Điểm nhấn chính:
- Phá sản theo Chương 11 cho phép doanh nghiệp và một số cá nhân sắp xếp, cơ cấu lại nợ đồng thời nhận được sự bảo vệ từ các tòa án.
- Cổ đông là người cuối cùng thu hồi được khoản
đầu tư của họ, vì thế số tiền nhận được có thể là đồng xu trên đồng đô la.
Phá sản theo Chương 11 là gì?
Một công ty thực hiện phá sản theo Chương 11 của Bộ Luật Phá sản Hoa Kỳ thường được gọi là kế hoạch phá sản để “tổ chức lại”. Thông thường, công ty phá sản vẫn là chủ sở hữu, có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh và có thể thực hiện vay vốn mới với sự chấp thuận của tòa án.
Nhiều công ty lớn của Mỹ đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11 để tồn tại, bao gồm General Motors, United Airlines, K-mart hay hàng nghìn công ty khác thuộc mọi quy mô.
Phá sản theo Chương 11 hoạt động như thế nào?
Việc nộp đơn có thể được thực hiện một cách tự nguyện hoặc có thể bị ép buộc đối với một doanh nghiệp nếu có ba chủ nợ trở lên nộp đơn lên tòa án phá sản. Sau khi nộp đơn, các chủ nợ tạm thời bị cấm thực hiện bất kỳ hành động nào, vì thế mà nó giúp ngăn chặn các cuộc gọi từ các chủ nợ, ít nhất là trong thời gian ngắn.
Doanh nghiệp hoặc cá nhân có bốn tháng để đưa ra kế hoạch tái tổ chức, trong một số trường hợp, thời gian đó có thể kéo dài đến 18 tháng. Sau đó, các chủ nợ có thể đề xuất phương án tổ chức lại.
Về cơ bản, kế hoạch tái cấu trúc là thỏa thuận giữa công ty phá sản và chủ nợ, xác định cách doanh nghiệp sẽ hoạt động và thanh toán các nghĩa vụ tài chính của mình. Hầu hết các kế hoạch đều bao gồm cắt giảm quy mô để giảm chi phí và giải phóng tài sản.
Sau khi doanh nghiệp hoặc cá nhân nộp kế hoạch, các chủ nợ sẽ bỏ phiếu xem có chấp nhận kế hoạch đó hay không. Thường, các chủ nợ sẽ chấp nhận kế hoạch này vì nếu không, công ty sẽ phải lựa chọn nộp đơn phá sản theo Chương 7. Khi đó, tài sản sẽ được thanh lý và các chủ nợ có thể nhận được rất ít hoặc không nhận được gì.
Lệ phí nộp đơn theo Chương 11 là 1,738 USD, nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu vì các vụ phá sản theo Chương 11 thường rất phức tạp. Dự kiến sẽ chi ít nhất 10,000 USD cho phí pháp lý, mặc dù phí được biết là có thể lên tới hàng triệu đô la.
Ai đủ điều kiện để phá sản theo Chương 11?
Hầu hết mọi cá nhân hoặc doanh nghiệp đều được phép nộp đơn xin phá sản theo Chương 11. Vì không có giới hạn hoặc yêu cầu nào về số nợ hoặc thu nhập đối với đơn vị nộp đơn nên Chương 11 dành cho hầu hết các cá nhân, tập đoàn, công ty hợp danh, công ty liên doanh và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Về cơ bản, nếu công ty/cá nhân muốn tổ chức lại hoạt động kinh doanh hoặc cấu trúc tài chính, họ có thể nộp đơn xin phá sản theo Chương 11. Các doanh nghiệp phá sản theo Chương 11 thường là những doanh nghiệp lớn, phá sản với con số nợ khổng lồ. Các doanh nghiệp nhỏ hơn, hay các cá nhân cũng có thể phá sản theo Chương 11, mặc dù họ hiếm khi làm như vậy vì việc nộp đơn xin phá sản theo Chương 7 và Chương 13 thường nhanh hơn và rẻ hơn.
Tuy nhiên, các cơ quan chính phủ, công ty bảo hiểm, ngân hàng, công ty bất động sản, quỹ tín thác phi kinh doanh, nhà môi giới chứng khoán hoặc nhà môi giới hàng hóa, công ty đầu tư được cấp phép của Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ – không thể nộp đơn theo Chương 11. Cá nhân đã từng bị bác bỏ một vụ phá sản khác vì một số lý do nhất định trong 6 tháng trước đó cũng không thể nộp đơn xin phá sản theo Chương 11.
Mất bao lâu để phá sản theo Chương 11?
Không có giới hạn thời gian từ đầu đến cuối cho quy trình phá sản theo Chương 11, nên một vụ kiện có thể kéo dài đến vài năm. So với các loại hình phá sản khác, phá sản theo Chương 11 đôi khi là những hoạt động kéo dài, đó là lý do tại sao chúng có thể tốn kém cả về thời gian và tiền bạc.
Một số trường hợp có thể diễn ra trong vòng 6 tháng đến 2 năm sau khi nộp đơn, và một số thậm chí có thể kết thúc sớm hơn. Đối với các hồ sơ phá sản với khoản nợ khổng lồ, thời gian có thể kéo dài 5 năm hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào số lượng vụ kiện tụng liên quan và các điều khoản của kế hoạch tổ chức lại.
Phá sản theo Chương 11 có thành công không?
Theo thống kê, tỷ lệ thành công khi phá sản theo Chương 11 thường không cao hơn 10-15%. Bởi vì hoạt động kinh doanh vốn đã căng thẳng sây sắc, và Chương 11 là nỗ lực cuối cùng để tiếp tục hoạt động. Các quy định rất phức tạp và chi phí cao so với các hình thức phá sản khác.
Để thành công, người phá sản cần rất nhiều quyết tâm, một luật sư giỏi và một chút may mắn.
Ngay cả khi việc phá sản doanh nghiệp theo Chương 11 hoàn tất, nó vẫn có thể để lại những ảnh hưởng kéo dài. Nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một số tài sản vô hình quan trọng, chẳng hạn như thiện chí của khách hàng, giá trị thương hiệu và các mối quan hệ kinh doanh. Và nó cũng ảnh hưởng đến hồ sơ tín dụng của người phá sản trong vòng 7 năm, gây trở ngại nếu người phá sản cố gắng mở một doanh nghiệp khác trong tương lai.
Ý nghĩa của việc phá sản theo Chương 11 là gì?
Việc nộp đơn theo Chương 11 có thể có cả tác động tích cực và tiêu cực, tùy thuộc vào tình huống và bối cảnh cụ thể. Về mặt tích cực, Chương 11 cho phép doanh nghiệp tổ chức lại và có khả năng nổi lên mạnh mẽ hơn cũng như thu được nhiều lợi nhuận hơn trước khi thất bại.
Mặt khác, quy trình này có thể tốn kém và mất thời gian, đồng thời doanh nghiệp có thể phải nhường một số quyền kiểm soát cho các chủ nợ và tòa án. Các cổ đông có khả năng mất một phần hoặc toàn bộ số tiền họ đầu tư vào công ty phá sản.
So sánh phá sản theo Chương 11 và Chương 7
Nếu nộp đơn xin phá sản theo Chương 7, công ty sẽ không thể tổ chức lại hoặc cơ cấu nợ để tiếp tục hoạt động. Điều duy nhất có thể làm là thanh lý tài sản để trả cho chủ nợ.
Phí pháp lý phá sản theo Chương 7 không phải là vấn đề, phí nộp đơn là 338 USD. Thậm chí, những người đủ điều kiện để phá sản với chi phí tháp có thể được miễn phí nộp đơn.
Tuy nhiên, nếu phá sản theo Chương 7, điểm tín dụng của người phá sản sẽ bị phá hủy hoàn toàn, vì nó được hiển thị trong báo cáo tín dụng của người phá sản trong vòng 10 năm tới và gần như họ không thể vay được khoản vay nào với lãi suất hợp lý.
So sánh phá sản theo Chương 11 và Chương 13
Điểm giống nhau ở hai hình thức phá sản này là cho phép doanh nghiệp tiếp tục hoạt động theo kế hoạch tổ chức lại. Nhưng trước đó, người phá sản phải thỏa mãn điều kiện là số tiền nợ có đảm bảo không được vượt quá 1,395,875 USD và nợ không có đảm bảo không được vượt quá 465,275 USD.
Hầu hết các doanh nghiệp đều chọn Chương 13 vì nó đơn giản hơn và ít tốn kém hơn. Không giống như Chương 11, người được ủy thác trong Chương 13 luôn được tòa án chỉ định, người đó sẽ xem xét kế hoạch tổ chức lại và trình bày với tòa án về cách tiến hành.
Người được ủy thác cũng thu thập các khoản thanh toán và phân phối chúng cho các chủ nợ. Nếu con nợ không đáp ứng được các yêu cầu trả nợ, người được ủy thác có thể yêu cầu tòa án bác bỏ vụ kiện hoặc chuyển sang hình thức thanh lý theo Chương 7.
Quá trình phê duyệt Chương 13 ít phức tạp hơn Chương 11 vì các chủ nợ không được bỏ phiếu về kế hoạch tổ chức lại Chương 13. Các vụ án theo Chương 13 thường mất từ 3 đến 5 năm để hoàn thành.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.