Điểm nhấn chính:
- Lương tối thiểu ở Việt Nam gồm hai loại: mức chung 1.8 triệu đồng và mức lương tối thiểu vùng.
- Mức lương tối thiểu giúp bảo vệ mức sống của người lao động, giảm nghèo và bất bình đẳng thu nhập.
Tìm hiểu cùng Tititada!
Lương tối thiểu là mức lương theo giờ thấp nhất mà người sử dụng lao động có thể trả cho người lao động theo quy định của pháp luật. Thiết lập mức lương tối thiểu là một khía cạnh quan trọng của chính sách kinh tế nhằm đảm bảo mức sống cơ bản cho người lao động, giảm nghèo và bất bình đẳng thu nhập, củng cố thị trường lao động và kích thích hoạt động kinh tế.
Lương tối thiểu tại Việt Nam
Ở Việt Nam có hai loại lương tối thiểu.
Loại thứ nhất là mức lương tối thiểu chung 1.8 triệu đồng (76.6 USD) được dùng để tính lương cho người lao động trong các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và để tính mức đóng góp xã hội cho tất cả các doanh nghiệp (tức là mức đóng góp xã hội tối đa là 20 lần mức lương tối thiểu chung). Mức này là đã tăng 20.8% vào hồi giữa năm 2023.
Loại lương tối thiểu thứ hai là Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động trong tất cả các doanh nghiệp ngoài quốc doanh theo vùng do Chính phủ quy định.
Việt Nam dự kiến tăng mức lương tối thiểu vùng thêm 6% cho các đối tượng khu vực doanh nghiệp và khu vực công, bắt đầu từ ngày 1/7/ 2024. Theo đó, mức lương tối thiểu sẽ tăng từ 200-280 nghìn đồng, với vùng 1 tăng lên 4.96 triệu đồng, vùng 2 lên 4.41 triệu đồng, vùng 3 lên 3.86 triệu đồng và vùng 4 lên 3.45 triệu đồng. Ngoài ra, mức lương tối thiểu theo giờ cũng sẽ tăng thêm tương xứng 6%.
Ngoài ra, chính sách tiền lương mới cũng quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng với mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp, với mức tăng trên thì sẽ bằng tối thiểu 4.17 triệu đồng.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng 1 đã tăng từ mức 1 triệu đồng vào năm 2008 lên 4.96 triệu đồng vào năm 2024, tương ứng tăng gần gấp 4 lần trong vòng 16 năm qua.
Tại sao nên tăng lương tối thiểu?
Tăng mức lương tối thiểu là một quyết định chính sách quan trọng mà các chính phủ thực hiện vì nhiều lý do.
- Bảo vệ sức mua trước lạm phát. Khi giá cả chung tăng theo thời gian, lạm phát có thể làm xói mòn sức mua. Do vậy, việc tăng lương tối thiểu định kỳ có thể giúp đảm bảo tiền lương theo kịp chi phí sinh hoạt và lạm phát, duy trì sức mua của người lao động.
- Giảm nghèo. Tăng mức lương tối thiểu giúp nâng cao thu nhập của những người lao động được trả lương thấp nhất, từ đó có thể giảm mức nghèo đói. Điều này đặc biệt quan trọng ở những vùng mà mức lương tối thiểu hiện tại không đáp ứng được chi phí sinh hoạt cơ bản.
- Giảm bất bình đẳng về thu nhập. Tăng mức lương tối thiểu có thể giúp thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa người lao động được trả lương thấp hơn và người lao động được trả lương cao hơn, từ đó phân phối lại thu nhập tổng thể đồng đều hơn.
- Kích thích tăng trưởng kinh tế. Lương cao hơn có thể làm tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Điều này có thể dẫn đến nhu cầu lớn hơn về hàng hóa và dịch vụ, từ đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Tăng năng suất của người lao động. Những nhân viên cảm thấy được trả công xứng đáng sẽ có nhiều khả năng có động lực và làm việc hiệu quả hơn. Khi năng suất tăng, kết quả kinh doanh cũng có thể tốt hơn. Theo V iện Công nhân và công đoàn tính toán, “công nhân lao động trong doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đã đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP của cả nước.” Nên việc tăng lương cho khu vực phù hợp có thể thúc đẩy đáng kể năng suất toàn nền kinh tế nói chung.
- Gia tăng lực lượng lao động chính thức. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 33 triệu lao động trong khu vực phi chính thức, chiếm khoảng 68% tổng số lao động có việc làm. Và, 47% lao động phi chính thức có thu nhập thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng. Việc tăng lương tối thiểu có thể thúc đẩy lực lượng lao động chuyển sang khu vực chính thức để có thu nhập, đảm bảo an sinh tốt hơn.
Mặt khác, tăng lương tối thiểu có ảnh hưởng gì?
1. Gây áp lực lên lạm phát
Điều này phần lớn là do nhu cầu và chi tiêu tiêu dùng thường có xu hướng tăng cùng, khiến giá cả chung tăng lên. Trong kinh tế học hiểu là xu hướng tiêu dùng cận biên tăng lên; nghĩa là cứ tăng một đồng thu nhập thì nhu cầu chi tiêu sẽ tăng lên xx đồng.
Theo Tổng cục Thống kê, nhóm hộ giàu nhất (20% dân số có thu nhập cao nhất) có thu nhập bình quân 10.23 triệu đồng/tháng, cao gấp 7.6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (20% dân số có thu nhập thấp nhất). Ngoài ra, theo bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, qua khảo sát, có hơn 75% người lao động cho rằng, tiền lương và thu nhập không đáp ứng được nhu cầu chi phí sinh hoạt cơ bản hàng tháng.
Như vậy, đối với những người lao động có thu nhập tối thiểu, hoặc dưới mức trung bình, họ thường có xu hướng chi tiêu hầu hết thu nhập của mình, và việc tăng lương đồng nghĩa với việc họ sẽ chi tiêu nhiều hơn nữa với số tiền được tăng thêm đó. Một phần trăm dân số lớn đồng loạt tăng chi tiêu có thể kích hoạt lạm phát do cầu kéo.
2. Ảnh hưởng đến Ngân sách Quốc gia
Việc tăng lương tối thiểu thông qua chính sách tài chính có thể dẫn đến thâm hụt ngân sách. Khi chính phủ tăng lương cho nhân viên công vụ, nó có thể tạo ra gánh nặng tài chính đối với ngân sách quốc gia, đặc biệt nếu nguồn thu không đủ để bù đắp cho sự tăng trưởng của chi tiêu.
Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng; trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2024, dự toán chi 74,048 tỷ đồng, chiếm 3.5% tổng chi ngân sách.
3. Giảm lợi nhuận của doanh nghiệp
Tăng lương tối thiểu cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ thuộc nhiều vào lao động có chi phí thấp. Với mức tăng lương tối thiểu vùng 6%, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng trung bình 0.4% – 0.5%, trong đó ngành dệt may từ 1 – 1.1%; đồng thời, mức đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng tương ứng.
Theo thường lệ, việc tăng lương được thực hiện vào đầu năm và kéo dài 12 tháng, nhưng trong năm 2024, chính sách tăng lương sẽ được thực hiện vào giữa năm, từ ngày 1/7, và dự kiến kéo dài 18 tháng. Mục đích là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí và phục hồi sau giai đoạn kém khả quan trong năm 2023.
4. Ảnh hưởng đến dòng vốn FDI
Tăng lương tối thiểu có thể ảnh hưởng đến môi trường kinh
doanh của Việt Nam, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư nước
ngoài. Việt Nam với vị trí chiến lược (gần Trung Quốc) và môi trường kinh doanh
thuận lợi, mở rộng đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước
ngoài. Lương của người lao động ở các doanh nghiệp có vốn nước ngoài vốn đã cao
hơn, trung bình khoảng 4 – 9 triệu đồng/tháng. Vì vậy sẽ là một thách thức đối
với các doanh nghiệp này nếu người lao động mong đợi mức lương và phúc lợi của
họ được tăng lên khi mức lương tối thiểu vùng tăng. Điều này có thể làm giảm lợi
thế của Việt Nam về chi phí lao động, ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu
tư muốn chuyển dịch hoặc đa dạng hóa hoạt động của họ tại Việt Nam.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.