Điểm nhấn chính:
- Quản lý tài chính cá nhân sẽ giúp bạn theo dõi chi tiêu của mình, qua đó điều chỉnh cho hợp lý để hướng đến việc đạt được mục tiêu tài chính đã đề ra.
- Biết cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả từ sớm sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian hoàn thành kế hoạch tài chính.
Thế nào là quản lý tài chính cá nhân?
Tài chính cá nhân chỉ việc quản lý tiền bạc của mỗi cá nhân. Nó bao gồm việc lập ngân sách thu chi, quản lý tiền gửi ở ngân hàng, thế chấp tài sản cho khoản vay, đầu tư, mua bất động sản hay lập kế hoạch hưu trí. Khi nhắc đến tài chính cá nhân, cũng là nhắc đến toàn bộ ngành cung cấp dịch vụ tài chính cho cá nhân bao gồm tư vấn đầu tư, môi giới chứng khoán, ngân hàng.
Tài chính cá nhân là việc đạt các mục tiêu tài chính mà bạn đặt ra cho tương lai. Các mục tiêu tài chính của bạn có thể là ngắn hạn như tiết kiệm tiền để đi du lịch hàng năm hay mua xe hơi hoặc dài hạn hơn như tiết kiệm tiền con bạn học đại học hay tiết kiệm để mua nhà. Để đạt được mục tiêu tài chính trong tương lai, bạn đưa ra một kế hoạch tài chính cụ thể trong phạm vi tài chính của bạn ngày hôm nay, hay nói nôm na dễ hiểu là cần quản lý chi tiêu, và tiết kiệm từ ngày hôm nay.
Vì sao nhân viên văn phòng/ “dân công sở” cần quản lý tài chính cá nhân?
Ai cũng cần phải nắm vững cách quản lý tài chính cá nhân một cách thông minh. Tương tự như việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, quản lý tài chính cũng đóng một vai trò không kém phần quan trọng trong cuộc sống mỗi người, bất kể là bạn làm công việc gì. Khi tài chính ổn định, bạn sẽ có thể làm việc và hạnh phúc tận hưởng cuộc sống mà không bị áp lực về tiền bạc.
Và để đạt được điều này, điều quan trọng là bạn cần xây dựng một kế hoạch tài chính hiệu quả, bắt đầu bằng việc đánh giá tình hình tài chính hiện tại của mình.
Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả không chỉ đơn thuần là việc kiểm soát chi tiêu thông minh, mà còn bao gồm việc xây dựng quỹ tiết kiệm hiệu quả cũng như đầu tư đúng đắn.
Đối với những người làm việc văn phòng, việc lập một kế hoạch tài chính cá nhân là rất cần thiết. Dù công việc văn phòng thường mang lại một nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, nhưng nó cũng có những hạn chế như ít thời gian để làm thêm một công việc thứ hai tạo thêm thu nhập, dẫn đến thu nhập không đa dạng, bị phụ thuộc.
Một rủi ro đáng lưu ý là nếu công ty giải thể hoặc không thể trả lương đúng hạn, người lao động sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán cho các chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu bạn đã có một khoản tiết kiệm dự phòng (thường được gọi là quỹ khẩn cấp), bạn thường sẽ chủ động hơn trong việc ứng phó với những tình huống bất ngờ như vậy.
Bên cạnh đó, khi nguồn tài chính của bạn đến một ngưỡng nhất định, bạn sẽ chủ động hơn trong việc theo đuổi các đam mê (như mở cửa hàng kinh doanh riêng, đi du lịch mà không quá lo lắng về chi phí, v.v.).
Cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho dân văn phòng
Trong phần tiếp theo sau đây, Tititada sẽ chia sẻ cho bạn một số cách giúp nhân viên văn phòng, những người làm công sở có thể quản lý tài chính cá nhân hiệu quả:
1. Xác định mục tiêu tài chính
Trước khi lên kế hoạch quản lý tài chính cá nhân, bạn phải có một mục tiêu tài chính rõ ràng và thực tế. Bởi nếu không biết lý do tại sao bản thân cần phải quản lý tài chính cá nhân, bạn sẽ rất nhanh chóng bỏ cuộc và rơi vào “cạm bẫy” chi tiêu quá mức.
Một số mục tiêu cụ thể có thể là thanh toán các khoản nợ càng sớm càng tốt, độc lập tài chính, có khoản dư tiết kiệm cho đầu tư hoặc các tình huống khẩn cấp tài chính. Hiểu được mình cần gì, bạn mới có thể lên kế hoạch chi tiết và có động lực thực hiện tốt được. Theo đó, một nguyên tắc phổ biến mà bạn có thể áp dụng khi xác định mục tiêu là nguyên tắc SMART. Xem them chi tiết bài viết tại đây.
2. Lập ngân sách rõ ràng cho các khoản chi phí
Lập ngân sách cho chi phí hàng tháng kỹ lưỡng, phân bổ chi tiêu cá nhân để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Theo các chuyên gia, bạn có thể áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ để phân bổ chi tiêu cá nhân và thu nhập hàng tháng thành 6 khoản khác nhau, tương ứng với một tỷ lệ nhất định trong tổng thu nhập
- Khoản chi tiêu thiết yếu (45% tổng thu nhập)
- Tiết kiệm (15% tổng thu nhập)
- Đầu tư (15% tổng thu nhập)
- Giáo dục (10% tổng thu nhập)
- Quỹ tự do chi tiêu (10% tổng thu nhập)
- Quà tặng và từ thiện (5% tổng thu nhập)
Xem them chi tiết bài viết về quy tắc 6 chiếc lọ tại đây. Ngoài ra, bạn có thể phân bổ chi tiêu cá nhân tùy theo mục đích và độ quan trọng của từng khoảnchi tiêu. Đồng thời, bạn có thể điều chỉnh tỷ lệ phần trăm các khoản chi tiêu so với tổng thu nhập sao cho phù hợp.
3. Kiểm tra chi tiêu hàng ngày
Một cách quản lý tài chính cá nhân mà những người quản lý tài chính khôn ngoan chính là kiểm tra tài chính mỗi ngày. Việc này không yêu cầu bạn dành quá nhiều thời gian, chỉ khoảng 15 phút mỗi ngày để biết được hôm đó mình đã tiêu bao nhiêu tiền cho khoản nào, có vượt mức dự định đề ra không. Hiện nay, nhiều nền tảng ứng dụng đã được ra mắt để giúp bạn phân bổ chi tiêu cá nhân hàng ngày một cách tiện lợi. Một số ứng dụng bạn có thể tham khảo như Money Lover, Money Helper, v.v.
4. Cắt giảm chi tiêu không thiết yếu
Bên cạnh đó, bạn cũng cần lên danh sách những khoản tiền bạn cần chi ra trong tháng, để có thể dễ dàng quyết định phân bổ chi tiêu cá nhân một cách đúng đắn. Một khuyến nghị Tititada mách bạn là nên chia các khoản chi phí thành hai loại: (i) Nhu cầu và (ii) Mong muốn. Theo đó, “nhu cầu” là các khoản bạn bắt buộc phải chi vì bạn không thể sống thiếu chúng, chẳng hạn như nơi ở hay đồ ăn/thức uống, v.v. Trong khi đó, “mong muốn” là những thứ khiến bản thân hạnh phúc hơn khi có được chúng nhưng hoàn toàn không cần thiết, chẳng hạn như hoạt động giải trí hay đăng ký hội viên phòng gym,v.v. Như thế mỗi tháng, bạn đã dành ra được một khoản tiền nhỏ có thể dành tiết kiệm cho tương lai và sớm đạt được ngưỡng an toàn tài chính.
5. Lập quỹ khẩn cấp
Quỹ khẩn cấp là số tiền mà bạn cất giữ để phòng hờ cho những lúc trong tình cảnh tài chính khó khăn và eo hẹp. Quỹ này sẽ giúp bạn đảm bảo an ninh tài chính bằng cách tạo ra một tấm đệm, số dư tiền, để đáp ưng các chi phí không lường trước, như bệnh tật, sửa chữa nhà cửa, v.v. Theo các chuyên gia, một quỹ khẩn cấp đủ lớn để trang trải cho các chi phí phát sinh không lường trước nên vào khoảng 3 – 6 tháng chi phí sinh hoạt hàng tháng.
6. Lên kế hoạch trả nợ
Trong cuộc sống, chắc hẳn ai cũng có những lúc gặp khó khăn về mặt tài chính. Khi mắc nợ, ai cũng đều cảm thấy như đang “ngồi trên đống lửa” và mong muốn mình có thể nhanh chóng trả hết nợ một cách nhanh nhất.
Nếu đang có một khoản nợ chưa trả hết, bạn cần quản lý tiền của mình sao cho có đủ tiền để thanh toán đúng hạn. Đặc biệt nếu đang có nhiều khoản nợ, bạn cần quyết định xem khoản nợ nào bạn cần ưu tiên thanh toán trước. Thời gian càng dài, tiền lãi phát sinh từ khoản vay sẽ càng lớn và càng làm cho việc trả hết nợ của bạn trở nên khó khăn hơn. Do vậy, cần lên kế hoạch và thanh toán nợ càng sớm càng tốt.
7. Chuẩn bị bữa ăn tại nhà
Chi cho ăn uống, thực phẩm cũng là một khoản không nhỏ trong chi phí sinh hoạt hàng tháng. Nhiều dân công sở thường lựa chọn mua các đồ ăn sẵn vì tiện lợi, nhưng chi phí ăn uống bên ngoài thường sẽ tốn nhiều tiền hơn so với việc bạn chuẩn bị bữa ăn tại nhà.
Ngoài ra, thức ăn ngoài các hàng quán cũng không đảm bảo vệ sinh thực phẩm so với thức ăn bạn tự chuẩn bị, bạn có thể sẽ phải dành ra một khoản chi cho sức khỏe nếu như cơ thể bạn gặp trục trặc nào đó (ngộ độc thực phẩm, …). Do vậy, bạn hãy lên thực đơn ăn uống hàng tuần, tự lựa chọn thực phẩm và tự nấu ăn. Việc này không mất quá nhiều thời gian nhưng vẫn giúp bạn đảm bảo ăn uống đủ chất mà không tốn quá nhiều tiền bạc.
8. Đa dạng nguồn thu nhập
Một cách khác để giúp dân công sở quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, ngoài phân bổ chi tiêu cá nhân hợp lý là cần đa dạng nguồn thu nhập. Đặc biệt là khi bạn còn trẻ và chưa lập gia đình, đây được coi là thời điểm vàng để bạn xây dựng một nền tảng tài chính vững chắc. Theo đó, để đa dạng nguồn thu nhập, bên cạnh lương từ công ty, bạn có thể tìm thêm các công việc ngoài giờ hành chính để kiếm thêm thu nhập, như viết content, thiết kế, bán hàng online, hay bắt đầu đầu tư vào các loại tài sản tài chính.
Đặc biệt, việc đầu tư dài hạn sẽ đem lại nhiều lợi ích, nếu bạn đầu tư càng sớm. Thứ nhất là đem lại lợi nhuận tốt hơn, tiêu biểu là cổ phiếu được đánh giá là có hiệu suất đầu tư tốt hơn trong dài hạn, với hiệu suất đầu tư của VNIndex ước tính là 7.0% trong 5 năm và là 9.5% trong 10 năm; trong khi trái phiếu chính phủ 5 năm là 3.1% và 10 năm là 4.6%, gửi tiết kiệm 5 năm là 4.3% và 10 năm 4.53%.
Bên cạnh đó, việc đa dạng nguồn thu nhập còn hữu ích cho việc quản lý tài chính cá nhân của nhân viên văn phòng, bởi đây là một cách đề phòng cho tình huống bạn bị mất việc, công ty chậm trả lương,v.v. Nó giúp bạn thoải mái hơn vì không bị phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.