Điểm nhấn chính:
- Thúc đẩy đầu tư công, đẩy cung tiền M2 nhằm dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
- Kỳ vọng Mỹ giảm lãi suất giúp giảm căng thẳng tỷ giá trong nước và thêm dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ.
- Sửa luật để tạo khung pháp lý cho doanh nghiệp triển khai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh vĩ mô biến động, hội thảo Vietnam Investment Forum 2025 – Khai Thông và Bứt phá của báo VietnamBiz – diễn ra vào ngày 8/11/2024, quy tụ giới chuyên gia cao cấp, CIO, CEO, CFO các doanh nghiệp niêm yết đầu ngành, nhằm chia sẻ về các xu hướng mới, các cơ hội đầu tư, những thông tin, góc nhìn cho giai đoạn mới.
Biến động vĩ mô đáng lưu ý trong nước
Thâm hụt cán cân thanh toán
Năm 2024, Việt Nam ghi nhận thâm hụt cán cân thanh toán tới gần 7.4 tỷ USD sau 6 tháng đầu năm 2024, từ mức thặng dư hơn 4.5 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023. Trong đó, quý 2/2024 ghi nhận thâm hụt tới 6.07 tỷ USD.
Mặc dù đạt thặng dư thương mại, nhưng mức tăng trưởng nhập khẩu vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Kể cả tới tháng 10, tính chung 10Th2024, thặng dư thương mại chỉ đạt 23.31 tỷ USD (xuất khẩu tăng 14.9% và nhập khẩu tăng 16.8%), thấp hơn 6% so với con số thặng dư 24.8 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Và khi đồng USD mạnh hơn, nó tăng áp lực lên chi phí nhập khẩu. Theo ước tính của WiGroup, tới tháng 10 năm 2024, tỷ lệ dữ trữ ngoại hối chỉ còn khoảng 83 tỷ USD, tương đương với 2.6 tháng nhập khẩu.
Trong cán cân thanh toán, cán cân tài chính gây thâm hụt tới 6.26 tỷ USD trong quý 2/2024. Phần lớn là do dòng vốn đầu tư gián tiếp bị rút mạnh, với tổng rút ròng lên tới 3.0 tỷ USD.
Ngay cả đầu tư của nước ngoài dưới dạng tiền và tiền gửi ở VN cũng bị rút mạnh tới 6.1 tỷ USD trong 6Th2024. Trong khi đó, tiền gửi ra nước ngoài của doanh nghiệp và cá nhân trong nước cũng lên tới 5.4 tỷ USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tăng trả nợ nước ngoài trong bối cảnh đồng USD tiếp tục mạnh lên.
Nhìn chung, mặc dù vốn FDI thực hiện trong 10Th2024 ước đạt 19.58 tỷ USD, tăng 8.8% svck năm trước, nhưng áp lực tỷ giá trong nước, một lượng lớn ngoại tệ đã bị hút ra ròng ra khỏi Việt Nam.
Tắc nghẽn lưu thông dòng tiền
Mặc dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế đạt ở mức 9% so với cuối năm 2023, đạt 14.7 triệu tỷ đồng, NHNN cho biết ngày 17/10.
Tuy nhiên, tiền chủ yếu còn bị mắc kẹt trong Kho bạc Nhà nước cũng như trong các NHTM. Điều này thể hiện qua giải ngân ngân sách đầu tư công, khi mà 10Th2024 mới giải ngân được 52.46% mục tiêu đề ra.
Điều này góp phần khiến cung tiền M2 tăng chậm ở mức chỉ 2.5% so với cuối năm 2023. Từ đó khiến các NHTM gặp khó trong việc huy động vốn, dẫn tới việc phải tăng lãi suất huy động để thúc đẩy hoạt động gửi tiền từ người dân.
Theo tính toán thì vận tốc tiền tệ trong nền kinh tế vẫn ở mức thấp hơn 0.7 lần từ năm 2021 đến nay, và vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi chỉ đang ở mức khoảng 0.65 lần tính đến cuối tháng 6/2024. Cho thấy, tiền vẫn đang bị tắc nghẽn trong nền kinh tế, đặc biệt ở trong KBNN và các NHTM.
Ngoài ra, khối tư nhân cũng không mạnh dạn đầu tư trong thời gian vừa qua. Điển hình tiền gửi trong hệ thống ngân hàng lên tới 6.84 triệu tỷ đồng tính đến cuối tháng 7/2024, tăng 4.7% so với đầu năm. Coi báo cáo tài chính các công ty niêm yết tỷ lệ đầu tư tương đối thấp, điều này cũng góp phần làm tắc nghẽn tiền lưu thông.
Quy định 191-QĐ/TW bao gồm chống lãng phí
Vì vấn đề trên – mặc dù tăng trưởng tín dụng đạt 9% nhưng dòng tiền vẫn chưa đi vào nền kinh tế. Chính phủ trong năm 2025 sẽ ưu tiên đẩy mạnh đầu tư công, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, trị giá hơn 67 tỷ USD.
Chính phủ cũng mới có Quy định 191-QĐ/TW về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, được ban hành hồi cuối tháng 10/2024, nhằm thay thế Quy định 32-QĐ/TW năm 2021 trước đó không có bao gồm chống lãng phí.
Theo ông Trần Tú Anh (Giám đốc Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương), chi phí lãng phí thậm chí còn lớn hơn cả chi phí tham nhũng.
Đồng thời nhấn mạnh và đánh giá cao quy định mới của Chính phủ, với trọng tâm là phòng, chống lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Bởi vì, khi mà tiền bị mắc kẹt trong Kho bạc càng lâu thì chi phí thời gian và chi phí tiền tệ liên quan càng lớn.
Ông cho rằng, ngoài việc đẩy tiền ra khỏi KBNN, cũng phải đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa để cải thiện lưu thông dòng vốn trong nước. Đồng thời, xử lý các ngân hàng yếu kém để từ đó mở rộng lưu thông dòng vốn tín dụng.
Yếu tố định tính và định lượng của chính sách
Trong 2 năm qua, Việt Nam đã tập trung vào yếu tố định tính của chính sách tiền tệ, nghĩa là tập trung vào lãi suất điều hành để điều phối nền kinh tế.
Nhưng hiện tại không có quá nhiều dư địa để để điều chỉnh mặt bằng lãi suất, cả tăng lẫn giảm. Đồng thời, việc ông Trump làm tổng thống, có khả năng khiến lạm phát quay lại, do vậy mà dự kiến là Fed có thể sẽ không giảm lãi suất nhiều như kỳ vọng. Nên bây giờ có thể NHNN nên tập trung vào yếu tố định lượng của chính sách hơn – là quy mô tiền tệ của nền kinh tế (hay là bảng cân đối kế toán của NHNN), để làm sao để đẩy tiền mạnh hơn ra nền kinh tế, cải thiện vòng quay tiền tệ.
Mặt khác, ông Tú Anh cho rằng Mỹ sẽ vẫn phải giảm lãi suất. Giải thích rằng, hiện, Mỹ đang phải trả lãi vay lên hơn 900 tỷ USD, chiếm hơn 3% GDP. Trong sắp tới, họ có thể phải thu hẹp bảng cân đối kế toán của họ hơn nữa, bằng cách để cho các khoản chứng khoán đầu tư đáo hạn mà không tái đầu tư chúng, nhằm giảm các khoản lãi vay.
Đồng thời, với việc Trump quay trở lại Nhà trắng, áp lực lên Fed giảm lãi suất sẽ càng lớn hơn, để giảm nợ vay. Và, Mỹ sẽ khó có thể tiếp tục in thêm tiền để trả nợ, chủ yếu do việc đó có nhiều khả năng làm lạm phát tăng trở lại. Bởi đã nới lỏng chính sách thông qua giảm lãi suất mà còn tiếp tục làm phình to bảng cân đối kế toán thì sẽ rất rủi ro.
Đánh giá về tác động ở Trung Quốc, nước này có thể phá giá đồng nhân dân tệ của họ trong ngắn-trung hạn. Do buộc phải nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, đang dần rơi vào đình lạm và có nguy cơ đối mặt với giảm phát.
Ngoài ra, ngày 8/11, Trung Quốc cũng đã công bố gói kích cầu 1,400 tỷ USD trong vòng 5 năm, ngay sau khi Trump tái đắc cử tổng thống 2 ngày. Có thể nói Trung Quốc đã có những tính toán và bước đi để đối phó với các chính sách của ông Trump. Việc giảm lãi suất và bơm tiền cũng là để đối với những chính sách thắt chặt hơn của Mỹ nhắm vào họ, như là tăng thuế quan.
NĐTNN rút ròng trên TTCK Việt Nam
NĐTNN đã rút ròng trên TTCK Việt Nam lên tới 6 – 7 tỷ USD trong vòng 3-4 năm qua, chiếm 7-8% dự trữ ngoại hối VN. Có 3 lý do sau đây, theo ông Lê Anh Tuấn (Giám đốc Đầu tư, Dragon Capital).
Đầu tiên là, trong 2-3 năm tới, khái niệm về frontier market có thể sẽ không còn tồn tại nữa, do có quá nhiều biến động, đồng thời quy định thị trường ngày càng được cải cách và nâng cao, sẽ khiến các TTCK nhắm mục tiêu trở thành emerging market nhanh chóng hơn. Do vậy mà các NĐT nước ngoài cũng không quá mặn mà với frontier market.
Thứ hai là, trong những năm qua, không kể tới frontier, emerging market cũng bị hút vốn đáng kể, với dòng vốn đổ dồn trở về Mỹ nhờ các yếu tố vĩ mô có lợi hơn như là lãi suất và sức mạnh đồng USD cao hơn. Với dòng vốn bị hút ròng, frontier market cũng bị ảnh hưởng đáng kể, trong đó có Việt Nam.
Và cuối cùng là, vấn đề “labelling”, cho rằng Việt Nam giống với Trung Quốc, do có vị trí địa lý gần nhau và một vài yếu tố chính trị tương đồng. Khi mà Trung Quốc và Mỹ xảy ra chiến tranh thương mại từ 2018, tuy đã suy giảm trong thời Biden, nhưng với sự quay trở lại của Trump, căng thẳng này có thể tăng mạnh trở lại. Ngay cả trước cuộc bầu cử, những dự đoán về việc Trump tái đắc cử cũng đã khiến dòng vốn đầu tư chuyển động đáng kể, ồ ạt rút khỏi Trung Quốc. Và việc Việt Nam là “láng giềng” với đất nước tỷ dân này cũng phải chịu tác động hiệu ứng lan tỏa.
Triển vọng của nền kinh tế Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đặt mức tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2025, và khoảng 7.5% - 8.5% trong giai đoạn 2026-2030.
Năm 2025, dự kiến đẩy mạnh việc sửa đổi luật, theo đó, theo hướng xây dựng 1 luật sửa đổi một số Luật về thúc đẩy tăng trưởng.
Ví dụ, Dự án 1 luật sửa 7 luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Những sửa đổi này vẫn đang được Quốc hội xem xét và đánh giá trong Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, đang diễn ra cho tới ngày kết thúc là 30/11.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng từ khóa trong năm 2025 sẽ không phải là lạm phát hay tỷ giá, mà là “Trump phiên bản 2” – kéo theo nhiều biến động vĩ mô hơn.
Ông
Phan Đức Hiếu (Đại biểu Quốc hội khóa XV) cũng nhấn mạnh, năm 2025 là năm cuối
cùng trong giai đoạn phát triển KT-XH 5 năm 2021 – 2025 theo Nghị quyết Đại hội
Đảng lần thứ XIII. Do vậy mà Chính phủ và các Bộ ngành sẽ nỗ lực thực hiện việc
sửa luật theo hướng một luật sửa nhiều luật để có thể gỡ
nhiều nút thắt trong nền kinh tế một
cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, từ đó hướng tới hoàn thành các mục
tiêu chiến lược đã đề ra cũng như sắp
tới trong tương lai.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.