Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Bong bóng kinh tế là gì?

Nội dung

    Bong bóng kinh tế là gì?

    Bong bóng kinh tế hay còn gọi là bong bóng tài chính/bong bóng tài sản, là một khái niệm không còn mấy xa lạ đối với hầu hết các nhà đầu tư dù mới tham gia vào thị trường đầu tư. Bong bóng kinh tế đặc trưng bởi việc tăng giá cả nhanh chóng của một hay nhiều loại tài sản đầu tư, vượt cả giá trị nội tại của chúng và sau khi tạo đỉnh là những đợt giá sụt giảm mạnh liên tiếp.

    Khi bong bóng tài chính xảy ra, hầu hết những người tham gia đều không có sự hoài nghi nào về đà tăng giá cả của tài sản đó do làn sóng đầu cơ, mà tin rằng đó thực sự là giá trị của chúng. Chỉ khi nhìn lại, sau khi bong bóng vỡ, họ mới nhận ra điều đó và cảm thấy thất vọng khi giá sụt giảm và tài sản bị bán tháo. Nhưng cũng từ đó, một số nhà kinh tế học đã xác định được 5 giai đoạn của bong bóng, xu hướng về sự hình thành và đổ vỡ của nó, nhằm ngăn những người không cẩn thận bị mắc vào bẫy tăng giá ảo tưởng đó.

    Tác động của hiện tượng bong bóng vỡ phụ thuộc vào từng lĩnh vực kinh tế có liên quan, mức độ tham gia vào thị trường và giá trị các khoản vay nợ cho hoạt động đầu tư, hay mua-bán, làm thổi phồng bong bóng.

    Ví dụ, thời kỳ bong bóng kinh tế bùng nổ năm 1989-1992 tại Nhật Bản, khi giá cổ phiếu và BĐS leo thang đã gây hệ lụy cho nền kinh tế nước này với một giai đoạn đình trệ kéo dài — giai đoạn những năm 1990 còn được gọi là “Thập niên mất mát” của nền kinh tế nước này. Bên cạnh đó, thảm họa bong bóng Dotcom (2000) tại Mỹ và bong bóng bất động sản nhà ở (2008) cũng đã từng dẫn đến những cuộc suy thoái nghiêm trọng trong kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.

    Các loại bong bóng kinh tế

    Trên thực tế, có rất nhiều loại bong bóng tài sản, bởi suy cho cùng, tính chất đầu cơ luôn hiện hữu ở hầu hết các loại tài sản đầu tư, từ tiền điện tử (như Bitcoin), cổ phiếu “meme” hay cổ phiếu “rác” (như Gamestop) đến bất động sản (BĐS) hay bất kỳ một loại hàng hóa trong đời sống thường ngày (như giấy vệ sinh). Nhưng tóm lại, bong bóng kinh tế có thể được chia thành 4 loại cơ bản:

    - Bong bóng thị trường chứng khoán: liên quan đến việc cổ phiếu tăng giá nhanh chóng, thường không tương xứng với giá trị cơ bản của công ty chúng (như thu nhập, giá trị tài sản, v.v.). Hiện tượng này có thể bao gồm thị trường chứng khoán nói chung, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) hoặc cổ phiếu trong một lĩnh vực cụ thể. Điển hình như trong lĩnh vực BĐS với hàng loạt các mã đầu cơ như FLC, DIG và L14 đều có một đợt tăng giá nhanh chóng nhờ làn sóng đầu cơ tham gia mạnh mẽ từ cuối năm 2021. Nhưng sau đó, vào năm 2022 đã đều lao dốc hơn 80% từ đỉnh khi các công ty phải đối mặt với các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ.

    - Bong bóng thị trường tài sản: liên quan đến các ngành hoặc lĩnh vực cụ thể khác trong nền kinh tế, ngoài thị trường chứng khoán. BĐS là một ví dụ điển hình. Hiện tượng bong bóng BĐS bắt nguồn từ sự gia tăng đột biến trong nhu cầu mua nhà đất khi mà nguồn cung hạn chế, qua đó đẩy giá nhà lên cao đột biến. Ngoài ra, sự tăng giá của các loại tiền tệ, cả loại tiền truyền thống (đô la Mỹ hay đồng Euro) và tiền điện tử (Bitcoin), cũng có thể được xét vào trường hợp này.

    - Bong bóng tín dụng: liên quan đến sự gia tăng đột ngột các khoản cho vay tiêu dùng, vay kinh doanh, các công cụ nợ hay các hình thức tín dụng khác. Ví dụ như vay nợ với trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, khoản vay sinh viên hoặc thế chấp.

    - Bong bóng hàng hóa: liên quan đến sự gia tăng giá cả của các mặt hàng được trao đổi trong quá trình mua bán, bao gồm nguyên vật liệu và tài nguyên, chẳng hạn như vàng, dầu mỏ, kim loại công nghiệp hoặc cây trồng nông nghiệp.

    Bong bóng thị trường chứng khoán đặc biệt có thể dẫn đến bong bóng kinh tế chung hơn, theo đó thể hiện nền kinh tế khu vực hoặc một quốc gia đó tăng trưởng với tốc độ nhanh một cách nguy hiểm; rất dễ dẫn tới lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát.

    Ví dụ như nền kinh tế Mỹ đã có tốc độ tăng trưởng vượt mức trung bình trong những năm 1920, khiến nền kinh tế trở nên quá nóng và bong bóng các thị trường bắt đầu vỡ ra, và dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 và Đại suy thoái.

    5 giai đoạn của bong bóng kinh tế

    Nhà kinh tế Hyman P. Minsky là một trong những người đầu tiên giải thích sự hình thành của tình trạng bất ổn tài chính và tác động của nó đối với nền kinh tế. Khi nghiên cứu về hiện tượng bong bóng kinh tế, ông đã xác định được 5 giai đoạn của hiện tượng này trong một chu kỳ tín dụng, là một trong những chu kỳ kinh tế mang tính định kỳ.

    1. Chuyển đổi

    Sự chuyển đổi xuất hiện khi các nhà đầu tư bị cuốn vào một xu thế mới xuất hiện trên thị trường, chẳng hạn như một phát minh công nghệ mới hoặc một mức lãi suất ưu đãi thấp chưa từng có.

    Ví dụ tiêu biểu nhất là sự sụt giảm trong lãi suất Quỹ Liên bang Hoa Kỳ từ 6.5% vào tháng 7/2000 xuống còn 1.2% vào tháng 6/2003. Việc giảm lãi suất này tạo động lực, thúc đẩy các hoạt động đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, vay nợ. Trong 3 năm đó, các khoản vay thế chấp mua nhà kỳ hạn 30 năm đã có mức giảm lãi suất đến 2.5% điểm, xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 5.23%. Từ đó, gieo mầm cho hiện tượng bong bóng BĐS, khi mà ai ai cũng đổ xô đi vay tiền để mua nhà, khiến nhu cầu nhà ở tăng mạnh, và giá cả nhà cửa tăng cao.

    2. Bùng nổ

    Việc lãi suất giảm ban đầu chỉ làm giá nhà tăng chậm, nhưng sau đó đà tăng nhanh hơn khi ngày càng có nhiều người tham gia đầu tư vào thị trường hơn, tạo tiền đề cho giai đoạn bùng nổ. Trong giai đoạn này, các thị trường đầu tư dần thu hút sự quan tâm rộng rãi của các phương tiện truyền thông. Do đó, chúng trở thành một cơ hội không thể bỏ lỡ đối với hầu hết các nhà đầu tư, từ đó dẫn đến hiện tượng sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO hay fear of missing out) và thúc đẩy nhiều hoạt động đầu cơ hơn.

    3. Hưng phấn

    Trong giai đoạn này, nhà đầu tư cần đề cao cảnh giác vì giá tài sản đã tăng quá cao, vượt xa giá trị kinh tế thực của nó. Thị trường xuất hiện ngày càng nhiều mức định giá vượt quá các mức tiêu chuẩn hay trung bình. Nhưng để làm tăng tính thuyết phục cho sự gia tăng không ngừng nghỉ của giá cả, các thước đo, số liệu dự báo của nền kinh tế và thị trường được điều chỉnh và thậm chí bị thổi phồng.

    Lúc này, lý thuyết về những kẻ ngốc hơn thường xuất hiện, nghĩa là dù thị trường có tăng cỡ nào, giá cao tới bao nhiêu, cũng sẽ có người sẵn sàng xuống tiền cho loại tài sản đó, thậm chí là bất chấp vay vốn (dù lãi suất vay ở mức cao) để tham gia vào thị trường.

    4. Chốt lãi

    Trong giai đoạn này, những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo về thời điểm bong bóng sắp bùng nổ và họ bắt đầu bán các vị thế và chốt lãi. Tuy nhiên, việc ước tính chính xác thời điểm bong bóng sắp vỡ là một điều không hề dễ dàng, cho nên không phải nhà đầu tư nào cũng đều có thể thu về lợi nhuận ở mức cao nhất và bán kịp ngay lúc đỉnh.

