Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Châu Âu ngày càng tụt lại so với Mỹ

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Nền kinh tế châu Âu trong hai thập kỷ trở lại đây ngày càng tụt lại so với Mỹ.

    - Sự khó khăn của EU đang trở thành bài toán khó nhằn đối với các quốc gia thuộc khu vực.  

    Sự chênh lệch kinh tế của Mỹ và Châu Âu

    Mức tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đang cao hơn đáng kể so với Liên minh châu Âu (EU), và sự chênh lệch này ngày càng lớn. Sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ, về công nghệ, năng lượng, vốn và quốc phòng, đang dần làm suy yếu mọi kỳ vọng của EU trong việc định hình “quyền tự chủ chiến lược”.

    Từ trước đến năm 2008, nền kinh tế EU và Mỹ có quy mô gần như ngang nhau. Tuy nhiên, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, vận mệnh kinh tế của hai bên đã khác biệt đáng kể. Năm 2008, nền kinh tế của EU nhỉnh hơn Mỹ một ít, 16.2 nghìn tỷ USD so với 14.7 nghìn tỷ USD. Đến năm 2022, nền kinh tế Mỹ đã tăng lên 25.46 nghìn tỷ USD, trong khi EU và Anh cộng lại chỉ đạt 19.8 nghìn tỷ USD (riêng EU là 14 nghìn tỷ). Nền kinh tế Mỹ hiện nay đã lớn hơn gần một phần ba, và nếu không tính Vương quốc Anh, kinh tế châu Âu hiện chỉ bằng 55% của Mỹ.

    Bên cạnh đó, lạm phát của châu Âu cũng có dấu hiệu giảm nhanh hơn so với Mỹ. Theo cơ quan thống kê EU (Eurostat), lạm phát tháng 10/2023 của châu Âu chỉ tăng 2.9% svck, mức tăng chậm nhất kể từ tháng 7/2021 và lạm phát lõi từ 4.5% trong tháng 9 xuống 4.2%. Trong khi đó, CPI tháng 9 của Mỹ ghi nhận mức tăng 3.7% svck, bằng tháng 8 và tăng so với mức 3.2% trong tháng 7. 

    GDP quý III/2023 của 20 quốc gia thuộc eurozone giảm 0.1% so với cùng kỳ, sau khi chỉ tăng 0.2% trong quý trước. Nguyên nhân là do lãi suất khu vực đã tăng cao kỷ lục trong bối cảnh kiểm soát tác động từ lạm phátNgân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện lần tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp vào ngày 14/09/2023 vừa qua, lên mức cao kỷ lục 4%. Điều này đã làm sụt giảm hoạt động kinh tế của các quốc gia, tiêu biểu nhất là Đức, Pháp – hai nền kinh tế lớn nhất khu vực (GDP quý III của Đức giảm 0.1%). Trong khi đó, GDP của Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng vượt xa kỳ vọng, tăng 4.9% so với cùng kỳ và gấp đôi kết quả đạt được trong quý II.

    Cuộc khảo sát đối với các doanh nghiệp tại Eurozone do S&P Global thực hiện trong tháng 10 cho thấy, các doanh nghiệp ghi nhận mức sụt giảm hoạt động kinh doanh mạnh nhất kể từ tháng 11/2020, do lượng đơn hàng giảm mạnh và các nhà quản trị mua hàng cắt giảm nhân công lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021. Trong khi đó, một cuộc khảo sát tương tự tại Mỹ cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tháng 10 có sự tăng trưởng. 

    Năm 2022 là năm mà EU chứng kiến mức thâm hụt cán cân thương mại lớn nhất tính từ mốc năm 2002, âm 432 tỷ euro. Nguyên nhân chính cho sự thâm hụt này là do giá trị nhập khẩu năng lượng tăng mạnh bắt đầu từ năm 2021 và kéo dài đến hết năm 2022.

    Đến quý II/2023, sau 6 quý ghi nhận thâm hụt thương mại, EU đã ghi nhận thặng dư thương mại trở lại nhờ giá năng lượng hạ nhiệt. Theo đó, trong quý II, giá trị xuất khẩu của EU giảm 2.0% trong khi nhập khẩu giảm 3.5%, dẫn đến thặng dư thương mại đạt 1 tỷ euro (1.06 tỷ USD). Đây được cho là mức cải thiện tích cực so với mức thâm hụt kỷ lục ghi nhận vào năm 2019, là 155 tỷ euro. Tuy vậy, bức tranh tổng quan về một châu Âu đang tụt lại phía sau, theo từng lĩnh vực, ngày càng rõ ràng hơn.  

    Các khía cạnh nổi bật khác trên bàn cân so sánh

    Cả Mỹ và EU đều đang tìm cách xoay chuyển tình thế để đạt được các chiến lược đầy tham vọng của mình. Tuy nhiên, nhờ vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng đô la cũng như sự tăng trưởng vượt bậc đã giúp Mỹ thắng thế trong cuộc đua toàn cầu.

    Lĩnh vực công nghệ châu Âu vẫn đang bị chi phối và chịu ảnh hưởng từ các “ông lớn” đến từ Mỹ, như Amazon, Microsoft và Apple. Theo thống kê, 7 công ty công nghệ lớn nhất thế giới, tính theo vốn hóa thị trường, đều thuộc về Mỹ, trong khi chỉ có hai công ty châu Âu trong Top 20, là hãng thiết bị làm chip ASML (trụ sở tại Hà Lan) và công ty phần mềm SAP (trụ sở tại Đức). Hay Trung Quốc cũng đã cho ra mắt những gã khổng lồ công nghệ cho riêng mình thì các công ty công nghệ lớn tại châu Âu phần lớn đã bị các công ty Mỹ mua lại. Tiêu biểu như Skype (Luxembourg) được Microsoft mua lại với giá 8.5 tỷ USD vào năm 2011, DeepMind (Anh) được Google mua lại vào năm 2014 với giá 400-500 triệu USD. Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng bị chi phối bởi các công ty đến từ Mỹ và Trung Quốc. Sự bùng nổ của Google, Apple, Facebook, Amazon và bây giờ là trí tuệ nhân tạo, đã hình thành “sự thịnh vượng” trên Phố Wall, với Apple trị giá 2,800 tỷ USD, Microsoft 2,400 tỷ USD, Meta và Tesla trị giá 750 tỷ USD.

    Các trường đại học hàng đầu cung cấp nguồn nhân lực cho các công ty khởi nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ xuất hiện đáng kể ở Mỹ, trong khi vắng bóng tại EU. Trong Bảng xếp hạng các trường đại học công nghệ hàng đầu thế giới của Times Higher Education (THE), Mỹ có 19 trường thuộc top 30 của bảng xếp hạng trong khi khu vực châu Âu (nếu không tính Anh) thì không có trường nào. 

    Năm 1990, châu Âu chiếm 44% thị phần trong thị trường sản xuất chất bán dẫn của thế giới và hiện là 9%; thấp hơn mức 12% của Mỹ. Cả EU và Mỹ đều đang gấp rút tăng cường năng lực của mình. Nhưng trong khi Mỹ dự kiến có 14 nhà máy bán dẫn mới đi vào hoạt động vào 2025 thì châu Âu bổ sung mới chưa tới 10 nhà máy, so với 43 cơ sở mới tại Trung Quốc và Đài Loan.

    Về mặt năng lượng, Mỹ có nguồn năng lượng khổng lồ, khác với châu Âu. Họ có nguồn năng lượng khổng lồ, là nhà sản xuất 20% lượng dầu thô của thế giới, so với 12% của Arabia Saudi và 11% của Nga.

    Cuộc cách mạng dầu khí đá phiến được coi là biến chuyển cực kỳ quan trọng, trong đó công nghệ chiết xuất dầu từ đá phiến, đã giúp Mỹ vượt Nga để trở thành quốc gia có sản lượng khí đốt lớn nhất thế giới vào năm 2010. Trong khi đó, giá năng lượng ở châu Âu hiện đang đối mặt với tình trạng tăng vọt. Cuộc xung đột tại Ukraina và việc Nga cắt giảm vận chuyển khí đốt tự nhiên đến châu Âu đã khiến chi phí năng lượng của ngành công nghiệp châu Âu đang cao gấp ba hoặc bốn lần so với các đối thủ cạnh tranh tại Mỹ. Và điều này đã dẫn đến việc nhiều nhà máy ở châu Âu đóng cửa trong thời gian vừa qua.  

    Vậy châu Âu còn đang dẫn đầu thế giới những khía cạnh gì?

    Măc dù nền kinh tế châu Âu có sự sụt giảm đáng kể song, châu Âu vẫn "ghi điểm" với một số khía cạnh nổi bật.

    Thứ nhất, nhờ quy mô của thị trường chung EU lớn nên các công ty trên toàn thế giới vẫn phải áp dụng các quy định của khối EU, theo cái được gọi là “hiệu ứng Brussels”. 

    Bên cạnh đó, châu Âu vẫn “thống trị” một số ngành công nghiệp khác. Ví dụ như du lịch, châu Âu dẫn đầu thế giới về nhu cầu du lịch quốc tế, chiếm khoảng 60% lượng khách du lịch quốc tế toàn cầu vào năm 2022. Thị trường hàng hóa xa xỉ bị chi phối bởi các công ty châu Âu, như Louis Vuitton, Kering, Chanel, L’Oréal Luxe, Hermes, Rolex, v.v. Bóng đá, môn thể thao phổ biến nhất thế giới, bị thống trị bởi các đội châu Âu, mặc dù nhiều câu lạc bộ lớn nhất hiện thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Trung Đông, Mỹ hoặc châu Á.                

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán