Điểm nhấn chính:
- Từ ngày 01/07/2024, Việt Nam chính thức tăng lương cơ sở từ 1.8 triệu đồng lên 2.34 triệu đồng cho cán bộ, công chức, viên chức. Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
- Chính sách tăng lương cơ bản hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích về đời sống xã hội cho người dân, thúc đẩy tiêu dùng, mua sắm và tăng trưởng kinh tế.
- Tuy nhiên, cũng cần đánh giá lại các hạn chế của chính sách tăng lương khi vẫn tiềm tàng những nguy cơ về lạm phát, tỉ lệ thất nghiệp và áp lực lên ngân sách nhà nước.
Khái niệm về lương tối thiểu
Lương tối thiểu là mức lương thấp nhất mà người lao động phải được trả cho công việc họ làm theo quy định của pháp luật. Mức lương này nhằm đảm bảo nhu cầu sống cơ bản của người lao động và gia đình họ, bao gồm các chi phí sinh hoạt thiết yếu như thực phẩm, nhà ở, y tế và giáo dục.
Từ ngày 01/07/2024, Việt Nam sẽ thực hiện mức tăng lương tối thiểu cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, Chính phủ sẽ tăng lương 30% cho cán bộ, công chức, viên chức, qua việc tăng lương cơ sở (mức lương được áp dụng cho công nhân viên chức, cán bộ Nhà nước, người lao động, người hưởng chế độ thuộc khu vực Nhà nước) từ 1.8 triệu đồng lên 2.34 triệu đồng. Theo sau đó cũng là các điều chỉnh tăng tới 6% cho lương tối thiểu của từng vùng (mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp tư nhân và người lao động thỏa thuận và trả lương theo từng vùng). Cụ thể vùng I là 4,680,000 VND/ tháng; vùng II là 4,160,000 VND/ tháng; vùng III là 3,640,000 VND/ tháng; và vùng IV là 3,250,000 VND/ tháng.
Quyết định này được đưa ra nhằm cải thiện mức sống của người lao động trong bối cảnh kinh tế đang hồi phục sau đại dịch COVID-19 và lạm phát tăng cao.
Quyết định tăng lương tối thiểu vào thời điểm này có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Trước hết, nó phản ánh sự nỗ lực của chính phủ trong việc hỗ trợ người lao động trong bối cảnh nền kinh tế đang được thúc đẩy tăng trưởng và kích cầu. Ngoài ra, việc điều chỉnh lương tối thiểu còn nhằm bảo vệ người lao động trước áp lực lạm phát, bởi lạm phát bình quân 5 tháng đầu năm 2024 đã đạt 4.03%, chạm vào vùng lạm phát mục tiêu của chính phủ. Giá cả hàng hóa và dịch vụ đang tăng cao, do đó việc tăng lương sẽ giúp người lao động duy trì được sức mua của mình.
Cuối cùng, quyết định này còn thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế công bằng và bền vững, nơi mà mọi người lao động đều được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế.
Lợi ích của việc tăng lương tối thiểu
1. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Khi lương tối thiểu được tăng, người lao động sẽ có thêm thu nhập. Điều này dẫn đến việc họ có thể chi tiêu nhiều hơn cho các nhu cầu hàng ngày như thực phẩm, quần áo, và dịch vụ giải trí. Việc tăng chi tiêu tiêu dùng sẽ giúp kích thích nền kinh tế, tạo ra vòng xoay tiền tệ tích cực và thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác nhau. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), việc tăng lương tối thiểu năm 2019 đã góp phần làm tăng chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình lên khoảng 5%. Chính sách này đã giúp GDP cuối năm 2019 đạt mức 334.37 tỉ USD, tăng 7.5% so với mức tăng trung bình 6-7% trong giao đoạn 2015-2018.
Ngoài ra, khi người lao động có thu nhập cao hơn và chi tiêu nhiều hơn, các doanh nghiệp địa phương sẽ hưởng lợi trực tiếp. Nhu cầu tăng lên về hàng hóa và dịch vụ sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng sản xuất và kinh doanh, tạo thêm việc làm và cơ hội phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, việc tăng lương tối thiểu còn có thể tạo ra một thị trường lao động lành mạnh hơn, khi các doanh nghiệp cạnh tranh nhau để thu hút và giữ chân nhân viên có năng lực.
2. Giảm nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập
Khi mức lương tối thiểu được tăng, người lao động có thu nhập thấp sẽ có điều kiện sống tốt hơn. Họ có thể chi trả cho những nhu cầu cơ bản như thực phẩm, y tế, giáo dục, và nhà ở. Điều này góp phần làm giảm tỷ lệ nghèo đói trong xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho thấy, việc tăng lương tối thiểu trong các năm qua đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ nghèo trong số lao động công nghiệp và dịch vụ. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ nghèo trong nhóm lao động này đã giảm từ 12% xuống còn 7% khi mức lương cơ bản tăng xấp xỉ 26%, từ 3,500,000 VND lên 4,420,000 VND.
Thêm vào đó, tăng lương tối thiểu còn giúp thu hẹp khoảng cách giữa người lao động có thu nhập thấp và những người có thu nhập cao hơn. Điều này không chỉ góp phần tạo ra một xã hội công bằng hơn mà còn giảm bớt các căng thẳng xã hội do bất bình đẳng kinh tế gây ra.
3. Tăng cường năng suất lao động
Khi lương tối thiểu được tăng, người lao động cảm thấy họ được đánh giá cao và công nhận. Điều này có thể giảm tỷ lệ nghỉ việc và tăng năng suất lao động của nhân viên. Các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới. Nghiên cứu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (MOLISA) cho thấy, sau khi tăng lương tối thiểu năm 2018, tỉ lệ nghỉ việc trong ngành sản xuất đã giảm từ 15% xuống còn 10% trong vòng một năm, làm chỉ số PMI đạt đỉnh 56.5 điểm vào tháng 11/2018, đây vẫn là mức ghi nhận cao nhất tính đến thời điểm hiện tại.
4. Nâng cao mức sống
Khi lương tối thiểu được tăng, người lao động có nhiều tài chính hơn để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu và các hoạt động giải trí, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc tăng lương tối thiểu giúp người lao động và gia đình họ có khả năng tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục và nhà ở chất lượng. Điều này không chỉ cải thiện sức khỏe và tri thức của người lao động mà còn tạo điều kiện phát triển bền vững cho thế hệ tương lai. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, sau khi tăng lương tối thiểu năm 2019, tỉ lệ trẻ em thuộc các hộ gia đình công nhân nhập học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở tăng khoảng 7%, từ mức 85% lên 92%. Sự gia tăng này cho thấy sự cải thiện trong khả năng tài chính của các gia đình công nhân, giúp họ có điều kiện tốt hơn để đầu tư vào giáo dục cho con cái.
Nhược điểm của việc tăng lương tối thiểu
1. Tăng chi phí hoạt động cho doanh nghiệp
Khi mức lương tối thiểu tăng, các doanh nghiệp phải chi trả nhiều hơn cho lao động, điều này có thể làm tăng chi phí hoạt động tổng thể. Đặc biệt, trong các ngành sử dụng nhiều lao động như sản xuất, dệt may, và dịch vụ, chi phí lao động có thể chiếm một phần lớn trong tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Các chính sách tăng lương tối thiểu đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) do lợi nhuận hạn chế và khó khăn trong việc chuyển toàn bộ chi phí tăng thêm sang giá bán sản phẩm hoặc dịch vụ.
Thực vậy, vào tháng 08/2023, ngay khi có thông tin về việc điều chỉnh lương cơ bản năm 2024, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để bày tỏ quan ngại về sụt giảm kết quả kinh doanh. Riêng về chi phí nhân công, hơn 75% các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói rằng chi phí nhân công tăng chính là rủi ro lớn nhất khi đầu tư tại Việt Nam trong tương lai. Con số này cao hơn so với thứ hạng và tỷ lệ trong cuộc khảo sát tương tự được thực hiện ở Thái Lan và Philippines (Thái Lan 71.4%; Philippines 61.1%).
2. Nguy cơ lạm phát
Để bù đắp chi phí hoạt động tăng, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tăng giá bán sản phẩm và dịch vụ. Khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên do chi phí lao động tăng, nền kinh tế có thể phải đối mặt với áp lực lạm phát. Lạm phát cao làm giảm giá trị thực của tiền lương và tiết kiệm, làm giảm sức mua của người dân và có thể dẫn đến những bất ổn kinh tế. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau khi tăng lương tối thiểu vào năm 2019, tỷ lệ lạm phát đã tăng từ 3.5% lên 4.2% trong năm tiếp theo. Điều này gây ra những áp lực lớn đối với chính sách tiền tệ và kiểm soát lạm phát của chính phủ, đồng thời làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế chung.
3. Giảm cơ hội việc làm
Khi chi phí lao động tăng do mức lương tối thiểu cao hơn, một số doanh nghiệp có thể buộc phải cắt giảm nhân sự để giữ cho chi phí hoạt động ở mức chấp nhận được. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng, đặc biệt là ở các ngành sử dụng nhiều lao động và có lợi nhuận thấp. Ngoài ra, để đổi phó với chi phí lao động tăng, nhiều doanh nghiệp có thể đầu tư vào tự động hóa hoặc chuyển dịch sản xuất sang các khu vực có chi phí thấp hơn, dẫn đến giảm cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt là những công việc giản đơn và không yêu cầu kỹ năng cao.
Một nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) cho thấy, sau khi tăng lương tối thiểu năm 2019, tỷ lệ đầu tư vào tự động hóa trong ngành dệt may tăng 15%, và nhiều doanh nghiệp đã chuyển một phần sản xuất sang các quốc gia khác có chi phí lao động thấp hơn, như Campuchia và Bangladesh. Cụ thể, cũng trong nghiên cứu này, Đại học Kinh tế Quốc Dân đã chỉ ra rằng trong năm 2019, có đến 180 dự án tại Việt Nam chuyển dịch đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, đây là mức cao nhất trong giai đoạn 1989-2020.
4. Áp lực lên tài chính công
Khi mức lương tối thiểu tăng, chính phủ phải chi trả nhiều hơn cho lương công chức và các khoản trợ cấp xã hội khác. Khi chi phí cho lương và trợ cấp tăng, chính phủ có thể phải cắt giảm hoặc điều chỉnh các khoản chi tiêu khác để cân đối ngân sách. Điều này có thể ảnh hưởng đến các dự án đầu tư công, phát triển hạ tầng, và các chương trình xã hội quan trọng khác, gây ra những hệ lụy tiêu cực lâu dài cho sự phát triển của đất nước. Cụ thể, theo Bộ trưởng Nội vụ, quyết định tăng lương đã làm tổng kinh phí tăng lên đến mức 913,000 tỉ đồng cho ba năm luỹ kế 2024 - 2026 (trước đó là 786,000 tỷ đồng). Do nhu cầu kinh phí tăng thêm 913,000 tỷ đồng, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ tác động của chính sách đến dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, cố gắng vẫn duy trì ở mức 20% tổng ngân sách.
5. Bất lợi cạnh tranh
Khi mức lương tối thiểu tăng, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp cũng tăng theo, làm giảm khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các ngành xuất khẩu như dệt may, giày dép, và điện tử, nơi chi phí lao động là một yếu tố quyết định đến giá thành sản phẩm.
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), sau khi tăng lương tối thiểu năm 2019, nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải đối mặt với tình trạng lợi nhuận giảm sút do chi phí lao động tăng, trong khi giá bán sản phẩm không thể tăng tương ứng trên thị trường quốc tế. Điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam so với các đối thủ từ các nước có chi phí lao động thấp hơn như Bangladesh và Pakistan.
Liên hệ thực tiễn
Ví dụ khác, Thái Lan cũng đã áp dụng chính sách tăng lương cơ bản, từ 330 bath/ngày lên 370 bath/ngày, từ tháng 1/ 2024. Ngay lập tức, GDP của nước này trong quý I/2024 đã tăng 1.5% so với cùng kì năm ngoái và tăng 1.7% so với quý IV/2023. Chỉ số PMI cũng tăng trở lại gần ngưỡng 50 điểm sau khi giảm mạnh chỉ còn 45.1 điểm vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, tỉ lệ lạm phát của Thái Lan cũng nhảy vọt lên mức 1.54% vào tháng 5/2024 sau khi âm liên tục trong vòng 5 tháng kể từ tháng 10/2023.
Tóm lại, việc tăng lương tối thiểu là một chính sách có tác động lớn đến nhiều khía cạnh của nền kinh tế và xã hội. Ngoài mang lại lợi ích như thúc đẩy kinh tế, giảm nghèo, cải thiện năng suất lao động và nâng cao mức sống, chính sách này cũng đặt ra các thách thức như tăng chi phí cho doanh nghiệp, nguy cơ lạm phát,...Do đó, cần có sự theo dõi và đánh giá liên tục để điều chỉnh kịp thời và hợp lý, đảm bảo rằng chính sách này mang lại lợi ích tối đa cho người lao động mà không gây ra những tác động tiêu cực quá lớn cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công chính sách tăng lương tối thiểu trong thời gian tới.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.