Điểm nhấn chính:
- Zombie là những công ty chỉ kiếm đủ tiền để trang trải cho chi phí hoạt động và trả nợ lãi vay nhưng không thể hoàn trả tiền gốc.
- Các công ty niêm yết có khả năng hóa thành zombie cao hơn các công ty tư nhân.
- Chính phủ có thể lựa chọn duy trì sự tồn tại của công ty zombie vì lợi ích về việc làm, khoản thu thuế và rủi ro hệ thống trong ngành tài chính.
Tìm hiểu cùng Tititada!
Một thắc mắc mà hầu hết ai cũng đặt ra khi nghe đến doanh nghiệp zombie đó chính là, bất chấp những ảnh hưởng xấu của nó đến nền kinh tế, tại sao Chính phủ vẫn để cho nó tồn tại và chiếm lại sự sống của các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn? Hãy cùng Tititada tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Doanh nghiệp nào có xu hướng trở thành doanh nghiệp zombie?
Một trong những lý do mà doanh nghiệp zombie vẫn có thể tồn tại là do loại hình và quy mô hoạt động của nó.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, tỷ lệ hóa zombie thấp hơn ở các công ty tư nhân. Điều này có thể được giải thích do tỷ lệ thoái vốn của các công ty tư nhân cao hơn đáng kể so với các công ty niêm yết. Nghĩa là các công ty tư nhân yếu kém có nhiều khả năng rời khỏi thị trường nhiều hơn các công ty niêm yết hoạt động yếu kém, và các công ty zombie tư nhân có xu hướng rời khỏi thị trường với tốc độ nhanh hơn các công ty niêm yết. Hai lực lượng này dẫn đến tỷ lệ hình thành tổng thể thấp hơn giữa các công ty tư nhân.
Nhìn vào các công ty niêm yết đại chúng ở 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, họ nhận thấy rằng số lượng zombie trung bình tính theo tỷ lệ phần trăm của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán đã tăng từ 1.5% năm 1990 lên hơn 7% vào năm 2020.
Nguồn: Smith Business Insight
Những quốc gia có nhiều công ty đại chúng nhỏ và tương đối ít hoạt động sản xuất trên thị trường chứng khoán, có nhiều khả năng trở thành công ty zombie hơn. Canada và Úc có số lượng công ty zombie niêm yết cao nhất (29% đối với Canada và 21% đối với Úc vào năm 2019). Nhưng họ cũng có tỷ lệ công ty nhỏ lớn nhất trên thị trường đại chúng (76% đối với Canada và 73% đối với Úc). Để so sánh, chỉ có 9% công ty niêm yết ở Mỹ là zombie vào - năm 2019, tuy nhiên tỷ lệ ở các doanh nghiệp nhỏ đã niêm yết tại Mỹ là công ty zombie ước tính khoảng 43%.
Nguồn: VOX EU, CEPR
Các công ty zombie phổ biến hơn trong các ngành phi thương mại, chẳng hạn như bất động sản, năng lượng, công nghệ thông tin, vật liệu và hàng tiêu dùng không thiết yếu, những ngành có xu hướng dễ bị tổn thương về tài chính hơn, kém năng suất hơn, trải qua nhiều sự bùng nổ do tín dụng thúc đẩy và phải đối mặt với nhiều rủi ro và cơ hội tăng trưởng yếu hơn.
Tại sao Chính phủ vẫn để cho các doanh nghiệp zombie tồn tại?
Ở Canada, tình trạng tồn tại của một lượng lớn công ty zombie không phải là ngẫu nhiên. Chính phủ của quốc gia này đang áp dụng một chiến lược đặc biệt, chấp nhận sự tồn tại của những doanh nghiệp này để duy trì ổn định trong nền kinh tế và giữ cho môi trường kinh doanh đa dạng. Trong ngữ cảnh của Canada, năng lượng và khai thác năng lượng công cộng nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế. Do đó, việc duy trì các doanh nghiệp nhỏ này được coi là mục tiêu quan trọng, không chỉ để giữ cho mức độ việc làm ổn định mà còn để bảo toàn sự đa dạng và ổn định trong ngành công nghiệp.
Các nền kinh tế được điều hành bởi Chính phủ theo chủ nghĩa dân túy, lạm dụng “doping tiền tệ” – bơm tiền ra nền kinh tế, cũng chấp nhận sự tồn tại của các doanh nghiệp zombie vì nó tạo ra việc làm, giảm bớt căng thẳng xã hội và quan trọng hơn là dù chỉ thoi thóp thở nhưng vẫn đóng góp lá phiếu cho mỗi lần bầu cử.
Nếu công ty zombie là một công ty niêm yết lớn, việc nó phá sản sẽ tạo ra một cơn bão sụp đổ trong hệ thống tài chính và ảnh hưởng lớn lên các doanh nghiệp khác. Các ngân hàng cho công ty zombie vay cũng phải đối mặt với rủi ro rút tiền ồ ạt từ người dân vì họ lo sợ sẽ bị ảnh hưởng và sẽ không thể rút được tiền, giá cổ phiếu của ngân hàng đó cũng sẽ đối mặt với nguy cơ sụt giảm bởi tin tức xấu này. Điều gì sẽ xảy ra nếu một hoặc nhiều ngân hàng sụp đổ?
Chính phủ lựa chọn giải cứu các công ty zombie sắp phá sản nhằm bảo toàn việc làm cho người lao động, giảm áp lực xã hội từ tình trạng thất nghiệp và bảo vệ nguồn thu nhập của xã hội. Điều đó có thể được coi là một biện pháp ngắn hạn để giữ ổn định kinh tế và xã hội. Trường hợp này đã xảy ra ở Trung Quốc, khi chính quyền địa phương quyết định sử dụng các khoản trợ cấp tài chính giữ cho các công ty zombie tiếp tục hoạt động, bởi tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc quá cao, nếu một công ty phá sản, áp lực thất nghiệp sẽ càng trở nên nặng nề hơn. Không những thế, từ góc độ thu chi tài chính, miễn là chi phí cứu các công ty zombie thấp hơn doanh thu thuế tiềm năng, chính quyền địa phương có động cơ để giúp các công ty zombie tồn tại.
Thực trạng doanh nghiệp zombie tại Việt Nam
Tại Việt Nam, cuộc nghiên cứu dựa trên 65 công ty niêm yết trong nhóm ngành vật liệu xây dựng, hoạt động trong giai đoạn 2008-2016 cho thấy, trung bình tỷ lệ zombie trong số các công ty niêm yết này chiếm đến 18% và tỷ lệ zombie cao nhất là 29.23% vào năm 2013 - đỉnh điểm của giai đoạn doanh nghiệp khủng hoảng vốn và làm ăn thua lỗ. Các doanh nghiệp zombie này được xác định dựa trên tiêu chí khả năng chi trả lãi suất nhỏ hơn 1 trong 3 năm liên tiếp và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh âm trong năm đầu tiên. Điều này có thể được giải thích bởi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 đã làm chậm tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong suốt giai đoạn 2008 – 2013.
Nguồn: Tititada Research
Giai đoạn 2002-2007, Việt Nam luôn được coi một trong những điểm sáng trong bản đồ kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7.8% và đạt đỉnh 8.48% sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng 2008 xảy ra, Việt Nam chìm trong vòng xoáy tăng trưởng chậm khi các thị trường xuất khẩu lớn bị ảnh hưởng, sức mua trong nước giảm. Đến năm 2012, tăng trưởng nhóm ngành công nghiệp ở mức báo động khi chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dưới 5%. Có thể nói, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc nhóm ngành vật liệu xây dựng đã phải chịu ảnh hưởng khá nặng nề do thị trường bất động sản đóng băng, xây dựng cơ bản đình trệ dẫn đến các ngành chế tạo sắt thép, vật liệu xây dựng lao đao, thể hiện qua những con số tồn kho cao của toàn ngành.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đích thị là những “xác sống” bất tử, với những dự án khủng đắp chiếu, lãi mẹ đẻ lãi con, hiệu quả sử dụng vốn và tốc độ tăng năng suất lao động giảm mạnh. Hiện nay, DNNN "đóng góp" nhiều nhất vào gánh nặng nợ quốc gia, trong khi có rất nhiều thuận lợi về đất đai, tiền vốn và được giao những dự án lớn, có vị trí độc quyền… nhưng hiệu quả kinh doanh còn thấp.
Đạm Ninh Bình là dự án thuộc khu vực DNNN, bắt đầu hoạt động vào năm 2012 với tổng mức đầu tư 667 triệu USD, liên tục thua lỗ hơn 7,000 tỷ đồng (tính đến hết năm 2021) và nợ lũy kế 12,000 tỷ đồng. Mặc dù đã nhận được rất nhiều sự ưu ái từ Nhà nước, Đạm Ninh Bình vẫn có đến 10 năm thua lỗ và được gọi là “doanh nghiệp xác sống trăm năm mới thấy trên đời”. Mọi giải pháp kéo dài tình trạng doanh nghiệp xác sống chẳng những tiếp tục gây ra thiệt hại to lớn cho ngân sách mà còn trái với lẽ tự nhiên và hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương kiên quyết xử lý các DNNN yếu kém theo cơ chế thị trường mà Chính phủ đã liên tục cam kết.
DAMCO xuất thân là DNNN trực thuộc UBND TP. Đà Nẵng, năm 2006, DAMCO được Bộ GTVT tiếp nhận về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor). Tại thời điểm này, DAMCO là một đơn vị khá có tiếng tăm trong lĩnh vực lắp ráp, hoán cải các loại xe chở khách tại khu vực miền Trung. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều lần sáp nhập và di dời địa điểm sản xuất, hoạt động kinh doanh của DAMCO liên tục lao dốc với khoản lỗ lũy kế rất lớn. DAMCO đã rơi vào trạng thái “xác sống” hơn 10 năm qua: không doanh thu từ hoạt động sản xuất, không lợi nhuận, mà chỉ có các khoản công nợ dày thêm sau mỗi năm tài chính. Từ vị thế doanh nghiệp lớn với hơn 400 lao động vào năm 2006, DAMCO giờ chỉ còn đúng 17 nhân sự, bao gồm cả Giám đốc và Kế toán trưởng.
Nhiều lời chỉ trích rằng các gói hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là trong dịch COVID-19 chính là nguyên nhân tạo ra một thế hệ mới các “xác sống”. Thực ra, không phải cứ thỏa tiêu chí “xác sống” thì tất cả mọi thứ đều xấu giống nhau. Trong điều kiện kinh tế Việt Nam, với những bất cập trong thể chế và sự lớn mạnh mới gần đây của khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phân biệt “xác sống” tốt và xấu là vô cùng quan trọng.
“Xác sống” tốt - “xác sống” tạm thời - là những doanh nghiệp có tiềm năng hồi phục nếu nhận được gói hỗ trợ kịp thời, nhất là các hỗ trợ thể chế và thủ tục hành chính. Không ít trong số này là các DNNN nếu được tái cấu trúc đúng cách và kịp thời, vẫn có thể hồi phục và bật mạnh sau đó.
Nếu nhìn vào Đạm Ninh Bình thời gian gần đây, công ty đã phấn đấu giảm lỗ, cân đối được sản xuất. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt trên 990 ỷ đồng và đây cũng là năm đầu tiên nhà máy có lãi sau 10 năm sản xuất kinh doanh. Năm 2023, nhà máy đạt mục tiêu sản xuất 440,000 tấn urê quy đổi, tổng doanh thu ước đạt 4,000 tỷ đồng. Đây là một trong những thành công lớn của Chính phủ trong thời gian qua, bởi những dự án lớn đã có lối ra và mang lại tác động tích cực đối với nền kinh tế.
Nếu quá chậm trễ ban hành các gói hỗ trợ hoặc đặt ra các tiêu chí quá phức tạp, các “xác sống tạm thời” có thể biến thành các “xác sống” xấu, thậm chí các doanh nghiệp tốt cũng biến thành “xác sống”. Đáng lo hơn là làn sóng các doanh nghiệp khởi nghiệp nếu không được hỗ trợ kịp thời có thể biến thành các startup “xác sống”. Ngoài ra, việc thiết kế thời gian hiệu lực của gói hỗ trợ một cách thích hợp cũng có thể giúp loại bỏ “xác sống” xấu, giảm bớt gánh nặng nợ cho nền kinh tế.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.