Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Hệ thống KRX có gì khác so với hệ thống hiện giờ?

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Kiến thức đầu tư chứng khoán cơ bản: hệ thống KRX là hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) được phát triển bởi Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX), dự kiến sẽ HoSE triển khai đưa vào sử dụng trong năm 2024. 

    - Hệ thống KRX sẽ đưa tới thị trường Việt Nam nhiều chức năng và giải pháp mới về thanh toán bù trừ và giao dịch, từ đó có thể thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn. 

    Kỳ vọng gì vào hệ thống KRX? 

    Khi các tính năng mới của hệ thống KRX được triển khai đầy đủ, dự kiến thị trường chứng khoán sẽ có một số thay đổi lớn. Nhà đầu tư cần bổ sung các thông tin chính về hệ thống KRX vào kiến thức đầu tư chứng khoán, cụ thể: 

    1. Giao dịch và thanh toán T+0 

    Hệ thống giao dịch KRX cho phép mua bán cổ phiếu ngay trong ngày (T+0), giảm từ T+1.5 hiện nay. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch ngắn hạn và tăng cường thanh khoản trên thị trường, đồng thời giảm thiểu rủi ro và chi phí cơ hội liên quan đến việc giữ cổ phiếu qua nhiều ngày. 

    Ngoài ra, KRX cũng tạo điều kiện cho phép rút ngắn thời gian thanh toán từ T+2.5 ngày về T+0, từ đó, giúp tăng cường thanh khoản và thu hút dòng tiền từ thị trường chứng khoán phái sinh. Hơn nữa, thông tin về các giao dịch sẽ được phản ánh rõ ràng và nhanh chóng hơn, giúp nhà đầu tư có kiến thức đầu tư chứng khoán hiểu rõ hơn về sự dịch chuyển dòng tiền cũng như các biến động kinh tế và quyết định đầu tư nhanh chóng hơn. 

    Theo chuyên gia kinh tế tài chính, Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu cho rằng, hệ thống giao dịch KRX  cùng với việc giảm thời gian thanh toán từ T+2.5 hiện nay, được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng cao năng lực với thanh khoản cao hơn, lên đến 4 tỷ USD mỗi phiên, từ đó có thể thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn và giải quyết các vấn đề cần thiết nâng cấp lên thị trường mới nổi. 

    2. Phân tán rủi ro với đa dạng sản phẩm và nghiệp vụ mới 

    KRX sẽ có bao gồm nghiệp vụ bán khống chứng khoán (short-selling), tạo điều kiện cho việc bảo vệ danh mục đầu tư và tìm kiếm lợi nhuận khi cổ phiếu định giá quá cao, đồng thời tăng thanh khoản và tính ổn định của thị trường. 

    Tuy pháp luật Việt Nam công nhận bán khống chứng khoán là một phương thức giao dịch chính thức trên thị trường tài chính quốc gia kể từ ngày 15/2/2021, nhưng những quy định hiện hành chưa đầy đủ để thúc đẩy nghiệp vụ này trên thị trường và giúp nó tránh những rủi ro trong hành trình phát triển lâu dài. 

    Trong quá khứ, khi khủng hoảng xảy ra trên thị trường tài chính, các cơ quan quản lý tại nhiều quốc gia đã áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với giao dịch bán khống chứng khoán để giúp tránh tác động đến tâm lý nhà đầu tư hoặc gây ảnh hưởng lớn hơn đến thị trường trong trường hợp giá giảm mạnh, thậm chí dẫn đến hiệu ứng sụp đổ domino. Mặt khác, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc cấm (hoặc không có) bán khống chứng khoán có thể khiến thị trường không thể hoạt động tự do và công bằng, từ đó ảnh hưởng đến tính hiệu quả của thị trường. 

    Ngoài ra, hiện nay, sản phẩm phái sinh với khả năng giao dịch T+0 mới chỉ có Hợp đồng tương lai của chỉ số VN30. Với KRX, nhiều sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên các cổ phiếu hoặc nhóm cổ phiếu có thể được tạo ra. Việc mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm sẽ tạo ra một môi trường đầu tư đa dạng hơn và giúp giảm thiểu rủi ro. 

    Hệ thống CNTT mới cũng giúp thúc đẩy giao dịch thuật toán, là việc sử dụng các chương trình máy tính để thực hiện các giao dịch tự động được lập trình sẵn, như lướt sóng siêu ngắn (Scalping), giao dịch theo cặp (Pair trading) hay giao dịch lưới (Grid), có thể tăng tính hiệu quả và thanh khoản thị trường hơn nữa.


    3. Pre-funding và CCP, giúp hỗ trợ nâng hạng thị trường 

    Đặc biệt hơn, hệ thống giao dịch KRX sẽ mở ra cơ hội triển khai đối tác bù trừ trung tâm (Central Counterparty - CCP) tại Việt Nam. CCP là một tổ chức tài chính trung gian giữa các bên tham gia thị trường tài chính, nhưng không tham gia vào giao dịch trực tiếp. Nhiệm vụ chính của CCP là bảo đảm hoàn thành các hợp đồng tài chính mà các bên đã ký, đảm bảo tính thanh khoản và giảm rủi ro trong hệ thống giao dịch. 

    Việc triển khai CCP sẽ giúp giải quyết bài toán ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) để hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Pre-funding đòi hỏi các nhà đầu tư phải ký quỹ đủ 100% tiền/chứng khoán trên tài khoản giao dịch trước khi thực hiện một giao dịch mua. Hạn chế chính của cơ chế này là vòng quay vốn không tốt, gia tăng chi phí cơ hội hoặc chi phí tài chính cho các nhà đầu tư, và giới hạn tính thanh khoản của thị trường. 

    Khi triển khai, các CTCK có thể quy định về nhóm đối tượng được không phải đảm bảo pre-funding, ví dụ như là các tổ chức/quỹ đầu tư hoặc NĐT nước ngoài, và quy định về hạn mức cho phép giao dịch prefunding trong 1 ngày. Bởi nhìn chung, CTCK sẽ là người chịu rủi ro nếu như nhà đầu tư không thể thực hiện thanh toán cho khoản giao dịch đã phát sinh, và CTCK phải đứng ra thanh toán cho VSD khoản đó. 

    Đồng thời, việc loại bỏ cơ chế pre-funding cộng với việc chuyển sang cơ chế giao dịch T+0, sẽ càng giúp tăng tốc độ vòng quay tiền giao dịch trên thị trường.  Các thị trường đã áp dụng cơ chế giao dịch trên như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… thường có giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên khoảng từ 0.3-0.5% tổng vốn hóa thị trường. Ở Việt Nam, con số thực tế ghi nhận khoảng 0.227% vốn hóa thị trường mỗi phiên. 

    Các chuyên gia đánh giá rằng việc dự kiến triển khai cơ chế giao dịch T+0 có thể đẩy giá trị giao dịch mỗi phiên của VN-Index tăng gấp đôi so với mức trung bình 5 năm qua. 

    Hơn nữa, việc triển khai CCP cùng với việc có cơ chế linh hoạt hơn với pre-funding sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng được đủ các tiêu chí nâng hạng thị trường từ tổ chức FTSE. Điều này sẽ giúp thị trường thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn, tăng tính thanh khoản và đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong hoạt động giao dịch. 

    Theo Ngân hàng Thế giới ước tính nếu Việt Nam được nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ thu hút được 25 tỷ đô vào năm 2030.   

    Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thay thế hệ thống giao dịch KRX mới, các tính năng mới sẽ chưa được triển khai đầy đủ ngay lập tức và thị trường chứng khoán dự kiến vẫn sẽ vận hành như hiện tại với các tính năng cơ bản, ngoại trừ một số thay đổi về hình thức giao dịch nhất định. 

    Trong đó, chủ yếu sẽ là một vài thay đổi về giao dịch thỏa thuận và lô lẻ, và có thểm nghiệp vụ buy-in dành cho các CTCK. 

    Những thay đổi của hệ thống giao dịch KRX so với hệ thống cũ

    Phương thức giao dịch 

    1. Nguyên tắc khớp lệnh 

    - Hệ thống giao dịch KRX mới áp dụng nguyên tắc khớp lệnh như hiện tại. 

    - Ưu tiên về giá: Lệnh mua với mức giá cao hơn và lệnh bán với mức giá thấp hơn được ưu tiên thực hiện trước. 

    - Ưu tiên về thời gian: Trường hợp nhiều lệnh mua hoặc bán được đưa ra với cùng một giá, thì lệnh được đưa ra trước được ưu tiên thực hiện trước.

    2. Giao dịch khớp lệnh định kỳ 

    - Hệ thống giao dịch KRX mới áp dụng như hiện tại. 

    - Các lệnh mua và bán được thực hiện tại một thời điểm xác định, thường là ở đầu hoặc cuối phiên giao dịch, dựa trên ưu tiên giá và thời gian. 

    3. Giao dịch khớp lệnh liên tục 

    - Hệ thống giao dịch KRX mới áp dụng như hiện tại. 

    - Các lệnh mua và bán được thực hiện liên tục mỗi khi lệnh được nhập vào hệ thống giao dịch KRX và có giá khớp nhau, cũng dựa trên ưu tiên giá và thời gian.  

    4. Giao dịch thỏa thuận 

    - Các giao dịch xảy ra thông qua sự thỏa thuận trực tiếp giữa các bên mua và bán.

    - Bên bán hoặc bên mua ĐỀU CÓ THỂ khởi tạo giao dịch thỏa thuận, bên còn lại thực hiện xác nhận/từ chối giao dịch. 

    5. Lệnh quảng cáo giao dịch thỏa thuận (IOI) 

    - Đây là lệnh chào mua/chào bán thỏa thuận chứng khoán với số lượng lớn. 

    - IOI có thể được khởi tạo từ cả bên mua và bên bán. Khi một bên quan tâm phản hồi và đồng ý giao dịch với điều kiện được nêu trong IOI, - IOI có thể được chuyển đổi thành lệnh thỏa thuận và bên khởi tạo lệnh thỏa thuận từ IOI phải là đối tác với bên quảng cáo (bên gửi IOI).

    - Bên quảng cáo sẽ có nhiệm vụ xác nhận lệnh thỏa thuận. 

    6. Giao dịch mua bắt buộc (Buy-in)  

    Đây là một nghiệp vụ của các CTCK, thực hiện khi CTCK không đủ chứng khoán thanh toán cho VSD sau khi đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khác, do đó phải mua bắt buộc bổ sung chứng khoán thông qua giao dịch Buy-in với các CTCK khác. 

    Giao dịch Buy-in được thực hiện theo phương thức khớp lệnh định kỳ trên hệ thống giao dịch KRX. CTCK thực hiện giao dịch Buy-in theo thông tin đã đăng ký với VSD. Chỉ được phép nhập lệnh giới hạn đối với giao dịch Buy-in và lệnh mua phải đặt ở mức giá trần.

    Thời gian giao dịch 

    1. Giao dịch lô chẵn/lô lẻ

    Đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền:  Hệ thống giao dịch KRX mới áp dụng như hiện tại. 

    Ngoại trừ các giờ giao dịch thay đổi sau cho cả hai sàn HoSE và HNX: 

    - Khớp lệnh lô lẻ: 09h00 - 11h30 và 13h00 - 14h45 (KLĐK và KLLT) 

    - Thỏa thuận lô lẻ: 09h00 - 11h30 và 13h00- 15h00 

    - Thỏa thuận trong giờ: 09h00 - 11h30 và 13h00 - 14h45 

    - Thỏa thuận sau giờ: 14h45 - 15h00 

    - Trên sàn HNX sẽ có giờ KLĐK đóng cửa: 14h30 - 14h45. 

    2. Giao dịch trái phiếu

    - Hệ thống giao dịch KRX mới áp dụng như hiện tại. 

    - Thỏa thuận: 09h00 - 11h30 và 13h00 – 15h00 

    3. Chứng khoán thuộc diện bị hạn chế giao dịch 

    - Hệ thống giao dịch KRX mới áp dụng áp dụng phương thức giao dịch KLĐK nhiều lần PCA. 

    - Được giao dịch trong đợt KLĐK xác định giá mở cửa (9h00-9h15), sau đó đến các đợt KLĐK PCA, mỗi đợt kéo dài 15 phút (vd: 9h15-9h30, 9h30-9h45, 9h45-10h00…), và giao dịch trong đợt KLĐK xác định giá đóng cửa (14h30-14h45). 

    - Không cho phép sửa, hủy lệnh trong 5 phút cuối đợt KLĐK PCA. 

    - Chỉ cho phép sử dụng lệnh giới hạn (LO) trong các đợt KLĐK PCA. 

    4. Giao dịch Buy-in, dành cho các thành viên của Sở GDCK, với KLĐK Buy- in: 08h45 -  09h00.

    Đơn vị giao dịch và Đơn vị yết giá 

    1. Đơn vị giao dịch 

    - Hệ thống giao dịch KRX mới áp dụng như hiện tại 

    - Khớp lệnh lô chẵn: 100, KL tối đa mỗi lệnh là 500,000 

    - Khớp lệnh lô lẻ:  1, KL tối đa mỗi lệnh là 99 

    - Thỏa thuận: 

    + HoSE: 1, KL lô chẵn tối thiểu là 20,000 và KL lô lẻ tối đa đối là 99 

    + HNX: 1, KL lô chẵn tối thiểu 5,000 

    + UPCoM: 1, KL lô chẵn tối thiểu 100 

    - Bổ sung, giao dịch mua bắt buộc (Buy-in): 1, không quy định KL tối đa 

    2. Đơn vị yết giá 

    - Hệ thống giao dịch KRX mới áp dụng như hiện tại 

    - Đối với sàn HoSE, CP, CCQ đóng: 

    + Mức giá <10,000: 10đ 

    + Mức giá 10,000 – 49,950: 50đ 

    + Mức giá >=50,000: 100đ 

    - Đối với sàn HNX: 

    + Lô chẳn, lô lẻ, buy-in: 100đ 

    + CCQ ETF, chứng quyền: 10đ cho tất cả các mức giá 

    + Thỏa thuận:1đ

    + Trái phiếu: 1đ

    Biên độ dao động giá 

    1. Đối với sàn HoSE: 

    - Biên độ dao động giá là ±7% so với giá tham chiếu 

    - Ngày GD đầu tiên/GD đặc biệt: ±20%  

    - Thỏa thuận sau giờ (từ 14h45-15h00): cổ phiếu là -7% ~ +25%; giá trần sàn chứng quyền sẽ được tính theo giá trần sàn CP cơ sở (Trường hợp giá sàn của chứng quyền nhỏ hơn hoặc bằng 0, giá sàn sẽ là 0 về mặt hiển thị. Tuy nhiên giá sàn đặt lệnh sẽ là đơn vị yết giá nhỏ nhất là 1 đồng đối với giao dịch thỏa thuận và 10 đồng đối với giao dịch khớp lệnh.); CCQ đóng, CCQ ETF là  ±7%. 

    2. Đối với sàn HNX: 

    - ±10% so với giá tham chiếu (HNX) 

    - ±15% so với giá tham chiếu (UPCoM) 

    - Ngày GD đầu tiên/GD đặc biệt: ±30% (HNX) và ±40% (UPCoM)

    Lệnh giao dịch 

    1. Khớp lệnh định kỳ có các lệnh: 

    - Lệnh giới hạn (LO) 

    - Lệnh thị trường trong định kỳ mở cửa (ATO

    - Lệnh thị trường trong định kỳ đóng cửa (ATC) (bổ sung lệnh ATC cho sàn HNX) 

    - Lưu ý, lệnh ATO/ATC trên hệ thống giao dịch KRX mới KHÔNG được ưu tiên trước lệnh giới hạn trong khi so khớp lệnh. Sau thời điểm xác định giá đóng cửa, lệnh ATC không được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh không được thực hiện hết sẽ hết hiệu lực và không tự động bị hủy. 

    2. Khớp lệnh liên tục có các lệnh: 

    - Lệnh giới hạn (LO) 

    - Lệnh thị trường (MTL) (hiện nay hiểu là lệnh MP

    - Đối với HNX, lệnh MOK và MAK được đổi tên thành FOK và FAK. Trong đó, FOK là lệnh thị trường sau khi đã vào sổ lệnh, nếu không có lệnh thỏa mãn để khớp toàn bộ khối lượng đặt thì sẽ bị hủy. FAK là lệnh thị trường sau khi đã vào sổ lệnh nếu lệnh chỉ được thực hiện một phần, phần còn lại của lệnh bị hủy ngay trên hệ thống giao dịch. 

    3. Khớp lệnh sau giờ có lệnh: 

    - Lệnh FAS (sàn HNX), hiện nay được hiểu là lệnh PLO, là lệnh giới hạn được nhập tại bảng khớp lệnh sau giờ không cần xác định giá.

    Sửa, hủy lệnh giao dịch 

    - Không được phép sửa hủy lệnh đợt KLĐK. 

    - Không được phép sửa/hủy lệnh đối với phiên khớp lệnh sau giờ. 

    - Được phép sửa (giá, khối lượng) và hủy lệnh chưa khớp hoặc phần chưa khớp của lệnh trong phiên liên tục theo quy tắc sau (KHÁC so với hệ thống cũ):  

    + Trường hợp sửa KL tăng hoặc sửa giá: Thứ tự ưu tiên của lệnh tính lại từ khi lệnh sửa được nhập vào hệ thống; 

    + Trường hợp sửa KL giảm: Thứ tự ưu tiên của lệnh không thay đổi.  

    + Không thực hiện sửa hủy đồng thời trong cùng 1 lần sửa. 

    - Được phép hủy đối với lệnh thỏa thuận /lệnh quảng cáo chưa thực hiện. Lệnh thỏa thuận đã thực hiện không được phép sửa/hủy. 

    - Được phép sửa/hủy lệnh Buy-in.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán