Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng gì đến FDI?

Nội dung

    Tìm hiểu cùng Tititada!

    Ngày 29/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 107/2023 về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, tức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với mức thuế suất là 15% kể từ ngày 01/01/2024. 

    Theo số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, có khoảng 122 Tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ thuế tiêu thụ toàn cầu nếu chính này thuế này được áp dụng từ năm 2024, và có khả năng ảnh hưởng đến quyết định của các tập đoàn lớn khi chọn Việt Nam là điểm đến.  

    Thuế tối thiểu toàn cầu

    Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng với 142/142 quốc gia thành viên đồng thuận, trong đó có Việt Nam, bao gồm việc áp dụng thuế suất thuế thu nhập ít nhất là 15% cho doanh nghiệp FDI có quy mô lớn.

    Theo Nghị quyết Nghị quyết 107/2023 về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung, người nộp thuế là đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong BCTC hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước tương đương 750 triệu Euro trở lên, trừ một số trường hợp theo quy định.

    Hai nội dung chính về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung quy định tại Nghị quyết gồm: 

    - Áp dụng cho các công ty thành viên của Tập đoàn đa quốc gia nêu trên, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính, tức là Quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT). 

    - Áp dụng cho công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam là đơn vị hợp thành tập đoàn đa quốc gia nêu trên, nắm giữ quyền sở hữu đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp tại nước ngoà, tức là Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR).

    Hiểu một cách đơn giản, khi các công ty đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15%, thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính. Và do đó, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế tối thiểu 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Các doanh nghiệp có doanh thu dưới 750 triệu euro sẽ không phải đối tượng của sắc thuế này. Điều này cũng nhằm hỗ trợ các DN nhỏ và vừa có thể tham gia đầu tư tại nước ngoài phát triển ổn định hơn.  

    Tại sao quyết định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu?

    Trên thực tế, mức thuế TNDN trung bình trên toàn thế giới đã giảm hơn một nửa, từ 40.11% năm 1980 xuống còn 23.54% vào năm 2021. Và trong 20 năm qua, đã có 76 quốc gia giảm thuế, 12 quốc gia giữ nguyên và chỉ có 6 quốc gia tăng thuế. Do đó, việc áp dụng thuế tối thiểu sẽ giúp giảm thiên lệch giữa quốc gia bình thường với quốc gia có thuế suất thấp, ngăn chặn việc các quốc gia “đua nhau” giảm thuế để thu hút đầu tư nước ngoài. 

    Tỷ lệ đóng góp của thuế DN trong tổng nguồn thu thuế cũng đã giảm ở nhiều quốc gia. Tỷ trọng thuế thu nhập/GDP ở Mỹ giảm xuống dưới 1% vào năm 2019 (mức 2% trước đó kể từ năm 1990); ở Anh và Italy giảm xuống dưới 3%. Tại Nhật Bản, dù con số này vẫn ở mức 4%, nhưng cũng đã giảm khoảng 2 điểm phần trăm so với những năm 1990. Còn ở Việt Nam, tỷ trọng thuế TNDN trong tổng thu thuế đã giảm từ 33.9% năm 2013 xuống còn khoảng 24.7% trong năm 2019.

    Ngoài ra, việc các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng như Apple, Google, Facebook... tìm đến các “thiên đường thuế” để đặt trụ sở đã làm ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu thuế toàn cầu. Theo khảo sát trong giai đoạn 2018-2020 cho thấy, Alphabet, Apple, Facebook chỉ gánh chịu thuế trung bình là 15.4%, thấp hơn nhiều so với trung bình toàn cầu là 25.1%.

    Một số nước thành viên OECD cũng đưa ra mức thuế suất doanh nghiệp ưu đãi để thu hút các công ty đa quốc gia, như Ireland (12.5%), Hungary (9%), hay các ưu đãi thuế như thuế đăng ký bằng sáng chế, thuế khuyến khích hoạt động R&D, v.v. Theo ước tính của OECD, có đến 240 tỷ USD bị thất thoát mỗi năm trên toàn cầu do các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận của các doanh nghiệp.

    Tại sao Việt Nam chọn áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu?

    Đối với Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, cam kết quốc tế nên không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã nội luật hoá để áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2024, Việt Nam cũng cần phải áp dụng. 

    Các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài sẽ áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, bao gồm các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore....Đây cũng là 3 quốc gia chiếm trên 50% tổng vốn FDI của Việt Nam trong những năm vừa qua.

    Theo đó, thuế doanh nghiệp toàn cầu sẽ tăng thêm nguồn thu thuế cho các quốc gia, xóa bỏ các kẽ hở trong quản lý và ngăn chặn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để giảm thuế, chuyển giá.

    Do đó, nếu Việt Nam không áp dụng, thì phải chấp nhận việc các nước xuất khẩu vốn (áp dụng thuế TTTC) sẽ được thu khoản thuế TNDN bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và thuế TNDN hiện dưới 15%.

    Nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế TTTC từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch, ước tính khoảng 14,600 tỷ đồng. Điều này cũng nghĩa là, nếu Việt Nam không áp dụng thuế TTTC trong khi nước khác áp dụng, phần thuế chênh lệch 14,600 tỷ đồng này sẽ được nộp về quốc gia có công ty mẹ.

    Khi đó, dù Việt Nam có ưu đãi về thuế TNDN cho doanh nghiệp FDI như nào đi chăng nữa (dưới 15%), thì quốc gia khác cũng sẽ thu của doanh nghiệp phần chênh lệch. Vì vậy, để giữ quyền đánh thuế của Việt Nam trong bối cảnh các nước xuất khẩu/đầu tư sang Việt Nam thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu năm 2024, Việt Nam cũng cần áp dụng thuế này.   

    Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có tác động như thế nào đến Việt Nam?

    Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia nhận đầu tư (nhập khẩu vốn). Việc vừa phải chủ động bảo vệ quyền lợi của chính mình, vừa đảm bảo thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài là bài toán cho Việt Nam trong việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

    Áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu mang có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách từ nguồn thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

    Theo rà soát của Tổng cục thuế, ngân sách của Việt Nam ước tính sẽ bổ sung hơn 14,600 tỷ đồng khi 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nộp thuế tối thiểu toàn cầu theo quy định QDMTT, và thu gần 73 tỷ đồng nếu 6 tập đoàn theo quy định IIR được áp dụng. Theo Reuters, phần lớn khoản thuế bổ sung của Việt Nam sẽ đến từ Samsung, vì doanh thu hàng tỷ USD từ các nhà máy của tập đoàn này, với quy mô xuất khẩu của Samsung năm 2022 là 65 tỷ USD. 

    Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết, nếu Việt Nam không thay đổi chính sách thuế, Samsung sẽ nộp một khoản lớn thuế bổ sung về cho Chính phủ Hàn Quốc mỗi năm. Cụ thể, nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Samsung sẽ phải nộp bổ sung số thuế khoảng 400 triệu USD/năm. 

    Việt Nam cũng là điểm sản xuất hàng đầu của Samsung, chiếm 50% sản lượng điện thoại di động của doanh nghiệp này trên toàn thế giới, song Samsung chỉ nộp thuế ở mức 5.1% vào năm 2019. Do đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ trở thành công cụ giúp Việt Nam bù đắp những khoản thất thu này.

    Mặc dù vậy, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Từ trước tới nay, ưu đãi về thuế TNDN mà Việt Nam cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài luôn được coi như một trong những yếu tố thu hút đầu tư hiệu quả. 

    Thời gian qua, Việt Nam đã điều chỉnh thuế TNDN phổ thông từ 32%, xuống 28%, 25%, 22% và hiện tại là 20%; đồng thời áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thuế. Đối với các doanh nghiệp thuộc diện ưu đãi cả về thuế suất và thời gian thì mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Theo Tổng cục Thuế, thuế suất của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện là 5%-10%, thậm chí một số tập đoàn có dự án lớn thì thuế chỉ 3%-6%. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành “cứ điểm” đầu tư hấp dẫn, thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao của các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia với mức vốn đầu tư cam kết và thực hiện ngày càng tăng.

    Năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27.72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22.4 tỷ USD, tăng 13.5% svck. Đây cũng là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017 - 2022). Lũy kế trong giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438.7 tỷ USD vốn FDI. Đặc biệt, năm 2022, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã góp 20.13% vào GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu và 50% sản lượng công nghiệp của Việt Nam, theo số liệu từ Ban kinh tế trung ương. Kết thúc năm 2023, ước tính FDI thực hiện kết thúc đạt 23.2 tỷ USD, tăng 3.5% so với 2022. 

    Do đó. nếu áp thuế tối thiểu toàn cầu, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp FDI đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Tức là, ưu đãi về thuế Việt Nam dành cho doanh nghiệp nước ngoài không còn tác dụng, khiến các doanh nghiệp có thể chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang quốc gia khác có chính sách ưu đãi hơn.

    Bộ Tài chính nước ta ước tính, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế GMT, bao gồm những tên tuổi lớn như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron, vốn chiếm khoảng 30% tổng vốn đăng ký FDI của Việt Nam (~131.3 tỷ USD). 

    Do đó, nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu mà không triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư song song, nó có thể sẽ khiến (i) chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài trở nên kém hấp dẫn, (ii) ảnh hưởng đến nguồn đầu tư chất lượng cao, quy mô lớn, giảm lợi thế cạnh tranh đầu tư và thương mại; từ đó (iii) ảnh hưởng đến xuất khẩu, cán cân thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối.

    Cập nhật: Ngày 09/01/2024


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán