Nhiều nền kinh tế hiện đại trên thế giới được vận hành dưới chủ nghĩa tư bản. Hệ thống kinh tế của chủ nghĩa tư bản được kiểm soát và điều tiết bởi các lực lượng của thị trường – nơi sản xuất thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp và cá nhân. Điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa cộng sản, một hệ thống thuộc sự kiểm soát của chính phủ.
Với bài viết dưới đây, Tititada sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan về một số khía cạnh chính của hệ thống chủ nghĩa tư bản, bao gồm là sở hữu tư nhân, kiểm soát tư nhân đối với các yếu tố sản xuất, tích lũy tư bản và cạnh tranh.
Chủ nghĩa tư bản là gì?
Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống kinh tế trong đó các cá nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân sở hữu tư liệu sản xuất của nền kinh tế, bao gồm nhà máy, nguyên liệu thô cũng như các phương tiện và/hoặc công cụ sản xuất. Khi đó, việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ được dựa trên cung và cầu trên nền kinh tế chung mà không phải thông qua kế hoạch hóa tập trung được chỉ định bởi chính phủ.
Thị trường tự do là hình thức thuần túy nhất của chủ nghĩa tư bản. Trong loại hình cơ cấu kinh tế này, các cá nhân hay tổ chức không bị gò bó. Họ được bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền quyết định phân bổ nguồn lực (bao gồm cách phân bổ tiền, lựa chọn sản phẩm dịch vụ kinh doanh) và mức giá bán của chúng trên thị trường mở. Và tất cả các quyết định của doanh nghiệp được đưa ra một cách tự nguyện và theo hình thức quản lý phân cấp.
Sở hữu tư nhân
Quyền sở hữu tư nhân, hay quyền tư hữu, là một nguyên lý trọng tâm của chủ nghĩa tư bản. Một cá nhân hoặc pháp nhân có thể mua tài sản từ một cá nhân hoặc pháp nhân khác tại mức giá được cả hai bên chấp thuận thay vì tuân theo mức giá do chính phủ quy định. Một công dân bình thường khó có thể tích luỹ tư bản, hay tích luỹ vốn, nếu họ:
- Không sở hữu bất kỳ một loại tài sản nào
- Lo lắng vì những tài sản họ sở hữu có thể dễ dàng bị đánh cắp hoặc bị tịch thu
- Không thể tự do mua hoặc bán những tài sản thuộc quyền sở hữu của họ; và không thể chuyển quyền sở hữu đó cho người khác
Miễn là các chủ sở hữu tuân theo các quy tắc của luật pháp được áp dụng rộng rãi trong nền kinh tế đó, thì họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn đối với tài sản thuộc sở hữu của mình.
Ngoài ra, quyền tư hữu tách biệt rõ ràng quyền sở hữu tư liệu sản xuất với người lao động sử dụng chúng. Ví dụ, một người chủ sở hữu nhà máy bao gồm cả các máy móc được sử dụng, cũng như bất kỳ thành phẩm nào được sản xuất. Một cá nhân làm việc cho nhà máy chỉ được hưởng tiền lương liên quan đến công việc họ làm mà không có quyền sở hữu đối với tài sản, thiết bị hoặc thành phẩm.
Yếu tố sản xuất
Trong chủ nghĩa tư bản, doanh nghiệp tư nhân nắm quyền kiểm soát đối với các yếu tố sản xuất. Những yếu tố này bao gồm đất, lao động và vốn. Các doanh nghiệp này kiểm soát và triển khai nhiều phương án kết hợp các yếu tố này ở các cấp độ khác nhau nhằm tìm ra cách tối đa hóa lợi nhuận và hiệu suất kinh doanh.
Một cách phổ biến để xem liệu các yếu tố sản xuất được kiểm soát bởi tư nhân hay chính phủ là, đánh giá xem điều gì sẽ xảy ra với sản phẩm thặng dư. Trong hệ thống chủ nghĩa cộng sản, bất kỳ sản phẩm dư thừa nào cũng được phân phối cho toàn xã hội. Trong khi đó, các hệ thống tư bản chủ nghĩa cho phép nhà sản xuất nắm giữ và sử dụng bất kỳ khoản thặng dư nào để có thêm được lợi nhuận.
Tích luỹ tư bản
Tích luỹ tư bản đề cập đến sự gia tăng tài sản từ các khoản đầu tư hoặc lợi nhuận; và nó được xem là một trong những nền tảng của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nói đơn giản, lợi nhuận ròng chính là động lực cho bất kỳ hoạt động kinh tế nào. Vì vậy, các nhà tư bản coi tích lũy lợi nhuận ròng là một cách để:
- Tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy hiệu suất làm việc
- Kích thích sáng tạo, đổi mới
- Sản xuất hiệu quả hơn khi chính phủ không có quyền kiểm soát giá trị tài sản ròng của doanh nghiệp
Sự khuyến khích tài chính này là lý do khiến các nền kinh tế tư bản coi sự đổi mới là luôn đi song hành với hệ thống thị trường của họ. Nói chung, việc tích luỹ tư bản, tái phân bổ vốn cũng như tái đầu tư vào công ty để mở rộng sản xuất và nâng cao hiệu quả chính là đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa tư bản.
Các thị trường và sự cạnh tranh
Sự cạnh tranh là một khía cạnh quan trọng khác. Các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh với nhau để có thể cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Nguyên tắc cạnh tranh buộc các doanh nghiệp phải tối đa hóa tính hiệu quả và cung cấp các sản phẩm thỏa mãn nhu cầu thị trường ở mức giá thấp nhất. Nếu không, các đối thủ của họ sẽ giành được lợi thế cạnh tranh nhờ hoạt động hiệu quả hơn hay có sản phẩm ở mức giá tốt hơn.
Các hoạt động kinh doanh của một công ty cụ thể trong hệ thống chủ nghĩa tư bản được tiến hành một cách tự nguyện. Trong khi đó, chính quyền trung ương trong hệ thống chủ nghĩa cộng sản lại có sự tác động độc quyền trong tất cả các ngành công nghiệp. Nghĩa là, không có động lực để cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn hay cạnh tranh với mức giá thấp hơn, vì khách hàng của họ không có sự lựa chọn thay thế khác.
Trong hệ thống tư bản, sự cạnh tranh xuất hiện mạnh mẽ trên thị trường tự do. Thị trường là một khái niệm trừu tượng mô tả nơi người mua và người bán, hay cầu và cung, tác động lên giá cả. Nếu cầu đối với một loại hàng hóa tăng lên trong khi nguồn cung không thay đổi, giá cả của hàng hóa đó sẽ tăng lên. Khi giá cả tăng, nó sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp tăng cường sản xuất nhiều hơn vì sản phẩm mang lại lợi nhuận cao hơn so với kỳ vọng. Điều này làm tăng nguồn cung để đáp ứng kịp thời lượng cầu trên thị trường, khi đó giá sẽ tạm thời giảm xuống. Quá trình này tạo ra trạng thái cân bằng cung – cầu trước những điều chỉnh của thị trường.
Những vấn đề liên quan đến chủ nghĩa tư bản
Chủ nghĩa tư bản là động lực chính cho sự đổi mới, giàu có và thịnh vượng trong kỷ nguyên hiện đại ngày nay. Cạnh tranh và tích luỹ tư bản khuyến khích các doanh nghiệp tối đa hóa hiệu suất, đem lại tiềm năng tăng trưởng cho các nhà đầu tư và giúp người tiêu dùng được hưởng mức giá thấp hơn trên nhiều loại hàng hóa. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Sau đây là ba vấn đề phổ biến liên quan đến chủ nghĩa tư bản.
Bất cân xứng thông tin
Để thị trường tự do vận hành đúng cách, như một trọng tâm của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, một số giả định quan trọng phải được tuân theo:
- Thông tin phải hoàn hảo (tức là tất cả kiến thức/thông tin có sẵn đều có thể biết và truy cập được miễn phí)
- Cân xứng thông tin (tức là cả người mua và người bán đều biết tất cả các thông tin ngang nhau)
Trong thực tế, giả định này thường không được giữ đúng, và đã gây ra nhiều vấn đề.
Bất cân xứng thông tin xảy ra khi một bên tham gia giao dịch kinh tế có được nhiều thông tin hơn so với bên kia. Điều này bạn thường thấy được qua việc người bán hàng hóa hay dịch vụ nắm bắt được lượng thông tin sâu rộng hơn so với người mua. Tuy nhiên, điều ngược lại cũng có thể xảy ra. Nhìn chung, hầu hết các giao dịch kinh tế đều có sự liên quan của việc thông tin bất cân xứng. Trong một số trường hợp, điều này có thể dẫn đến một số vấn đề liên quan đến gian lận.
Ví dụ, một công ty bảo hiểm có nhiều khả năng đối mặt với tổn thất cực lớn khi không nắm bắt được tất cả các thông tin về khách hàng tại thời điểm ký kết hợp đồng. Luồng thông tin bất cân xứng này có thể được xem là hành vi gian lận nếu như một cá nhân tham gia bảo hiểm cố tình không tiết lộ việc họ đang hút thuốc hay tham gia các hoạt động thể thao mạo hiểm, nhằm có được hợp đồng bảo hiểm với phí rẻ hơn.
Bất bình đẳng kinh tế
Thị trường cạnh tranh và các doanh nghiệp tư nhân tạo ra một mô hình “người thắng được cả, kẻ thua mất hết” – một vấn đề thường xuất hiện trong các xã hội tư bản. Nếu hai công ty cùng sản xuất một loại sản phẩm, mà một công ty cung cấp sản phẩm ở mức giá rẻ hơn hoặc hoạt động có hiệu suất cao hơn, thì công ty còn lại nhều khả năng sẽ phá sản, sa thải người lao động hoặc bị mua lại bởi công ty kia mà không thể giữ lại toàn bộ số lượng lao động như trước đó.
Mặt khác, người lao động chỉ nhận lương trong khi chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư được hưởng toàn bộ lợi nhuận. Khi một công ty phát triển, chủ sở hữu trở nên giàu có hơn và họ sử dụng nhiều lao động hơn. Những người lao động này làm việc với mức lương ít ỏi so với những gì mà giám đốc điều hành hay những người đứng đầu nhận được. Theo thời gian, những khoản chênh lệch này ngày càng lớn.
Vấn đề nan giải hơn là người lao động thường cần phải làm việc để kiếm tiền để duy trì cuộc sống của bản thân và gia đình của họ. Họ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc cố gắng làm việc với mức lương tương đối thấp chỉ để kiếm sống.
Chủ nghĩa tư bản thân hữu
Chủ nghĩa tư bản thân hữu đề cập đến một xã hội tư bản dựa trên mối quan hệ mật thiết giữa doanh nhân và giới chính trị, quan chức chính phủ. Sự thành công của doanh nghiệp phụ thuộc vào đặc quyền từ chính phủ thông qua hình thức giảm thuế, trợ cấp của chính phủ và các ưu đãi khác thay vì dựa trên tính hiệu quả của thị trường tự do và sự bình đẳng trước pháp luật.
Trên thực tế, đây là hình thức chủ nghĩa tư bản phổ biến trên thế giới, do các chính phủ phải đối mặt với những động cơ để khai thác nguồn lực bằng cách đánh thuế, kiểm soát và thúc đẩy hoạt động tìm kiếm đặc lợi, cũng như những động cơ các doanh nghiệp tư bản phải đối mặt để tăng lợi nhuận bằng cách nhận trợ cấp, hạn chế cạnh tranh và dựng lên các rào cản gia nhập.
Chủ nghĩa tư bản thân hữu bị gán mác cho một loạt các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến xã hội và kinh tế. Những người theo chủ nghĩa xã hội tin rằng, chủ nghĩa tư bản thân hữu là kết quả tất yếu của chủ nghĩa tư bản thuần túy. Trong khi đó, những người khác tin rằng, chủ nghĩa tư bản thân hữu phát sinh từ nhu cầu của các chính phủ xã hội chủ nghĩa trong việc kiểm soát nền kinh tế.
Chủ nghĩa tư bản có tốt cho nền kinh tế không?
Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống kinh tế được xác định bởi sự kiểm soát của các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân đối với hàng hóa và dịch vụ. Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản cho rằng, tự do kinh tế có được nhờ chủ nghĩa tư bản mang lại cho phép hạn chế sự can thiệp của chính phủ. Như vậy, thị trường tự do không bị ràng buộc bởi kế hoạch hóa tập trung hay sự kiểm soát trong sản xuất/phân phối. Nhiều người cho rằng, điều này chỉ tạo cơ hội cho người giàu và thậm chí giúp họ trở nên giàu hơn. Đó là bởi vì cung và cầu là các bên thúc đẩy các xã hội tư bản – nơi các nhà sản xuất nắm nhiều quyền lực hơn.
Tóm tắt:
- Hầu hết nền kinh tế của các quốc gia nằm giữa chủ nghĩa tư bản và kết hợp một vài đặc điểm của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
- Hệ thống chủ nghĩa tư bản được kiểm soát và điều tiết bởi các lực lượng thị trường; với tư liệu sản xuất thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp và cá nhân.
- Chủ nghĩa tư bản cho phép nền kinh tế hạn chế sự can thiệp của chính phủ. Như vậy, thị trường tự do khi không bị ràng buộc bởi kế hoạch hóa tập trung hay sự kiểm soát trong sản xuất/phân phối.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.