Điểm nhấn chính:
- Thiên đường thuế thu hút các doanh nghiệp, cá nhân từ nhiều quốc gia nhờ mức thuế suất thấp hoặc không thu thuế.
- Thiên đường thuế có nhiều hệ quả, không những tạo điều kiện cho thu nhập bất chính, hoạt động chuyển giá mà còn làm thất thu nguồn thuế quốc gia.
Thiên đường thuế là gì?
Thiên đường thuế (tax haven) là quốc gia/vùng lãnh thổ thu thuế rất thấp, thậm chí là không thu thuế, và điều này đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân đến từ các quốc gia khác. Với chính sách thuế thấp, ít sự tra hỏi của các cơ quan thuế và tính bảo mật cao đã giúp các khu vực này trở thành “thiên đường” cho việc lưu trữ giá trị tiền, tài sản và thu nhập. Thiên đường thuế có thể được tận dụng một cách hợp pháp để giảm thuế (vì đây là các khu vực pháp lý có chủ quyền và luật pháp), nhưng cũng có thể bị lạm dụng để trốn thuế bất hợp pháp.
Một số thiên đường thuế trên thế giới có thể kể đến như Panama, Tiểu bang Daleware (Hoa Kỳ), Thụy Sỹ, Hà Lan và các quẩn đảo như quần đảo Cayman, quần đảo Virgin (Anh), v.v.
Năm 1998, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra một số đặc điểm để nhận diện một quốc gia, khu vực được gọi là “thiên đường thuế”, bao gồm:
- Khu vực không đánh thuế hoặc thuế gần như bằng không.
- Bảo mật thông tin tài chính hoặc có biện pháp chống lại sự giám sát của cơ quan thuế vụ nước ngoài.
- Thiếu minh bạch trong các quy định pháp lý, luật pháp.
Công ty đa quốc gia “tận dụng” thiên đường thuế bằng cách nào?
Dưới đây là một số cách tiêu biểu mà một công ty đa quốc gia có thể áp dụng:
1. Chuyển giá
Chuyển giá (transfer pricing) là việc điều chỉnh giá cả đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các đơn vị thành viên thuộc công ty qua biên giới và không tuân theo giá thị trường. Nhờ đó, công ty có thể chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế cao sang nơi có thuế thấp, từ đó giảm tổng thuế phải chịu.
2. Thành lập chi nhánh, công ty con
Công ty có thể lập công ty con ở quốc gia thiên đường thuế. Các công ty con này thường không thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể và được thành lập với tư cách như một pháp nhân để hợp thức hóa các thủ thuật kế toán. Theo đó, những đơn vị, chi nhánh hoạt động hiệu quả sẽ chuyển thu nhập cho công ty con ở thiên đường thuế, nhờ đó giảm mức thuế phải đóng và kiếm được lợi nhuận tổng thể nhiều hơn.
Giả sử, thuế thu nhập doanh nghiệp ở Vương quốc Anh là 19%. Nếu một doanh nghiệp tại Anh thành lập một pháp nhận tại Thụy Sĩ và hợp thức hóa việc chuyển thu nhập, họ có thể chỉ cần trả mức thuế thấp hơn là 8.5%. Và nếu doanh nghiệp chuyển trụ sở đến Ireland, mức thuế này còn thấp hơn, có thể xuống dưới 2%.
3. Chuyển quyền sở hữu
Công ty mẹ có thể chuyển giao quyền sở hữu tài sản vô hình (như bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ) sang công ty con tại thiên đường thuế và biến chúng trở nên hợp pháp để được hưởng mức thuế hơn tại đây.
Ví dụ, công ty tại Mỹ có thể chuyển quyền sở hữu các bằng sáng chế sang các đơn vị công ty tại Ireland. Lúc này, công ty con tại Ireland có thể tính phí cho công ty tại Hoa Kỳ, từ đó dễ dàng chuyển lợi nhuận kiếm được từ Mỹ sang Ireland, dưới danh nghĩa là thanh toán cho việc tiếp cận các bằng sáng chế. Số tiền được chuyển sang Ireland cho mục đích thanh toán, sẽ được hưởng mức thuế suất thấp hơn. Một lần nữa, toàn bộ hệ thống công ty giảm được khoản tiền phải nộp thuế.
Những mặt tích cực và tiêu cực của “thiên đường thuế”
1. Tích cực
Đối với các quốc gia là thiên đường thuế
Trước hết là nguồn tiền họ thu được vào nền kinh tế. Số tiền này được gửi vào các ngân hàng tại thiên đường thuế, sau đó được đem đi đầu tư ở các quốc gia khác và thu về lợi nhuận đáng kể. Điều này đem lại nguồn tài chính không nhỏ giúp cho các thiên đường thuế duy trì các hoạt động kinh doanh, phát triển quốc gia, đầu tư nước ngoài từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đối với các công ty nộp thuế tại thiên đường thuế
Các công ty này sẽ được hưởng lợi với mức thuế thu nhập thấp hoặc có ưu đãi đặc biệt về thuế. Ngoài ra, công ty còn có thể hưởng lợi trong các hoạt động tín dụng tại thiên đường thuế. Ví dụ, một số doanh nghiệp lớn tại Mỹ, như Apple, Microsoft, Alphabet, Cisco, và Oracle, cho thấy rằng họ có thể nhận được vốn vay rẻ, lãi suất thấp khi đi vay tại thiên đường thuế, hơn là vay vốn tại thị trường trong nước.
2. Tiêu cực
Che giấu thu nhập bất chính
Nếu không tồn tại thiên đường thuế, khi phát sinh thu nhập, các công ty bắt buộc phải khai báo nguồn gốc của khoản thu nhập đó. Tuy nhiên, thiên đường thuế cho phép khách hàng ẩn danh khi mở tài khoản để đảm bảo thông tin được bảo mật. Vì vậy, các tài khoản này được thiết lập mà không rõ thông tin về nguồn gốc thực sự của nó. Đây là vấn đề được các đối tượng lợi dụng để che giấu những khoản thu nhập bất chính.
Tạo điều kiện cho hoạt động chuyển giá, rửa tiền
“Chuyển giá” và “rửa tiền” là hai hoạt động phạm pháp và bị cấm tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các thiên đường thuế. Tuy nhiên, có những công ty, cá nhân vẫn cố gắng thực hiện những hành vi này thông qua các cách thức không minh bạch và trái pháp luật. Nếu như chuyển giá là việc thiết lập các mức giá cả để nhận lợi ích tốt nhất, thì rửa tiền là quá trình che đậy nguồn gốc của những nguồn tiền bất hợp pháp, bằng cách làm cho chúng “trở nên hợp pháp” (như tham gia vào giao dịch tài chính, sử dụng tiền bất hợp pháp để tiến hành các hoạt động kinh doanh, v.v.).
Nếu các hoạt động này không được kiểm soát và tiếp tục được thực hiện, nó sẽ ảnh hưởng về mặt chính trị và xã hội. Đặc biệt, các chi nhánh của công ty tại quốc gia khác sẽ bị chú ý bởi cơ quan thuế quốc tế, làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty trên toàn cầu.
Ngân sách của quốc gia giảm
Việc các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận đến những nơi có mức thuế suất thấp để nộp thuế còn khiến quốc gia (nơi công ty đáng lẽ phải nộp thuế ban đầu) thất thu thuế đáng kể, làm ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia.
Ví dụ điển hình về việc tận dụng thiên đường thuế
Một trong những ví dụ điển hình là công ty Apple. Với doanh thu khủng thuộc top đầu các doanh nghiệp toàn cầu, Apple cũng có trách nhiệm nộp thuế đáng kể cho chính phủ. Tuy vậy, để giảm phần thuế phải nộp, Apple đã lợi dụng các thiên đường thuế, bao gồm Ireland và Luxembourg.
Apple đã có các hoạt động kinh doanh tại Ireland từ năm 1980. Năm 1990, Giám đốc điều hành Apple (lúc đó là John Sculley) đã ký một thỏa thuận với chính phủ Ireland về mức thuế họ phải nộp tại nước này. Trong cuộc thương lượng, Apple nói rằng họ chỉ “sản xuất” ở Ireland, nên không nên bị đánh thuế đối với hai lĩnh vực còn lại là “tiếp thị” và “công nghệ”. Trong khi đó, dữ liệu cho thấy khoản doanh thu 751 triệu USD/năm và lãi ròng 270 triệu USD/năm của công ty này từ năm 1989 đến từ cả ba lĩnh vực nói trên. Sau khi thống nhất, năm 1991, chính phủ Ireland đồng ý với thỏa thuận do Apple đưa ra, giúp mức thuế suất của Apple giảm xuống còn 12.5% (trong khi tại Mỹ là 21%). Mặc dù vậy, theo một cuộc điều tra của EU cho thấy, mức thuế của Apple lúc đó thực chất chỉ ở mức 0.5% - 1%, thay vì 12.5%.
Chiến lược hoạt động của Apple trước năm 2017
Nguồn: Startuptalky
Trước năm 2017, Apple đã thành lập hai công ty con là " Apple sales International " và " Apple Operations Europe” ở Ireland. Hàng năm, hai công ty này chỉ trả tiền nghiên cứu và phát triển (R&D) cho Apple Inc. tại Mỹ. Đồng thời, toàn bộ doanh thu được tạo ra tại Ấn Độ, Châu Âu và Trung Đông cũng được chuyển về Ireland. Năm 2011, theo Thượng viện Mỹ, lợi nhuận quốc tế của Apple đạt 22 tỷ USD, song với thỏa thuận với chính phủ Ireland, chỉ có 50 triệu USD của Apple bị đánh thuế và số tiền này tiếp tục giảm cho đến năm 2014.
Ngoài ra, trước năm 2017, Hoa Kỳ không đánh thuế đối với lợi nhuận thu được từ các công ty con ở nước ngoài của công ty đa quốc gia. Apple đã lợi dụng điều này bằng cách chuyển hơn 70% lợi nhuận thu được trong nước sang thiên đường thuế để hưởng thuế suất thấp và chuyển ngược lại tập đoàn mẹ. Theo đó, chỉ riêng năm 2017, số tiền mà Apple gửi vào hệ thống ngân hàng tại Ireland đã lên gần 250 tỷ USD. Tất cả điều này cho thấy, Apple đã giảm một khoản tiền nộp thuế khổng lồ thông qua việc “lợi dụng” thiên đường thuế.
Giải pháp nào trước tác động của thiên đường thuế?
Việc lợi dụng thiên đường thuế quá mức của các doanh nghiệp đã gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của các quốc gia. Để giảm thiểu tác động của các vấn đề này, chính phủ các quốc gia có thể áp dụng một số giải pháp như:
- Điều chỉnh, thay đổi các quy định thuế để ngăn chặn việc sử dụng các thủ thuật tránh thuế.
- Đàm phán, ký kết các hiệp định quốc tế để cùng ngăn chặn việc lợi dụng trốn thuế giữa các quốc gia, như hiệp định BEPS (Base Erosion and Profit Shifting) của OECD, để hạn chế những hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận.
- Tăng cường điều tra, kiểm soát hoạt động tài chính của các công ty để ngăn chặn việc trốn thuế.
- Cải cách hệ thống thuế trong nước cũng như tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn để thu hút các công ty ở lại và hoạt động trong nước.
Thiên
đường thuế là vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia khi các công ty sử dụng
lỗ hổng trong hệ thống pháp lý để trốn thuế. Điều này không chỉ làm giảm nguồn
thu quốc gia, làm mất
cân bằng trong hệ thống thuế mà còn làm mất cân đối giữa các doanh nghiệp. Trên
hết, giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự hợp tác quốc tế và cam kết từ cả doanh
nghiệp và chính phủ để tạo ra môi trường thuế công bằng và minh bạch hơn.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.