Quá bán (Oversold) là thuật ngữ được dùng để chỉ trạng thái một chứng khoán đang giao dịch dưới mức giá trị hợp lý của nó và có thể tăng giá trở lại. Tình trạng quá bán có thể kéo dài, vậy nên quá bán không đồng nghĩa là giá sẽ sớm tăng lên, thậm chí là hoàn toàn không tăng trở lại. Các nhà đầu tư có thể sử dụng nhiều chỉ báo kĩ thuật để xác định trạng thái quá bán, các chỉ báo này dựa trên tương quan giữa giá hiện tại đang giao dịch với các mức giá trước đó.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có thể sử dụng phân tích cơ bản để xác định mức giá hợp lý của mã cổ phiếu. Những cổ phiếu (hoặc tài sản) đang bị quá bán thường là kết quả của tin tức không hay về công ty liên quan, triển vọng không khả quan trong tương lai, ngành không được ưa chuộng hoặc tổng thể thị trường đang suy thoái. Chỉ số thường dùng để đánh giá giá trị của cổ phiếu là tỷ lệ P/E.
Các nhà phân tích và giao dịch sử dụng kết quả tài chính được báo cáo công khai để ước tính thu nhập, từ đó xác định mức giá phù hợp cho từng cổ phiếu. Nếu P/E của một cổ phiếu giảm xuống mức thấp hơn thông thường hoặc dưới mức trung bình ngành, các nhà đầu tư có thể coi là cổ phiếu đó bị định giá thấp và đây có thể là cơ hội để mua vào.
Ví dụ: một cổ phiếu từng có P/E ở mức 10 - 15 và hiện đang giao dịch ở mức P/E là 5 - 7 có thể là tín hiệu để nhà đầu tư xem xét kĩ hơn về tình hình tài chính của công ty. Nếu tình hình tài chính công ty tốt, cổ phiếu có thể đang bị quá bán và là một cổ phiếu tiềm năng để mua vào.
Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc các yếu tố khác giải thích cho việc nhà đầu tư không thích nắm giữ cổ phiếu công ty nữa và khiến P/E đang bị giảm. Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể nhìn vào đường chỉ sức mạnh tương đối (RSI) - thường là dưới 30 - hoặc dải Bollinger để phát hiện các khu vực quá bán.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.