Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Tăng trưởng kinh tế có làm tăng bất bình đẳng?

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Nền kinh tế tăng trưởng nhanh cũng đi đôi với việc gia tăng khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo.

    - Khi bong bóng đầu cơ hình thành, giá tăng vượt quá mức hợp lý làm cho những nhà đầu tư bị cuốn theo nguồn lợi trước mắt thay vì phân tích hợp lý.  

    Tài chính, toàn cầu hóa, công nghệ và đô thị hóa được xem là những động lực chính của tăng trưởng kinh tế song chính những điều này có thể dẫn đến bất bình đẳng trong nền kinh tế.  

    Bất bình đẳng là gì?

    Bất bình đẳng thu nhập là sự phân bổ thu nhập không đồng đều giữa các cá nhân hoặc hộ gia đình trong một nền kinh tế. Điều này là do chi phí kinh tế và chi phí xã hội mà sự bất bình đẳng đó mang lại. Bất bình đẳng có thể phản ánh sự thiếu cơ hội và dịch chuyển thu nhập, dẫn đến bất ổn xã hội và tăng trưởng kinh tế thấp hơn do không khuyến khích đầu tư vào giáo dục và vốn vật chất.

    Toàn cầu hóa, công nghệ và phát triển thị trường tài chính là những động lực chính của tăng trưởng kinh tế, nhưng do lợi ích của chúng không được phân bổ đồng đều cho toàn bộ dân số, nên chúng thường gắn liền với tình trạng bất bình đẳng gia tăng.  

    Tăng trưởng tiền lương không đồng đều

    Việc tăng trưởng tiền lương đôi lúc sẽ không đồng đều giữa các ngành kinh tế trong thị trường. Cụ thể, những ngành mang lại lợi ích đáng kể và thu hút nguồn đầu tư lớn sẽ có xu hướng tăng lương cao hơn so với những ngành còn lại. Trong một số trường hợp, người lao động trong các ngành không được ưu tiên có thể bị trì hoãn lương hoặc giảm lương dưới tác động mạnh mẽ của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn cầu.

    Bất bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nghề nghiệp

    Mặc dù nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng các nguồn lực như giáo dục và chăm sóc sức khỏe vẫn chưa được phân bổ đồng đều giữa các tầng lớp trong xã hội - đặc biệt là tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại dai dẳng. Điển hình như tầng lớp lao động nữ hay người dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội quan trọng có khả năng cải thiện cuộc sống của họ.    

    Các yếu tố kinh tế làm tăng bất bình đẳng xã hội

    1. Toàn cầu hóa

    Toàn cầu hóa là yếu tố được nhắc đến đầu tiên trong bất bình đẳng. Có rất nhiều bằng chứng chỉ ra rằng việc mở cửa thương mại nhiều hơn sẽ dẫn đến cải thiện năng suất của một quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng và giúp làm giảm bất bình đẳng.

    Tuy nhiên, không phải tất cả các nhóm thu nhập đều được hưởng lợi như nhau, nên sẽ có một số sẽ bị thiệt. Toàn cầu hóa có xu hướng thúc đẩy chuyên môn hóa kinh tế nhiều hơn, theo đó các quốc gia thường phân bổ phần lớn nguồn lực sản xuất của mình cho các ngành mà họ có lợi thế - các nhà kinh tế gọi đây là chuyên môn hóa theo lợi thế so sánh. Ví dụ, nếu ở một quốc gia lao động có tay nghề tương đối dồi dào hơn lao động phổ thông, thì quá trình chuyên môn hóa sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành sử dụng lao động có tay nghề cao hơn để sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Nếu các yếu tố khác không đổi, những người lao động có tay nghề cao được hưởng lợi (ví dụ thông qua mức lương cao hơn) và những người lao động phổ thông được hưởng lợi ít hơn, hoặc thậm chí bị thiệt hại. Đây là một cách mà toàn cầu hóa có thể làm tăng sự chênh lệch về thu nhập.

    Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và bất bình đẳng bị ảnh hưởng đáng kể bởi mức độ mở cửa của nền kinh tế. Nói đến độ mở là nói đến các rào cản thương mại là không đáng kể đối với các dòng trao đổi hàng hóa thương mại, đầu tư và dòng vốn nước ngoài, do đó các nền kinh tế có độ mở cao hơn thường có đặc điểm là tỷ trọng thương mại trên GDP lớn hơn. Mối quan hệ này có thể thay đổi theo thời gian và chuyển từ tiêu cực sang tích cực (hoặc ngược lại) khi các quốc gia vượt qua một ngưỡng giá trị nhất định về độ mở. Đối với các nền kinh tế mới nổi, tác động của tăng cường thương mại sẽ lớn hơn tác động của chuyên môn hóa, nên thường dẫn đến giảm chênh lệch – tức là không có sự đánh đổi giữa tăng trưởng và bất bình đẳng. Đối với các nền kinh tế tiên tiến thì ngược lại, độ mở càng cao thì chuyên môn hóa càng cao, bất bình đẳng càng nhiều.

    Toàn cầu hóa cũng gây ra thiệt hại đáng kể cho các nước đang phát triển. Cụ thể là, các nước đang phát triển với điều kiện kém về hạ tầng khó có thể cạnh tranh với các nước phát triển. Nếu các nước này không đáp ứng với những thay đổi toàn cầu, nguy cơ bị tụt hậu và đánh mất nhiều cơ hội kinh doanh là hoàn toàn có thể xảy ra. Mặc dù toàn cầu hóa giúp đổi mới công nghệ, tăng tiền lương,… nhưng có một điều cần lưu ý rằng: Các tập đoàn đa quốc gia thường lợi dụng sự chênh lệch tiền lương giữa các thị trường lao động khác nhau trên thế giới bằng cách chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài - nơi có mức lương rẻ hơn. Thực tiễn này không chỉ làm tăng khoảng cách thu nhập mà còn có thể góp phần tạo điều kiện cho các tập đoàn bóc lột sức lao động của người dân.

    2. Đổi mới công nghệ dẫn đến hiện trạng phân cực việc làm

    Cũng như toàn cầu hóa, đổi mới công nghệ cũng ảnh hưởng đến phân phối thu nhập trong một nền kinh tế. Toàn cầu hóa mang lại đổi mới công nghệ cho các quốc gia đang phát triển, tuy nhiên, đổi mới kỹ thuật công nghệ thường đòi hỏi một lượng kiến thức và khả năng nhất định để có thể khai thác nó hiệu quả trong quá trình sản xuất. Do đó, chúng thúc đẩy nhu cầu về những người lao động có trình độ học vấn tốt hơn và có tay nghề cao hơn, mang lại lợi ích tương đối nhiều hơn cho họ. Một bên, đổi mới công nghệ sẽ thúc đẩy tăng trưởng và mức sống trung bình, nhưng do bản chất thiên về kỹ năng, sự thay đổi này có thể làm tăng mức lương cho những lao động có tay nghề cao hơn nên dẫn đến sự bất bình đẳng cao hơn, đặc biệt ở những nơi phần lớn dân số có trình độ thấp.

    Kết quả là, khoảng cách ngày càng lớn giữa người có mức lương thấp và người có mức lương cao, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về thu nhập. Ngoài ra, sự phân cực về tiền lương ngày càng tăng - tức là mức lương được trả cao hơn với vị trí công việc quan trọng hơn cũng làm cho tình trạng bất bình đẳng này tồn tại dai dẳng trong nhiều thập kỷ.

    3. Thị trường tài chính phát triển

    Vai trò của tài chính như một động lực phát triển kinh tế, nhưng phát triển tài chính cũng có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng. Ở các khu vực tài chính vẫn còn non nớt, những hạn chế về tín dụng có xu hướng ngăn cản các cá nhân có thu nhập thấp đầu tư một cách tối ưu vào vốn con người hoặc các hoạt động kinh doanh - đồng thời duy trì một hệ thống trong đó chỉ những người giàu có mới có thể chi trả cho các khoản đầu tư chi phí cao và thu lợi từ rủi ro cao như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản,… Về sau, những đổi mới về chính sách quản lý của chính phủ, như nới lỏng các hạn chế tín dụng đã thúc đẩy cả tăng trưởng kinh tế và phân phối thu nhập bình đẳng hơn.

    Ngoài ra, ở những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh như Việt Nam, thị trường tài chính thường bị lấn át bởi đầu cơ hơn bởi phần lớn người tham gia thị trường là nhà đầu tư cá nhân, dẫn đến xu hướng tích lũy tài sản của các nhà đầu tư “cá mập” và tổ chức tài chính nhiều hơn. Đầu cơ còn khiến cho bong bóng tài sản hình thành. Theo đó, giá sẽ tăng vọt vượt quá mức hợp lý làm cho những nhà đầu tư bị cuốn theo nguồn lợi trước mắt thay vì phân tích hợp lý. Từ đó, những người tham gia muộn vào các bong bóng này sẽ đối mặt với rủi ro mất một số tiền đáng kể khi chúng vỡ tung.

    Hệ quả của những vụ nổ bong bóng rất nặng nề, nó đẩy hàng loạt hộ gia đình rơi vào cảnh nợ nần. Ngược lại, giới thượng lưu lại được lợi từ những cuộc khủng hoảng này nhờ duy trì tài chính ổn định trong bối cảnh khó khăn đồng thời tận dụng cổ phiếu giá hời…  

    Định kiến và tình trạng phân biệt đối xử

    Các định kiến cổ hủ, chẳng hạn như phân biệt giới tính và chủng tộc, có thể cản trở khả năng tiếp cận công bằng các cơ hội và nguồn lực, ngay cả ở các nền kinh tế đang phát triển. Các hành vi phân biệt đối xử trong tuyển dụng, đề bạt và tiếp cận tín dụng cũng góp phần nới rộng sự bất bình đẳng này.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán