Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Công nghiệp hoá và những tác động lên đời sống xã hội

Nội dung

    Điểm nhấn chính: 

    - Công nghiệp hoá là quá trình biến đổi nền kinh tế từ phụ thuộc vào nông nghiệp sang trọng tâm vào công nghiệp và  thúc đẩy việc phát triển các ngành sản xuất.

    - Công nghiệp hoá mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế và đời sống xã hội, tuy nhiên, cũng có một số  vấn đề khác liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu.

    Công nghiệp hoá là gì?

    Công nghiệp hoá (Industrialization) là quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế dựa trên nông nghiệp sang nền kinh tế dựa trên công nghiệp, thông qua việc phát triển các ngành sản xuất và công nghệ. Quá trình này thường đi kèm với việc sử dụng máy móc và công nghệ tiên tiến, giúp tăng cường năng suất lao động và tạo ra các sản phẩm với số lượng lớn hơn và chất lượng cao hơn.

    Công nghiệp hoá có thể được thúc đẩy bởi một loạt các yếu tố, có thể đến từ: (1) chính sách của chính phủ thông qua việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, cung cấp các ưu đãi tài chính và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng; (2) những  phát minh tiết kiệm nhân lực, chẳng hạn như máy móc và công nghệ tiên tiến, giúp tăng năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất; hoặc đơn giản là (3) tham vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp và nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng  cao. Những yếu tố này cùng nhau tạo ra một nền tảng mạnh mẽ cho sự phát triển công nghiệp và kinh tế. 

    Ví dụ nổi bật như Trung Quốc, nơi những thay đổi trong chính sách của chính phủ vào cuối thế kỷ 20 đã dẫn đến sự chuyển đổi của quốc gia này từ một nền kinh tế dựa trên nông nghiệp tự cung tự cấp sang một cường quốc sản xuất toàn cầu. Năm 1952, 83% số lao động ở Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng tính đến năm 2012,  bộ phận lực lượng lao động làm nông sụt giảm xuống chỉ còn khoảng 33%. 

    Cách mạng Công nghiệp trên thế giới 

    Ở các nước phương Tây, công nghiệp hoá thường được gắn liền với các cuộc Cách mạng Công nghiệp (Industrial revolution), tiêu biểu là Cách mạng Công nghiệp 1.0 ở Châu Âu vào cuối thế kỷ 18 và lan rộng đến Hoa Kỳ trong suốt thế kỷ 19. 

    Điểm nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được mở màn từ việc James Watt phát minh ra động cơ hơi nước vào năm 1784. Phát minh vĩ đại này đã châm ngòi cho sự bùng nổ của công nghiệp thế kỷ 19 lan rộng từ Anh đến khắp Châu Âu và Hoa Kỳ, bắt đầu từ  việc sử dụng năng lượng nước, hơi nước và cơ giới hóa sản xuất. Sau  đó là cuộc Cách mạng Công nghiệp 2.0 với sự ra đời của động cơ điện và dây chuyền lắp ráp, sản xuất hàng loạt, và Cách mạng Công nghiệp 3.0 còn gọi là kỷ nguyên máy tính và tự động hoá. 

    Hiện tại, nhân loại đang thực hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0, chủ yếu diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu và một phần Châu Á, với mục đích tạo ra các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo. 

    Bốn con hổ Châu Á 

    Ở Châu Á, cuối thế kỷ 20 đã chứng kiến sự công nghiệp hoá nhanh chóng của bốn quốc gia bao gồm Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore, hay còn được gọi là bốn con hổ Châu Á (Four Asian Tigers). Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997, nền kinh tế của bốn quốc gia này đón nhận sự tăng trưởng vượt trội liên tục nhờ các chính sách tự do thương mại và thúc đẩy xuất khẩu. 

    Nền kinh tế Hồng Kông đã trải qua công nghiệp hóa với sự phát triển của ngành dệt may trong những năm 1950. Đến những năm 1960, sản xuất tại Hồng Kông, lúc này vẫn là thuộc địa của Anh, đã phát triển và đa dạng hóa các mặt hàng sản xuất bao gồm điện tử, hàng may mặc và nhựa để xuất khẩu và tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 8.9%.

    Năm 1965, sau khi độc lập khỏi Malaysia, Hội đồng Phát triển Kinh tế Singapore đã phát triển và thông qua các chính sách kinh tế quốc gia để thúc đẩy ngành sản xuất của đất nước. Các khu công nghiệp đã được thành lập và quốc gia này cũng cung cấp các ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 1965-1973, tăng trưởng GDP thực hàng năm của Singapore đạt 12.7%. 

    Trong khi đó, Hàn Quốc và Đài Loan bắt đầu công nghiệp hóa vào giữa những năm 1960 với sự can thiệp đáng kể của chính phủ. Đối với Hàn Quốc, nước này tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp nặng và công nghệ cao và cung cấp các ưu đãi về thuế và tín dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp họ giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tương tự, Đài Loan cho thành lập các khu công nghiệp và đặc khu kinh tế với các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tài chính để thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sản xuất hàng xuất khẩu. Cả hai quốc gia này đã đạt được mức tăng trưởng trung bình 7.5% mỗi năm trong ba thập kỷ, đưa họ từ các nền kinh tế đang phát triển lên vị thế của các quốc gia phát triển.

    Tuy nhiên, nền kinh tế của bốn quốc gia này đã chịu  tổn thất nặng nề trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997. Hàn Quốc là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi áp lực nợ nước ngoài tăng cao, dẫn đến sự sụp đổ của đồng tiền quốc gia với mức giảm từ 35% đến 50%. Vào đầu năm 1997, thị trường chứng khoán ở Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore đều giảm ít nhất 60% tính theo đồng USD. 

    Chưa dừng lại,  đến cuối năm 2008 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, GDP hàng năm của cả bốn quốc gia giảm trung bình khoảng 15%. Do thị phần xuất khẩu qua Mỹ của bốn quốc gia này là rất lớn, cuộc khủng hoảng này đã làm giảm tỷ lệ xuất khẩu đi 50%, làm cho doanh thu bán lẻ giảm 3% ở Hồng Kông, 11% ở Đài Loan và 6% ở Singapore.

    Tác động của sự công nghiệp hoá 

    Về mặt tích cực, công nghiệp  hoá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống của người dân. Quá trình này thúc đẩy xây dựng các nhà máy và khu công nghiệp, hàng triệu việc làm mới được tạo ra, giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao thu nhập cho người lao động. Điều này không chỉ cải thiện mức sống của người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. 

    Các quốc gia trải qua quá trình công nghiệp hoá thường đầu tư mạnh mẽ vào giao thông, điện, nước và viễn thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và kinh doanh. Đồng thời khuyến khích tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D), thúc đẩy đổi mới và phát triển công nghệ. Từ đó thúc đẩy xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện dịch vụ công cộng, cũng như góp phần tạo ra một nền kinh tế mạnh mẽ và cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

    Ví dụ điển hình là sự phát triển kinh tế vượt bậc của Hàn Quốc. Trước những năm 1960, Hàn Quốc là một quốc gia nghèo khó, phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ vào chiến lược công nghiệp hoá mạnh mẽ, GDP của Hàn Quốc đã tăng từ khoảng 2.7 tỷ USD năm 1960 lên hơn 1.6 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Các ngành công nghiệp như điện tử, đóng tàu và ô tô phát triển mạnh mẽ, với Samsung và Hyundai trở thành những tập đoàn toàn cầu. Trong thập kỷ 1960, tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc cũng giảm từ 8% xuống còn 4%. 

    Tuy nhiên, công nghiệp hoá cũng mang lại nhiều tác động tiêu cực. Gia tăng ô nhiễm không khí, nước và đất là một trong những tác động tiêu cực lớn nhất. Thúc đẩy công nghiệp hoá yêu cầu sự mở rộng các nhà máy, xí nghiệp ảnh hưởng nặng nề tới môi trường và góp phần vào biến đổi khí hậu. Không dừng lại ở đó, sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng là một vấn đề lớn của công nghiệp hoá. Các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và nguyên liệu, dẫn đến sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên như đất rừng, dầu mỏ, than đá và kim loại.

    Ví dụ như  vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Trung Quốc. Năm 2013, mức độ ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh vượt ngưỡng an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hơn 20 lần, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho người dân. Các chính sách công nghiệp hoá, cộng với diện tích và số dân khổng lồ, khiến cho nước này hiện nay tiêu thụ hơn 50% sản lượng than toàn cầu và chiếm hơn 28% tổng lượng phát thải CO2, gây ra tác động lớn đến môi trường. 

    Công nghiệp hoá ảnh hưởng đến kết cấu xã hội như thế nào?

    Công nghiệp hoá tạo ra hàng triệu công ăn việc làm mới, thu hút và làm dịch chuyển người dân từ các trang trại và làng mạc đến các thành phố nơi các hoạt động sản xuất công nghiệp diễn ra. Một điều dễ thấy là dù những công việc tại các xí nghiệp, nhà máy có khó khăn đến đâu, chúng vẫn thường được ưa chuộc hơn so với cuộc sống bấp bênh của những gia đình nông dân phụ thuộc vào nông nghiệp và canh tác. 

    Kết quả của làn sóng di dân này chính là sự gia tăng mạnh mẽ dân số tại các thành phố, làm xuất hiện một thế hệ người tiêu dùng đô thị mới. Sự bùng nổ dân số đô thị cũng kéo theo việc các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình mọc lên để cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho những người tiêu dùng này.

    Công nghiệp hoá còn tạo ra khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Vì lẽ đó, một tầng lớp công nhân lớn cũng xuất hiện, và điều kiện sống của họ thường khắc nghiệt hơn nhiều. Sự phát triển của các công đoàn lao động là kết quả trực tiếp từ các điều kiện mà những công nhân yếu thế trong cuộc Cách mạng Công nghiệp phải đối mặt.

    Một trong những ví dụ thực tế của hiện tượng phân hoá giai cấp này chính là Cuộc cách mạng công nghiệp 1.0 tại Châu Âu, khi 2 giai cấp mới được hình thành là tư sản công nghiệp và vô sản công nghiệp. Trong đó, tư sản công nghiệp nắm tư liệu sản xuất và quyền thống trị, còn vô sản công nghiệp là những công nhân làm thuê, đời sống cơ cực. Sự chênh lệch giàu nghèo và quyền lực giữa hai giai cấp này đã dẫn đến cuộc đấu tranh giữa vô sản với tư sản qua các thời kỳ của lịch sử hiện đại.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán