Điểm nhấn chính:
- Thiết quân luật có thể hiểu là sự thiết lập quản lý Nhà nước do lực lượng quân đội thực hiện sau khi nhận lệnh từ chính phủ. Mục đích thiết quân luật nhằm đối phó với tình trạng khẩn cấp tạm thời trong lúc lực lượng dân sự bị áp đảo, hoặc lãnh thổ bị chiếm đóng.
- Thiết quân luật làm suy yếu niềm tin nhà đầu tư, gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng, gây đình trệ nền kinh tế.
Thiết quân luật là gì?
Thiết quân luật (Martial law) là một biện pháp quản lý đặc biệt có thời hạn do quân đội thực hiện, thường được tuyên bố trong các tình huống khẩn cấp như chiến tranh, thiên tai, hoặc bất ổn xã hội-kinh tế, khi các cơ quan dân sự không thể hoạt động hoặc không kiểm soát được tình hình.
Trong thời gian thiết quân luật, quân đội sẽ thay thế các cơ quan dân sự để thực thi pháp luật, duy trì trật tự công cộng và bảo vệ an ninh quốc gia. Các luật hiện hành sẽ bị đình chỉ, cùng với sự mất hiệu lực của chính quyền dân sự và công tác xét xử thông thường. Điều này có thể dẫn đến việc tạm ngừng các quyền tự do dân sự, kiểm duyệt các phương tiện truyền thông và áp dụng lệnh giới nghiêm.
Quân đội có quyền thành lập các trạm kiểm soát bắt buộc, kiểm tra các cá nhân nghi ngờ, tịch thu tài sản, và thậm chí trục xuất người dân khỏi nhà của họ mà không cần lệnh khám xét. Thời gian thực hiện thiết quân luật không bị giới hạn, mà phụ thuộc vào sự cần thiết và mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Tại Việt Nam, theo Điều 21 Luật Quốc
phòng 2018, khi an ninh, trật tự xã hội bị xâm phạm nghiêm trọng, Chủ tịch nước
có thể ra lệnh thiết quân luật theo đề nghị của Chính phủ, và được thực hiện dưới
sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Lệnh này phải xác định rõ phạm vi áp dụng, các biện
pháp, hiệu lực thi hành, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá
nhân, cũng như các quy định về trật tự xã hội tại địa phương chịu ảnh hưởng.
Khi tình hình an ninh được ổn định, Chủ tịch nước có thể bãi bỏ lệnh thiết quân
luật theo đề nghị của Chính phủ. Trên thưc tế, Việt Nam
chưa bao giờ bao giờ triển khai Thiết quân luật.
Thiết quân luật 6 tiếng gây chấn động tại Hàn Quốc
Tuyên bố thiết quân luật
Vào tối ngày 3/12/2024, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật sau khi cáo buộc các đảng đối lập ủng hộ Bắc Triều Tiên và có hành vi chống lại nhà nước. Tại một quốc gia có truyền thống tự do ngôn luận đương đại mạnh mẽ, sắc lệnh quân sự trên đã cấm mọi hoạt động chính trị, bao gồm các cuộc biểu tình, mít tinh và hành động của các đảng phái chính trị. Lần cuối cùng một tổng thống Hàn Quốc tuyên bố thiết quân luật là vào năm 1980, trong một cuộc nổi loạn trên toàn quốc do sinh viên và các công đoàn lao động lãnh đạo.
Sau khi lệnh thiết quân luật được ban hành, quân đội đã tiến vào Quốc hội để kiểm soát tình hình. Trong khi 190 nhà lập pháp đổ xô đến Quốc hội để giữ cho tòa nhà không bị phong tỏa và tổ chức một cuộc họp khẩn cấp bất thường vào đêm khuya để bỏ phiếu chặn sắc lệnh trên, buộc tổng thống phải tuân theo.
Và, Tổng thống Yoon đã phải dỡ bỏ lệnh này ngay sau 6 tiếng ban hành. Ngay sau đó, các đảng đối lập đã tiến hành thủ tục luận tội ông và đe dọa khởi kiện về tội phản quốc. Đồng thời, hàng nghìn người đã biểu tình yêu cầu Tổng thống Yoon từ chức. Các đảng đối lập đã đệ trình dự thảo luận tội, và nếu được thông qua, vụ việc sẽ được chuyển lên Tòa án Hiến pháp để xét xử.
Ban hành thiết quân luật nhằm bảo vệ cuộc đua chính trị của bản thân?
Tình hình chính trị tại Hàn Quốc đã trở nên bế tắc hơn từ tháng 4/2022, khi các đảng đối lập giành quyền kiểm soát Quốc hội. Điều này khiến Tổng thống Yoon gặp khó khăn trong việc thực hiện các chính sách của mình, đặc biệt là trong các vấn đề giảm thuế và nới lỏng quy định đối với doanh nghiệp.
Thêm vào đó, ông đối mặt với sự phản đối từ đảng đối lập liên quan đến các cuộc điều tra đối với vợ ông, Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee, người đang bị cáo buộc tham gia thao túng cổ phiếu và nhận hối lộ. Những cáo buộc này đã ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ ủng hộ của ông, đang dao động ở mức khoảng 20% trong nhiều tháng.
Vụ bê bối liên quan đến ông Yoon và vợ xoay quanh các cáo buộc rằng họ đã tác động không đúng cách vào Đảng Nhân dân Hàn Quốc để chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử bổ sung vào Quốc hội năm 2022. Mặc dù, tổng thống Yoon đã khẳng định rằng ông không làm gì sai trái.
Nói chung, đảng Dân chủ đối lập chính gọi quyết định ban bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon là "về cơ bản là một cuộc đảo chính".
Về quan hệ Mỹ-Hàn, chính phủ Mỹ bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về quyết định tuyên bố thiết quân luật của Hàn và nhấn mạnh rằng nền dân chủ là yếu tố cốt lõi trong quan hệ đồng minh giữa hai quốc gia.
Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh khu vực của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh Bắc Triều Tiên gia tăng phát triển kho vũ khí hạt nhân. Sự hiện diện của hơn 30,000 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc không chỉ bảo vệ an ninh mà còn giúp Mỹ duy trì ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ngày 14/12, các nhà lập pháp Hàn Quốc đã bỏ phiếu để luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol và đình chỉ ông khỏi các nhiệm vụ của mình. Đây là lần thứ ba các nghị sĩ Hàn Quốc bỏ phiếu để luận tội một tổng thống. Lần đầu tiên xảy ra vào tháng 3 năm 2004 với ông Roh Moo-hyun, một luật sư nhân quyền chuyển sang làm chính trị gia. Lần thứ hai là vào tháng 12 năm 2016, khi bà Park Geun-hye, nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, bị luận tội vì một vụ bê bối tham nhũng.
Tuy nhiên, quyết định luận tội ông Yoon cần phải được tòa án hiến pháp thông qua. Tòa án có tối đa 6 tháng để quyết định liệu có cách chức ông Yoon hay khôi phục chức vụ cho ông. Nếu ông Yoon bị cách chức, một cuộc bầu cử toàn quốc để chọn người kế nhiệm sẽ phải được tổ chức trong vòng 60 ngày. Cho đến lúc đó, quyền hạn của ông đã bị đình chỉ và Thủ tướng Han Duck-soo được bổ nhiệm làm quyền tổng thống.
Lịch sử thiết quân luật tại Hàn Quốc
Lịch sử thiết quân luật tại Hàn Quốc cũng gợi lại những kỷ niệm đen tối trong các chế độ độc tài trước đây. Trong quá khứ, Hàn Quốc đã nhiều lần áp dụng thiết quân luật để đàn áp các cuộc biểu tình. Vào ngày 16/5/1961, tướng Park Chung-hee đã lãnh đạo quân đội vào Seoul trong cuộc đảo chính đầu tiên của Hàn Quốc, sau đó sử dụng thiết quân luật để dập tắt các cuộc phản kháng. Park cầm quyền gần 20 năm, và sau khi ông bị ám sát vào năm 1979, Thiếu tướng Chun Doo-hwan lại thực hiện cuộc đảo chính thứ hai và chỉ đạo một cuộc đàn áp lớn đối với phong trào dân chủ ở Gwangju. Đến mùa hè năm 1987, các cuộc biểu tình lớn đã ép chính quyền của Chun phải chấp nhận bầu cử tổng thống trực tiếp, dẫn đến chiến thắng của Roh Tae-woo nhờ sự chia rẽ trong phe đối lập.
Ảnh hưởng của thiết quân luật lên nền kinh tế
1. Tác động đến tâm lý của người dân và niềm tin của nhà đầu tư
Khi một quốc gia áp dụng thiết quân luật, tác động của nó đến nền kinh tế thường rất sâu rộng và tiêu cực, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực. Trước tiên, thiết quân luật có thể làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư, do sự thiếu minh bạch và khả năng quản lý kinh tế của chế độ quân sự.
Việc đình chỉ các quyền tự do dân sự và áp đặt lệnh giới nghiêm cũng sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng. Trong tình hình này, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu không cần thiết, làm giảm nhu cầu tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số chứng khoán KOSPI của Hàn Quốc giảm gần 2.5% sau hai ngày thiết quân luật được ban hành và bãi bỏ. Đồng won của Hàn Quốc cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm so với USD, có lúc mất giá tới 2.7% so với đồng USD trước khi phục hồi và chỉ còn giảm 1% sau quyết định chấm dứt thiết quân luật.
Mặc dù sự phản ứng của thị trường cho đến nay vẫn ở mức độ không quá lớn, các chuyên gia cảnh báo rằng sự bất ổn chính trị kéo dài có thể làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các nhà sản xuất. Yeo Han-koo, cựu Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, nhận định rằng "một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến niềm tin của các nhà đầu tư, người tiêu dùng và người mua." Sự ổn định của môi trường chính trị sẽ rất quan trọng trong việc giữ vững niềm tin của thị trường.
2. Tác động đến hệ thống tài chính - ngân hàng
Việc áp đặt thiết quân luật thường có tác động tiêu cực đến đồng nội tệ của quốc gia, do sự suy giảm niềm tin của cả người dân trong nước và nhà đầu tư quốc tế. Trong bối cảnh bất ổn, các nhà đầu tư thường rút vốn khỏi thị trường nội địa để chuyển sang các tài sản an toàn hơn như USD, vàng hoặc các đồng tiền mạnh khác. Điều này làm gia tăng áp lực bán đối với đồng nội tệ, dẫn đến sự mất giá nhanh chóng. Tâm lý lo lắng của người dân trong nước cũng góp phần làm suy yếu đồng nội tệ.
Ví dụ, đồng won của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm so với đồng USD vào ngày thứ Ba (3/12/24), có lúc mất giá tới 2.7%, mặc dù sau đó đã phục hồi vào ngày thứ Tư. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đồng won có thể tiếp tục chịu áp lực trong thời gian tới.
Lúc này, ở Hàn Quốc, các chỉ số đầu tư vào xây dựng và cơ sở hạ tầng cũng dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực. Lãi suất có thể tăng do sự bất ổn chính trị, khiến các nhà đầu tư e ngại rót vốn vào các dự án dài hạn. Thống kê từ Statistics Korea cho thấy số lượng công trình xây dựng hoàn thành trong tháng 10 giảm 4% so với tháng trước, đánh dấu sáu tháng liên tiếp giảm. Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) dự báo rằng đầu tư xây dựng sẽ giảm 0.7% vào năm tới, tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2024.
3. Ảnh hưởng cơ cấu chính trị, bộ mặt của một quốc gia
Thiết quân luật gây ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu chính trị của quốc gia, làm bộc lộ hoặc làm trầm trọng thêm các khủng hoảng chính trị hiện hữu và gia tăng căng thẳng nội bộ.
Trong nhiều trường hợp, thiết quân luật dẫn đến sự mất cân bằng quyền lực giữa các nhánh chính phủ. Quyền lực tập trung vào quân đội hoặc các cơ quan hành pháp khiến cơ quan lập pháp và tư pháp bị gạt ra bên lề, làm suy giảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này có thể khuyến khích sự lạm quyền, tạo điều kiện cho tham nhũng và các hành vi vi phạm nhân quyền, dẫn đến mất niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị.
Trong trường hợp của Hàn Quốc, mới đây, một cuộc thăm dò cho thấy tới 73.6% người Hàn Quốc ủng hộ việc luận tội Tổng thống Yoon, với 69.5% tin rằng hành động của ông là nổi loạn. Sự ủng hộ việc bãi nhiệm ông vượt qua mọi chia rẽ chính trị truyền thống, với đa số ủng hộ việc luận tội ngay cả ở một số thành trì bảo thủ.
4. Dòng chảy thương mại và tăng trưởng kinh tế
Khi thiết quân luật được thực thi, các biện pháp như hạn chế di chuyển, phong tỏa khu vực, hoặc kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động vận tải thường khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng. Dòng chảy hàng hóa và nguyên vật liệu bị ngưng trệ, khiến hoạt động sản xuất và kinh doanh đình đốn. Điều này không chỉ dẫn đến tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt trong các ngành thiết yếu như thực phẩm và năng lượng, mà còn làm suy yếu năng lực xuất khẩu và uy tín quốc gia, gây tổn thất lớn đối với những nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế.
Một ví dụ rõ ràng về tác động tiêu cực của thiết quân luật đối với tăng trưởng kinh tế là Philippines. Nếu không có thiết quân luật vào năm 1972, nền kinh tế Philippines có thể đã phát triển mạnh mẽ hơn. Các nghiên cứu cho thấy, nếu không có thiết quân luật, GDP tổng thể của Philippines có thể đã tăng thêm 3%, và mức tăng trưởng GDP mỗi năm có thể cao hơn mức hiện nay 1.63%. Ngoài ra, giáo dục cũng có thể cải thiện, với tỷ lệ học sinh nhập học cao hơn 2% so với hiện nay.
Tuy nhiên, tất cả những con số này chỉ là giả thuyết, vì thực tế, thiết quân luật đã kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế và hệ thống giáo dục. Các nghiên cứu chỉ ra rằng chính sách thiết quân luật đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư và gây đình trệ trong quá trình phát triển kinh tế. Việc áp dụng thiết quân luật trong thời gian dài đã khiến Philippines bị tụt lại phía sau so với các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á.
Nói chung, các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu tình hình chính
trị không được giải quyết nhanh chóng, hậu quả xấu nhất có thể là một cuộc đối
đầu kéo dài, gây tổn hại đến thị trường tài chính và nền kinh tế rộng lớn hơn.
Gareth Leather, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, so
sánh tình hình của Hàn Quốc với Thái Lan, nơi cuộc khủng hoảng chính trị sau cuộc
đảo chính năm 2006 vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Leather chỉ ra rằng sự bất
ổn chính trị kéo dài đã khiến đầu tư bị đình trệ và tăng trưởng kinh tế gặp khó
khăn nghiêm trọng.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Bài viết liên quan
Biên bản ghi nhớ hợp tác là gì?
19/12/24
Thiết quân luật là gì và mang ý nghĩa gì với nền kinh tế?
17/12/24
Chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội cho Đông Nam Á
09/12/24
Quan hệ thương mại thường xuyên Mỹ và Trung Quốc
03/12/24
Xu hướng Reshoring của Bắc Mỹ khi Trump tái đắc cử
01/12/24
Lá chắn Silicon giúp Đài Loan giữ vững vị thế
30/11/24
Tốc độ lưu thông tiền tệ là gì trong nền kinh tế
26/11/24
Biến động vĩ mô - Vietnam Investment Forum 2025
24/11/24
Green New Deal là gì và tại sao Trump tạm dừng nó?
22/11/24
Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ
06/11/24
Chỉ số Rủi ro Trump – Trump Risk Index
04/11/24
An ninh năng lượng và tầm ảnh hưởng của địa chính trị
02/11/24
Biên bản ghi nhớ hợp tác là gì?
19/12/24
Thiết quân luật là gì và mang ý nghĩa gì với nền kinh tế?
17/12/24
Chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội cho Đông Nam Á
09/12/24
Xu hướng Reshoring của Bắc Mỹ khi Trump tái đắc cử
01/12/24
Lá chắn Silicon giúp Đài Loan giữ vững vị thế
30/11/24
Green New Deal là gì và tại sao Trump tạm dừng nó?
22/11/24
Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ
06/11/24
Chỉ số Rủi ro Trump – Trump Risk Index
04/11/24
An ninh năng lượng và tầm ảnh hưởng của địa chính trị
02/11/24
Thương mại toàn cầu trước thách thức chủ nghĩa bảo hộ
07/10/24
Ảnh hưởng của thị trường chợ đen đến nền kinh tế
06/08/24
Nền kinh tế ngầm là gì và có sức ảnh hưởng ra sao?
02/08/24