Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Vốn ODA và những điều bạn nên biết

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Quốc gia đang phát triển có thể nhận vốn ODA từ nước ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.

    - Đặc điểm nổi bật của vốn ODA là lãi suất thấp hoặc bằng 0%, và nước nhận tài trợ được trả trong khoảng thời gian dài.

    Vốn ODA là gì?

    Hỗ trợ phát triển chính thức (hay ODA, viết tắt của cụm từ Official Development Assistance), là một hình thức viện trợ từ nước ngoài, nhằm thúc đẩy, phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi cho các quốc gia đang phát triển.

    Theo pháp luật Việt Nam, vay ODA được định nghĩa cụ thể như sau: “Vay hỗ trợ phát triển chính thức (vay ODA) là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài; hoặc ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc.”

    Vốn ODA được gọi là “hỗ trợ” vì nó không tính lãi suất hoặc lãi suất thấp, và quốc gia nhận tài trợ được trả trong một khoảng thời gian dài. Điều này rất quan trọng đối với quốc gia đang phát triển, muốn vượt qua khó khăn trước mắt để phát triển trong lâu dài.

    Nguồn tài trợ ODA cho các nước đang phát triển có thể đến từ các chủ thể sau:

    - Liên hợp quốc (UN), trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), v.v.

    - Các tổ chức liên chính phủ: Liên minh Châu Âu (EU), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), v.v.

    - Các tổ chức tài chính quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), v.v.

    Phân loại vốn ODA

    Dựa trên Nghị định của Chính phủ nước ta, vốn ODA được chia làm hai loại chính dựa trên tỷ lệ hoàn lại như sau:

    1. Vốn ODA không hoàn lại: là khoản vốn ODA mà quốc gia không phải hoàn trả lại cho bên quốc gia viện trợ, được cung cấp dưới hình thức là dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

    2. Vốn ODA có hoàn lại: là vốn ODA dưới dạng vay nước ngoài với tỷ lệ viện trợ không hoàn lại từ 25% đến 35%. Cụ thể, (i) không hoàn lại ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài; hoặc (ii) không hoàn lại ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc.  

    Ngoài ra, còn có Vốn vay ưu đãi, đây là khoản vay nước ngoài có điều kiện ưu đãi hơn so với vay thương mại nhưng thành tố ưu đãi chưa đạt tiêu chuẩn của vay ODA có hoàn lại.

    Ưu và nhược điểm của vốn ODA

    Ưu điểm

    - Giúp quốc gia nhận viện trợ bổ sung nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống và góp phần xóa đói giảm nghèo.

    - Lãi suất thấp hơn nhiều so với các khoản vay khác, thường trong khoảng 1 – 2%/năm.

    - Thời gian vay vốn dài, từ 25 – 40 năm và được công thêm thời gian ân hạn, từ 8-10 năm.

    - Quốc gia nhận tài trợ ODA không phải hoàn lại tối thiểu 25% khoản vay. 

    Nhược điểm

    - Quốc gia cấp ODA thường yêu cầu kèm theo những điều kiện có lợi cho họ trong mối quan hệ với các nước nhận viện trợ về mặt kinh tế, thị trường, an ninh-quốc phòng, v.v., như gỡ bỏ hàng rào thuế quan, ưu đãi thuế

    - Quốc gia cho vay ODA có thể buộc các quốc gia nhận tài trợ phải mua hàng hóa, dịch vụ do họ cung cấp, dù chi phí có thể cao hơn bình thường. Đó là bởi vì họ lo ngại quốc gia nhận tài trợ sử dụng vốn lãng phí, tham nhũng hay người điều hành dự án thiếu kinh nghiệm sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.

    - Việc sử dụng vốn ODA không hiệu quả có thể đẩy các quốc gia nhận tài trợ vào tình trạng nợ nần và thâm hụt ngân sách. Và các Chính phủ thường tài trợ các khoản chi tiêu của mình bằng cách “in tiền”, điều này sẽ dẫn đến lạm phát và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế quốc gia.  

    Tài trợ vốn ODA cho Việt Nam

    Vốn ODA đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới của Việt Nam. Tình trạng thiếu vốn để phát triển đã được giải quyết phần nào khi ODA chính thức được rót vào Việt Nam kể từ Hội nghị về viện trợ dành cho Việt Nam (năm 1993).

    Đến nay, có trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương cung cấp vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, và Nhật Bản đứng đầu trong số các quốc gia này.

    Sau hơn 30 năm hợp tác và phát triển, kể từ năm 1992 đến năm 2023, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam trên 2,700 tỷ Yên vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và khoảng 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật. Một số dự án tài trợ ODA nổi bật của Nhật Bản có thể kể đến như: Nhà ga sân bay T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân, Bệnh viện Chợ Rẫy hữu nghị Việt-Nhật, v.v.

    Gần đây nhất, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký thỏa thuận vay ODA với Việt Nam trong năm tài khóa 2023 (từ tháng 4/2023 đến hết tháng 3/2024) với tổng trị giá gần 61 tỷ Yên (tương đương 10,672 tỷ đồng). Ba dự án được tài trợ bao gồm:

    - Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại Bình Dương (1,093 tỷ đồng)

    - Cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng (829 tỷ đồng)

    - Chương trình hỗ trợ ngân sách ODA thế hệ mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19 (8,750 tỷ đồng)

    Mặc dù tầm quan trọng của vốn ODA là không thể phủ nhận, song việc tài trợ ODA đối với Việt Nam thực tế còn gặp một số khó khăn.

    Đầu tiên là thủ tục pháp lý liên quan đến các khoản tài trợ còn phức tạp. Trưởng Đại diện JICA cho biết, "sự chậm trễ trong quy trình, thủ tục phê duyệt nội bộ của Chính phủ Việt Nam có thể khiến tổng chi phí dự án tăng do lạm phát, biến động tỷ giá, giá vật tư, thiết bị tăng cao trong thời gian dự án bị kéo dài".

    Ngoài ra, các nguồn viện trợ đang dần trở nên “kém ưu đãi” khi lãi suất tăng lên, kỳ hạn vay giảm và các điều kiện ràng buộc khắt khe hơn, khiến áp lực trả nợ của Việt Nam ngày càng tăng. Theo Bộ Tài chính nước ta, bình quân Ngân sách Nhà nước phải dành khoảng 1 tỷ USD mỗi năm để trả nợ ODA, và thời điểm phải trả nhiều nhất sẽ vào giai đoạn 2022-2025. Đây là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh ngành tài chính công của Việt Nam còn khá yếu, khi nợ công tương đối cao và liên tục tăng.

    Do đó, Việt Nam cần siết chặt ngân sách chi tiêu, tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đã ký kết hoặc đang thực hiện. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tạo cơ hội cho khối Doanh nghiệp tư nhân, vốn là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế, trong việc thực hiện các dự án ODA. Nhờ đó có thể tăng khả năng tiếp cận và tận dụng vốn ODA một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán