Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Thuyết danh mục đầu tư hiện đại (MPT) là gì?

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Thuyết danh mục đầu tư hiện đại là một phương pháp xây dựng danh mục đầu tư đa dạng nhằm tối đa hóa lợi nhuận với mức độ rủi ro nhất định hoặc tối thiểu.

    - Đường biên hiệu quả là nền tảng của MPT, biểu thị sự kết hợp của các khoản đầu tư sẽ mang lại mức lợi nhuận cao nhất với mức rủi ro thấp nhất.

    Tìm hiểu cùng Tititada!

    Lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại (Modern portfolio theory, MPT), được phát triển bởi nhà kinh tế học Harry Markowitz vào năm 1952, đã cách mạng hóa lĩnh vực đầu tư bằng cách đưa ra một cách tiếp cận có hệ thống để xây dựng danh mục đầu tư.

    MPT dựa trên ý tưởng rằng nhà đầu tư có thể tối ưu hóa danh mục đầu tư của mình bằng cách xem xét mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận để xây dựng một danh mục đa dạng [A1] bao gồm nhiều loại tài sản. Rất nhiều lời khuyên đầu tư phổ biến ngày nay xuất phát từ lý thuyết này.  

    Nền tảng của thuyết danh mục đầu tư hiện đại

    Đường biên hiệu quả

    Cốt lõi của MPT là khái niệm về đường biên hiệu quả (Efficient frontier). Markowitz đề xuất rằng bằng cách kết hợp các loại tài sản có mức độ rủi ro và tỷ suất sinh lợi khác nhau, nhà đầu tư có thể đạt được danh mục có: i) mức lợi nhuận cao nhất có thể đối với một mức rủi ro xác định, hoặc ii) mức rủi ro thấp nhất có thể có đối với một mức lợi nhuận xác định.

    Đường biên hiệu quả được thể hiện thông qua biểu đồ với đường vẽ (đường biên) đại diện cho các danh mục đầu tư tối ưu (lợi nhuận cao nhất ở các mức rủi ro nhất định), cung cấp cho nhà đầu tư những tham khảo trực quan để đưa ra quyết định sáng suốt.

    Nguồn: FinanceStrategists

    Đa dạng hóa và rủi ro

    Đa dạng hóa là nền tảng của MPT, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dàn trải các khoản đầu tư trên các loại tài sản khác nhau để giảm thiểu rủi ro. Lý do căn bản là biến động của các tài sản thường không hài hòa hay cùng chiều với nhau; một số có thể hoạt động tốt hơn trong khi một số khác lại kém hiệu quả. Bằng cách đa dạng hóa, các nhà đầu tư có thể giảm thiểu tác động của các tài sản hoạt động kém đối với danh mục tổng thể, tạo ra chiến lược đầu tư ổn định và linh hoạt hơn.

    Như ví dụ ở hình trên, Tài sản A đại diện cho tài sản rủi ro thấp, như trái phiếu, và Tài sản B đại diện cho tài sản có rủi ro cao, như cổ phiếu. Khi bạn chỉ đầu tư 100% vào trái phiếu, mức độ rủi ro của danh mục đầu tư của bạn là rất thấp, tuy nhiên lợi nhuận cũng rất khiêm tốn.

    Khi bạn đa dạng hoá danh mục của mình bằng cách thêm cổ phiếu vào, lợi nhuận danh mục sẽ được cải thiện. Và khi tỷ trọng cổ phiếu càng tăng, hiệu suất danh mục của bạn sẽ di chuyển theo đường biên hiệu quả như trên hình, dự phóng mức lợi nhuận và rủi ro tối ưu cho danh mục tổng thể.

    Nhưng lưu ý rằng, với rủi ro hệ thống – là loại rủi ro chung của toàn bộ thị trường, không giống như rủi ro đặc thù của từng loại tài sản – việc đa dạng hóa danh mục không thể làm giảm rủi ro hệ thống vì tất cả các tài sản đều chịu chung rủi ro này.  

    Giả định của thuyết danh mục đầu tư hiện đại

    Việc e ngại rủi ro

    MPT giả định rằng các nhà đầu tư thường không thích rủi ro, nghĩa là họ thích danh mục đầu tư ít rủi ro hơn với mức lợi nhuận nhất định. Trên thực tế, việc e ngại rủi ro thường ngụ ý rằng hầu hết mọi người nên đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau.

    Lợi nhuận kỳ vọng của danh mục đầu tư được tính bằng tổng lợi nhuận của từng tài sản riêng lẻ nhân cho tỷ trọng của chúng trong danh mục. Ví dụ, một danh mục đầu tư bao gồm 04 tài sản có tỷ trọng bằng nhau (25%) với lợi nhuận kỳ vọng lần lượt là 4%, 6%, 10% và 14% thì lợi nhuận kỳ vọng của danh mục tổng thể sẽ là: (4% x 25%) + (6% x 25%) + (10% x 25%) + (14% x 25%) = 8.5%

    Rủi ro của danh mục đầu tư sẽ là hàm số của phương sai (variance) của từng tài sản và mối tương quan (correlation) của từng cặp tài sản trong danh mục. Do mối tương quan về tài sản, hay hiểu là sự đa dạng hoá của danh mục, tổng rủi ro của danh mục sẽ thấp hơn mức được tính bằng tổng trọng số rủi ro của từng tài sản riêng lẻ.

    Tỷ suất sinh lợi theo phân phối chuẩn

    MPT dựa trên giả định rằng lợi nhuận của tài sản tuân theo phân phối chuẩn (Normal distribution), nghĩa là phần lớn lợi nhuận tập trung xung quanh mức trung bình với mức độ chênh lệch (Standard deviation) có thể dự đoán được.

    Ví dụ, trong khoảng thời gian 01 tháng, cổ phiếu XYZ có biến động giá trong khoảng từ 25,000đ – 50,000đ, nhưng chỉ chạm mức giá thấp nhất và cao nhất này trong 2 phiên giao dịch khác nhau, và chỉ chủ yếu dao động quanh mức từ 30,000đ – 35,000đ với mức giá trung bình là 32,500đ.

    Như vậy, giả định phân phối chuẩn của MPT cho rằng biến động giá của cổ phiếu XYZ phần lớn tập trung xung quanh mức giá trung bình nói trên, và khó có khả năng tăng/giảm mạnh khiến giá chạm tới mức cao nhất hay thấp nhất nói trên.

    Các nhà phê bình cho rằng thị trường tài chính thường cho ra những kết quả khó lường và có độ lệch khá lớn xo với mức trung bình, khó có thể dự đoán được trước. Điều này thách thức giả định về phân phối chuẩn cũng như tính chính xác của MPT trong các tình huống thực tế.

    Tương quan liên tục và tính ổn định

    Một giả định khác của MPT là sự tương quan (Correlation) giữa lợi nhuận của các tài sản khác nhau và đặc tính thống kê của lợi nhuận (như mức trung bình hay phương sai) KHÔNG thay đổi theo thời gian. Nghĩa là mức độ biến động lợi nhuận của một tài sản này so với lợi nhuận của tài sản khác không dao động đáng kể.

    Giả định này nhằm đơn giản hóa quá trình lập mô hình đường biên hiệu quả, đồng thời cho phép nhà đầu tư đưa ra dự đoán về lợi nhuận của danh mục dựa trên hiệu suất lịch sử với giả định rằng các mô hình trong quá khứ sẽ tiếp tục trong tương lai.

    Ví dụ, Tài sản A và Tài sản B trong lịch sử có mối tương quan là 0.7, nghĩa là khi giá của Tài sản A tăng lên thì giá của Tài sản B cũng có xu hướng khá mạnh mẽ tăng lên theo cùng. Và, MPT sẽ giả định rằng mối tương quan này không đổi trong tương lai.

    Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường tài chính rất năng động và luôn bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của các điều kiện kinh tế, tiến bộ công nghệ và sự kiện địa chính trị. Những thay đổi này có thể dẫn đến những thay đổi trong mối tương quan và các đặc tính thống kê, khiến cho các giả định về mối tương quan và tính ổn định trở nên kém chính xác hơn.  

    Những thách thức và phê bình khác

    Sự kiện Thiên Nga Đen

    Thuyết danh mục đầu tư hiện đại đối mặt với sự “soi mói” và không tin tưởng trong các thời kỳ thị trường biến động mạnh mẽ, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các nhà phê bình cho rằng MPT không thể lường trước và giải quyết các sự kiện "thiên nga đen", là những sự kiện hiếm gặp và khó lường đem lại tác động sâu sắc đến thị trường.

    Việc MPT không có khả năng chỉ ra và giải quyết các rủi ro biến động ngoài phạm vi độ lệch chuẩn (hay phân phối chuẩn nói trên) dẫn đến việc tính hiệu quả của nó bị đánh giá thấp khi đối mặt với các hiện tượng cực đoan.

    Động lực thị trường và xu hướng hành vi

    Tài chính hành vi thách thức MPT bằng cách nhấn mạnh vai trò của yếu tố tâm lý trong việc quyết định đầu tư. Những thành kiến của nhà đầu tư, chẳng hạn như sự tự tin thái quá và hành vi bầy đàn, có thể dẫn đến những sai lệch so với việc ra quyết định hợp lý, ảnh hưởng đến rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng của tài sản. Các nhà phê bình cho rằng việc MPT dựa vào dữ liệu lịch sử có thể không nắm bắt được đầy đủ các sắc thái hành vi này.      


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán

      Bài viết liên quan