Đột biến rút tiền gửi tại ngân hàng (bank runs) là hiện tượng người dân "tháo chạy” khỏi ngân hàng, xảy ra khi một nhóm lớn khách hàng cố gắng rút tiền mặt từ ngân hàng cùng một lúc. Vì các ngân hàng không dự trữ nhiều tiền mặt đến vậy, nên họ phải nhờ sự trợ giúp của ngân hàng nhà nước hoặc bán bớt tài sản để đáp ứng nhu cầu rút tiền, có thể tạo ra nguy cơ vỡ nợ.
Khi khách hàng rút tiền mà ngân hàng không có đủ tiền cho khách hàng rút, thì sẽ gây ra sự hoảng loạn lớn hơn trên thị trường. Đó là lý do tại sao các vụ rút tiền ồ ạt của ngân hàng được xem là những sự kiện khốc liệt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trong giới tài chính mà các nhà đầu tư trẻ nên biết và lưu ý tới.
Tại sao mọi người lại đổ xô rút tiền mặt cùng một lúc?
Mọi người có thể đổ xô đến ngân hàng để rút tiền mặt vì nhiều lý do:
- Họ sợ ngân hàng sẽ vỡ nợ và tiền gửi của họ sẽ bị mất hết.
- Họ sợ nền kinh tế sẽ sụp đổ và cảm thấy giữ tiền trong nhà sẽ an toàn nhà.
- Họ đang cố chuyển đổi tiền mặt thành hàng hóa hoặc ngoại tệ để tránh lạm phát.
Họ lo sợ rằng một vụ rút tiền ồ ạt tại ngân hàng có thể sẽ xảy ra, và trớ trêu sau đó cũng chính họ là người góp phần gây ra vụ đột biến rút tiền gửi đó.
Có rất nhiều lý do tại sao mọi người có thể muốn rút tiền mặt của họ. Nhưng nếu bạn có 50 triệu đồng trong tài khoản thanh toán của Ngân hàng A, thì tại sao Ngân hàng A lại không có đủ tiền nếu như bạn thực sự rút số tiền đó ra?
Tại sao Đột biến rút tiền gửi là một vấn đề lớn đối với các ngân hàng?
Giả sử bạn có tài sản ròng trị giá 300 triệu đồng:
- 80 triệu đồng dưới dạng tài khoản thanh toán và tiết kiệm.
- 120 triệu đồng trong quỹ hưu trí tự nguyện và các khoản đầu tư khác.
- 100 triệu đồng tiền bạn đã trả trong tổng giá trị chiếc ô tô của bạn.
Và đột nhiên, bạn nhận được một hóa đơn y tế và các trường hợp khẩn cấp khác bất ngờ trị giá 200 triệu đồng. Bạn có thể thanh toán hóa đơn đó không? Tính theo những gì bạn sở hữu thì câu trả lời là Có. Nhưng giá trị tài sản ròng không có nghĩa là tiền mặt sẵn có trong tay bạn. 80 triệu đồng trên có thể rút ra dễ dàng và nhanh chóng, nhưng những khoản còn lại sẽ khó chuyển thành tiền mặt hơn nhiều.
Và để thanh toán hóa đơn, bạn phải tất toán các tài khoản khác, bán ô tô và thoát khỏi tất cả các vị thế đầu tư của mình trong một khoảng thời gian ngắn, để đổi lấy tiền mặt. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn có thể rút toàn bộ tiền của mình về, bạn sẽ đối mặt với những điều sau đây:
- Về cơ bản, bạn sẽ trở nên rất “nghèo”, do không còn tài sản hay quỹ tiền tiết kiệm nào.
- Và khi bạn không thể thanh toán các hóa đơn tiếp theo khác, bạn sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Về cơ bản, đó cũng là những gì xảy ra với một ngân hàng trong một vụ rút tiền ồ ạt; họ buộc phải bán và chuyển tài sản qua thành tiền mặt, và điều này sẽ khiến họ cạn kiệt về mặt tài chính.
Hoạt động của ngân hàng là đơn vị kết nối vốn trung gian. Họ huy động của người dân thông qua tài khoản vãng lai, tài khoản tiết kiệm và cho vay, và chỉ giữ một lượng tiền mặt nhỏ. Giả sử một ngân hàng có tổng tài sản là 500,000 tỷ đồng nhưng chỉ có 10,000 tỷ đồng tiền mặt.
Nếu khách hàng cố gắng rút 20,000 tỷ đồng tiền mặt trong một ngày, điều đó sẽ buộc ngân hàng phải nhanh chóng bán một số tài sản trước đáo hạn, qua đó làm giảm khả năng thanh toán của họ.
Khả năng thanh toán giảm có thể khiến khách hàng và nhà đầu tư lo ngại rằng ngân hàng sẽ vỡ nợ.
Nỗi sợ ngân hàng vỡ nợ khiến nhiều người muốn rút tiền mặt hơn.
Ngân hàng hiện buộc phải bán đi rất nhiều tài sản để đáp ứng nhu cầu tiền mặt đến nỗi họ thực sự có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Đột biến rút tiền gửi vs. Âm thầm rút tiền hàng loạt vs. Cơn hoảng loạn ngân hàng
Ngoài các vụ đột biến rút tiền gửi, bất kỳ ai tự coi mình là người có am hiểu sâu rộng về tài chính cũng nên biết về các vụ khủng hoảng rút tiền khác như:
- Đột biến rút tiền gửi (bank runs) xảy ra khi mọi người thực sự chạy đến ngân hàng để rút tiền mặt trực tiếp.
- Âm thầm rút tiền hàng loạt (silent bank runs) xảy ra khi mọi người rút tiền từ ứng dụng ngân hàng, trực tuyến; nghĩa là không trực tiếp đến ngân hàng nhưng vẫn chuyển tiền ra khỏi đó một cách hiệu quả.
- Cơn hoảng loạn ngân hàng (bank panics) xảy ra khi nhiều ngân hàng phải đối mặt với tình trạng rút tiền ồ ạt cùng một lúc, gây nguy cơ sụp đổ toàn bộ nền kinh tế trong nước.
Ví dụ các vụ Đột biến rút tiền gửi
Mỹ đã bao giờ trải qua một vụ rút tiền ngân hàng ồ ạt chưa?
Khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1929, người Mỹ liền bắt đầu rút tiền mặt ra khỏi ngân hàng và đem về nhà cất giữ, và nhét dưới đệm của họ. Nhưng không ai có thể trách họ được, bởi ngày trước, nếu ngân hàng của bạn sụp đổ với số tiền của bạn trong đó, tiền của bạn sẽ biến mất hoàn toàn. Khi có tin đồn rằng các ngân hàng đang cấm mọi người rút tiền, nó sẽ dẫn đến một sự hoảng loạn toàn diện, và khiến mọi người đổ xô đi rút tiền bằng mọi cách.
Trong suốt đầu những năm 1930, mọi người đã rút hết tiền ra khỏi ngân hàng. Ngược lại, các ngân hàng không có tiền để cho vay, vì vậy toàn bộ nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ. Đến năm 1933, Quốc hội rất cần một cách để khiến người Mỹ gửi tiền trở lại ngân hàng, vì vậy họ đã thành lập Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang, hay FDIC, về cơ bản để nói với mọi người rằng: "Nếu ngân hàng của bạn sụp đổ, chúng tôi sẽ giúp bạn."
Ngày nay, FDIC đảm bảo cho mỗi tài khoản ngân hàng của khách hàng lên tới 250,000 đô la, trong trường hợp ngân hàng mất khả năng hoàn trả.
Các biện pháp bổ sung được sử dụng để ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt của ngân hàng bao gồm vay từ các ngân hàng khác, hạn chế rút tiền mặt hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn ngân hàng trong một “kỳ nghỉ” cho đến khi cơn hoảng loạn lắng xuống.
Tại sao Nga trải qua một vụ Đột biến rút tiền gửi- mà không phải là Ukraine?
Một siêu cường hạt nhân đã xâm chiếm nước láng giềng của mình, làm nổ tung các ngân hàng theo đúng nghĩa đen, nhưng kẻ xâm lược lại phải chịu cảnh rút tiền. Tại sao lại như vậy?
Nói một cách đơn giản, Ukraine đã chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống, còn Nga thì không.
Với việc quân đội Nga tăng cường ở biên giới, chính phủ Ukraine đã nhận ra rằng họ có thể sẽ đối mặt với nguy cơ rút tiền hàng loạt tại các ngân hàng. Do đó, họ đã thiết lập trước các thỏa thuận với Ba Lan và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đảm bảo các khoản vay và ổn định đồng hryvnia của Ukraine.
Vào đêm xảy ra cuộc xâm lược, Tổng thống Zelensky (Ukraine) cũng đã đóng băng chuyển khoản điện tử (hay trực tuyến) và chỉ cho phép mỗi người Ukraine rút khoảng 3,400 USD tiền mặt. Số tiền này được cho là đủ để người Ukraine chạy trốn và tái định cư, và giúp nền kinh tế có thể “sống sót”.
Mặt khác, người Nga phải đối mặt với hoàn cảnh kinh tế tồi tệ hơn.
Ngân hàng trung ương của đất nước này đã thực hiện một số biện pháp phòng ngừa để bảo vệ đồng rúp Nga, nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã lấn át các biện pháp phòng vệ kinh tế của họ. Nga đã bị đóng băng khỏi khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ trị giá 643 tỷ đô la của họ, được lấy từ SWIFT, và đồng rúp đã giảm 40%.
Do vậy mà người Nga được xem là đang “rút ruột” các ngân hàng trên toàn quốc bằng việc rút tiền hàng loạt trong sự tuyệt vọng, muốn chuyển đổi đồng rúp của họ thành thứ gì đó, bất cứ thứ gì giữ được giá trị của nó, chẳng hạn như áo ngực Victoria's Secret, Bitcoin, thậm chí cả một phần burger Big Macs.
Tình hình ở Ukraine và Nga cho thấy một khía cạnh khác của việc rút tiền ngân hàng hàng loạt là, làm thế nào trong thời kỳ chiến tranh, một cường quốc nước ngoài có thể giúp bạn tránh được tình trạng Đột biến rút tiền gửi, hoặc, thay vào đó, kích hoạt nó như một vũ khí nhằm tấn công nền kinh tế của đối phương.
Tại Việt Nam
Trong năm 2022, một vụ Đột biến rút tiền gửi điển hình nhất xảy ra tại Ngân hàng SCB.
Khi tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát vướng phải những vấn đề liên quan đến việc phát hành trái phiếu trái phép, mọi chuyện được kết thúc với việc chủ tịch tập đoàn này và những lãnh đạo khác bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngay sau đó, đã có nhiều tin đồn được tung ra, cho rằng Vạn Thịnh Phát có nhiều liên quan đến ngân hàng SCB, và vị chủ tịch trên là cổ đông lớn của ngân hàng này, và kêu gọi mọi người nên nhanh chóng rút tiền khỏi SCB.
Đến nay, mối liên hệ thực sự giữa SCB và Vạn Thịnh Phát vẫn chưa được chính thức thừa nhận. Tuy nhiên, lãnh đạo SCB có cho biết rằng chủ tịch Vạn Thịnh Phát không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB, và vụ việc trên không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Nhưng những tin đồn thất thiệt được lan truyền quá nhanh, khiến tâm lý lo sợ mất tiền của người dân càng gia tăng, dẫn đến sự việc rút tiền ồ ạt tại ngân hàng SCB. Điều này đã gây tê liệt cục bộ hệ thống của ngân hàng và tắc nghẽn thanh khoản.
Chỉ cho đến khi Ngân hàng Nhà nước vào cuộc, khẳng định đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, và khuyên rằng “không nên rút tiền nhất là rút trước hạn, để đảm bảo quyền lợi của mình”, cộng với SCB gia tăng lãi suất tiền gửi, thì tâm lý hoảng sợ của người dân mới được dịu bớt, và thanh khoản ngân hàng cũng quay trở lại bình thường.
Bạn nên làm gì trong một vụ Đột biến rút tiền gửi ngân hàng?
Nhìn thấy hàng dài những người Nga bình thường đang cố gắng rút tiền để duy trì sinh kế của họ có thể khiến bạn tự hỏi: Liệu họ có đang hành động đúng? Và liệu sẽ có khi nào mình cũng phải chạy đến ngân hàng để rút tiền?
Việc một ngân hàng phá sản là một sự kiện có thể gây khủng hoảng đến nền kinh tế, tuy nó đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng với các luật pháp hiện hành, ngân hàng phá sản là điều rất hiếm xảy ra. Đồng thời, hiện nay hầu hết các ngân hàng tại việt Nam đều phải tham gia Bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho các khoản tiền gửi tại một tổ chức tham gia bảo hiểm khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125,000,000 đồng.
Những loại tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam bao gồm: Tiền gửi có (không) kỳ hạn; Tiền gửi tiết kiệm; Chứng chỉ tiền gửi; Kỳ phiếu; Tín phiếu; và các hình thức tiền gửi khác.
Tuy khi khủng hoảng ngân hàng xảy ra, tâm lý lo sợ là điều bình thường, nhưng các chuyên gia khuyên bạn:
- Hạn chế rút tiền gửi ra trước hạn để đảm bảo quyền lợi của tài khoản mình cũng như lãi suất kỳ vọng
- Đánh giá kỹ lưỡng tình hình chung của ngân hàng và thị trường, cũng như tính xác thực của các diễn biến trong khủng hoảng
- Không nên “tháo chạy” khỏi ngân hàng hay có tâm lý “hùa” theo đám đông chỉ vì tin đồn
- Không nên rút tiền từ ngân hàng để cất giữ vào tài khoản tiền điện tử, bởi loại tài sản này không tham gia Luật bảo hiểm tiền gửi và có tính rủi ro cao
Tóm tắt:
- Đột biến rút tiền gửi ngân hàng xảy ra khi một nhóm lớn người gửi tiền đồng loạt rút tiền khỏi ngân hàng do lo ngại rằng tổ chức sẽ mất khả năng thanh toán.
- Với nhiều người rút tiền hơn, các ngân hàng sẽ sử dụng hết dự trữ tiền mặt của họ và tạo ra rủi ro vỡ nợ cao.
- Các ngân hàng tại Việt Nam hầu hết đều tham gia Bảo hiểm tiền gửi, theo đó tiền gửi của khách hàng được bảo hiểm lên đến 125 triệu đồng.
- Bạn nên tránh rút tiền trong hoảng loạn và có tâm lý “hùa” theo đám đông chỉ vì những tin đồn chưa được xác thực, gây ra khủng hoảng cho ngân hàng.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.