Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Hiệp ước Basel: Tiêu chuẩn quản lý rủi ro ngân hàng

Nội dung

    Điểm nhấn chính 

    - Hiệp ước Basel là một loạt các quy định quốc tế được thiết lập bởi BCBS, nhằm cải thiện quản lý rủi ro tài chính trong hệ thống ngân hàng toàn cầu.

    - Hiệp ước Basel có ba phần chính là Basel I, Basel II và Basel III. Trong đó, Basel III là phiên bản mới nhất, được thiết kế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. 

    Hiệp ước Basel là gì? 

    Hiệp ước Basel (Basel Accords) là một loạt các quy định quốc tế được thiết lập bởi Ủy ban Basel về Giám sát Ngân hàng (BCBS), nhằm đảm bảo các tổ chức tài chính có đủ vốn để bù đắp những tổn thất bất ngờ cũng như cải thiện quản lý rủi ro tài chính trong hệ thống ngân hàng toàn cầu. Hiệp ước Basel bao gồm các nguyên tắc và chuẩn mực cho việc đánh giá rủi ro, tính toán mức vốn của ngân hàng và các tiêu chuẩn cho việc quản lý rủi ro tín dụng. Hiện nay, nó được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới và yêu cầu các ngân hàng phải tuân thủ các quy định về vốn và rủi ro để đảm bảo tính ổn định của hệ thống tài chính.

    Hiệp định Basel được phát triển trong nhiều năm bắt đầu từ những năm 1980. BCBS được thành lập năm 1974 như một diễn đàn hợp tác thường xuyên giữa các nước thành viên về các vấn đề giám sát ngân hàng. BCBS mô tả mục tiêu ban đầu của mình là tăng cường "sự ổn định tài chính bằng cách cải thiện bí quyết giám sát và chất lượng giám sát ngân hàng trên toàn thế giới". Sau đó, BCBS chuyển sự chú ý sang giám sát và đảm bảo an toàn vốn của các ngân hàng và hệ thống ngân hàng.

    Hiệp định Basel I ban đầu được tổ chức bởi các ngân hàng trung ương của các nước G10, nhằm nỗ lực xây dựng các cơ cấu tài chính quốc tế mới để thay thế hệ thống Bretton Woods đã sụp đổ vào năm 1971.

    Các cuộc họp được đặt tên là "Hiệp định Basel" vì BCBS có trụ sở chính tại các văn phòng của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đặt tại Basel, Thụy Sĩ. Các nước thành viên bao gồm Úc, Argentina, Bỉ, Canada, Brazil, Trung Quốc, Pháp, Hồng Kông, Ý, Đức, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Luxembourg, Nhật Bản, Mexico, Nga, Ả Rập Saudi, Thụy Sĩ , Thụy Điển, Hà Lan, Singapore, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha.


    Các nguyên tắc và chuẩn mực trong Hiệp ước Basel 

    - Nguyên tắc đánh giá rủi ro: Ngân hàng phải xác định và đánh giá đầy đủ các loại rủi ro mà mình đang đối mặt, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, và rủi ro thanh khoản.

    - Nguyên tắc vốn: Ngân hàng phải duy trì mức vốn tối thiểu theo quy định, đảm bảo rằng họ có đủ nguồn lực để bù đắp cho những tổn thất tiềm năng.

    - Nguyên tắc phòng ngừa rủi ro: Ngân hàng phải sử dụng các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro, bao gồm việc thiết lập các quy trình kiểm soát nội bộ chặt chẽ, sử dụng các công cụ phòng ngừa tài chính như hợp đồng hoán đổi, quyền chọn, và bảo hiểm.

    - Nguyên tắc quản lý tài sản: Ngân hàng phải đảm bảo rằng tài sản của họ được đầu tư và quản lý một cách hợp lý để tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.

    - Chuẩn mực thông tin: Ngân hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, rủi ro và vốn của mình cho các nhà đầu tư và cơ quan quản lý.

    - Chuẩn mực minh bạch: Ngân hàng phải thực hiện các biện pháp minh bạch để giúp các nhà đầu tư và cơ quan quản lý hiểu rõ hơn về hoạt động của mình.

    - Chuẩn mực phân loại nợ: Ngân hàng phải phân loại nợ một cách chính xác và đầy đủ để đánh giá rủi ro và sử dụng vốn một cách hiệu quả

    Các nguyên tắc và tiêu chuẩn trên đều nhằm mục tiêu tăng cường sự ổn định tài chính toàn cầu. Việc này đảm bảo rằng các ngân hàng có đủ vốn để chống chọi với các cú sốc tài chính và kinh tế, từ đó giảm thiểu rủi ro hệ thống, ngăn chặn sự sụp đổ của các ngân hàng lớn có thể gây ra hiệu ứng domino và dẫn đến khủng hoảng tài chính rộng lớn. Và đảm bảo các ngân hàng có đủ vốn để bảo vệ tiền gửi ngân hàng của khách hàng, tăng cường niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng.

    Tới nay, Hiệp ước Basel được phát triển qua ba phiên bản chính gồm Basel I, Basel II và Basel III, mỗi phiên bản đều nhằm mục đích cải thiện và cập nhật các quy định để phản ánh những thay đổi trong môi trường tài chính toàn cầu.

    Kiến thức tài chính cơ bản về Basel I

    Basel I là bộ quy định quốc tế đầu tiên trong ba bộ quy định về ngân hàng, được thiết lập vào năm 1988 bởi BSBC, tập trung chủ yếu vào giảm thiểu rủi ro tín dụng và tăng cường sự ổn định của hệ thống ngân hàng quốc tế bằng cách tạo ra một hệ thống phân loại tài sản ngân hàng và các yêu cầu về vốn tối thiểu. 

    Basel I yêu cầu các ngân hàng hoạt động quốc tế phải duy trì mức vốn tối thiểu bằng 8% tổng tài sản có rủi ro (RWA). Tài sản của ngân hàng được phân loại thành năm nhóm rủi ro với các tỷ lệ phần trăm rủi ro tương ứng là 0%, 10%, 20%, 50%, và 100%. Ví dụ, nếu một ngân hàng có tài sản rủi ro trị giá 100 triệu USD, thì ngân hàng đó phải duy trì ít nhất 8 triệu USD vốn để đáp ứng yêu cầu của Basel I. 

    Mặc dù tạo ra một khung pháp lý nhất quán cho các ngân hàng trên toàn thế giới, Basel I bị chỉ trích vì quá đơn giản và không phân biệt rõ ràng các mức độ rủi ro tín dụng cũng như  cản trở hoạt động của ngân hàng và làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu bằng cách giảm lượng vốn khả dụng cho việc cho vay. 

    Kiến thức tài chính cơ bản về Basel II

    Basel II là bộ quy định ngân hàng quốc tế thứ hai, được phát hành lần đầu vào năm 2004, mở rộng các quy tắc về yêu cầu vốn tối thiểu được thiết lập dưới Basel I và dựa trên ba "trụ cột" chính bao gồm i) yêu cầu về vốn tối thiểu, ii) các quy định về đánh giá và giám sát, iii) và kỷ luật thị trường.

    Với trụ cột 1, yêu cầu về vốn tối thiểu, Basel II đã tinh chỉnh lại định nghĩa về tài sản có rủi ro (RWA), từ đó cải tiến việc tính toán tỷ lệ vốn tối thiểu của một ngân hàng. Basel II chia vốn đủ điều kiện của một ngân hàng thành ba tầng (tier). Theo đó, vốn Tier 1 được coi là vốn chất lượng cao nhất, có khả năng hấp thụ lỗ ngay lập tức và thường xuyên mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Và, vốn Tier 2 bao gồm các nguồn vốn khác có khả năng hấp thụ lỗ nhưng không bằng vốn Tier 1 về chất lượng và tính thanh khoản. Sự đổi mới này nhằm xem xét xếp hạng tín dụng của tài sản để xác định tỉ lệ rủi ro của chúng. Xếp hạng tín dụng càng cao, tỉ lệ rủi ro càng thấp. 

    Trụ cột này yêu cầu  các ngân hàng phải duy trì mức vốn tối thiểu như sau:

    Tài sản Tier 1: Ít nhất 4% tổng tài sản có rủi ro (RWA)

    Tổng tài sản  (Tier 1 + Tier 2): Ít nhất 8% tổng tài sản có rủi ro (RWA)

    Trụ cột 2 của Basel II gồm 3 nguyên tắc, tập trung vào việc đảm bảo các ngân hàng không chỉ tuân thủ các yêu cầu vốn tối thiểu mà còn có quy trình quản lý rủi ro nội bộ và sự giám sát từ cơ quan quản lý. Nguyên tắc đầu tiên là Quy trình Đánh giá Nội bộ về Sự Đầy đủ Vốn (ICAAP), yêu cầu Nnân hàng phải có khả năng xác định nhu cầu vốn và đo lường các rủi ro, bao gồm các rủi ro không được tính toán trong Trụ cột 1. Nguyên tắc 2 là Giám sát Đánh giá và Đánh giá Sự Đầy đủ Vốn (SREP), yêu cầu đánh giá toàn diện về các quy trình quản lý rủi ro tài chính, kiểm soát nội bộ và quản trị doanh nghiệp của ngân hàng. Và, nguyên tắc 3 là hành động giám sát kịp thời, yêu cầu cơ quan giám sát phải có quyền lực để can thiệp kịp thời với các biện pháp khắc phục và, nếu cần thiết, các biện pháp trừng phạt, dựa trên mức độ rủi ro và tình trạng tài chính của ngân hàng.

    Trụ cột 3 là nguyên tắc thị trường kỷ luật, yêu cầu các ngân hàng phải công bố thông tin minh bạch về tình hình tài chính và rủi ro của mình để tạo điều kiện cho thị trường đánh giá. Việc này bao gồm công bố các thông tin về cơ cấu vốn, rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, các chỉ số tài chính quan trọng (vd: ROE, ROA), và các thông tin về đối tác và giao dịch liên quan. Hơn nữa, các thông tin quan trọng phải được công bố ít nhất hàng năm, tuy các thông tin nhạy cảm về rủi ro và vốn có thể yêu cầu công bố thường xuyên hơn, chẳng hạn hàng quý hoặc hàng nửa năm. 

    Nhìn chung, mặc dù Basel II đã làm rõ và mở rộng các quy định của Basel I, nhưng nó không hoàn toàn thành công trong việc làm cho thế giới tài chính an toàn hơn. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 mà nguyên nhân chính là các tài sản thế chấp dưới chuẩn cho thấy Basel II đã đánh giá thấp các rủi ro liên quan đến hệ thống ngân hàng  và hệ thống tài chính  khi chúng sử dụng đòn bẩy quá mức và thiếu vốn.

    Kiến thức tài chính cơ bản về Basel III

    Basel III là bộ quy định ngân hàng quốc tế thứ ba, được giới thiệu vào năm 2009, chủ yếu nhằm phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Basel III giới thiệu các yêu cầu về vốn cao hơn, hệ số an toàn vốn (leverage ratio) và các yêu cầu về thanh khoản mới.

    - Yêu cầu về vốn: Ngoài việc duy trì mức dự trữ vốn bằng ít nhất 8% tổng tài sản có rủi ro (RWA), Basel III yêu cầu các ngân hàng tăng tỷ lệ vốn cốt lõi (phần vốn thu về khi phát hành cổ phiếu và lợi nhuận giữ lại hàng năm) từ 2% lên 4.5%. Basel III thêm một lớp đệm bảo hiểm vốn (Capital conservation buffer) lên đến 2.5%, đưa tổng yêu cầu vốn cốt lõi lên 7% (4.5% + 2.5%).

    - Tỷ lệ đòn bẩy tối thiểu: Basel III yêu cầu các ngân hàng phải có tỷ lệ đòn bẩy tối thiểu là 3%, nghĩa là các ngân hàng phải duy trì tài sản chất lượng cao ít nhất bằng 3% tổng tài sản của họ (không điều chỉnh theo rủi ro).

    - Tỷ lệ bao phủ thanh khoản (Liquidity coverage ratio - LCR): Basel III yêu cầu các ngân hàng phải giữ tài sản chất lượng cao đủ để đáp ứng dòng tiền ra trong vòng 30 ngày trong trường hợp khẩn cấp.

    - Yêu cầu về nguồn tài trợ ổn định ròng (Net stable funding ratio - NSFR) đòi hỏi các ngân hàng phải có nguồn tài trợ đủ để duy trì hoạt động trong vòng một năm trong tình huống khẩn cấp​.

    Mặc dù Basel III được thiết kế để giảm thiểu khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế 2007-2008 và tăng cường sự ổn định của hệ thống tài chính quốc tế, các ngân hàng lớn đang chi hàng triệu đô la cho các quảng cáo phản đối Basel III. Các ngân hàng này  lo ngại rằng các quy định của Basel III sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Yêu cầu vốn cao hơn giúp quản lý rui ro tài chính của ngân hàng, tuy nhiên ngược lại có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của ngân hàng, vì họ phải giữ nhiều vốn hơn dự trữ thay vì sử dụng nó để tạo ra lợi nhuận. Điều này có thể ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu của ngân hàng và khoản chi trả cổ tức, đặc biệt nếu họ không đáp ứng được một số yêu cầu về vốn. 

    Hiện tại, các quy định của Basel III dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Điều này đã được xác nhận bởi các cơ quan quản lý như Cơ quan Quản lý Thận trọng (PRA) của Vương quốc Anh và các cơ quan quản lý ngân hàng tại Mỹ và EU. Sau ngày này, sẽ có một giai đoạn chuyển đổi kéo dài đến 4.5 năm để các ngân hàng có thể thích nghi hoàn toàn với các quy tắc mới. Giai đoạn này nhằm đảm bảo các ngân hàng có đủ thời gian để thực hiện các thay đổi cần thiết và tuân thủ các yêu cầu mới về vốn, rủi ro và thanh khoản theo Basel III.

    Việc tuân thủ Basel I, II, III giúp các ngân hàng có thể quản lý rui ro tài chính nhằm mục tiêu tăng cường sự ổn định tài chính toàn cầu. Tại Việt Nam, các ngân hàng đã tuân thủ Base II và  hiện cũng có 6 ngân hàng đã tuần thủ Basel III bao gồm ACB.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán