Điểm nhấn chính
- Khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái thì chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ được các ngân hàng trung ương áp dụng để kích thích đầu tư và sản xuất.
- Nhật, Trung quyết tâm giữ vững chính sách nới lỏng tiền tệ nhưng Mỹ, Châu Âu thì ngược lại.
Tìm hiểu cùng Tititada!
Nới lỏng tiền tệ hay còn gọi là chính sách tiền tệ mở rộng. Với chính sách này, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) sẽ bơm tiền vào thị trường để mở rộng nguồn cung tiền, tăng cung ứng tiền lưu thông nhằm kích cầu chi tiêu của người dân. Từ đó kích cầu sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn về chính sách nới lỏng tiền tệ của các quốc gia trên thế giới.
Nhật Bản cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng của mình
Tính đến tháng 9/2023, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, đồng nghĩa với việc giữ mức lãi suất cực thấp và khẳng định sẽ theo đuổi chính sách này bất chấp áp lực ngày càng lớn.
Nguyên giáo sư Honda Etsuro - người có ảnh hưởng trong chiến trường của Nhật Bản và cũng là cố vấn tài chính đặc biệt cho Chính phủ dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Abe Shinzo cho rằng Thủ tướng Kishida Fumio vẫn đang đi đúng hướng theo đuổi chính sách siêu nới lỏng của đồng tiền, bất chấp những khó khăn do sự mất giá của đồng yen. Theo ông, chính sách tiền tệ thắt chặt chỉ nên được áp dụng khi nền kinh tế phát triển quá nóng, nhu cầu tăng quá mạnh khiến vật giá leo thang vượt quá giới hạn của BoJ.
Đồng yen giảm giá so với USD và sự tăng giá của hàng hóa đang tạo ra áp lực đối với chi tiêu của các hộ gia đình, khiến nhiều người tiêu dùng tại Nhật Bản bày tỏ sự không hài lòng với chính sách dài hạn của Chính phủ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tư duy về lạm phát theo hình thức "cố gắng để giá cả không tăng" đã tồn tại trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân Nhật Bản hơn 20 năm và đến lúc phải thay đổi. Trong giai đoạn này, BoJ nên tiếp tục giữ chính sách nới lỏng tiền tệ cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2%. Để đạt được điều này, Chính phủ nên thúc đẩy các doanh nghiệp tăng lương cho lao động nội địa và tích cực mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực khuyến khích tăng trưởng kinh tế dài hạn. Sự thay đổi tích cực trong lưu thông tiền tệ nội địa thông qua các biện pháp kích thích kinh tế, chắc chắn sẽ thay đổi tích cực tư duy về lạm phát truyền thống của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, sự giảm giá của đồng yen cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích du lịch, vì khi đồng yen giảm giá, chi phí cho chuyến đi Nhật Bản sẽ giảm xuống, tạo ra cơ hội mua sắm lớn hơn cho khách du lịch.
Tỷ giá đồng yen trong nước thấp sẽ làm cho giá cả hàng hóa của Nhật Bản ở nước ngoài rẻ hơn so với hàng hóa của nước khác, làm tăng tính cạnh tranh, tiêu thụ nhanh hàng hóa, từ đó tạo điều kiện để mở rộng phát triển hoạt động xuất khẩu.
Theo tình hình thực tế, dân số Nhật Bản phần lớn là dân số già vì thế theo lập luận của nhà kinh tế gia Nhật Bản, người già họ có nhu cầu tiêu thụ rất ít và BOJ chỉ tăng lãi suất khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng đột biến. Điều này có nghĩa là chỉ khi lạm phát đến từ nội tại nền kinh tế Nhật Bản thay vì các yếu tố bên ngoài như chiến tranh Nga – Ukraine, giá khí đốt hay tắt nghẽn chuỗi cung ứng thì họ mới bắt tay vào giải quyết.
Trung Quốc nhất quyết kích thích tiền tệ nới lỏng
Giam mình cách ly trong hơn hai năm dịch Covid, Trung Quốc mong muốn đánh dấu cột mốc quan trọng đưa đất nước quay trở lại và phát triển trong năm 2023, vì thế, thúc đẩy nền kinh tế và giải quyết các vấn đề tác động tiêu cực đến doanh nghiệp trong nước bằng biện pháp kích thích nới lỏng tiền tệ là một điều Trung Quốc cần làm lúc này. Theo số liệu được ghi nhận vào năm 2023, sản lượng công nghiệp thấp hơn dự báo tăng 4.3% từ các chuyên gia, doanh số bán lẻ tăng chậm lại ở mức 2.5%, hoạt động đầu tư tài sản cố định cũng giảm xuống 3.4%, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tăng từ 5.2% lên 5.3%, v.v. Số liệu trên góp phần vào động lực theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng để ổn định kỳ vọng và tăng trưởng kinh tế những năm tới.
Mỹ, Châu Âu - 2 nền kinh tế lớn nói gì với chính sách nới lỏng tiền tệ
Việc tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) giúp lạm phát tại Mỹ giảm nhanh hơn kỳ vọng, và gần như là đưa lạm phát tới mức mong muốn. Một câu hỏi quan trọng khác đặt ra là sau khi đạt chỉ tiêu lạm phát, khi nào FED sẽ chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ? Các nhà lãnh đạo chính sách tiền tệ bày tỏ rằng việc thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất khiến lạm phát giảm và mang lại hiệu ứng như mong đợi. Song song cùng với chính sách thắt chặt đó đã khiến cho các hoạt động kinh tế đang trong đà phát triển chậm lại. Tuy nhiên, ở cuộc họp cuối cùng của năm 2023, giới chức FED nhất trí giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang trong phạm vi 5.25% - 5.5%, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021, các nhà hoạch định chính sách đưa ra dự báo sẽ không tăng thêm lãi suất. Bên cạnh đó, họ cũng dự kiến có ít nhất 3 đợt giảm lãi suất trong năm 2024 do lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt như mong muốn.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đều quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất sau cuộc họp cuối cùng của năm. Theo ECB, các đợt tăng lãi suất trực tiếp ảnh hưởng tới nền kinh tế và kéo lạm phát đi xuống. ECB quyết tâm đưa lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2.0% trong trung hạn, cho biết nếu duy trì chính sách này trong thời gian đủ sẽ đóng góp đáng kể cho quá trình thực hiện mục tiêu giảm lạm phát. BOE cho biết họ không tán thành ý tưởng giảm lãi suất, với lý do lo ngại lạm phát ở Anh dường như dai dẳng hơn so với Mỹ và Khu vực đồng Euro. Mặc dù thừa nhận tăng trưởng tiền lương chậm lại và GDP cũng giảm theo, điều này cho thấy một cuộc suy thoái đang rình rập vào năm 2024, tuy nhiên BOE vẫn kiên định với ý kiến của mình.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.