Điểm nhấn chính:
- Khi so sánh đầu ra kinh tế giữa các quốc gia, các số liệu cần được chuẩn hóa về chung một loại tiền tệ, thông thường là USD.
- Bước chuyển đổi này được thực hiện có thể thông qua công cụ tỷ giá hối đoái hoặc tỷ giá điều chỉnh theo ngang giá sức mua (PPP).
Vai trò của ngang giá sức mua và tỷ giá hối đoái
Tỷ giá ngang giá sứcmua (Purchasing Power Parity - PPP) và tỷgiá hối đoái (Market exchange rate) là các công cụ quan trọng trong việc so sánh giá trị kinh tế giữa các quốc gia. Cả hai phương pháp cùng chung mục tiêu là chuẩn hóa số liệu theo một loại tiền tệ duy nhất, từ đó các phép so sánh kinh tế có ý nghĩa hơn giữa các quốc gia, tuy nhiên chúng phục vụ các mục đích khác nhau và cho ra kết quả khác nhau.
Phương pháp chuyển đổi khi so sánh các nền kinh tế
Khi so sánh đầu ra kinh tế giữa các quốc gia, như là GDP, các số liệu cần được chuẩn hóa về chung một loại tiền tệ, thông thường là USD. Bước chuyển đổi này có thể được thực hiện thông qua công cụ tỷ giá hối đoái hoặc ngang giá sức mua.
Tỷ giá hối đoái thị trường phản ánh động lực cung cầu của các loại tiền tệ trên thị trường tài chính toàn cầu, chịu ảnh hưởng của dòng chảy thương mại, lãi suất, các sự kiện địa chính trị và các hoạt động đầu cơ. Các tỷ giá này đặc biệt hữu ích cho các giao dịch tài chính, chẳng hạn như đo lường dòng tiền xuyên biên giới trong cán cân tài khoản vãng lai của nhà nước (Current account balance).
Mặt khác, PPP tập trung vào việc so sánh sức mua của các loại tiền tệ bằng cách điều chỉnh theo sự khác biệt về chi phí hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia. Một số mặt hàng và dịch vụ không phải là loại hàng hóa dịch vụ có giao thương, thương mại xuyên biên giới ví dụ như một lần cắt tóc hay giá taxi tại các quốc gia thu nhập thấp rẻ hơn nhiều so với các quốc gia thu nhập cao. Chẳng hạn, một lần cắt tóc tại Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 100,000 VND và cùng dịch vụ này ở Mỹ có giá 30 USD. Có thể thấy, nếu quy đổi giá một lần cắt tóc ở Việt Nam sang đồng USD theo tỷ giá hối đoái hiện tại (1 USD = 25,430 VND) thì một lần cắt tóc ở Việt Nam chỉ mất 4.71 USD, rẻ hơn gấp 6.3 lần so với Mỹ. Nhưng điều này không phản ánh chính xác sức mua của người Việt so với người Mỹ bởi vì mức thu nhập bình quân đầu người Việt Nam thấp hơn gấp 19 lần so với thu nhập bình quân đầu người tại Mỹ.
Nhìn chung, PPP thường được sử dụng để so sánh mức sống và quy mô kinh tế giữa các quốc gia, trong khi tỷ giá hối đoái phù hợp hơn cho các giao dịch tài chính, mặc dù tỷ giá vẫn được ưa chuộng hơn do dễ tính toán.
Ngang giá sức mua so với tỷ giá hối đoái
Tính ổn định và sự biến động
Lợi thế chính của PPP là tính chất tương đối ổn định qua thời gian. Trong khi đó, tỷ giá hối đoái có thể biến động mạnh mẽ do tác động từ các yếu tố bên ngoài, PPP dựa trên khảo sát giá và điều chỉnh dần dần, phản ánh sự khác biệt kinh tế mang tính cấu trúc hơn là các sự biến động ngắn hạn. Điều này giúp PPP đặc biệt phù hợp để so sánh về GDP và phúc lợi dài hạn giữa các quốc gia.
Ví dụ, sử dụng tỷ giá hối đoái để tổng hợp tăng trưởng GDP toàn cầu có thể dẫn đến các biến động lớn trong dữ liệu, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng trong từng quốc gia vẫn ổn định. PPP giảm thiểu được vấn đề này bằng cách cung cấp cơ sở nhất quán hơn đối với các phép đo này.
Tùy vào mục tiêu của việc phân tích
Lựa chọn giữa PPP và tỷ giá hối đoái phụ thuộc vào mục tiêu của việc phân tích. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) sử dụng các phương pháp này khác nhau để tổng hợp dữ liệu kinh tế toàn cầu. WB thường dùng tỷ giá hối đoái để tính toán trọng số cho tăng trưởng GDP thực tế của vùng và toàn cầu, trong khi IMF và OECD ưa chuộng PPP hơn.
PPP đặc biệt hữu ích trong việc nhìn nhận những đóng góp của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển vào tăng trưởng toàn cầu. Ví dụ, như thể hiện trong hình bên dưới, khi GDP được đo bằng tỷ giá hối đoái thị trường, các quốc gia có thu nhập cao chiếm 63% sản lượng toàn cầu, trong khi các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp chỉ chiếm 9%.
Tuy nhiên, dựa trên PPP điều chỉnh theo chênh lệch mức giá, cho thấy các quốc gia có thu nhập cao chỉ chiếm 47% sản lượng toàn cầu và các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp chiếm 18%. Điều này chứng tỏ rằng tỷ giá hối đoái có xu hướng định giá thấp quy mô kinh tế của các quốc gia có giá cả thấp hơn, đánh giá thấp sự đóng góp của họ vào tăng trưởng toàn cầu.
Nhược điểm của tỷ giá hối đoái
Đây là một nhược điểm chính của tỷ giá dựa trên thị trường - chúng chỉ phản ánh giá trị đối với các hàng hóa được giao dịch quốc tế. Các hàng hóa và dịch vụ không được trao đổi qua thương mại quốc tế (Nontraded goods and services) thường có giá rẻ hơn ở các quốc gia thu nhập thấp so với các quốc gia thu nhập cao. Ví dụ, dịch vụ cắt tóc ở New York đắt đỏ hơn ở Sài Gòn; hoặc giá đi taxi cùng quãng đường ở Paris cao hơn so với ở Sài Gòn.
Bất kỳ phân tích nào không tính đến sự khác biệt về giá cả của hàng hóa và dịch vụ không giao dịch quốc tế giữa các quốc gia sẽ đánh giá thấp sức mua của người tiêu dùng tại các quốc gia thị trường mới nổi và đang phát triển, từ đó dẫn đến việc đánh giá sai lầm về mức độ phúc lợi tổng thể của họ. Vì lý do này, PPP thường được coi là thước đo tốt hơn về mức độ phúc lợi tổng thể, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp.
Nhược điểm của PPP
Vấn đề lớn nhất là PPP khó đo lường hơn so với tỷ giá hối đoái. Đo lường PPP đòi hỏi phải thu thập dữ liệu lớn từ nhiều quốc gia, thường được thực hiện bởi Chương trình so sánh quốc tế (ICP), đây là một quá trình tốn nhiều nguồn lực và không thể thực hiện thường xuyên. Từ các cuộc khảo sát và thu thập dữ liêu, tỷ lệ PPP sẽ được ước tính, do vậy mà khả năng không chính xác cao là một thách thức chính. Ngoài ra, chúng không phù hợp để dùng cho việc xếp hạng các nền kinh tế, so sánh năng suất theo từng ngành cụ thể, vì ICP không bao gồm tất cả các quốc gia, có nghĩa là dữ liệu của các quốc gia bị thiếu phải được ước tính.
Trong khi PPP nổi trội hơn trong việc so sánh các nền kinh tế với nhau, tỷ giá hối đoái vẫn giữ vai trò quan trọng trong các bối cảnh cụ thể. Chúng dễ quan sát và rất quan trọng để phân tích dòng tài chính, cán cân thương mại và đánh giá tiền tệ. Tuy nhiên, tính biến động của chúng khiến chúng kém tin cậy hơn khi so sánh quy mô kinh tế hoặc theo dõi xu hướng tăng trưởng dài hạn.
Áp dụng của PPP trong các lĩnh vực phát triển trọng yếu
PPP được sử dụng để có cái nhìn chính xác về một loạt các lĩnh vực phát triển, cho phép so sánh giữa các quốc gia bằng cách điều chỉnh theo sự khác biệt về giá trị tiền tệ và sức mua. PPP được áp dụng trong các lĩnh vực phân tích như kinh tế, đói nghèo và bất bình đẳng, y tế và giáo dục, năng lượng và khí hậu, năng suất lao động, thương mại, khả năng cạnh tranh, cơ sở hạ tầng và tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Nhiều chỉ số dựa trên PPP được đưa vào cơ sở dữ liệu Chỉ số Phát triển Thế giới (WDI).
Dưới đây là một số ứng dụng chính của PPP trong các lĩnh vực phát triển cụ thể:
Nghèo đói
PPP giúp đo lường mức sống vật chất của người dân ở các quốc gia khác nhau bằng cách điều chỉnh số liệu thu nhập hoặc tiêu dùng để tính đến sự thay đổi về sức mua của tiền tệ. Điều này cho phép so sánh toàn cầu trên một quy mô chung. Ví dụ, WB sử dụng số liệu điều chỉnh theo PPP để thiết lập ngưỡng nghèo toàn cầu (International poverty line) – được xác định bởi mức thu nhập hoặc mức tiêu dùng tối thiểu hàng ngày cần thiết để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cơ bản.
- Ngưỡng nghèo quốc tế, được sử dụng để xác định tình trạng nghèo đói cùng cực, được đặt ở mức 1.90 USD một ngày (theo cơ sở PPP năm 2011). Ngưỡng này dựa trên ngưỡng nghèo của các quốc gia nghèo nhất.
- Ngưỡng nghèo 3.20 USD phản ánh ngưỡng nghèo điển hình ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
- Ngưỡng nghèo 5.50 USD dựa trên ngưỡng điển hình ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Năng suất
GDP theo PPP trên một người lao động hoặc giá trị gia tăng trên một nhân viên là thước đo năng suất lao động. Chỉ số này cho phép so sánh mức năng suất giữa các quốc gia hoặc khu vực và theo thời gian.
Mức tăng năng suất tương đối nhanh ở Nam Á (18.411 USD) và ở Đông Á và Thái Bình Dương (33.992 USD) trong hai mươi năm qua, tính đến năm 2020. Trong khi đó, Bắc Mỹ có mức năng suất cao nhất với GDP theo PPP trên một người lao động là 127.848 USD vào năm 2020.
Chi phí y tế
Các ngưỡng nghèo điều chỉnh theo PPP cũng được sử dụng để theo dõi tiến trình hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Bằng cách phân tích số người rơi xuống dưới ngưỡng nghèo 1.90 USD hoặc 3.20 USD do chi phí chăm sóc sức khỏe tự trả (out-of-pocket costs), các nhà hoạch định chính sách có thể xác định các hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính do chi phí y tế.
Ví dụ, một số hộ gia đình có thể đã vượt ngưỡng nghèo ban đầu nhưng lại bị đẩy xuống dưới ngưỡng đó do phải tự chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Dữ liệu này giúp đánh giá gánh nặng tài chính của dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đưa ra các chiến lược để giảm gánh nặng này.
Hiệu quả năng lượng quốc gia
Bằng cách kiểm tra mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP dựa trên phương pháp PPP, có thể xác định các nền kinh tế sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và các nền kinh tế có sử dụng năng lượng cường độ cao hơn. Phân tích này cũng theo dõi những thay đổi về hiệu quả năng lượng và cường độ phát thải theo thời gian, cung cấp thông tin chi tiết về các quốc gia đang đạt được tiến bộ hướng tới việc sử dụng năng lượng bền vững.
Tóm
lại, PPP vô cùng có giá trị trong việc so sánh các chỉ số phát triển giữa các quốc gia, theo dõi tiến độ và xác định các lĩnh vực cần cải thiện. Bằng cách chuẩn hóa các phép đo kinh tế, PPP cho phép hiểu sâu hơn về những thách thức và cơ hội toàn cầu trong việc giảm nghèo, năng suất, sức khỏe và hiệu quả năng lượng.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Bài viết liên quan
Sử dụng tỷ giá ngang giá sức mua hay tỷ giá hối đoái
14/01/25
Cháy rừng ở California – Ước tính thiệt hại 150 tỷ USD
13/01/25
Chỉ số PMI: Công cụ dự báo kinh tế và ứng dụng thực tế
10/01/25
Risk-free rate - Lãi suất phi rủi ro
04/01/25
Vấn đề đầu tư công tại Việt Nam
02/01/25
Ý nghĩa của dòng vốn hóa toàn cầu
31/12/24
Cơ sở hạ tầng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam
29/12/24
Câu chuyện Đầu tư cơ sở hạ tầng – Đầu tư công
27/12/24
Sử dụng tỷ giá ngang giá sức mua hay tỷ giá hối đoái
14/01/25
Cháy rừng ở California – Ước tính thiệt hại 150 tỷ USD
13/01/25
Cơ sở hạ tầng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam
29/12/24
Biên bản ghi nhớ hợp tác là gì?
19/12/24
Thiết quân luật là gì và mang ý nghĩa gì với nền kinh tế?
17/12/24
Chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội cho Đông Nam Á
09/12/24
Xu hướng Reshoring của Bắc Mỹ khi Trump tái đắc cử
01/12/24
Lá chắn Silicon giúp Đài Loan giữ vững vị thế
30/11/24