Điểm nhấn chính
- Bán khống là việc nhà đầu tư không sở hữu cổ phiếu, mà đi "mượn" cổ phiếu từ bên thứ ba để bán, dựa trên kỳ vọng cổ phiếu sẽ giảm giá trong tương lai và nhà đầu tư có thể mua lại cổ phiếu và trả cổ phiếu đã mượn.
- Tuy ở thị trường Việt Nam bán không cổ phiếu còn hạn chế, tuy nhiên đây là kiến thức cơ bản về cổ phiếu mà nhà đâu tư cần biết, đặc biệt trong bối cảnh KRX sắp đưa vào vận hành và cho phép bán khống.
Kiến thức cơ bản về cổ phiếu: Bán khống là gì?
Bán khống cổ phiếu là một kỹ thuật giao dịch khá nổi tiếng đối với các nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, bao gồm cả các nhà quản lý quỹ phòng hộ. Bán khống có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ nhưng ngược lại cũng dễ dẫn đến khả năng mất rất nhiều tiền, thậm chí mất toàn bộ vốn.
Bán khống cổ phiếu, hay được gọi là "bán khống", liên quan đến việc bán cổ phiếu mà người bán không sở hữu bằng cách vay chúng từ nhà môi giới. Các nhà đầu tư bán khống cổ phiếu thường phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro rằng việc bán khống của họ có thể đi theo chiều hướng xấu bất kể lúc nào.
Bán khống là hình thức đầu tư hợp pháp tại các nước phát triển như Mỹ và các nước ở châu Âu, nhưng tại Việt Nam, bán khống cổ phiếu vẫn chưa được hoạt động. Tuy nhiên, đối với giao dịch phái sinh, hay các hợp đồng tương lai chỉ số VN30, giao dịch bán khống được cho phép thực hiện. Nhà đầu tư có thể mở vị thế bán hợp đồng phái sinh ở mức giá cao và đóng vị thế bằng cách mua lại đúng số lượng đó, lý tưởng là ở mức giá thấp hơn, để kiếm lợi nhuận.
Kiến thức cơ bản về cổ phiếu: Tại sao lại Bán khống?
Hiểu đơn giản là, bạn sẽ bán khống cổ phiếu khi bạn tin rằng giá cổ phiếu sẽ đi xuống trong thời gian tới. Và nếu bạn bán cổ phiếu đó trong hôm nay và mua lại chúng với giá thấp hơn trong tương lai, bạn có thể có được một khoản lãi vốn chênh lệch lớn, nếu giá cổ phiếu thực sự đi đúng với suy tính của bạn.
Đặc biệt lưu ý là chiến lược này dùng đòn bẩy rất cao, bởi những người bán khống thường không sở hữu sẵn cổ phiếu mà họ muốn đặt cược bán. Do vậy, bạn có thể sẽ muốn vay một lượng cổ phiếu từ một nhà môi giới chứng khoán, để có thể bán chúng ngay mức giá cao hiện tại. Và sau đó, khi giá cổ phiếu thực sự đi xuống, bạn mua lại đúng số lượng đã vay với mức giá thấp hơn, và trả chúng lại cho nhà môi giới.
Một số nhà giao dịch thực hiện bán khống hoàn toàn là để đầu cơ, và họ sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro rất cao, thậm chí là mất toàn bộ vốn nếu cổ phiếu họ đặt cược bán tăng mạnh. Còn những nhà giao dịch khác, thường là các quỹ phòng hộ, thì sẽ muốn bán khống để phòng ngừa rủi ro giảm giá cho danh mục tổng thể của họ, nếu họ đang có một vị thế mua lớn ở một mã hay lĩnh vực nhất định.
Cách thức hoạt động của việc bán khống cổ phiếu
Thông thường, khi bạn bán khống cổ phiếu, bạn sẽ có xu hướng đặt cược và giao dịch những cổ phiếu mà bạn không sở hữu.
Ví dụ, nếu bạn cho rằng cổ phiếu ABC đang được định giá và giao dịch ở mức giá quá cao, bạn có thể quyết định vay 10 cổ phiếu ABC từ công ty môi giới chứng khoán của mình. Sau đó, bạn có thể bán chúng với giá 10,000đ/cp và bỏ túi 100,000đ tiền mặt.
Tại thời điểm đó, bạn có 100,000đ tiền mặt, nhưng bạn cũng cần mua và sớm trả lại 10 cổ phiếu đó cho công ty môi giới của mình. Và khi giá cổ phiếu giảm xuống, như dự đoán của bạn, còn 5,000đ/cp, bạn có thể ngay lập tức mua lại 10 cổ phiếu đó chỉ với 50,000đ. Như vậy, tổng lợi nhuận bạn bỏ túi sẽ là 50,000đ (100,000 - 50,000).
Ngược lại, nếu cổ phiếu ABC tăng lên trên mức 10,000đ/cp, bạn sẽ mất tiền. Bởi lúc đó, bạn phải trả giá cao hơn để mua lại 10 cổ phiếu ABC và hoàn trả lại chúng. Giả sử, cổ phiếu ABC bất ngờ tăng lên 30,000đ/cp, bạn phải chi 300,000đ để mua lại 10 cổ phiếu mà bạn nợ công ty môi giới. Như vậy, khoản lỗ ròng của bạn sẽ là 200,000đ (100,000 - 300,000).
Lưu ý rằng, khoản lợi nhuận tối đa cho một vị thế bán khống là khi giá cổ phiếu bằng 0đ (nếu nó thực sự giảm tới đó), như vậy bạn không cần chi trả gì để mua lại cổ phiếu để hoàn trả và có thể giữ toàn bộ số tiền đã bán cổ phiếu ban đầu, trừ đi phí hoa hồng nếu có. Ngược lại, khoản lỗ tối đa cho việc bán khống là không giới hạn, bởi theo lý thuyết, giá cổ phiếu có thể tăng bất tận. Và đây là rủi ro chính mà nhiều người sẽ nghĩ tới khi nhắc đến bán khống.
Rủi ro của việc bán khống là gì?
Khi bạn bán khống một cổ phiếu, bạn sẽ gặp phải một số rủi ro tài chính lớn. Như đã nói trên, rủi ro lớn nhất là giá cổ phiếu có thể tăng bất tận và khiến bạn mất nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng được.
Ví dụ về một trong những đợt bán khống thất bại lớn nhất trong lịch sử, liên quan đến cổ phiếu của nhà bán lẻ trò chơi điện tử Mỹ, GameStop. Vào khoảng tháng 1/2021, cổ phiếu công ty này cũng như những công ty khác (có kết quả kinh doanh kém), nhưng được giao dịch rất tích cực bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ, khiến giá cổ phiếu tăng đáng kể. Nhìn nhận sự việc, nên các quỹ phòng hộ và một số cá nhân lớn đã thực hiện bán khống một số lượng cổ phiếu khủng, với kỳ vọng giá của chúng sẽ sớm quay đầu giảm về đúng giá trị thực của chúng.
Nhưng không ai có thể đoán được là sẽ có một cơn sóng thần các nhà đầu tư nhỏ lẻ tập trung mua vào cổ phiếu GameStop và những cổ phiếu liên quan khác, khiến giá của chúng tăng ngất ngưỡng. Sự việc này thu hút sự chú ý rộng rãi và được mô tả như là trận chiến giữa "David vs. Goliath", các nhà đầu tư nhỏ lẻ vs. Phố Wall.
Việc giá cổ phiếu tăng quá mạnh đã khiến các quỹ phòng hộ phải nhanh chóng đổ xô mua lại số lượng cổ phiếu đã bán khống, để tránh mức lỗ gia tăng. Tuy nhiên, do họ phải mua lại một lượng cổ phiếu rất lớn, nên việc này cũng đã tiếp đà tăng cho giá cổ phiếu. Từ mức chỉ khoảng dưới $20/cp vào cuối năm 2020, GameStop đã đạt đỉnh giá tại mức khoảng $350/cp vào cuối tháng 1/2021. Hiện tượng này còn được gọi là "bán non" (short squeeze).
Sự việc này ban đầu chủ yếu được kích hoạt bởi một nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ trên một diễn đàn Internet, Reddit, nhằm chống lại những vị thế bán khống của các gã khổng lồ phố Wall, mặc dù cũng có một số quỹ phòng hộ khác tham gia. Khi giá tăng một cách chóng mặt, một số công ty môi giới đã phải cho tạm dừng giao dịch cổ phiếu GameStop và một số cổ phiếu khác. Tuy quyết định này đã bị chỉ trích và cáo buộc tội thao túng thị trường, và hàng chục vụ kiện đã được đệ trình chống lại họ.
Vào ngày 24/03/2022, giá cổ phiếu của GameStop đã giảm 34% xuống còn $120/cổ phiếu, và tới nay sau 2 lần chia tách, hiện còn khoảng hơn $50/cp trong tháng 2/2023.
Theo Morgan Stanley, những tổ chức và cá nhân tham gia bán khống cổ phiếu GameStop đã mất tổng cộng 6 tỷ đô la do phải bán non các vị thế bán khống của mình. Theo đó, cũng khiến một số quỹ phòng hộ phải dừng hoạt động, điển hình như Melvin Capital.
Nói tóm lại, nếu bạn muốn bán khống cổ phiếu, đừng cho rằng bạn luôn có thể mua lại nó bất cứ khi nào bạn muốn, với mức giá thấp mà bạn muốn. Giá cổ phiếu có thể biến động tuỳ theo diễn biến thị trường và không thể ước tính chính xác được. Bạn có thể mất số tiền đáng kể nếu:
- Không một ai chịu bán cổ phiếu.
- Có quá nhiều người mua vì những người bán khống khác cũng đang cố gắng đóng vị thế của họ.
Bán khống khác với Đầu tư thông thường như thế nào?
Bán khống cổ phiếu thường sẽ có một bộ quy tắc riêng của nó, khác với đầu tư cổ phiếu thông thường. Ví dụ ở Mỹ, có một quy tắc được thiết kế để hạn chế việc bán khống làm giá cổ phiếu giảm thêm, khi mà nó đã giảm hơn 10% trong một ngày.
Ở Việt Nam, có thể thấy rõ ràng nhất việc bán khống chiếm ưu thế hơn đầu tư cổ phiếu là trong giai đoạn thị trường giảm giá kéo dài trong cả năm 2022. Trong khi thanh khoản của chỉ số chứng khoán cơ sở, là VNIndex, có xu hướng giảm dần trong giai đoạn này, do nhà đầu tư né tránh mua cổ phiếu, thì thanh khoản của các hợp đồng chỉ số tương lai theo VN30 lại gia tăng mạnh, thậm chí gấp hơn 2 lần so với thanh khoản trung bình năm 2021. Bởi các nhà giao dịch dự đoán thị trường sẽ tiếp đà giảm trong giai đoạn này, nên đã bán khống hợp đồng phái sinh bằng cách mở vị thế bán trước và sau đó mua lại chúng ở mức giá chiết khấu như kì vọng.
Rủi ro thua lỗ khi bán khống là vô hạn, khi giá cổ phiếu có thể tiếp tục tăng không giới hạn. Nhưng trong một số trường hợp như thị trường gấu hay một sự kiện xấu nào xảy ra có thể làm thị trường chung hay một cổ phiếu nào đó giảm mạnh, thì chiến lược bán khống sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ.
Hi vọng thông qua bài này bạn đã hiểu rõ về bán khống và bổ sung thêm kiến thức cơ bản về cổ phiếu. TBán không khá rui ro, và bạn cần lưu ý giá cổ phiếu có thể biến động bất cứ lúc nào và bạn không phải lúc nào cũng có thể mua lại cổ phiếu với giá thấp hơn như kì vọng; và mức thua lỗ tối đa của việc bán khống là không giới hạn.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.