Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Tác động của tin đồn trên thị trường chứng khoán

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    -  Tin đồn là một loại thông tin chưa được kiểm chứng, có tốc độ lan truyền nhanh chóng và thường xuất hiện trên thị trường chứng khoán.

    - Tin đồn trên thị trường chứng khoán có tác động vô cùng mạnh mẽ lên tâm lý đám đông và khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

    - Hiểu biết cơ bản về chứng khoán: Nhiều cá nhân cố gắng tung tin đồn thất thiệt lên thị trường chứng khoán để được hưởng lợi từ những phản ứng chung đó. 

    Tin đồn trên thị trường chứng khoán là gì?

    Thông tin chưa được kiểm chứng, những lời đồn thổi vô căn cứ, nhưng được số đông tin là sự thật, được gọi chung là ‘tin đồn’, đây là yếu tố có tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán – vốn vô cùng nhạy cảm cao với các luồng thông tin.

    Tin đồn có thể được lan truyền thông qua một số kênh như truyền miệng, mạng xã hội, báo chí, tin nhắn. Việc xác định nguồn gốc của những thông tin này có thể đặt ra thách thức cho các nhà đầu tư vì chúng thường dựa trên thông tin không chính xác hoặc thiếu căn cứ.  

    Hiểu biết cơ bản về chứng khoán: Ảnh hưởng của tin đồn trên thị trường chứng khoán


    Có nhiều sự kiện quan trọng được sắp đặt ngày dự kiến để công bố, trước nhiều ngày hoặc tháng. Chẳng hạn như bầu cử Quốc hội, chính sách tiền tệ, thông báo về gói kích thích tài khóa, công bố sự kiện kinh tế quan trọng, v.v. đều là những yếu tố tạo tiếng vang nhất định đối với các nhà đầu tư và giới truyền thông. Ở cấp độ doanh nghiệp, những sự kiện này có thể được thể hiện thông qua công bố báo cáo tài chính, ra mắt sản phẩm mới, v.v. Theo đó, mọi người luôn nỗ lực dự đoán kết quả của những sự kiện này cũng như tác động của chúng đối với giá cổ phiếu của công ty. 

    Bất cứ khi nào có một sự kiện mà đa số nhà đầu tư cho rằng sẽ đem lại kết quả tích cực, thì những nhà giao dịch có nhu cầu bán sẽ hạn chế giao dịch, và bên mua sẽ đẩy mạnh lực cầu của họ đối với cổ phiếu hay nhóm ngành cụ thể đó – được gọi là “mua theo tin đồn”. Họ mua cổ phiếu với niềm tin rằng các tin đồn thất thiệt này cuối cùng sẽ trở thành sự thật và họ sẽ kiếm được khoản lời kha khá từ việc bán cổ phiếu khi tin đồn trở thành sự thật – “bán theo sự thật”. 

    Mặt khác, khi các tin đồn được chứng minh là không chính xác, kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ trở nên tiêu cực. Những nhà đầu cơ giá lên sẽ chốt lời hoặc ngừng mua thêm. Họ cũng có thể bắt đầu bán một lượng lớn cổ phiếu đã mua khi xuất hiện tin đồn trước đó, và có thể gây ra hiện tượng bán tháo và khiến cho giá cổ phiếu sụt giảm nhanh chóng. Khi đó, nhà đầu tư sẽ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả danh mục đầu tư chứng khoán của họ. 

    Câu ngạn ngữ “mua tin đồn, bán sự thật” từ lâu đã trở thành một câu nói quen thuộc và cũng là một bài học đáng giá cho các nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán. 

    Giao dịch nội gián và thao túng giá cổ phiếu

    Giao dịch nội gián và thao túng giá cổ phiếu luôn có khả năng xảy ra thông qua việc lan truyền tin đồn trên thị trường chứng khoán. Những thông tin chưa được công khai mang lại lợi thế đầu không công bằng và thường được nhiều người ưa chuộng thao túng giá cổ phiếu sử dụng để kiếm lời. Chẳng hạn, nếu một người nội bộ trong cuộc tung tin đồn thất thiệt về vấn đề tài chính công ty đang gặp phải, họ có thể bán cổ phiếu của mình trước khi giá giảm và mua lại chúng với giá ‘hời’ sau khi cổ phiếu giảm do phản ứng của thị trường trước tin đồn.

    Tuy nhiên, hành vi này có khả năng gây tổn hại rất lớn cho các nhà đầu tư khác nên bị pháp luật nghiêm cấm và có hình phạt nặng nề.

    Cụ thể, tại Việt Nam, quy định xử phạt đối với hành vi gian lận, lừa đảo và giao dịch nội bộ trong giao dịch chứng khoán có thể được xử phạt như sau:

    - Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với cá nhân và phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với tổ chức đầu tư chứng khoán vi phạm.

    - Tịch thu toàn bộ các khoản thu trái pháp luật của cá nhân, tổ chức đầu tư chứng khoán do có hành vi vi phạm.

    Vì vậy, các nhà đầu tư nên thận trọng khi đưa ra quyết định dựa trên thông tin không đáng tin cậy và lưu ý đến khả năng tác động của các giao dịch nội gián.  

    Tác động tiềm ẩn của tin đồn đối với danh mục đầu tư của bạn

    Trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư rất dễ bị tác động bởi những tin đồn. Thuật ngữ "tâm lý thị trường" mô tả thái độ hoặc tâm trạng của các nhà đầu tư đối với thị trường tài chính nói chung hoặc một ngành hay một mã cổ phiếu cụ thể. Đây là một tâm lý chung của thị trường và diễn biến của nó vô cùng phức tạp, nó chính là một trong những mối đe dọa lớn nhất đến sự tăng/giảm của thị trường chứng khoán. Khi một tin đồn được làn truyền, cái đầu tiên mà nó sẽ tác động chính là tâm lý thị trường, từ đó tác động lên sự tăng/giảm của giá cổ phiếu.

    Chẳng hạn, tin đồn một công ty đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính và có rủi ro về thanh khoản có thể khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu của họ ở công ty đó vì lo ngại về triển vọng trong tương lai và việc bán tháo này có thể làm cho giá của cố phiếu sụt giảm. Mặt khác, thông tin một công ty sắp cho ra mắt một sản phẩm mới được biết đến một cách rộng rãi, có thể sẽ tạo động lực cho các nhà đầu tư về triển vọng phát triển tích cực trong tương lai của công ty. Nhờ đó, nhà đầu tư sẽ rót vốn mua thêm cổ phiếu của công ty và điều này sẽ làm tăng giá cổ phiếu. Ví dụ ngày 24/03/2023, NVL có một phiên tăng trần do nhà đầu tư lạc quan về khả năng thanh toán của NVL khi công ty này công bố đã thành công gia hạn 2 khoản trái phiếu đến hạn. 

    Điều quan trọng bạn cần lưu ý là, tâm lý thị trường có thể thất thường và thay đổi nhanh chóng trước những thông tin mới hoặc trong những tình huống, sự kiện bất ngờ. Do đó, ảnh hưởng của tin tức hay tin đồn lên giá cổ phiếu có thể là nhất thời và không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác tình hình phát triển lâu dài của một công ty.

    Việc đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên tin đồn có thể khiến bạn đối mặt với những rủi ro không mong muốn vì chúng có thể rất khó để kiểm chứng. Tự tìm hiểu và tự thẩm định các thông tin  và có kiến thức chơi chứng khoán luôn được xem là một ý tưởng thông minh trước khi đưa ra bất kỳ quyết định đầu tư nào.  

    Một số ví dụ về tin đồn trên thị trường chứng khoán

    Có rất nhiều ví dụ về tin đồn làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của một công ty, chỉ số VN-Index hay tâm lý thị trường chung. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu tại Việt Nam trong những năm gần đây:

    Trong tháng 07/2022, tin đồn thất thiệt liên quan đến Tập đoàn VinGroup, cụ thể là việc chủ tịch tập đoàn bị cấm xuất cảnh được lan truyền trên các diễn đàn trực tuyến. Mặc dù sau đó, Bộ Công an đã làm rõ thông tin sai sự thật song các nhà đầu tư đã phản ứng trước tin đồn tiêu cực này, làm cho cổ phiếu “họ Vingroup” lao dốc mạnh từ khoảng 4% cho đến kịch sàn.

    Đầu tháng 10/2022, chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành và mua bán trái phiếu. Ngay sau đó, mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (OTC: SCB) khi cho rằng vị chủ tịch trên nắm giữ chức vụ quản lý điều hành tại SCB. Trước thông tin này, nhiều người dân đã đổ xô tới SCB để rút tiền gửi, còn được gọi là hiện tượng “bank run”. Tuy nhiên ngay sau đó, SCB đã rà soát và bác bỏ thông tin trên. Việc này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người dân cũng như những khách hàng của SCB khi đã hoang mang rút tiền trước hạn và bỏ mất phần lãi kiếm được trong các tài khoản tiền gửi của mình.

    Ngày 10/11/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam đã dậy sóng trước tin đồn HOSE và HNX không còn là thành viên của Liên minh Sở giao dịch Chứng khoán Thế giới (WFE). Ngay trong ngày hôm đó, VN-Index đã phản ứng trước thông tin tiêu cực này khi kết phiên giảm mạnh 38.35 điểm, xuống còn 947.24 điểm. Mặc dù vậy, nguyên nhân chính xác cho tin đồn trên là do HOSE và HNX đang trong quá trình sáp nhập để trở thành Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX). Theo đó, VNX đang nhận chuyển giao tư cách thành viên của WFE từ HOSE và thực hiện các thủ tục liên quan để trở thành thành viên chính thức của WFE. 

    Ngày 10/02/2023, tin đồn CTCP Chứng khoán Bản Việt (HOSE: VCI) và Công ty TNHH Chứng khoán ACB (HOSE: ACBS) bị điều tra do thao túng giá cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (HOSE: EIB) lan truyền đã làm rúng động thị trường chứng khoán, khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu. Ngay trong ngày giao dịch sau đó (13/02), giá cổ phiếu VCI đã giảm mạnh gần 7%. Tuy nhiên, 2 công ty chứng khoán sau đó cùng với các bằng chứng sao kê có liên quan đã khẳng định các thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt, làm ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín cũng như tâm lý của các nhà đầu tư. 

    Từ những trường hợp trên cho thấy, ngay cả khi tin đồn cuối cùng cũng được bác bỏ do sai sự thật nhưng chúng vẫn đã có tác động lớn đến giá cổ phiếu và thị trường chung. Các nhà đầu tư cần có hiểu biết cơ bản về chứng khoán vững chắc, thận trọng khi đưa ra đánh giá về các khoản đầu tư của mình dựa trên những thông tin không đáng tin cậy như trên cũng như lưu ý đến khả năng tin đồn có thể tác động như thế nào đến giá cổ phiếu.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán