Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Việt Nam đứng thứ 3 về tiêu thụ mì gói năm 2022_P2

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Mì ăn liền là một món ăn phổ biến của người Việt Nam, nằm trong top ngành hàng FMCG được mua sắm thường xuyên nhất.

    - Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 3 về tiêu thụ mì ăn liền - 8.46 tỷ gói, trung bình 85 suất ăn/người/năm. 

    - Acecook, Masan Consumer, Asia Foods và Uniben là những thương hiệu mì ăn liền lớn nhất trên thị trường VN hiện nay.

    Tìm hiểu cùng Tititada!

    Mì ăn liền, hay còn gọi là mì gói, là một món ăn gắn liền với tuổi thơ đầy xa xỉ của người Việt Nam. Ngày nay, mì ăn liền trở thành một trong những món ăn được tiêu thụ nhiều nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới vì sự tiện lợi và giá cả phải chăng. Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu tổng quan về thị trường mì ăn liền trên thế giới và Việt Nam. Phần này, hãy cùng Tititada tìm hiểu kỹ hơn về các thương hiệu mì ăn liền ở Việt Nam nhé!

    Thương hiệu “mì tôm” đầu tiên của Việt Nam giờ ra sao?

    Thập niên 70-80, Vị Hương (của công ty Thiên Hương) và Colusa – Miliket là 2 thương hiệu phổ biến trên thị trường, được khách hàng tin dùng. Đây là những doanh nghiệp tạo ra cái tên “mì tôm” bởi hình ảnh con tôm in trên bao bì sản phẩm.

    1. Miliket

    Mì Miliket có mặt trên thị trường trước năm 1975, thuộc công ty Sài Gòn thực phẩm (Colusa), với hình ảnh quen thuộc là gói mì giấy với 2 con tôm được in trên bao bì. Thương hiệu này nhắm vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn. Nhưng cũng có thời gian Miliket là món đồ ăn xa xỉ với giá dao động từ 500-1,500đ. Mì Miliket là món ăn được khao khát nhất vào những năm 80, là ký ức chung về tuổi thơ vất vả của rất nhiều thế hệ Việt.

    Là thương hiệu “độc quyền” trên thị trường vào những năm 70-80, nhiều người nghi ngờ rằng Miliket đã biến mất sau khi có nhiều thương hiệu trong và ngoài nước tham gia vào ngành bởi hiếm khi thấy Miliket xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi các thương hiệu khác đang trong cuộc chiến của những câu chữ tiếp thị hình ảnh với công chúng.

    Từng là huyền thoại, nắm trong tay 90% thị phần, Miliket hiện chỉ còn thị phần ở dưới mức 4% tại Việt Nam. Miliket đã khai thác thế mạnh “ký ức” này để cạnh tranh với các đối thủ trên thương trường, đây chính là hướng đi riêng: Hơn 30 năm tồn tại, Miliket vẫn chỉ có 2 con tôm.

    Một số người cho rằng đây là hành động bảo thủ, nhưng cũng có ý kiến rằng việc giữ nguyên bao bì sản phẩm giúp Miliket khai thác thế mạnh ký ức quen thuộc ngày xưa, đánh vào giá trị tinh thần mà hiếm sản phẩm tiêu dùng nào có được.

    Đến nay, Miliket vẫn xuất hiện ở các tiệm tạp hóa truyền thống, phân phối cho các quán lẩu, vẫn đồng hành cùng người tiêu dùng trung thành, nhất là các gia đình có nhiều thế hệ từ những năm cuối thế kỷ 20. Nhờ đó, Miliket vẫn “sống khỏe” trong thị trường ngách riêng của mình và vẫn lớn mạnh về doanh thu. Ngoài ra, Miliket cũng phát triển thêm nhiều mặt hàng khác để bắt kịp những thay đổi của thị trường, sản xuất thêm phở, cháo, hủ tiếu, miến ăn liền và lấn sân sang sản xuất các mặt hàng gia vị khác.

    Các sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất hiện tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar, Singapore… Miliket cũng là một trong số ít đơn vị vẫn sản xuất sản phẩm mì ký, sản phẩm mà hầu hết thương hiệu lớn hiện nay không sản xuất.

    Dù thị trường có thay đổi ra sao, Miliket vẫn là gói mì chứa đựng nhiều giá trị về mặt tinh thần và thói quen sử dụng mì Miliket vẫn khó có thể thay đổi.

    2. Thiên Hương

    Thiên Hương là doanh nghiệp sản xuất mì đầu tiên tại Việt Nam do một người Hoa thành lập vào năm 1972. Ban đầu là nhà máy sản xuất bột ngọt lớn nhất vùng Nam Bộ Việt Nam, cung cấp sản phẩm trong nước và đến các nước Đông Nam Á.

    Sau 8 năm hình thành, trở thành công ty Thực phẩm lớn nhất tại Việt Nam, và là công ty đầu tiên chính thức sản xuất mì ăn liền với nhãn hiệu mì Vị Hương. Tuy nhiên, sự gia nhập của các doanh nghiệp nước ngoài đã khiến cho miếng bánh thị phần ngành mì ăn liền đã được chia lại và Thiên Hương mất dần thị phần. Mặc dù không chiếm thị phần lớn nhưng các sản phẩm mì Vị Hương vẫn có một chỗ đứng tại các kênh siêu thị, cửa hàng và các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,... vì thương hiệu, hương vị gắn liền với người tiêu dùng Việt Nam lâu năm.

    Ngoài mì tôm, Thiên Hương cũng phát triển đa dạng các dòng sản phẩm như cháo ăn liền, gia vị như bột canh, tương ớt,... Các sản phẩm của Thiên Hương đã được xuất khẩu qua 10 quốc gia trên thế giới.

    Các thương hiệu mì ăn liền lớn tại Việt Nam

    Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, đa số thị phần lại nằm trong tay số ít doanh nghiệp, gồm CTCP Acecook Việt Nam; Tập đoàn Masan; Công ty CP Thực phẩm Á Châu (Asiafoods) và Uniben.

    Trong đó, riêng Acecook Việt Nam sản xuất khoảng 2.5 tỉ gói mì/năm với 10% sản phẩm dành cho thị trường xuẩt khẩu. Acecook và Masan Consumer chiếm hơn một nửa doanh số bán lẻ sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, Acecook và Asia Foods đã để mất rất nhiều thị phần vào tay Masan Consumer.

    Hiện nay, Acecook chiếm đến 19.3% thị phần thị trường mì ăn liền Việt Nam, tập trung chủ yếu ở phân khúc mì bình dân Hảo Hảo. Masan Consumer đứng vị trí thứ 2 với 13.7% thị phần với các thương hiệu mì gói Omachi và Kokomi. Thứ 3 là Asia Food với 10% thị phần vào năm 2016, nổi tiếng với mì Gấu đỏ. Nhưng vài năm trở lại đây, Uniben với thương hiệu mì 3 Miền đang tấn công thị trường rất mạnh và là một tay chơi thứ 4 đáng gờm. 

    1. Acecook

    Acecook Việt Nam được xem là “đại gia” đầu ngành, nắm giữ hơn 19.3% thị phần thị trường mì ăn liền Việt Nam. Đây là doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, gia nhập năm 1993, bình quân cung ứng ra thị trường gần 3 tỷ mì gói mỗi năm, doanh thu 2022 hơn 590 triệu USD.

    Các nhãn hàng nổi tiếng trong danh mục của Acecook bao gồm Hảo Hảo, Handy, Modern và Miến Phú Hương… đều nhắm tới phân khúc giá trung bình. Hảo hảo đóng góp 60% doanh số của Vina Acecook mỗi năm, được 100% người tiêu dùng VN nhận biết, mì gói ở phân khúc trung cấp. Năm 2018, mì Hảo Hảo còn lập kỷ lục "mì gói được tiêu thụ nhiều nhất trong 18 năm" với hơn 20 tỷ gói mì đến tay người tiêu dùng Việt giai đoạn 2000-2018.

    Acecook khá tự tin về khả năng cạnh tranh, hệ thống 700 nhà phân phối khắp thị trường VN với 7 nhà máy đặt tại TP.HCM, Bình Dương, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hưng Yên.

    Hảo hảo bắt đầu xuất khẩu vào năm 1996, nay đã có mặt tại nhiều thị trường khác nhau như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Canada,… và những nước cạnh tranh về dòng mì ăn liền tại châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông,… (tổng hơn 47 quốc gia).

    2. Masan Consumer

    Masan Consumer là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm mì ăn liền quy mô lớn thứ 2 tại thị trường Việt Nam, chiếm 13.7% thị phần. Sản phẩm mì của Masan Consumer có lợi thế hệ thống phân phối rất lớn từ hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện lợi WinMart/Winmart+. Trong rổ sản phẩm, Omachi là thương hiệu mì chủ lực của Masan Consumer, phân khúc sản phẩm cao cấp. Ngoài ra còn có Kokomi và Sagami ở phân khúc bình dân.

    Thực phẩm tiện lợi bao gồm mì ăn liền ghi nhận tốc độ tăng trưởng 7.8% svck trong 6T/2023. Riêng Q2/2023 tăng trưởng 24.6% svck. Thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng doanh thu luôn đứng đầu ngành hàng mì ăn liền Việt Nam, trung bình đạt 33.19% - cao gấp 9 lần so với toàn thị trường Việt Nam. Trong 4 nhà sản xuất, Masan có tỷ suất lợi nhuận gộp vượt trội nhất – 39%, Uniben đạt 35%, Acecook 31% và thấp nhất là Asia Foods chỉ khoảng 24%.

    Để có được thị phần như ngày hôm nay, Masan Consumer đã hướng đến thị trường mì gói bằng cách vô cùng độc đáo: Biến mì gói từ một sản phẩm tiện lợi thành một món ăn dành cho gia đình, làm cho cuộc sống của người tiêu dùng thành "Ready to Eat", chứ không phải là một sản phẩm chỉ ăn khi cần. Không những thế, Masan luôn đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, mời nhiều người nổi tiếng đóng quảng cáo cho mì Omachi như Mỹ Linh, Tăng Thanh Hà, Ngọc Trinh, Bảo Anh, Ninh Dương Lan Ngọc, Bích Phương, Châu Bùi,…

    3. Asia Foods

    Asia Foods với mì Gấu đỏ, Trứng vàng, chiếm hơn 10% thị phần vào năm 2016. Nhận thấy phân khúc bình dân còn ruộng đất nên tung ra mì Gấu Đỏ, mạnh tay chi 150 tỷ đồng cho quảng cáo vào năm 2016 (trong khi năm 2015 chỉ 30 tỷ đồng). Nhưng Asia Foods vẫn chưa chi mạnh tay cho quảng cáo bằng Acecook.

    Asia Food hướng tới phân khúc bình dân, trung thành với 1 thương hiệu. Tập trung chính vào Gấu đỏ, có nhiều thời điểm nằm trong nhóm dẫn đầu về thương hiệu thực phẩm được người tiêu dùng tại khu vực nông thôn lựa chọn.

    Thương hiệu này có đến 4 nhà máy rải từ Bắc vào Nam và hiện đang chiếm lĩnh hơn 50% thị phần mì ăn liền tại Camphuchia với thương hiệu Red Bear.

    4. Uniben

    Tiền thân là công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Việt Hưng, thành lập năm 1992 với sản phẩm chính là mì 3 miền, ban đầu hoạt động chủ yếu ở phía Nam và xuất khẩu mì sang thị trường Đông Âu, lúc đó chỉ giữ khoảng 5% thị phần. Năm 2009, công ty đổi chủ sở hữu và cho ra đời CTCP Uniben.

    Sau đó thương hiệu này vươn lên trở thành thương hiệu mì ăn liền được người tiêu dùng chọn mua số 1 tại thị trường nông thôn từ năm 2016 và giữ vững cho tới hiện tại. Ngoài sản phẩm mì 3 Miền, Uniben còn có sản phẩm mì gói cao cấp Reeva, được xuất khẩu tới 15 quốc gia trên thế giới.

    Hiện, sản phẩm của Uniben được tiêu thụ tại hơn 20 triệu hộ gia đình Việt Nam, với hơn 250,000 điểm bán trên toàn quốc.

    5. Doanh thu của các thương hiệu mì gói

    Năm 2021, doanh thu của Acecook là 12,263 tỷ đồng, tăng 6%, lợi nhuận sau thuế đạy 1,367 tỷ đồng, giảm 28%. Doanh thu từ mỳ của Masan Consumer đạt 8,800 tỷ đồng, tăng 28%, tương đương 72% doanh thu của Acecook. Trong khi đó, doanh thu của Asia Food còn hơn 5,500 tỷ đồng, giảm 4% và chỉ lãi 14 tỷ đồng mặc dù nhu cầu mì đang tăng cao. Uniben đạt doanh thu hơn 3,400 tỷ đồng, tăng 12%.

    Ngoài ra, thương hiệu mì lâu đời của Việt Nam là Colusa-Miliket cũng sụt giảm doanh thu, đạt 571 tỷ đồng, giảm 7% svck.

    Sự gia nhập mạnh mẽ của thương hiệu mì Hàn Quốc

    Ngày nay, nhiều thương hiệu mì quốc tế cũng thâm nhập vào thị trường VN, tận dụng các ưu đãi về thuế suất nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại mà VN tham gia, nên cuộc cạnh tranh trong nước đang khốc liệt hơn bao giờ hết.

    Mì ăn liền đến từ Hàn Quốc là đối thủ mạnh nhất, mặc dù giá cao hơn nhiều so với mì VN nhưng có vẻ như được ưa chuộng hơn do ảnh hưởng của marketing phim ảnh, sự phổ biến về văn hóa Hàn Quốc và cách áp dụng chiến lược nội địa hóa.

    Mặc dù sức mua của Việt Nam đã được cải thiện, nhưng với mức lương khởi điểm cho một sinh viên tốt nghiệp đại học khoảng 400 USD, giá mỗi gói mỳ Hàn Quốc vẫn là một mức cao. Để giải quyết vấn đề đó, các nhà sản xuất Hàn Quốc chọn chiến lược đi theo 2 hướng: Nhập khẩu cả sản phẩm nguyên bản và sản xuất riêng cho thị trường VN.

    Một số thương hiệu mì Hàn Quốc nổi tiếng tại Việt Nam bao gồm:

    1. Paldo – thương hiệu mì Koreno

    Thương hiệu này thành lập 1 pháp nhân tại VN từ năm 2006 và xây dựng nhà máy 12,000m2 tại Phú Thọ. Đây là nhà máy ở Phú Thọ sản xuất mì Koreno, đồng thời vẫn giữ các sản phẩm nguyên bản nhập từ Hàn Quốc như mỳ trộn tương đen Jjajangmen. Paldo hướng đến phân khúc giá thành bình dân.

    Sự quan tâm của thị trường VN được thể hiện qua con số tốc độ tăng trưởng doanh thu:

    - Năm 2017, doanh thu thuần của Paldo Vina đạt hơn 470 tỷ đồng.

    - Năm 2021, doanh thu thuần tăng lên gấp đôi, đạt 910 tỷ đồng.

    - Trong dịch COVID-19, doanh thu và lợi nhuận vẫn không ngừng tăng.

    2. Ottogi

    Thương hiệu này nổi tiếng với mì Jin Jjajang, cũng thành lập pháp nhân tại VN vào năm 2006, xây dựng nhà máy tại Bắc Ninh. Kể từ khi nhà máy này đi vào hoạt động, doanh thu tăng với biên độ hai chữ số: Năm 2018, doanh thu thuần đạt 470 tỷ đồng và vượt mốc 900 tỷ đồng vào năm 2021.

    3. Nongshim

    Đứng thứ 5 thế giới về sản xuất mỳ ăn liền và chiếm 55% thị phần tại Hàn Quốc:

    - Gói mì quốc dân tại Hàn quốc, nổi tiếng qua bộ phim Ký sinh trùng.

    - Doanh thu toàn cầu năm 2020 đạt 1.85 tỷ USD.

    Nongshim gia nhập thị trường Việt Nam năm 2018 nhưng đến năm 2020 mới đẩy mạnh hoạt động quảng bá khi đánh giá lại tiềm năng thị trường. Lắp đặt máy nấu mì tại một số cửa hàng tiện lợi – kênh tiêu dùng chính của giới trẻ, vận hành xe bán đồ ăn tại TP. HCM. Lợi dụng sự nổi tiếng của phim Hàn Quốc, Nongshim ngày càng đưa thêm nhiều sản phẩm mới vào thị trường Việt Nam.

    Năm đầu hoạt động tại VN, doanh thu của Nongshim vượt 100 tỷ đồng. Đến năm 2021, doanh thu tăng 11% và biên lợi nhuận gộp trên 21%.

    Vấn đề liên quan tới xuất khẩu

    Thành công ở thị trường trong nước, nhưng mì ăn liền của Việt Nam luôn mắc phải vấn đề về xuất khẩu, cụ thể là vi phạm về hàm lượng Ethylene oxide có trong gói hương vị. Ethylene oxide (EO) là loại khí không màu, không mùi được sử dụng để khử trùng các thiết bị y tế và gia vị, loại khí này có thể góp phần làm tăng ung thư.

    Cụ thể, năm 2021, mì Hảo Hảo xuất khẩu sang EU bị vướng phải vi phạm về EO và buộc phải tiêu hủy. Sau đó đã trải qua cuộc điều tra kéo dài hơn 1 năm từ phía EU đối với cả lô hàng xuất khẩu, khiến cho hoạt động xuất khẩu trở nên khó khăn và tốn kém nhiều chi phí, ảnh hưởng đáng kể đến thị trường mì xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2022, mì Omachi xuất khẩu sang Đài Loan cũng vướng phải vi phạm tương tự. Vi phạm này không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu, mà còn khiến cho người tiêu dùng trong nước hoang mang và rời bỏ các mặt hàng này.

    Tuy nhiên, sau điều tra, mì sản xuất tại VN đã không vi phạm về hàm lượng EO, vì quy định về hàm lượng này ở mỗi nước là khác nhau và cách tính toán cũng khác nhau. Hàm lượng EO có trong mỗi gói mì sản xuất tại VN đạt mức cho phép và không vi phạm như cáo buộc của EU hay Đài Loan.

    T6/2023, EU nới lỏng quy định mì ăn liền VN, theo đó, các mặt hàng mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) sẽ không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.  

    Kết luận gì cho thị trường mì ăn liền của Việt Nam?

    Thị trường mì ăn liền VN có tiềm năng rất lớn, nhưng cuộc cạnh tranh lại không dễ dàng. Nó là cuộc cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ lắm tiền nhiều của khi những doanh nghiệp mới gia nhập ngành là những “đại gia” luôn cố gắng chi tiền nhiều nhất có thể để có được những câu nói “viral” trên các phương tiện truyền thông, trong khi những nhà sản xuất “kỳ cựu” lại chọn chỗ đứng vững chắc trên thị trường chứ không chọn cách mở rộng thị phần.

    Với sự du nhập ngày càng nhiều của văn hóa Hàn Quốc, từ âm nhạc cho tới phim ảnh, tiềm năng tăng trưởng cho những thương hiệu mỳ ăn liền Hàn Quốc sẽ được củng cố khi mức độ nhận diện cao hơn.

    Theo dự báo, mỳ ăn liền sẽ vẫn tiếp tục là miếng bánh hấp dẫn với nhiều nhà sản xuất. Nhưng người tiêu dùng Việt Nam rất nhạy cảm về giá và các thương hiệu cần đưa ra mức giá cạnh tranh, cộng thêm thời kỳ khủng hoảng khiến sức mua giảm mạnh, cuộc chiến này càng trở nên gây cấn hơn vì nó không chỉ về chi tiền cho quảng cáo mà còn là về giá cả. Có lẽ tốt nhất các doanh nghiệp nên định vị thị trường ngách rõ ràng, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh và giá cả hợp lý để đạt được bức tranh kinh doanh khả quan trong thời gian sắp tới.

    Dù chất lượng bữa ăn của người dân Việt ngày càng được cải thiện tốt hơn, đảm bảo dinh dưỡng nhưng mì tôm vẫn còn là mặt hàng khó thay thế trên thị trường không chỉ vì tính tiện dụng của nó, mà còn có cả giá trị tinh thần - món ăn ký ức.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán