Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Ngoại giao kinh tế thúc đẩy kinh tế toàn cầu

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Trong thời đại toàn cầu hoá, ngoại giao kinh tế là công cụ quan trọng và thiết yếu để thúc đẩy lợi ích kinh tế của các quốc qua trên toàn thế giới.

    - Cần sử dụng các chiến lược ngoại giao kinh tế khôn khéo và hài hoà để tránh xung đột lợi ích và cạnh tranh trực tiếp giữa các quốc gia với nhau. 

    Tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế

    Ngoại giao kinh tế (Economic diplomacy) là việc sử dụng các công cụ và chiến lược ngoại giao để thúc đẩy lợi ích kinh tế của quốc gia. Điều này bao gồm việc đàm phán các hiệp định thương mại, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư, và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp quốc gia phát triển trên thị trường quốc tế. Thông qua ngoại giao kinh tế, các quốc gia có thể đạt được lợi ích kinh tế và chiến lược dài hạn.

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngoại giao kinh tế đã trở thành một phần không thể thiếu của chính sách đối ngoại. Các quốc gia cần phải cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định. Ngoại giao kinh tế giúp các quốc gia đạt được những mục tiêu này thông qua các thỏa thuận quốc tế và hợp tác kinh tế song phương và đa phương.

    Các lợi ích của Ngoại giao Kinh tế 

    1. Thúc đẩy thương mại và đầu tư

    Ngoại giao kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu bằng cách đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận thương mại song phương. Các thỏa thuận này giúp giảm hoặc loại bỏ các rào cản thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, ngoại giao kinh tế cũng giúp thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và hỗ trợ pháp lý cho các nhà đầu tư. 

    Ví dụ, nổi bật  tại Việt Nam là  Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là một trong những FTA quan trọng giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu sang Châu Âu. Hiệp định này đã giúp giảm thuế quan và tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm Việt Nam tiếp cận thị trường EU, đồng thời thu hút đầu tư từ các công ty châu Âu vào Việt Nam. Cuối năm 2019, có hơn 2,375 dự án tại Việt Nam được đầu tư bởi Châu Âu, trị giá khoảng 25.49 tỷ USD. Cũng trong năm này, GDP của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ 7.5%.  Tính đến năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường các nước EU đạt 83.4 tỷ USD, tăng trung bình 41.7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019.

    2. Tăng cường quan hệ song phương và đa phương

    Thông qua các hoạt động ngoại giao, các quốc gia có thể ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thiết lập các kênh đối thoại và giải quyết các tranh chấp kinh tế một cách hòa bình và hiệu quả. 

    Tại Việt Nam, có thể kể đến Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc, được thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009. Hai nước đã ký kết nhiều hiệp định kinh tế và thương mại, trong đó có Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vào năm 2015. Nhờ đó, Hàn Quốc đã trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 4.4 tỷ USD vào năm 2023. 

    3. Giải quyết xung đột và tranh chấp kinh tế

    Các quốc gia sử dụng ngoại giao kinh tế để thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp, như thông qua trọng tài quốc tế hoặc các tòa án thương mại để đối thoại và đàm phán thay vì đối đầu. Bằng cách này, các bên liên quan có thể tìm ra giải pháp hòa bình và công bằng, giảm thiểu căng thẳng và bảo vệ mối quan hệ kinh tế lâu dài.

    Ví dụ như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu hồi năm 2018 khi Mỹ áp đặt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, cáo buộc nước này đánh cắp sở hữu trí tuệ và buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Sau đó, Trung Quốc đáp trả bằng cách áp thuế lên hàng hóa Mỹ. Qua nhiều vòng đàm phán, vào ngày 15/1/2020, hai nước ký kết "Thỏa thuận Giai đoạn Một", trong đó Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ, cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ, và không thao túng tiền tệ. Thỏa thuận này giúp giảm căng thẳng thương mại nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Mỹ và Trung Quốc thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp để giám sát việc thực hiện thỏa thuận và duy trì đối thoại định kỳ

    4. Tăng cường phát triển bền vững

    Các quốc gia sử dụng ngoại giao kinh tế để đàm phán và thực thi các hiệp định quốc tế về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển xã hội. Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu môi trường và xã hội là yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững. Ngoại giao kinh tế có thể thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao, giảm thiểu phát thải carbon và bảo vệ đa dạng sinh học.

    Ví dụ như Chương trình hợp tác về biến đổi khí hậu giữa Việt Nam  với Nhật Bản. Thông qua ngoại giao kinh tế, Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập các chương trình hợp tác như trung hoà các-bon, chống nước biển dâng,... nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam trong việc áp dụng các công nghệ sạch và phát triển các dự án năng lượng tái tạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

    Các thách thức của Ngoại giao Kinh tế 

    1. Gia tăng cạnh tranh toàn cầu

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia phải cạnh tranh khốc liệt để thu hút vốn FDI và mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải có chiến lược ngoại giao kinh tế hiệu quả, cải thiện môi trường kinh doanh, và cung cấp các ưu đãi hấp dẫn cho nhà đầu tư. Sự cạnh tranh này không chỉ diễn ra giữa các quốc gia phát triển mà còn bao gồm cả các quốc gia đang phát triển, tạo ra một môi trường kinh tế toàn cầu đầy thách thức và biến động.

    Tiêu biểu như là cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kì và Trung Quốc đề cập ở trên. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả hai nước cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, theo Bloomberg, số tiền thiệt hại từ chiến tranh thương mại Mỹ -Trung  lên đến 600 tỷ USD vào năm 2021. Trung Quốc theo đó  mất 0.5% GDP, Mỹ thiệt hại 0.2%GDP, trong khi GDP toàn cầu giảm 0.3%.

    2. Vấn đề pháp lý và quy định

    Các thỏa thuận kinh tế quốc tế thường phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý và quy định phức tạp. Mỗi quốc gia có hệ thống pháp lý và quy định riêng, có thể gây khó khăn cho việc thực hiện các thỏa thuận này. Các rào cản bao gồm thuế quan, hạn ngạch, quy định về tiêu chuẩn chất lượng, và các biện pháp bảo hộ khác. Những khác biệt này có thể dẫn đến tranh chấp thương mại và đầu tư, cản trở sự hợp tác kinh tế quốc tế.

    Các chiến lược hiệu quả trong Ngoại giao kinh tế 

    1. Xây dựng liên minh và đối tác chiến lược

    Việc xây dựng các liên minh và đối tác chiến lược là yếu tố then chốt trong ngoại giao kinh tế, giúp các quốc gia tăng cường sức mạnh kinh tế, nâng cao vị thế trên trường quốc tế và đối phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu. Các liên minh và đối tác này giúp các quốc gia phối hợp hành động, chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư song phương và đa phương.

    Việt Nam hiện tại đã và đang tham gia  Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một liên minh kinh tế khu vực bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á. ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại nội khối và hợp tác kinh tế với các đối tác ngoài khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Cụ thể, GDP của Việt Nam đã tăng mạnh 9.7% chỉ sau 1 năm gia nhập ASEAN, dòng vốn FDI của  Việt Nam cũng tăng từ 2.24 tỉ USD lên 11.5 tỉ USD  trong giai đoạn 1995 - 2008. 

    2. Sử dụng các công cụ ngoại giao mềm

    Ngoại giao mềm, bao gồm ngoại giao văn hóa và giáo dục, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng quan hệ kinh tế bền vững và lâu dài giữa các quốc gia. Tại Việt Nam, các chương trình trao đổi văn hoá và giáo dục được thúc đẩy mạnh mẽ để tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế. Một số chương trình có thể kể đến như là Chương trình trao đổi Fulbright, được Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, hay là Chương trình học bổng Chính phủ Nhật Bản (MEXT) dành cho sinh viên quốc tế đến học tập tại Nhật Bản. 

    Những nhà ngoại giao kinh tế nổi tiếng 

    1. Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Không chỉ là một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà ngoại giao xuất sắc, tận dụng các mối quan hệ quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia và tổ chức quốc tế đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã  thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Liên Xô trong những năm 1950-1960, mang lại sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và quân sự. Cụ thể, trước chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Chính phủ Trung Quốc đã gửi sang Việt Nam 200 ô tô, hơn 10,000 thùng dầu, hơn 3,000 khẩu súng các loại, 2,400,000 viên đạn, hơn 100 khẩu pháo các loại, hơn 60,000 viên đạn pháo và đạn hỏa tiễn, 1,700 tấn lương thực.

    2. Nelson Mandela

    Tổng thống đầu tiên của Nam Phi sau chế độ apartheid, đã sử dụng ngoại giao kinh tế để tái hòa nhập Nam Phi vào cộng đồng quốc tế và thúc đẩy phát triển. Ngày 20/9/1992, bằng khả năng đàm phán, ngoại giao và nỗ lực không ngừng nghỉ, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đã được xoá bỏ hoàn toàn.

    3. Henry Kissinger

    Ông là một trong những nhà ngoại giao nổi tiếng của Hoa Kỳ, người đã đóng góp quan trọng trong việc thiết lập các mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong thập kỷ 1970. Ông đã  mở ra chính sách détente với Liên Xô nhằm giải tỏa bớt mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô, nối lại quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, đàm phán tại Hiệp định Paris, kết thúc sự có mặt của Mỹ tại Chiến tranh Việt Nam.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán