Điểm nhấn chính:
- Toàn cầu hóa là sự lan truyền của sản phẩm, công nghệ, thông tin và việc làm giữa các quốc gia.
- Toàn cầu hóa địa phương mô tả sản phẩm hoặc dịch vụ được phát triển và phân phối trên toàn cầu nhưng cũng được điều chỉnh sao cho phù hợp với người tiêu dùng tại từng địa phương.
- Toàn cầu hóa địa phương dẫn đến sự bền vững và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.
Ngày nay, các công ty đa quốc gia đã chuyển sang mô hình toàn cầu hóa để có thể tăng trưởng và mở rộng nhanh chóng. Tuy nhiên, bản chất của các mạng lưới mở rộng này khiến họ dễ gặp phải những rủi ro bên ngoài, như thời tiết khắc nghiệt, xung đột chính tị và những nút thắt bất ngờ có thể tác động đến toàn bộ chuỗi giá trị.
Những năm gần đây, nhiều công ty đang tìm cách kết hợp cách tiếp cận mang tính bản địa hơn vào chiến lược của họ. Một sự thay đổi đang được tiến hành trong chuỗi cung ứng để chống lại sự gián đoạn này, với sự chú trọng ngày càng tăng vào việc kết hợp giữa toàn cầu và bản địa - một động thái hướng tới toàn cầu hóa bản địa.
Toàn cầu hóa là gì?
Toàn cầu hóa (Globalization) đề cập đến sự lan rộng của các sản phẩm tài chính, hàng hóa, công nghệ, thông tin và việc làm xuyên biên giới và văn hóa quốc gia. Về mặt kinh tế, nó mô tả sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên toàn cầu được thúc đẩy thông qua thương mại tự do.
Thông qua toàn cầu hóa, các tập đoàn đạt được lợi thế cạnh tranh trên nhiều mặt, họ có thể giảm chi phí vận hành bằng cách sản xuất ở nước ngoài với chi phí lao động rẻ hơn, mua nguyên liệu thô với giá rẻ hơn nhờ cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan, và trên hết, họ được tiếp cận với hàng triệu người tiêu dùng mới.
Toàn cầu hóa địa phương là gì?
Toàn cầu hóa địa phương (Glocalization) là sự kết hợp giữa toàn cầu hóa (globalization) và địa phương hóa (glocalization), đề cập đến sự gia tăng yếu tố địa phương trong các sản phẩm, dịch vụ khi một doanh nghiệp bán ra trên toàn cầu. Nghĩa là sự thích ứng của các sản phẩm và chiến lược toàn cầu với thị trường và văn hóa địa phương. Trong khi toàn cầu hóa chỉ nhấn mạnh đến quan điểm toàn cầu và sự đồng nhất, thì toàn cầu hóa địa phương lại liên quan đến việc xem xét cả quan điểm về toàn cầu và bản địa, đồng thời cho phép sự đa dạng về văn hóa.
Khi có nhiều cộng đồng hơn sử dụng các sản phẩm toàn cầu được đia phương hóa này, công ty sẽ tăng quy mô doanh thu trên toàn cầu, đồng thời giảm bớt áp lực đối với các đối thủ cạnh tranh địa phương và mở rộng thị phần của mình.
So sánh toàn cầu hóa và toàn cầu hóa địa phương
Điểm giống như giữa hai thuật ngữ này là đều được dùng để chỉ các sản phẩm và dịch vụ có tiềm năng giao dịch trên toàn cầu, và đều tạo thuận lợi cho việc kết nối các mạng lưới các công ty ở các quốc gia khác nhau, từ đó tăng cường quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, hai thuật ngữ này cũng có các điểm khác nhau nhất định.
Toàn cầu hóa đề cập đến việc phân phối và truyền bá ý tưởng, sản phẩm hoặc dịch vụ xuyên biên giới quốc gia bởi các thực thể kinh tế, chính trị hoặc xã hội. Trong khi toàn cầu hóa đòi hỏi phải phân phối một mặt hàng trên toàn cầu mà không tính đến bất kỳ sự khác biệt nào trong khu vực, thì toàn cầu hóa địa phương đảm bảo rằng sản phẩm phân phối được tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu, văn hóa và luật pháp của người dân địa phương.
Do đó, toàn cầu hóa bảo vệ hình thức của sản phẩm được nguồn ấn định để duy trì trạng thái “toàn cầu” của nó, trong khi toàn cầu hóa địa phương cho phép điều chỉnh sản phẩm để phát triển một thực thể địa phương. Toàn cầu hóa thúc đẩy sự đồng nhất của người tiêu dùng và văn hóa trên toàn thế giới, trong khi toàn cầu hóa địa phương thừa nhận sự độc đáo của truyền thống, phong tục và hành vi và tập trung vào phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu riêng biệt của khách hàng địa phương.
Dưới đây là bảng tóm tắt những khác biệt giữa toàn cầu hóa và toàn cầu hóa địa phương:
Toàn cầu hóa địa phương dẫn đến sự bền vững và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng
Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra giá trị của việc hướng tới bản địa hóa, không chỉ vì mở rộng thị phần mà còn để tăng cường nỗ lực phát triển bền vững của họ. Ví dụ, trong thời kỳ dịch COVID-19, các doanh nghiệp buộc phải thích ứng nhanh chóng, tìm ra những cách sáng tạo hơn để xây dựng khả năng phục hồi cho chuỗi cung ứng của họ và tận dụng các nguồn lực gần nơi họ sản xuất hơn một chút. Từ đó, họ trao quyền cho các công ty điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ để phù hợp hơn với nhu cầu cụ thể của thị trường địa phương.
Ngoài ra, việc trao quyền cho các nhà cung cấp và sản sản xuất địa phương để sản xuất các mặt hàng của mình, doanh nghiệp cũng có thể giảm thiểu các tác động môi trường liên quan đến vận chuyển đường dài. Không chỉ doanh nghiệp đa quốc gia được hưởng lợi, chính các nhà cung cấp địa phương và nền kinh tế khu vực cũng phát triển, bởi nó tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn và nuôi dưỡng ý thức gắn kết cộng đồng.
Việc tận dụng toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng địa phương mang lại nhiều lợi thế kinh tế theo quy mô và khả năng phục hồi tốt hơn cho các doanh nghiệp. Với sự cân bằng giữa hai yếu tố này, các công ty có thể duy trì tính cạnh tranh trong khi trở nên kiên cường và thích ứng hơn với các điều kiện thị trường thay đổi cũng như đảm bảo dòng hàng hóa và dịch vụ ổn định trong những thời điểm khó khăn như thiên tai, căng thẳng địa chính trị hoặc thiếu hụt sản phẩm.
Mặc dù chúng ta đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, nhưng xu hướng toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng địa phương có thể sẽ tiếp tục trong thị trường toàn cầu ngày càng bất ổn và năng động. Cách tiếp cận kết hợp giữa toàn cầu và địa phương cho phép các công ty tự bảo vệ mình khỏi những cú sốc khó lường trong tương lai. Một số người gọi mô hình này là phi toàn cầu hóa, nhưng có lẽ chính xác hơn, nó là “Toàn cầu hóa địa phương”.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.