Điểm nhấn chính:
- Mức tăng lương tối thiểu cần được cân nhắc dựa trên tỷ lệ lạm phát và chi phí sinh hoạt để bảo vệ sức mua của người lao động.
- Sự tăng trưởng của GDP đầu ngườivà năng suất lao động cũng là yếu tố quan trọng cần xem xét khi điều chỉnh lương tối thiểu.
Việt Nam dự kiến tăng mức lương tối thiểu vùng thêm 6%
cho các đối tượng khu vực doanh nghiệp và khu vực công, bắt đầu từ ngày 1/7/
2024. Theo đó, mức lương tối thiểu sẽ tăng từ 200-280 nghìn đồng, với vùng 1
tăng lên 4.96 triệu đồng, vùng 2 lên 4.41 triệu đồng, vùng 3 lên 3.86 triệu đồng
và vùng 4 lên 3.45 triệu đồng. Ngoài ra, mức lương tối thiểu theo giờ cũng sẽ
tăng thêm tương xứng 6%. Hãy cùng xem xét liệu mức tăng 6% có thực sự ý nghĩa?
So với mức tăng lạm phát và chuẩn mức sống
Mức tăng lương tối thiểu cần được cân nhắc kỹ lưỡng với tỷ lệ lạm phát. Một mức tăng quá cao có thể gây ra áp lực lên lạm phát, khiến cho giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên, từ đó ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Mặt khác, một mức tăng thấp không đủ để bù đắp cho sự mất giá của tiền tệ, khiến cho đời sống của người lao động trở nên khó khăn hơn. Do đó, việc điều chỉnh lương tối thiểu cần đảm bảo tương quan với tốc độ lạm phát hiện hành.
Ở Việt Nam, việc tăng lương cơ bản hàng năm có xu hướng đi theo sau biến động của lạm phát, nghĩa là nếu năm nay lạm phát tăng cao thì lương cơ bản năm sau sẽ có mức tăng cao hơn, và khi lạm phạt hạ nhiệt thì phần trăm tăng lương cơ bản sẽ giảm dần trở lại. Trung bình trong giai đoạn từ 2008-2015, lạm phát tăng 9.8%/năm và lương tối thiểu vùng 1 tăng 17.1%/năm trong giai đoạn 2009-2016. Và, trung bình trong giai đoạn từ 2016-2022, lạm phát trung bình tăng 3%/năm và lương tối thiểu vùng 1 tăng 4.3%/năm trong giai đoạn 2017-2023.
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, thực tế trong giai đoạn 2015-2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42.7% song lạm phát khiến tiền lương thực tế chỉ tăng 20.1%. Giai đoạn 2020 -2022, lương tối thiểu điều chỉnh trên 6%, song tiền lương thực tế chỉ tăng 0.7% sau khi tính lạm phát.
Do vậy, mức tăng lương phải phù hợp hoặc ít nhất là cao hơn tỷ lệ lạm phát và chi phí sinh hoạt chung trong khu vực. Nếu chi phí của các nhu cầu thiết yếu cơ bản như nhà ở, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng thì tiền lương cần phải theo kịp để người lao động duy trì mức sống của họ. Ví dụ, giá bất động sản đã tăng hàng chục lần trong 10 năm qua. Theo ULI, khoảng cách giữa giá nhà và thu nhập hộ gia đình ở TP.HCM là 32.5 lần, với giá nhà trung bình là 7 tỷ đồng và thu nhập bình quân một hộ gia đình là 220 triệu đồng/năm. Và ở Hà Nội là 18.3x với thu nhập bình quân hàng năm của một hộ gia đình là 240 triệu đồng; đều cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang phải phụ thuộc nhiều vào hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, như nguồn điện, nguyên liệu nông nghiệp, công nghiệp, để đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Do vậy, mà rất dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả hàng hóa quốc tế hoặc biến động tỷ giá. Nên nguyên nhân dẫn đến biến động lạm phát ở Việt Nam có xu hướng nghiêng về lạm phát do chi phí đẩy hơn là lạm phát do cầu kéo. Do vậy, việc điều chỉnh lương tối thiểu cần phải phù hợp là nhằm đảm bảo sức mua của người dân trước chi phí, giá cả tăng cao, hơn là thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng thực cho mục đích vực dậy nền kinh tế.
Năm 2023, lạm phát chung tăng 3.25% và năm 2024 dự kiến tăng 3.5% - 4% so với năm trước. Thêm vào đó, Chính phủ đã quyết định không tăng lương tối thiểu vào năm 2023 (tuy có tăng lương cơ sở chung 1.8tr đồng), do vậy, dựa trên cơ sở lạm phát, mức tăng 6% vào giữa năm 2024 được xem là hợp lý để giúp người dân bảo vệ sức mua và bảo đảm chuẩn mức sống của họ.
So với tăng trưởng GDP trên đầu người
GDP trên đầu người là một chỉ số quan trọng phản ánh mức độ phát triển kinh tế và chất lượng sống của dân cư. Một mức tăng lương tối thiểu hợp lý cần xem xét mức tăng trưởng của GDP trên đầu người. Nếu GDP trên đầu người tăng cao, điều này cho thấy khả năng chi trả cao hơn của nền kinh tế, và do đó, việc tăng lương tối thiểu có thể được xem xét để phản ánh sự tăng trưởng này.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành của Việt Nam ước đạt 4,284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Và, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt $8,380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022, chủ yếu nhờ trình độ lao động được cải thiện.
Như vậy, trong 10 năm qua, mức lương tối thiểu vùng 1 đã tăng trung bình 7.3%/năm, trong khi GDP bình quân đầu người tăng trưởng trung bình 6.2%/năm. Điều này cho thấy tốc độ tăng lương tối thiểu đã vượt hơn tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người.
Nhìn chung, đây là tín hiệu tốt cho thấy tăng trưởng nền kinh tế và chuẩn mức sống của người dân được đáp ứng và phát triển theo xu hướng tích cực và đồng đều. Nhưng trong bối cảnh tăng trưởng GDP chậm lại, như chỉ còn 5% vào năm 2023, và kinh tế thế giới chỉ ở mức khoảng 3%, thì mức tăng lương 6% có thể làm gia tăng tác động đến sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã trả trên mức lương tối thiểu hiện nay, cho rằng việc tăng lương là không cần thiết. Bởi trọng tâm là nên nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc, từ đó gián tiếp nâng cao thu nhập của người lao động. Lương cao có thể khiến doanh nghiệp cắt giảm việc làm và tăng chi phí hoạt động. Trên bình diện quốc tế, một số quốc gia lựa chọn không tăng lương một cách máy móc. Thay vào đó, họ tập trung vào việc nâng cao năng suất lao động, thực hiện các thỏa ước lao động tập thể và thiết lập mức lương tối thiểu một cách hợp pháp. Cách tiếp cận này nhằm mục đích cân bằng lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động đồng thời duy trì sự ổn định kinh tế.
So sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5 về GDP bình quân đầu người, sau các quốc gia như Singapore (87,880 USD), Malaysia (13,030 USD), Thái Lan (7,300 USD) và Indonesia (5,110 USD). Theo dự báo của IMF, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 5,040 USD, tăng 16.7% so với mức của năm 2023.
So với tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp
Tăng lương tối thiểu cũng cần được đánh giá dựa trên sự tăng trưởng của doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ với doanh thu và lợi nhuận tăng cao, việc tăng lương tối thiểu sẽ giúp chia sẻ sự thịnh vượng đó với người lao động. Tuy nhiên, cần thận trọng để đảm bảo rằng mức tăng lương không làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo thống kê của SimplyWallSt, doanh thu và lợi nhuận của các công ty niêm yết ở Việt Nam có mức tăng trưởng kép trong 10 năm qua lần lượt là 12.7% và 15.5%; cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng lương của Chính phủ. Tuy nhiên, vào năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận ròng trên cả thị trường chỉ tăng 7.1% và giảm nhẹ khoảng 2% svck vào năm 2023. Trong khi đó, năm 2021 tăng tới 42.4% so với năm 2020. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung đều kém khả quan và còn nhiều khó khăn.
Nhìn vào triển vọng 2024, thì tăng trưởng lợi nhuận ròng trên toàn thị trường được dự báo sẽ đạt 10-20%, nhưng cũng tùy vào lĩnh vực và nhóm ngành.
Việc tăng lương tối thiểu được
thực hiện vào giữa năm 2024 cũng phần nào hợp lý, bởi nền kinh tế nói chung dự
kiến sẽ phục hồi nhanh chóng hơn bắt đầu từ cuối quý II.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.