    5. Hoảng loạn

    Chỉ cần một sự kiện nhỏ cũng có thể chọc thủng bong bóng và làm cho các mức giá không còn được cao như trước. Trong giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư phải đối mặt với hàng loạt các cuộc gọi ký quỹ và đều muốn bán các vị thế đầu tư của họ nhanh nhất có thể. Nguồn cung áp đảo cầu khiến giá tài sản đảo chiều và lao dốc nghiêm trọng. Nhà đầu tư ồ ạt bán tháo tài sản để kịp thời chốt lãi hoặc bảo toàn vốn trước khi sự sụt giảm giá trị của chúng ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, một số đà bán tháo có thể kéo dài và khiến nhà đầu tư lỗ nặng vì một số loại tài sản đầu tư hay cổ phiếu có thể bị mất thanh khoản, do không có cầu mua.

    Nguyên nhân gây ra hiện tượng bong bóng kinh tế

    Bong bóng kinh tế có thể bắt đầu theo nhiều cách khác nhau và các yếu tố gây ra hiện tượng này thường có tương tác qua lại hoặc xảy ra đồng thời với nhau, có thể kể đến như là:

    - Giảm lãi suất: có xu hướng khuyến khích mọi người đi vay mượn nhiều hơn để chi tiêu, mở rộng sản xuất kinh hoạch và đầu tư. Lãi suất thấp cùng các điều kiện thuận lợi khác có thể khuyến khích dòng tiền đầu tư nước ngoài và gia tăng nhu cầu hàng hóa dịch vụ trong một quốc gia, qua đó có thể đẩy giá cả tăng lên.

    - Sản phẩm mới hoặc công nghệ mới: thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, tạo động lực khiến giá của nó tăng lên (thường được gọi là hiện tượng lạm phát do cầu kéo).

    - Thiếu hụt nguồn cung khiến chi phí và giá bán của tài sản tăng lên.

    Các yếu tố trên luôn nhận được sự quan tâm cao của hầu hết các nhà đầu tư cũng như các chuyên gia tài chính khi đưa ra đánh giá và quyết định đầu tư. Bởi chúng có thể khiến giá tài sản tăng lên và xa hơn nữa là thổi phồng chúng quá mức, dẫn đến hiện tượng bong bóng kinh tế xảy ra.

    Thường các yếu tố kinh tế trên chỉ là nguyên nhân dẫn đến giai đoạn Chuyển đổi và Bùng nổ trong một quy trình tạo nên bong bóng kinh tế. Còn các giai đoạn sau đó thường phụ thuộc và liên quan đến hành vi, tâm lý của các nhà đầu tư trước những biến động của thị trường. Những hành vi này bao gồm:

    - Hiệu ứng đám đông (FOMO): các nhà đầu tư sẽ có suy nghĩ phải thực hiện ngay (như là mua hay bán) những gì mọi người đang làm, bởi vì họ lo sợ sẽ bỏ lỡ những cơ hội giá trị hoặc ngược lại.

    - Suy nghĩ ngắn hạn: chỉ nhìn vào lợi nhuận trước mắt hoặc nghĩ rằng có thể "đánh bại thị trường" và rút lui nhanh chóng sau đó.

    - Bảo thủ trong nhận thức: chỉ chấp nhận những thông tin đã được chứng nhận và được nhiều người khác tin tưởng mà không cân nhắc các yếu tố khác.

    Dấu hiệu giúp nhận biết hiện tượng bong bóng kinh tế đang hình thành

    Dưới đây là một vài dấu hiệu cho thấy một khoản đầu tư cụ thể đang ở trong giai đoạn bong bóng kinh tế/tài sản:

    - Giá cả biến động bất thường: Đặc biệt là khi giá thị trường của một tài sản tăng quá nhanh và mạnh, vượt cả giá trị thực của nó.

    - Xuất hiện nhiều trên truyền thông: Khi mà các phương tiện truyền thông có xu hướng liên tục đưa thông tin, thông báo về những diễn biến của giá của một loại tài sản; lúc mà ai ai cũng nói về loại tài sản này, rất có thể là nó đang trong giai đoạn hình thành nên một bong bóng.

    - Lời “phím hàng” mua vào: Khi mà nhiều người, đặc biệt những người không có nền tảng kiến thức tài chính vững chắc, bắt đầu gieo vào suy nghĩ của bạn về một cơ hội đầu tư mới.

    Vấn đề được nhiều người bàn tán và cách “làm giàu nhanh chóng”: Xây dựng tài chính ổn định không phải là một điều không thể. Hầu hết những người giàu đều đạt được thành công bằng cách tích lũy theo thời gian thay vì kiếm lời ngắn hạn. Nếu tài sản đột nhiên được nhiều người “săn lùng” và cho là một món hời để kiếm tiền nhanh chóng, thì có thể đó là báo hiệu của hiện tượng bong bóng sắp xảy ra.

    Điều gì xảy ra khi bong bóng kinh tế vỡ?

    Bong bóng kinh tế vỡ có thể gây ra một loạt các tác động tiêu cực cho nền kinh tế. Một số có ảnh hưởng nhỏ, chỉ gây tổn thất cho một số ít lĩnh vực và kéo dài trong thời gian ngắn. Một số khác có thể gây ra sự sụp đổ cho toàn bộ thị trường chứng khoán và suy thoái kinh tế.

    Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc chủ yếu vào độ lớn của bong bóng, nó có thể liên quan đến một loại tài sản cụ thể, một lĩnh vực quan trọng như cổ phiếu công nghệ hay bất động sản nhà ở.

    Ngoài ra, các khoản vay nợ để đầu tư cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Một nghiên cứu vào năm 2015 về "bong bóng đòn bẩy tài chính", đã tiến hành kiểm tra tình trạng bong bóng tài sản ở 17 quốc gia, từ những năm 1870 và phân loại các khoản đầu tư theo hai hướng cơ bản dựa trên tín dụng: các khoản đầu tư thông qua tài trợ và vay mượn. Nghiên cứu cho thấy, nhu cầu tín dụng trên thị trường càng nhiều, thiệt hại do bong bóng kinh tế gây ra càng lớn. Trong đó, bong bóng vay nợ thường dẫn đến tình trạng suy thoái kéo dài hơn.

    Hay ví dụ đơn giản hơn, khi bạn đầu tư cổ phiếu có sử dụng tiền vay ký quỹ để gia tăng vị thế nắm giữ của mình. Khi thị trường chứng khoán lao dốc, hoặc chỉ riêng cổ phiếu của bạn mất giá mạnh, khoản lỗ của bạn sẽ được nhân lên bằng số lần bạn vay trên khoản vốn ban đầu của mình.

    Bạn có nên đầu tư trong giai đoạn bùng nổ?

    Đầu tư trong thời kỳ bong bóng có tính rủi ro cực kỳ cao, vì bạn không dự đoán chính xác được thời điểm bong bóng sẽ nổ.

    Đại dịch Covid–19, năm 2020, đã đẩy nhanh tốc độ bùng nổ của bong bóng tài sản tiền điện tử, như Bitcoin. Trong thời điểm này, rất nhiều nhà đầu tư, ngay cả các CEO trong mảng crypto cũng đều tin rằng đồng Bitcoin trong giai đoạn bùng nổ sẽ đạt ít nhất 100,000 đô la vào năm 2021. Nhưng đâu ai ngờ, đến cuối năm 2022, giá của Bitcoin chỉ ở khoảng 16,000 đô la.

    Bong bóng có thể vỡ bất cứ lúc nào

    Một khoản đầu tư tốt là một khoản đầu tư dựa trên các nguyên tắc cơ bản và thường tốt lắm là sẽ có mức lợi nhuận khoảng 6-12% hàng năm. Nhưng không ai nói chắc được điều gì, khoản đầu tư cơ bản có thể trở nên rủi ro nếu gặp phải một làn sóng đầu cơ mạnh mẽ, khiến chúng vô hình chung trở thành một bong bóng tài sản khủng lồ. Và khi chúng tăng giá do đầu cơ, bạn sẽ không thể dự đoán được khi nào giá của chúng sẽ giảm xuống. Đầu tư trong thời kỳ bong bóng, ngay cả trong giai đoạn bùng nổ, cũng giống như tham gia vào một“canh bạc”. Bạn có thể cân nhắc chốt lời vị thế của các tài sản cơ bản của mình, nếu chúng tăng vượt 10%-30% trên mức lợi nhuận kỳ vọng ban đầu mà bạn đã đưa ra.

    Theo Warren Buffet, “nếu bạn chưa xác định chính xác động thái tài chính nào phù hợp thì hãy tin vào trực giác của mình, đầu tư không nên nhàm chán, cứng nhắc và tính toán”. Tuy nhiên, bạn cũng nên tham khảo ý kiến cố vấn tài chính để lựa chọn được phương án đầu tư phù hợp giúp tăng khả năng tối ưu hóa lợi nhuận của mình, nhất là trong những giai đoạn bong bóng kinh tế/tài sản xảy ra.

    Tóm tắt:

    - “Bong bóng kinh tế” đề cập đến sự gia tăng giá cả nhanh chóng của một loại tài sản đầu tư, vượt cả giá trị cơ bản của nó, và ngay sau đó là các đợt giá sụt giảm liên tiếp.

    - Giá tài sản tăng đột ngột khiến các nhà đầu tư bất chấp rót tiền vào chúng dù mức giá cao hơn bình thường. Bong bóng kinh tế vỡ sẽ gây ra một cú giảm giá đột ngột kéo theo hiện tượng bán tháo ồ ạt, làm cho các khoản đầu tư gần như mất giá trị.

    - Có kiến thức về bong bóng trong kinh tế sẽ giúp bạn dự đoán các biến chuyển của hiện tượng này và tránh được các rủi ro tài chính không mong muốn.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán