Điểm nhấn chính:
- Kinh doanh chênh lệch giá là việc mua và bán đồng thời một tài sản ở các thị trường khác nhau để khai thác những chênh lệch nhỏ về giá của chúng.
- Bằng cách khai thác sự kém hiệu quả của thị trường, hoạt động kinh doanh chênh lệch giá sẽ đưa thị trường về gần hơn với sự hiệu quả.
Kinh doanh chênh lệch giá là gì?
Kinh doanh chênh lệch giá (Arbitrage) là việc mua và bán đồng thời cùng một tài sản hoặc tài sản tương tự ở các thị trường khác nhau nhằm khai thác những biến động, hay chênh lệch, ngắn hạn về giá niêm yết của tài sản. Tình huống này tạo cơ hội kiếm lợi nhuận không rủi ro cho các nhà đầu tư.
Tuy kinh doanh chênh lệch giá tồn tại là do sự kém hiệu quả của thị trường, nhưng hoạt động của nó cũng vừa có thể giải quyết được sự kém hiệu quả đó.
Bởi vì, với những tiến bộ trong công nghệ, việc kiếm lợi nhuận từ các định giá không phù hợp trên thị trường đang dần trở nên vô cùng khó khăn. Nhiều hệ thống giao dịch đã được thiết kế để theo dõi biến động của các tài sản tài chính tương tự và khi có bất kỳ sự chênh lệch nào trong giá của tài sản đều được xử lý nhanh chóng và cơ hội kinh doanh chênh lệch giá liền bị loại bỏ, thường chỉ trong vài giây, và cũng nhờ vậy mà giúp thị trường trở nên hiệu quả hơn.
Cách hoạt động của Arbitrage
Định nghĩa tiêu chuẩn về kinh doanh chênh lệch giá bao gồm việc mua và bán cổ phiếu, hàng hóa hoặc tiền tệ trên nhiều thị trường để kiếm lợi từ sự khác biệt không thể tránh khỏi về giá của chúng theo từng phút. Xem các ví dụ sau:
1. Chênh lệch giá cổ phiếu
Cổ phiếu của Công ty X đang giao dịch ở mức giá 20 USD trên Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), trong khi đó, tại cùng thời điểm, nó đang giao dịch với giá 20.05 USD trên Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn (LSE).
Một nhà đầu tư nếu có sẵn cổ phiếu trên sàn LSE có thể mua cổ phiếu trên NYSE và bán ngay số cổ phiếu đó trên LSE, kiếm được lợi nhuận 5 xu trên mỗi cổ phiếu.
Nhà đầu tư có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh chênh lệch giá này cho đến khi nguồn cung cổ phiếu Công ty X trên một trong hai sàn cạn kiệt, hoặc cho đến khi giá của cổ phiếu này trên hai sàn đều bằng nhau.
2. Chênh lệch tỷ giá
Một ví dụ phức tạp hơn liên quan đến việc kênh doanh chênh lệch tỷ giá trên thị trường Forex. Theo đó, Nhà đầu tư có thể chuyển đổi một loại tiền tệ A sang loại tiền tệ B, và tiếp tục chuyển đổi tiền tệ B sang loại tiền tệ C, và cuối cùng chuyển loại tiền tệ C trở lại loại tiền tệ ban đầu là A.
Giả sử bạn có 1 triệu USD với tỷ giá hối đoái sau: USD/EUR = 1.1586, EUR/GBP = 1.4600 và USD/GBP = 1.6939.
Với những mức tỷ giá này, bạn sẽ có cơ hội kinh doanh chênh lệch giá như sau:
- Bán đô la để mua euro: 1 triệu USD / 1.1586 = €863,110
- Bán euro lấy bảng Anh: €863.100 / 1.4600 = £591,171
- Bán bảng Anh để lấy đô la: £591,171 × 1.6939 = $1,001,384
- Như vậy, phần lợi nhuận từ những giao dịch này của bạn sẽ là: 1,001,384 USD – 1,000,000 USD = 1,384 USD (giả sử không có phí giao dịch hoặc thuế).
Ngoài ra, thuật ngữ chênh lệch giá đôi khi cũng được sử dụng để mô tả các hoạt động giao dịch khác. Điển hình là kinh doanh chênh lệch giá sáp nhập, đề cập đến việc mua cổ phần của các công ty trước khi sáp nhập được công bố hoặc dự kiến, là một chiến lược phổ biến của các nhà đầu tư quỹ phòng hộ.
Những cân nhắc cần lưu ý
Giao dịch chênh lệch giá có thể là một chiến lược thú vị nhưng phức tạp, và dưới đây là những cân nhắc chính cần lưu ý cho hoạt động này.
Quản lý rủi ro: Một trong những rủi ro chính là việc giá cả có thể thay đổi nhanh chóng và việc một thị trường có biến động mạnh hơn thị trường khác. Do vậy điều quan trọng là phải thực hiện các chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả; có thể bao gồm việc đặt lệnh dừng lỗ, đa dạng hóa trên nhiều tài sản hoặc thị trường và tính toán quy mô vị thế dựa trên mức độ chấp nhận rủi ro.
Chi phí giao dịch: Giao dịch ở các thị trường khác nhau sẽ đem lại các khoản chi phí giao dịch khác nhau. Các nhà giao dịch phải cân nhắc cẩn thận những chi phí này vì chúng có thể làm xói mòn lợi nhuận tiềm năng. Ngoài ra, một số cơ hội kinh doanh chênh lệch giá có thể quá nhỏ để trang trải chi phí giao dịch một cách hiệu quả.
Công nghệ và tốc độ: Sự thành công của kinh doanh chênh lệch giá thường phụ thuộc vào tốc độ thực hiện. Chiến lược giao dịch tần số cao và thuật toán là những yếu tố cần thiết phổ biến trong kinh doanh chênh lệch giá để tận dụng các cơ hội tức thời này.
Thanh khoản thị trường: Kinh doanh chênh lệch giá sẽ khả thi hơn ở các thị trường có tính thanh khoản cao, nơi việc mua hoặc bán số lượng lớn tài sản không ảnh hưởng đáng kể đến giá của nó. Thị trường kém thanh khoản có thể đưa ra những thách thức vì việc thực hiện giao dịch có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể về giá.
Tuân thủ quy định: Các thị trường khác nhau có thể có các quy định và yêu cầu tuân thủ khác nhau. Việc không tuân thủ hay không biết đến các quy định có thể dẫn đến hình phạt và hậu quả pháp lý.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.