Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Thương mại toàn cầu trước thách thức chủ nghĩa bảo hộ

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc gặp phải rào cản từ chủ nghĩa bảo hộ của các quốc gia phát triển trên thế giới.

    - Mối lo ngại của các nền kinh tế đang phát triển về làn sóng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào khi không thể đi vào các thị trường phát triển.

    Chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

    Một báo cáo Thương mại Toàn cầu của Hiệp hội Thương mại Thế giới (WTO) công bố vào tháng 9/2024 cho biết thương mại đã giúp thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các nền kinh tế trong ba thập kỷ vừa qua. Song, thương mại toàn cầu đang ngày càng phải đối mặt với những thách thức đến từ chủ nghĩa bảo hộ và sự phát triển không bền vững.

    WTO cho biết gia tăng hàng rào thuế quan giữa các nền kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến các hộ gia đình có thu nhập thấp, phụ nữ và các doanh nghiệp nhỏ khi những nhóm này chịu nhiều khó khăn hơn khi phải đối phó với chi phí thương mại tăng cao.

    Trước giai đoạn COVID-19, hoạt động xuất nhập khẩu Trung Quốc liên tiếp ghi nhận thặng dư từ 25-30 tỷ USD ngoại trừ thời điểm tháng 2 và tháng 3 trong năm do Tết Nguyên Đán. Trong đó, thâm hụt thương mại cao nhất được ghi nhận vào tháng 3/2020, đạt âm 62 tỷ USD. Kể từ sau đại dịch, giá trị thặng dư thương mại của Trung Quốc trải qua nhiều biến động, song vẫn liên tiếp thiết lập kỷ lục vào cuối năm 2021 đạt 75.9 tỷ USD, cuối năm 2022 đạt 93.2 tỷ USD và cao nhất là 125.2 tỷ USD vào tháng 2/2024.

    Về thị trường xuất khẩu, trong năm 2023, ASEAN dẫn đầu khi chiếm 15.5% tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc, đạt 523.7 tỷ USD. Theo sau là khối EU, chiếm 14.8%, đạt 501.2 tỷ USD, và Mỹ đứng thứ ba với giá trị xuất khẩu hàng Trung Quốc đạt 500.3 tỷ USD.

    Mặc dù đạt được tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động thương mại, nhưng sự phụ thuộc ngày càng tăng của Trung Quốc vào xuất khẩu đang phải đối mặt với căng thẳng thương mại gia tăng với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, chủ yếu làm trầm trọng hơn bởi các chính sách bảo hộ thông qua thuế quan.

    Tháng 5/2024, Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố mức tăng thuế trị giá 18 triệu USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm các ngành công nghiệp trọng yếu, như thép, nhôm, bán dẫn, cell pin mặt trời, xe điện và pin, với lý do là Trung Quốc đang thực hiện các hoạt động thương mại không công bằng. Ngay sau khi công bố mức tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, giá trị nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ giảm nhẹ từ 35 tỷ USD còn 34.1 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay trong tháng 7/2024, con số này đã tăng vọt lên mức 40.8 tỷ USD.

    Washington cho rằng đây là tín hiệu “không hài lòng” đối với chính sách thương mại mang tính “săn mồi” của phía Bắc Kinh, trong khi đó Bắc Kinh lại cho rằng đây là “hành động bắt nạt điển hành” nhằm “đàn áp các hoạt động kinh tế, thương mại và công nghệ thông thường của Trung Quốc”.

    Chẳng hạn như, cuộc chiến cạnh tranh giữa các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc và các nhà sản xuất xe điện khác trên toàn cầu đã trở nên nóng hơn bao giờ hết. Hãng xe điện Trung Quốc - BYD hiện đang là nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, vượt qua Tesla của Mỹ về doanh số bán hàng toàn cầu năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023 khi nhu cầu về xe điện tăng kỷ lục gần 14 triệu xe điện, tăng vọt 35% trong năm 2023. Tuy  nhiên, với mức thuế mới được áp dụng tại Mỹ bởi Chính quyền Biden sẽ giúp các nhà sản xuất xe điện tại Mỹ tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt từ phía đối thủ Trung Quốc, mặc dù điều này không diễn ra ở thị trường ngoài Mỹ.

    Với việc phương Tây gia tăng các biện pháp bảo vệ thị trường nội địa, rõ ràng Trung Quốc cần phải bán phá giá hàng xuất khẩu đi đâu đó khác để lượng hàng sản xuất khổng lồ của họ có nơi để hấp thụ, và người lo lắng nhất lúc này không ai khác ngoài các thị trường mới nổi.

    Trung Quốc hứa không áp đặt thuế quan với các quốc gia mới nổi

    Tổng Bí thư Tập Cận Bình hứa hẹn mở cửa nền kinh tế rộng lớn của mình với các nước mới nổi, đi kèm lời hứa kể từ ngày 5/9/2024 sẽ áp dụng mức thuế quan bằng 0 đối với các nước kém phát triển nhất trên thế giới.

    Đây dường như là một nước đi có chủ ý làm tương phản vị thế giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ, quốc gia đã phần lớn từ bỏ vị thế vô địch về thương mại tự do khi chuyển dần sang Chủ nghĩa Bảo hộ.

    Tuy nhiên, lời hứa của Chủ tịch Tập cũng chỉ ra những lo ngại ngày càng tăng từ phía Nam Bán cầu. Nhiều quốc gia lo sợ rằng sự chuyển dịch về thương mại quốc tế, cụ thể bởi mô hình kinh tế chú trọng xuất khẩu của Trung Quốc và chủ nghĩa bảo hộ của phương Tây có thể làm tổn hại đến sự phát triển kinh tế của họ với hàng hóa giá rẻ đổ dồn vào từ Trung Quốc.

    Chiến lược kinh tế nội bộ của Trung Quốc cũng đang được triển khai. Bắc Kinh đã cố gắng hạn chế việc đầu tư quá mức vào ngành bất động sản và các cơ sở hạ tầng kém hiệu quả, và chuyển hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất nâng cao, được cho là “lực lượng sản xuất chất lượng mới”. Điều này làm dấy lên những cáo buộc từ phía phương Tây cho rằng Trung Quốc đang sản xuất quá mức và bán phá giá hàng hóa ra nước ngoài.

    Để đối phó, Châu Âu và Bắc Mỹ đang chạy đua để dựng các hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng như xe điện và tấm pin mặt trời của Trung Quốc. Việc rào cản thương mại gia tăng tại các nước phát triển đang khiến các quốc gia mới nổi lo ngại rằng hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn vào nước họ, khiến một số quốc gia cân nhắc thực hiện các biện pháp bảo hộ của chính họ.

    Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Nam Bán cầu?

    Tác động của cái gọi là “Cú sốc Trung Quốc 2.0” - tương tự như làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường toàn cầu vào những năm 1990 - đã thúc đẩy sự phản ứng mạnh mẽ từ một số quốc gia mới nổi.

    Trong nửa đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đạt 472.5 tỷ USD, tăng 7.1% so với cùng kỳ (svck) 2023, trong đó giá trị xuất khẩu của Trung Quốc đạt khoảng 264 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chỉ đạt 322.6 tỷ USD, giảm nhẹ 0.2% svck.

    Vào tháng 7/2024, Indonesia đã áp đặt thuế quan đến 200% đối với hàng dệt may và một số hàng hóa khác, với lý do cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc. Chi-lê, tương tự, đã ban hành thuế chống phá giá đối với thép Trung Quốc, đồng thời các quốc gia Mỹ-Latinh khác như Mexico và Brazil cũng đã ban hành các biện pháp bảo hộ tương tự. Các quốc gia khác, chẳng hạn Thái Lan, thậm chí đã thiết lập một Cơ quan Chính phủ riêng nhằm mục đích nghiên cứu các biện pháp nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ấn Độ cũng đã đưa ra các biện pháp chống bán phá giá và tiến hành các cuộc điều tra.

    Thoạt nhìn, các hành động này trông giống như những trường hợp Chủ nghĩa bảo hộ truyền thống, trong đó các nhà sản xuất nội địa không thể cạnh tranh với nước ngoài nên Chính phủ nước họ phải bảo vệ họ bằng các chính sách Bảo hộ. Tuy nhiên, nhìn vào quy mô và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn từ năng lực sản xuất của Trung Quốc cho thấy những chính sách trên không phải các trường hợp truyền thống.

    Trước đây, các cáo buộc về bán phá giá đối với Trung Quốc thường tập trung vào một ngành như ngành Thép. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc bao gồm hàng loạt hàng hóa khó hiểu từ xe điện, công nghệ chuyển đổi xanh cho đến các sản phẩm đầu vào sản xuất truyền thống và các hàng hóa trung gian. Quy mô của các mặt hàng xuất khẩu này cũng nhảy vọt về giá trị lên mức 309 tỷ USD trong tháng 8, mức cao nhất theo tháng trong hai năm trở lại đây.

    Một số “hàng hóa Trung Quốc rẻ đến mức không có mức thuế quan nào có thể giảm năng lực cạnh tranh về giá của chúng”, cố vấn kinh tế trưởng của Ấn Độ, V. Anantha Nageswaran, cho biết trong cuộc khảo sát kinh tế thường niên của nước này vào tháng 7.

    Ngoài ra, các quốc gia đang phát triển cũng đang phải đối mặt với vấn đề như phi công nghiệp hoá sớm, nghĩa là ngành sản xuất trong nước bắt đầu suy thoái trước khi quốc gia đó đạt được công nghiệp hoá đủ để có mức thu nhập cao; một phần là do các công nghệ mới đang dần thay thế sản xuất kiểu cũ. Chứng kiến các nhà sản xuất nội địa bị thay thế bởi hàng hoá giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc có thể làm tình hình trở nên trầm trọng hơn, khiến các quốc gia đang phát triển khó có thể thoát khỏi điều thường được các nhà kinh tế học gọi là “bẫy thu nhập trung bình”.

    Nhìn chung, các thị trường mới nổi có thể sẽ phải thiết lập các hàng rào mới đối với Trung Quốc giống như các quốc gia phương Tây vì lo ngại sẽ trở thành điểm đến của hàng hóa giá rẻ Trung Quốc, vốn không còn thể thâm nhập vào các nền kinh tế phát triển.

    Điều này sẽ đặc biệt đúng nếu như cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11/2024 và sẽ mạnh tay thực hiện các biện pháp thuế quan với Trung Quốc như ông đã hứa hẹn. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc bị khước từ khỏi các thị trường giàu có sẽ phải chuyển mục tiêu sang các thị trường khác, tạo thêm áp lực đối với các quốc gia phát triển trong việc đáp trả bằng mức thuế quan cao hơn nữa.

    Tất cả những điều này sẽ trở thành thách thức đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại ở châu Á, vốn tìm cách hội nhập chặt chẽ với Trung Quốc. Các cường quốc xuất khẩu như Malaysia và Thái Lan, dựa vào hang hóa Trung Quốc để có thể duy trì hoạt động của các nhà máy, có thể trở nên dễ tổn thương khi Trung Quốc chuyển sang hình thức sản xuất tiên tiến hơn. Trong khi các quốc gia nghèo hơn tại châu Phi có tương đối ít ngành công nghiệp cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc.

    Như vậy, châu Á có thể trở thành khu vực “có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất từ các tác động của thuế quan được áp dụng trên toàn thế giới. Và, sự gia tăng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc có thể quét sạch ngành sản xuất của khu vực,” nhà Kinh tế học Sonal Varma tại Nomura cho biết.

    Tiến thoái lưỡng nan với chủ nghĩa bảo hộ

    Các chính sách “thương mại tự do” nhằm cứu vãn kinh tế trong nước của Trung Quốc đang đe dọa làm suy yếu mối quan hệ của họ với các nước thuộc Nam bán cầu, tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Thách thức đối với Trung Quốc là phải quyết định hành động thế nào để cân bằng giữa mục tiêu kinh tế nội địa và duy trì quan hệ với các đối tác quốc tế.

    Đối với các nhà lãnh đạo phương Tây, sự gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc đã tạo ra cơ hội địa chính trị. Nhiều người lo lắng rằng phương Tây đang mất kết nối với phía Nam bán cầu, khi hai bên bị chia rẽ bởi quan điểm về các sự kiện toàn cầu như sự kiện Nga xâm lược Ukraine hay cuộc chiến giữa Israel – Hamas. Nhưng việc đối phó với thách thức từ gia tăng xuất khẩu từ Trung Quốc - liên tục ảnh hưởng đến cả phương Tây và Nam Bán cầu - có thể tăng lại tính kết nối giữa hai bên.

    Một mặt, Bắc Kinh có thể làm xóa dịu căng thẳng bằng cách cắt giảm trợ giá xuất khẩu hoặc đầu tư vào sản xuất trong nước của các quốc gia mới nổi. Tuy nhiên, sự gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc cũng được thúc đẩy bởi các mục đích chính trị và kinh tế khác, đặc biệt là nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng để duy trì sự uy tín của Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.

    Mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu từ lâu đã là nền tảng cho sự phát triển của Trung Quốc trong hàng thập kỷ, và sự nhấn mạnh gần đây vào việc chế tạo tiên tiến càng khiến cho khả năng Trung Quốc rút lại các chiến lược xuất khẩu hiện tại khó có thể diễn ra nếu như không có áp lực nào mạnh mẽ hơn từ phía cộng đồng quốc tế.

    Có thể thấy, Trung Quốc đang ở phía ngã ba đường. Bắc Kinh có thể theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước phát triển, thể hiện vai trò lãnh đạo đối với nhóm Nam Bán cầu, hoặc tiếp tục ưu tiên theo đuổi mô hình sản xuất xuất khẩu tiên tiến. Tuy nhiên, Trung Quốc khó có thể thành công cả hai mục tiêu cùng lúc. Những năm sắp tới có thể sẽ chứng kiến Trung Quốc bị bắt phải ra các quyết định khó khăn liên quan đến vị thế của họ trên nền kinh tế toán cầu khi phải cân bằng giữa duy trì ổn định kinh tế quốc nội và duy trì tầm ảnh hưởng với các quốc gia mới nổi.

    Nguồn: Foreign Policy

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán