Điểm nhấn chính:
- Doanh nghiệp có thể tìm đến hình thức vay vốn để bổ sung nguồn lực tài chính cần thiết trong quá trình kinh doanh.
- Tùy nhu cầu, điều kiện và tiêu chí của ngân hàng, doanh nghiệp có thể vay vốn theo nhiều hình thức khác nhau.
Vay vốn kinh doanh là gì?
Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng (TCTD) (như các ngân hàng thương mại) sẽ cho khách hàng (cá nhân, chủ hộ kinh doanh, doanh nghiệp) vay một khoản tiền để sử dụng cho các mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.
Khoản vay kinh doanh là bất kỳ loại khoản vay nào dành cho mục đích kinh doanh. Ngoài mục đích sử dụng dự kiến, khoản vay kinh doanh không khác nhiều so với khoản vay cá nhân. Khái niệm này vẫn xoay quanh mối quan hệ giữa người cho vay và người đi vay, người cho mượn tiền và người cam kết trả lại vốn gốc cùng với tiền lãi.
Điều kiện để vay vốn ngân hàng
Trước khi cho khách hàng vay, các ngân hàng, hoặc các TCTD, thường xem xét các tiêu chí để xem xét liệu khách hàng có đủ điều kiện để được vay hay không. Theo đó, các điều kiện cơ bản khách hàng thường bao gồm:
- Khách hàng phải có năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật;
- Mục đích vay và sử dụng vốn minh bạch, rõ ràng, không trái pháp luật;
- Phương án sử dụng vốn khả thi;
- Tình hình tài chính ổn định, có khả năng trả khoản vay.
Phân loại hình thức vay vốn (theo phương thức cho vay)
Theo quy định, từ ngày 01/09/2023, các cá nhân, chủ hộ kinh doanh và doanh nghiệp tại Việt Nam có thể vay kinh doanh theo các phương thức sau:
- Cho vay từng lần: bên cho vay và khách hàng sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết cho mỗi lần vay
- Cho vay hợp vốn: hai TCTD trở lên cùng cho khách hàng vay để thực hiện một phương án, dự án vay vốn.
- Cho vay lưu vụ: khách hàng được cho vay nhằm nuôi trồng, chăm sóc cây, vật nuôi có tính chất mùa vụ.
- Cho vay theo hạn mức: TCTD thỏa thuận với khách hàng hạn mức cho vay tối đa duy trì trong một khoảng thời gian nhất định.
- Cho vay theo hạn mức dự phòng: TCTD cam kết sẵn sàng cho khách hàng vay trong phạm vi hạn mức dự phòng đã thỏa thuận.
- Cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán: Khách hàng được phép chi tiêu vượt số tiền khả dụng trong tài khoản thanh toán một mức thấu chi tối đa.
- Cho vay quay vòng: khách hàng được cho vay trong chu kỳ hoạt động kinh doanh kéo dài tối đa một tháng.
- Cho vay tuần hoàn (rollover): là khoản vay ngắn hạn mà khi đến hạn trả, khách hàng có quyền trả hoặc kéo dài thời hạn với điều kiện là khách hàng không có nợ xấu trước và trong quá trình vay, và tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng.
- Các phương thức kết hợp các loại trên và phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của TCTD và đặc điểm của khoản vay.
Phân loại hình thức vay vốn (theo tài sản đảm bảo)
Ngoài ra, xét theo tài sản đẩm bảo, vay vốn kinh doanh hiện nay cũng có thể chia làm 2 hình thức phổ biến, là vay thế chấp và vay tín chấp.
Vay thế chấp
Vay thế chấp là hình thức vay có tài sản thế chấp, tức là bạn sử dụng tài sản (như đất đai, nhà xưởng, v.v.) để mang đi thế chấp cho khoản vay của mình. Khi được các ngân hàng, TCTD xét duyệt khoản vay và chấp nhận hồ sơ thì các tài sản, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản (như sổ đỏ) liên quan sẽ được ngân hàng giữ lại. Sau khi bạn hoàn tất thanh toán khoản vay, ngân hàng sẽ trả lại tài sản thế chấp.
Vay tín chấp
Vay tín chấp là hình thức vay không cần tài sản đảm bảo, và các ngân hàng, TCTD sẽ xét duyệt khoản vay cho bạn dựa vào các yếu tố liên quan đến khả năng trả nợ của người vay vốn. Thông thường, các bên cho vay có thể xem xét một số yếu tố cơ bản liên quan đến người vay như:
- Mức độ uy tín: chức vụ nghề nghiệp, cấp bậc trong công việc
- Lịch sử tín dụng: đã từng/đang có các khoản vay không, lịch sử thanh toán các khoản nợ trước đó nếu có, đã từng trễ hạn trả nợ hay chưa, v.v.
- Thu nhập người vay
- Uy tín của công ty, doanh nghiệp, tổ chức nơi bạn đang làm việc
Thông qua việc xem xét các yếu tố trên, các TCTD, ngân hàng sẽ đưa ra quyết định về khoản vay, như số tiền cho vay, thời hạn cho vay, v.v.
Do đó, đối với các khoản vay tín chấp, rủi ro mà các bên cho vay sẽ cao hơn (do không có tài sản đảm bảo) nên thường có mức lãi suất cao hơn. Tính đến tháng 11/2023, lãi suất vay thế chấp của các ngân hàng dao động từ 7-9%/năm, trong khi lãi suất vay tín chấp cao hơn, chủ yếu từ 10%/năm trở lên.
Hồ sơ vay vốn kinh doanh
Sau khi đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định pháp luật và tiêu chuẩn của ngân hàng thương mại, cá nhân, tổ chức kinh doanh cần chuẩn bị các hồ sơ tối thiểu sau để có thể được chấp thuận vay vốn kinh doanh:
- Giấy xác nhận dự án vay vốn được UBND cấp xã nơi thực hiện dự án;
- Bản sao một trong các giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp đồng hợp tác, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;
- Giấy tờ chứng minh cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng ưu tiên (nếu có).
Doanh nghiệp không thể trả được nợ
Doanh nghiệp có thể đối mặt với nguy cơ không thể trả được nợ nếu tình hình tài chính khó khăn. Theo đó, nếu sau 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán nợ, mà doanh nghiệp chưa hoàn tất nghĩa vụ của mình thì được coi là “mất khả năng thanh toán”.
Trên thực tế, các khoản nợ vay ngân hàng quá hạn không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, cơ cấu tín dụng của ngân hàng cho vay, mà bất kỳ khoản vay nào đạt một ngưỡng quá lớn cũng ảnh hưởng đến hệ thống tài chính quốc gia, đặc biệt là các khoản nợ TCTD nước ngoài.
Một ví dụ điển hình là, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính và đã gây ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam.
Năm 2006, Vinashin được phép phát hành 750 triệu USD trái phiếu quốc tế, và hàng nghìn tỷ đồng khác được huy động trong nước, thậm chí doanh nghiệp còn ký các đơn hàng đóng tàu đến hết năm 2009. Tuy vậy, vấn đề về năng lực quản lý và kinh tế toàn cầu suy thoái đã trở thành “đòn trời giáng” vào tham vọng bành trướng đầu tư ngoài ngành của Vinashin. Theo đợt thanh tra của Chính phủ, tính đến cuối năm 2009, tổng tài sản của Vinashin đạt hơn 104,000 tỷ đồng, thì nợ phải trả tại các ngân hàng chiếm hơn 80% (86,000 tỷ đồng).
Trong các khoản nợ (chỉ tính nợ gốc, chưa tính lãi), SBIC (ra đời trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số công ty con của Vinashin) phải trả bao gồm: nợ các TCTD trong nước là 24,623 tỷ đồng; nợ tự vay các TCTD nước ngoài: 600 triệu USD; nhận nợ bắt buộc với các chủ tàu do hủy hợp đồng và các khoản vay có thể đàm phán khác 135.1 triệu USD.
Khoản nợ này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế. Theo đó, năm 2010, hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm thế giới đã hạ tín nhiệm của Việt Nam: Moody’s hạ từ Ba3 xuống B1, và Standard & Poor's hạ từ BB xuống BB-.
Trước tình hình này, Chính phủ đã đứng ra bảo lãnh bằng cách phát hành 600 triệu USD trái phiếu quốc tế để tái cấu trúc khoản nợ, tức Chính phủ bảo lãnh để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, tích luỹ và có nguồn vốn trở lại để tự trả nợ. Đối với nợ trong nước, Vinashin cũng được các TCTD đồng ý tái cơ cấu theo hướng xoá 70% nợ, và doanh nghiệp phát hành trái phiếu để trả 30% còn lại.
Mặc
dù, Chính phủ và các ngân hàng trong nước đã hỗ trợ rất nhiều cho Vinashin,
song những ảnh hưởng mà doanh nghiệp này gây ra cho uy tín quốc gia trên thị
trường vốn quốc tế là không nhỏ.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.