư chiếm trung bình 25% GDP của mỗi quốc gia và dao động trong khoảng từ 23% - 27% trong thế kỷ này. Các nền kinh tế phát triển thường đầu tư từ 18% đến 20% GDP, trong khi các quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh thường đầu tư lên  tới 30-34% GDP. Trong số đó, Trung Quốc là một trường hợp ngoại lệ lớn. Hiện tại, Trung Quốc chi tới 42-44% GDP để đầu tư phát triển. Trong hai thập kỷ qua, tỷ lệ đầu tư/GDP của Trung Quốc chưa bao giờ dưới 40%, đạt đỉnh cao tới 47% vào năm 2010 - 2011. 

    Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển vượt bậc nhờ vào các khoản đầu tư khổng lồ vào các dự án cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc (nổi bật là dự án Bắc Kinh-Thượng Hải), sân bay, cảng biển và các khu công nghiệp. Trong đó có KCN Tô Châu và Khu phát triển kinh tế và công nghệ Thâm Quyến đã thu hút hàng tỷ đô la đầu tư từ cả trong và ngoài nước, biến Trung Quốc thành công xưởng của thế giới với các sản phẩm công nghiệp đa dạng từ điện tử, dệt may đến xe hơi. Có thể thấy, tăng trưởng dựa vào đầu tư đã giúp Trung Quốc chuyển mình từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tạo ra hàng triệu việc làm và nâng cao mức sống của người dân.  

    Tuy nhiên, mô hình này cũng đối mặt với những thách thức như nợ công cao và cần phải duy trì cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường. Nếu Trung Quốc duy trì tỷ lệ đầu tư cao so với GDP và GDP tiếp tục tăng trưởng ở mức 4-5% trong thập kỷ tới, thì thị phần của Trung Quốc trong GDP toàn cầu sẽ tăng chưa đến 3 điểm phần trăm, đạt 21%, trong khi thị phần đầu tư toàn cầu sẽ tăng hơn 5 điểm phần trăm, đạt 38%. Điều này có nghĩa là để tránh khủng hoảng sản xuất dư thừa toàn cầu (mà Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất), phần còn lại của thế giới sẽ phải đồng ý giảm tỷ lệ đầu tư so với GDP khoảng 1 điểm phần trăm, xuống còn 19% GDP, thấp hơn một nửa so với mức của Trung Quốc. Rõ ràng, điều này rất khó xảy ra, đặc biệt khi Hoa Kỳ, EU và Ấn Độ đang triển khai các chính sách nhằm tăng cường đầu tư nội địa.   

    4. Tăng trưởng kinh tế dựa vào tài nguyên 

    Tăng trưởng dựa vào tài nguyên (Resource-led growth) là một mô hình kinh tế mà các quốc gia dựa vào sự phong phú của tài nguyên thiên nhiên để thúc đẩy phát triển kinh tế.  

    Ví dụ điển hình là Ả Rập Saudi, quốc gia sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Ngành công nghiệp dầu mỏ chiếm khoảng 45% doanh thu ngân sách, 70% doanh thu xuất khẩu và khoảng 43% GDP của Ả Rập Saudi.

    Ngành dầu mỏ của nước này được nhiều người gọi là “Siêu cường Năng lượng” của thời hiện đại vì nó sở hữu tới 24% trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh trên toàn thế giới và là người chơi quan trọng nhất về tổng doanh thu với 136.2 tỷ USD, chiếm 20.1% thị phần thế giới, đứng trước Nga (10.9%), Iraq (6.8%) và Canada (5.8%).   Ngành công nghiệp dầu mỏ mang lại nhiều lợi thế hơn cho các nền kinh tế dựa vào tài nguyên so với các nguồn tài nguyên không tái tạo khác do tỷ lệ năng suất cao, độ bền của ngành, sự biến động giá cả và tiêu thụ toàn cầu. Dầu mỏ được sử dụng dưới dạng nhiên liệu, đầu vào trong các ngành công nghiệp và nguồn năng lượng chính trong các ngành công nghiệp, chiếm khoảng 30% tiêu thụ năng lượng của các ngành công nghiệp. 

    Tuy nhờ vào khai thác và xuất khẩu dầu mỏ, Ả Rập Saudi đã trở thành một trong những nền kinh tế giàu có nhất thế giới, nhưng các yếu tố như tỷ lệ thất nghiệp, sự kém phát triển của các ngành công nghiệp, đầu tư nước ngoài cho thấy Ả Rập Saudi đang phụ thuộc quá mức vào một lĩnh vực duy nhất. Sự phụ thuộc quá mức này có thể khiến họ dễ bị tổn thương hơn trước những biến động về giá cả trên thị trường quốc tế, cũng như đi kèm với những vấn đề về môi trường đáng lo ngại. 

    Để đối phó với những thách thức này, Ả Rập Saudi đã bắt đầu thực hiện các chính sách đa dạng hóa kinh tế như chương trình Vision 2030 nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và phát triển các ngành kinh tế khác như du lịch, công nghiệp và dịch vụ, để từ đó xây dựng một nền kinh tế bền vững hơn.   

    5. Tăng trưởng kinh tế dựa vào du lịch 

    Tăng trưởng dựa vào du lịch (Tourism-led growth) là mô hình tăng trưởng kinh tế mà ngành du lịch đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo việc làm. Các quốc gia có cảnh quan thiên nhiên đẹp, di sản văn hóa phong phú và các điểm đến hấp dẫn thường có thể tận dụng du lịch để thúc đẩy nền kinh tế của mình. 

    Ví dụ nổ bật nhất là Maldives. Với những bãi biển trắng mịn, làn nước trong xanh và các khu nghỉ dưỡng sang trọng, Maldives thu hút hàng triệu du khách quốc tế mỗi năm. Lịch sử phát triển kinh tế của Maldives cho thấy, trước đây, ngư nghiệp và nông nghiệp là hai hoạt động kinh tế chính. Năm 1980, hai ngành này đóng góp 35% GDP, trong khi du lịch chỉ chiếm 13%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi chính phủ tập trung phát triển du lịch, tỷ trọng đóng góp của ngư nghiệp và nông nghiệp trong GDP đã giảm đáng kể, trong khi du lịch trực tiếp đóng góp hơn 20% GDP và đóng góp gián tiếp tới 79% vào năm 2022. 

    Du lịch đóng góp trực tiếp vào GDP thông qua chi tiêu của du khách tại các khách sạn, nhà hàng và các hoạt động giải trí, đồng thời gián tiếp thúc đẩy các ngành liên quan như xây dựng, vận tải, nông nghiệp và dịch vụ. Sự phát triển của ngành du lịch thường kéo theo sự cải thiện của cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư. Tuy nhiên, ngành du lịch dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và bất ổn chính trị.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán