Điểm nhấn chính:
- Việt Nam đã có một bước nhảy vọt 95 bậc trong xếp hạng về thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong 34 năm qua, lên thứ 28 trên toàn thế giới.
- Xét về đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam, hiện nay khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, tăng từ mức 6.1% vào năm 2000, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Điểm sáng từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã có một bước nhảy vọt 95 bậc trong xếp hạng về thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) trong 34 năm qua, lên thứ 28 trên toàn thế giới.
Theo Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/07/2023, Việt Nam đã thu hút được 16.24 tỷ USD vốn FDI, tăng 4.5% so với cùng kỳ năm ngoái.Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 3.64 tỷ USD, chiếm 22.4% tổng vốn FDI của cả nước. Và, Hà Nội là thành phố nhận vốn FDI lớn nhất trong giai đoạn này với 2.28 tỷ USD, chiếm 14.1%. Với dòng vốn đầu tư đổ vào Việt Nam và xuất khẩu phục hồi vào nửa cuối năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 4.7% trong năm 2023.
Xét về đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam, hiện nay khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, tăng từ mức 6.1% vào năm 2000, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Đồng thời, khu vực FDI cũng đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, với giá trị nộp ngân sách tăng từ 1.8 tỷ USD (giai đoạn 1994 - 2000) lên 8.4 tỷ USD trong năm 2019, chiếm khoảng 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Điều này cho thấy FDI đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy sản xuất. Điển hình như Hàn Quốc, trong khoảng thời gian chỉ trong 10 năm (2013-2023), Hàn Quốc hiện đang đứng đầu cả về số lượng dự án và số vốn FDI đổ vào Việt Nam, lên đến hơn 80 tỷ USD, trong đó phải kể đến sự đóng góp của Samsung. Năm 2022, Samsung đã xây dựng Trung tâm R&D lớn nhất tại Việt Nam và đạt kim ngạch xuất khẩu 65 tỷ USD, chiếm hơn 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Doanh nghiệp FDI cũng chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, và đóng góp khoảng 50% sản lượng công nghiệp cả nước. Các doanh nghiệp FDI đã giúp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao hiệu suất xuất khẩu cũng như góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm giúp Việt Nam dần hội nhập và phát triển một cách hiệu quả trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay.
Những vấn đề tiềm năng ở lĩnh vực FDI
Trong năm 2023, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Theo đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất điều chỉnh mức tăng từ 5-6% để đảm bảo năng suất lao động, khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiền lương. Trong khi đó, đại diện phía doanh nghiệp đề xuất chưa đến lúc tăng lương, vì áp lực đối với doanh nghiệp có thể dẫn đến tình trạng cắt giảm và người lao động mất việc làm. Nếu tăng lương cơ bản nữa, thì lợi về lao động giá rẻ để thu hút vốn FDI cũng ngày cang giảm dần.
Tuy FDI dần trở thành một điểm sáng trong thập kỷ gần đây, nhưng khu vực này có thể đối mặt với một số thách thức đang dần hình thành trong tương lai. Một số thách thức chính có thể kể đến là:
1. Giá lao động không còn rẻ
Một trong những lí do chính Việt Nam thu hút nhiều doanh nghiệp FDI phải nói đến lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp. Trong khoảng từ năm 1995, lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI chỉ ở khoảng 33,000 người, nhưng đến năm 2007, con số này đã tăng lên hơn 1.3 triệu người. Và, đến năm 2021, tăng lên khoảng 5.1 triệu người, chiếm gần 10% tổng số lao động của Việt Nam (trên 54 triệu người). Tốc độ tăng lao động trong lĩnh vực FDI trung bình đạt 7.72% mỗi năm, vượt xa tốc độ của toàn nền kinh tế nói chung. Thu nhập trung bình hàng tháng của người lao động trong các doanh nghiệp FDI đạt khoảng 10 triệu đồng, cũng vượt trội hơn 20% so với khu vực không có vốn FDI.
Theo Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), lương bình quân hàng tháng tại các khu công nghiệp ở Việt Nam đã tăng từ khoảng 130 USD vào năm 2000 lên đến khoảng 290 USD vào năm 2021, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở ngưỡng 200 USD/tháng... Điều này thể hiện mức tăng tương đối lớn trong chi phí lao động, đồng thời thách thức khả năng tiếp tục thu hút các nguồn FDI dựa vào lao động giá rẻ.
Việc chi phí lao đông cao đã trực tiếp ảnh hưởng đến một số ngành nghề, trong đó có ngành dệt may. Chưa bao giờ ngành dệt may Việt nam lại kho khăn như hiên tại. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng 2022 giảm 20% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may. Năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm do các yếu tố tỷ giá, lãi suất, tiền lương và xu thế chuyển dịch đơn hàng. Theo thống kê của trang Trading Economics chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 USD/người/tháng, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở ngưỡng 200 USD/người/tháng và cao hơn 1 số nước như Bangladesk, Campuchia, Ấn độ.
2. Giá bất động sản không còn rẻ
Theo dữ liệu từ Bộ Xây dựng, giá nhà tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua, tăng trung bình từ 7-10% mỗi năm. Điều này có thể làm tăng chi phí đầu tư và vận hành cho các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong các dự án có liên quan đến bất động sản như nhà máy, xí nghiệp quy mô lớn. Theo thống kê của CBRE, “Giá thuê đất công nghiệp trung bình của các thị trường cấp 1 ở miền Bắc đang ở mức 120 USD/m2/kỳ hạn vào cuối năm 2022, tăng 11% so với năm 2021. Và, tại miền Nam đã tăng 8-13% và đạt 166USD/m2/kỳ hạn, cao hơn khoảng 38% so với mức trung bình của khu vực miền Bắc.” Ngoài ra, việc xin giấy phép xây dựng kéo dài cũng ảnh Hưởng rất nhiều đến tiến độ xây dựng nhà máy.
3. Quy trình hành chính phức tạp
Tuy Luật Đầu tư năm 2014 đã đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy đăng ký Đầu tư Nước ngoài từ 45 ngày xuống còn 15 ngày, nhưng trên thực tế, quy trình này vẫn còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi xin giấy phép và dẫn đến chậm trong việc triển khai dự án đầu tư. Trong khi ở các nước ASEAN khác thời gian này chỉ khoảng 6-8 ngày.
Ngoài ra, một điểm bất cập nữa là, hiện visa cho expat vào Việt Nam đặc biệt khó khăn và thời gian cấp visa cho doanh nghiệp để khảo sát dự án cũng tương đối ngắn. Doanh nghiệp bản chất cũng đều là con người, khi qui trình visa và việc cấp visa cho expat kéo dài cũng gây ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là trong thời gian xây dựng dự án.
4. Cạnh tranh vốn FDI
Trong bối cảnh nỗ lực hồi phục kinh tế hiện nay, các nền kinh tế lớn đang khuyến khích việc đưa dòngvốn FDI quay trở về nước. Điển hình như Mỹ đã thực hiện chính sách giảm thuế từ 25% xuống 21% và cải cách thủ tục cấp phép đầu tư để cải thiện cạnh tranh của nhiều ngành công nghiệp. Hoặc, tại Đông Nam Á, Indonesia đã thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 22-25% xuống còn 20% vào năm 2022. Và, Thái Lan cũng đang thu hút đầu tư trong lĩnh vực thiết bị y tế và công nghệ cao, với ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm. Các chuyên gia cho biết, “việc giữ chân các doanh nghiệp lớn như Samsung ở lại Việt Nam lâu dài phụ thuộc rất lớn vào các chính sách ưu đãi đầu tư, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất – kinh doanh”.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.