Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Dạy con trước khi trao quyền thừa kế tài sản

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Thừa kế bất động sản là loại hình thừa kế phổ biến nhất tại Việt Nam xuất phát từ những kỳ vọng cao về giá trị.

    - Bất động sản được coi là một biểu hiện quan trọng của gia tài và sự lưu giữ gia sản.

    - Cho con một khoản tiền tiêu vặt là bước đầu tiên trong viêc giáo dục tài chính cho trẻ từ sớm, dạy con bạn về trách nhiệm tài chính.

    Quyền thừa kế là gì?

    Quyền thừa kế là quyền của một người được nhận tài sản từ quyền lợi và nghĩa vụ từ người đã qua đời. Người có tài sản có quyền quyết định ai sẽ nhận tài sản của mình và người thừa kế có thể nhận hoặc từ chối nhận tài sản, trừ khi pháp luật có quy định khác. Tài sản để thừa kế bao gồm các tài sản và quyền tài sản của người đã mất. Một số quyền tài sản gắn liền với nhân thân của người đã chết, như tiền cấp dưỡng, không thể chuyển cho người thừa kế vì pháp luật chỉ cho phép người đó được hưởng.

    Giả sử bạn là một giáo viên có hợp đồng làm việc tại một trường học. Theo hợp đồng này, bạn có nhiệm vụ giảng dạy các môn học cụ thể và nhận lương hàng tháng từ trường học. Khi bạn qua đời, hợp đồng giảng dạy này không thể chuyển giao cho người thừa kế của bạn mà những người thừa kế của bạn có thể nhận các tài sản khác như tiền tiết kiệm, nhà cửa, nhưng không thể nhận quyền và nghĩa vụ giảng dạy tại trường học theo hợp đồng của bạn vì pháp luật quy định chỉ bạn mới có quyền được hưởng.

    Các loại hình thừa kế phổ biến ở Việt Nam hiện nay

    Thừa kế bất động sản

    Thừa kế bất động sản là loại hình thừa kế phổ biến nhất tại Việt Nam. Điều này xuất phát từ những kỳ vọng cao về giá trị của bất động sản trong xã hội Việt Nam, cùng với ý thức về giữ gìn và chuyển nhượng tài sản gia đình. Thừa kế bất động sản thường đi kèm với các thủ tục pháp lý như lập di chúc, chứng minh quyền thừa kế, và chuyển nhượng tài sản. Các vấn đề về thuế cũng thường được quan tâm để đảm bảo tính minh bạch và hợp pháp trong quá trình thừa kế. Ngoài bất động sản, các tài sản khác như tiền gửi ngân hàng, chứng khoán và tài sản giá trị cũng thường được thừa kế. Quyền thừa kế không chỉ đơn thuần là việc chuyển nhượng tài sản mà còn kế thừa về quyền lợi và trách nhiệm pháp lý của người để lại.

    Bảo hiểm nhân thọ

    Hình thức thụ hưởng qua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trở nên phổ biến nhất do mang lại sự bảo vệ tài chính cho người thụ hưởng sau khi chủ hợp đồng qua đời cùng với chi phí mua thấp hơn bất động sản. Theo Statista thống kê năm 2022, giá trị GDP của ngành dịch vụ tài chính, bảo hiểm là 452.55 nghìn tỷ còn bất động sản là 328.75 nghìn tỷ.

    Trong văn hóa và quan niệm xã hội, bất động sản vẫn được coi là một biểu hiện quan trọng của gia tài và sự lưu giữ gia sản. Ngoài ra, bất động sản là một hình thức đầu tư an toàn và ổn định, có khả năng tăng giá trị theo thời gian và có sự linh hoạt trong việc sử dụng. Do đó, việc thừa kế bất động sản thường được ưu tiên hơn trong việc lập kế hoạch tài chính cho thế hệ sau, trong khi bảo hiểm nhân thọ thường được sử dụng như một phương tiện bảo vệ tài chính ngắn hạn hơn.

    Lập quỹ tín thác

    Tuy nhiên, mặc dù quỹ tín thác không phổ biến ở Việt Nam nhưng đây là loại hình phục vụ trong việc thừa kế tốt nhất vì tính linh hoạt và khả năng bảo vệ tài sản mà nó mang lại. Quỹ tín thác cho phép người lập quỹ (grantor) chuyển nhượng tài sản vào quỹ dưới sự quản lý của người quản lý quỹ (trustee), người có nhiệm vụ quản lý và phân phối tài sản theo ý định của người lập quỹ.

    Việc lập quỹ tín thác có thể giúp tránh rủi ro liên quan đến việc thừa kế do không cần chứng thực di chúc, nhất là khi có sự phân chia tài sản phức tạp hoặc tranh chấp gia đình. Ngoài ra, quỹ tín thác còn bảo vệ tài sản khỏi các nguy cơ ngoại hối từ các khoản đầu tư quốc tế, nợ đọng và các yêu cầu pháp lý cá nhân khác.

    Đặc biệt, trong một số trường hợp, quỹ tín thác có thể giúp giảm thiểu các nghĩa vụ thuế khi chuyển nhượng tài sản. Điều này làm cho quỹ tín thác trở thành một công cụ hữu ích không chỉ trong việc thừa kế mà còn trong quản lý tài sản và lập kế hoạch tài chính dài hạn.


    Các vấn đề về pháp lý và thủ tục thừa kế

    Pháp luật quy định đối với bất động sản thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm và 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Ngoài ra, thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

    Qui đinh pháp luật: Việc thanh toán di sản thừa kế phải tiến hành theo đúng quy định pháp luật theo thứ tự sau đây:

    1. Chi phí hợp lý cho việc mai táng

    2. Tiền cấp dưỡng

    3. Chi phí bảo quản di sản

    4. Tiền trợ cấp cho người đang sống nương nhờ

    5. Tiền công lao động

    6. Tiền bồi thường thiệt hại đã gây ra

    7. Thuế, các khoản phải nộp khác vào ngân sách Nhà nước

    8. Các khoản nợ đối với cá nhân, pháp nhân

    9. Tiền phạt và các chi phí khác.

    Các bước thủ tục phân chia di sản thừa kế như sau:

    Bước 1. Nộp hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận hoặc khai nhận di sản thừa kế đến tổ chức hành nghề công chứng.

    Bước 2. Kiểm tra tính xác thực

    Bước 3. Niêm yết tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di sản

    Bước 4. Công chứng và trả kết quả

    Bước 5. Nộp hồ sơ lên Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Văn phòng đăng ký đất đai

    Bước 6. Tiếp nhận hồ sơ

    Bước 7.  Kiểm tra hồ sơ

    Bước 8. Nộp lại bản chính hồ sơ

    Thuế thừa kế ở Việt Nam

    Những khoản tiền có thể nộp khi nhận thừa kế nhà đất

    Thứ nhất là thuế thu nhập cá nhân, có 2 trường hợp phải nộp hoặc miễn nộp. Trường hợp 1, căn cứ điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ nhận thừa kế giữa những người sau thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân: Giữa vợ với chồng; Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; Cha chồng, mẹ chồng với con dâu; Cha vợ, mẹ vợ với con rể; Ông nội, bà nội với cháu nội, ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; Anh chị em ruột với nhau. Trường hợp 2 phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo điểm c khoản 9 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC đối với cá nhân có thu nhập từ nhận thừa kế là bất động sản phải nộp thuế thu nhập cá nhân: Quyền sử dụng đất; Quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; Quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; Kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; Quyền thuê đất; Quyền thuê mặt nước; Các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức.

    Thứ hai là lệ phí trước bạ, theo khoản 10 Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP,  trường hợp miễn lệ phí trước bạ  khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là di sản thừa kế giữa những mối quan hệ  giống như trường hợp 1 về  thuế thu nhập cá nhân đã đề cập. Ngoài những trường hợp được miễn lệ phí trước bạ thì người nhận thừa kế khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở phải nộp lệ phí trước bạ: Đối với di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thì căn cứ vào giá đất tại bảng giá đất; Đối với di sản thừa kế là nhà ở thì căn cứ vào giá tính lệ phí trước bạ do các tỉnh, thành quy định (phải xem tại văn bản của từng tỉnh, thành).

    Thứ ba là lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền thừa kế khi người nhận thừa kế có yêu cầu cấp Giấy chứng nhận mới. Thường dưới 100.000 đồng/Giấy chứng nhận/lần cấp.

    Cuối cùng là phí thẩm định hồ sơ điểm i khoản 1 Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 106/2021/TT-BTC quy định: Phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (bao gồm cấp lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận và chứng nhận biến động vào giấy chứng nhận đã cấp) theo quy định của pháp luật. Căn cứ quy mô diện tích của thửa đất, tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ, mục đích sử dụng đất và điều kiện cụ thể của địa phương để quy định mức thu phí cho từng trường hợp.

    Cách tính số thuế phải nộp:

    Thuế thu nhập cá nhân = 10% * Giá trị bất động sản nhận được

    Lệ phí trước bạ = 0.5% * Giá trị bất động sản nhận được

    Thừa kế cổ phần công ty và các ví dụ thực tế về tranh chấp cổ phần

    Công ty tư nhân (Sole proprietorship)

    Việc thừa kế và quản lý tài sản của doanh nghiệp tư nhân có những đặc điểm và quy định riêng biệt như không tồn tại khái niệm "cổ phần" như trong công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn. Tài sản và trách nhiệm của doanh nghiệp gắn liền với chủ sở hữu, do đó, khi chủ doanh nghiệp qua đời, người thừa kế sẽ tiếp nhận vai trò chủ sở hữu và điều hành doanh nghiệp hoàn toàn, không cần phải có tỷ lệ cổ phần nhất định.

    Công ty hợp danh (General partnerships)

    Trong công ty hợp danh, cũng không tồn tại "cổ phần" như trong công ty cổ phần. Thay vào đó, các thành viên hợp danh (partners) có quyền và trách nhiệm với phần vốn góp của mình trong công ty. Khi một thành viên hợp danh qua đời, phần vốn góp sẽ được thừa kế theo quy định của pháp luật và thỏa thuận hợp danh. Thỏa thuận có thể yêu cầu các thành viên còn lại mua lại phần vốn góp hoặc cho phép người thừa kế trở thành thành viên mới.

    Theo di chúc, người thừa kế sẽ nhận phần vốn góp của thành viên đã qua đời. Tuy nhiên, việc trở thành thành viên hợp danh có thể yêu cầu sự chấp thuận của các thành viên còn lại.

    Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn giữa GP và LPs (Limited partnerships)

    Trong công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn, có hai loại đối tác chính: đối tác chung (GP) và đối tác hữu hạn (LP). GP chịu trách nhiệm quản lý và chịu trách nhiệm pháp lý vô hạn, trong khi LP chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp của mình và không tham gia vào các hoạt động quản lý hàng ngày của công ty.

    Quyền thừa kế cổ phần có những đặc thù riêng. Quyền lợi của LP có thể được thừa kế một cách dễ dàng hơn, trong khi quyền và trách nhiệm của GP yêu cầu sự chấp thuận của các GP còn lại. Việc trở thành lãnh đạo công ty không dựa trên tỷ lệ cổ phần mà dựa trên vai trò và thỏa thuận giữa các GP. Điều này đảm bảo rằng người quản lý công ty có đủ khả năng và tín nhiệm để thực hiện nhiệm vụ quản lý và điều hành công ty.

    Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn giữa các LPs (Limited liability partnerships)

    Công ty liên doanh trách nhiệm hữu hạn là loại hình doanh nghiệp mà các thành viên có trách nhiệm hữu hạn và quyền quản lý như nhau. Quyền thừa kế cổ phần được thực hiện theo di chúc và các quy định trong thỏa thuận hợp danh. Người thừa kế có thể tiếp nhận phần vốn góp của đối tác đã qua đời, nhưng việc trở thành đối tác mới và quyền lãnh đạo công ty có thể yêu cầu sự chấp thuận của các đối tác còn lại. Việc trở thành lãnh đạo công ty trong LLP thường dựa trên thỏa thuận giữa các đối tác hơn là tỷ lệ cổ phần. Tỷ lệ cổ phần có thể ảnh hưởng đến quyền lực ra quyết định, nhưng không phải là yếu tố quyết định duy nhất.

    Công ty trách nhiệm hữu hạn (Limited company)

    Trường hợp của công ty trách nhiệm hữu hạn là một trong những hình thức phổ biến trong doanh nghiệp, nơi mà quản lý và sự thừa kế cổ phần có những quy định rõ ràng. Khi một lãnh đạo công ty ra đi, quyền thừa kế cổ phần thường thuộc về người thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật thừa kế. Việc trở thành lãnh đạo công ty không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ cổ phần mà còn dựa trên quyền biểu quyết tại đại hội cổ đông hoặc hội đồng thành viên, thường được quy định rõ trong điều lệ công ty. Điều này đảm bảo sự ổn định và tính minh bạch trong quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn, từ đó đưa ra các quyết định quan trọng và phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

    Các ví dụ về tranh chấp cổ phần

    Trong lịch sử kinh doanh của Hàn Quốc, vụ tranh chấp cổ phần đình đám của Tập đoàn Samsung vào những năm 2008-2009 đã để lại những dấu ấn sâu sắc. Vụ việc bắt nguồn từ vấn đề pháp lý liên quan đến Chủ tịch Lee Kun-hee, khi ông bị buộc tội lạm dụng quyền lực và vi phạm các quy định về thuế tại Hàn Quốc. Sau khi nhận án phạt và ân xá, ông Lee đã buộc phải bán một phần cổ phần trong các công ty con của Samsung để chi trả khoản phạt.

    Tuy nhiên, việc phân phối cổ phần này đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn trong gia đình Lee, với những tranh chấp về quản lý công ty, quyền lợi trong việc quản lý và sự phân phối tài sản. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định của Tập đoàn Samsung mà còn gây ra những động thái mạnh mẽ trong thị trường chứng khoán Hàn Quốc.

    Vụ việc là một minh chứng cho sự phức tạp của quản lý công ty gia đình và vai trò quan trọng của quyền lực cổ đông trong các tập đoàn lớn. Nó cũng là một bài học quan trọng về quản lý rủi ro và đánh giá các yếu tố không chỉ trong hoạt động kinh doanh mà còn trong các mối quan hệ gia đình và quản lý công ty.

    Giáo dục tài chính cho trẻ từ sớm

    Cung cấp cho con kiến thức về quản lý chi tiêu tài chính, tạo bước đi vững chắc trên hành trình an toàn tài chính cá nhân

    Giáo dục tài chính cho trẻ từ sớm, dạy con cách lập kế hoạch chi tiêu qua phương pháp 6 chiếc lọ sẽ giúp con bạn đưa ra lựa chọn thông minh về tiền bạc khi chúng còn nhỏ và thiết lập chúng để xử lý một khoản tiền lớn khi chúng nhận được thừa kế. Có những cuộc trò chuyện cởi mở về tiền bạc ở mọi lứa tuổi và cho phép con đặt câu hỏi và cung cấp kiến thức cho con. Chia sẻ với con ý định của bạn xung quanh việc thừa kế để con biết những kỳ vọng của bạn.

    Một ví dụ hay hãy để con đi chợ cho gia đình trong một tuần, cho phép con hỗ trợ tính toán xung quanh các khoản thanh toán điện, nước và yêu cầu con lập ngân sách chi phí mà bạn yêu cầu. Nó có thể giúp con bạn học về trách nhiệm trong tài chính. Trên hết, mục tiêu cuối cùng của bạn là dạy con cách đạt được sự cân bằng giữa tiền vào và ra. Trợ cấp là bước đầu tiên hiệu quả trong việc dạy con bạn về trách nhiệm tài chính. Với tiền trợ cấp và tài khoản tiết kiệm trong tay, con bạn có thể bắt đầu tiết kiệm và lập ngân sách cho những thứ chúng muốn.

    Cho phép con can thiệp vào sử dụng và kiểm soát dòng tiền

    Không có gì bất ngờ rằng trẻ em có xu hướng bắt chước hành vi của cha mẹ. Từ quản lý tài sản đến chi tiêu hàng ngày, giáo dục tài chính cho trẻ từ sơm bằng cách cho con thấy cuộc sống có trách nhiệm về tài chính như thế nào bằng cách thực hành những gì bạn chi tiêu hàng ngày.

    Bạn cũng có thể cho con bạn có tiếng nói trong quản lý tài sản bằng cách cho phép chúng chọn một tổ chức từ thiện để nhận quyên góp. Ủy thác tiếng nói trong cách quản lý tài sản của gia đình mang lại cho trẻ ý thức trách nhiệm và giúp chúng nhìn tiền của gia đình qua lăng kính của người quản lý thay vì chỉ là người nhận.

    Khuyến khích con bạn xây dựng sự giàu có, đạt được an toàn tài chính cá nhân của riêng chúng

    Cha mẹ có thể lo lắng rằng lời hứa về quyền thừa kế cuối cùng sẽ kìm hãm tham vọng của con cái. Để giảm bớt nỗi sợ hãi này, cha mẹ có thể đặt các cột mốc quan trọng trong một khoảng thời gian nhất định để cấp cho con cái họ quyền kiểm soát hạn chế đối với tài sản thừa kế. 


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán