Định giá (Valuation) là quá trình xác định hoặc ước tính giá trị của một tài sản, sản phẩm, dự án hoặc công ty cụ thể. Việc định giá thường liên quan đến việc xác định một giá trị số cụ thể cho một tài sản, có thể dựa trên các yếu tố như chi phí, giá trị thị trường, giá trị sử dụng, cạnh tranh và nhiều yếu tố khác.
Định giá có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính, kinh doanh, bất động sản, và các ngành công nghiệp khác.
Trong tài chính, có nhiều phương pháp được sử dụng để định giá:
- Định giá dựa trên thu nhập (Income Approach): định giá tài sản dựa trên dòng thu nhập mà tài sản đó có thể tạo ra trong tương lai. Các dòng thu nhập này thường được chiết khấu về giá trị hiện tại để xác định giá trị hiện tại của tài sản. Ví dụ điển hình của định giá theo thu nhập là phương pháp chiết khấu dòng tiền (Discounted Cash Flow - DCF) .
- Định giá dựa trên tài sản (Asset-Based Approach): Định giá tài sản dựa trên giá trị thực của các tài sản hữu hình và vô hình mà doanh nghiệp đang sở hữu.Ví dụ điển hình của định giá trên tài sản là phương pháp định giá tài sản ròng (Net assets Value, NAV) . Đối với phương pháp NAV, các nhà phân tích sẽ tính toán giá trị của tài sản ròng của công ty bằng cách lấy giá thị trường của tổng tài sản trừ đi các khoản nợ phải trả, thường được dùng doanh nghiệp bất động sản, hoặc các doanh nghiệp có giá trị tài sản hữu hình lớn.
- Định giá so sánh thị trường (Market Approach): Phương pháp này so sánh tài sản với các tài sản tương tự khác đã được bán trên thị trường để xác định giá trị.Ví dụ điển hình của phương pháp so sánh là định giá bằng P/E, P/Book, P/Sales, EV/EBITDA. Các phương pháp này so sánh giá cổ phiếu của một công ty với các công ty cùng ngành để xác định giá trị tương đối.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.