Điểm nhấn chính:
- Thị trường xe điện là thành tựu của công nghệ tiến bộ và là ưu tiên toàn cầu trong việc giảm khí thải.
- Trung Quốc, châu Âu và Mỹ là ba thị trường xe điện lớn nhất thế giới.
- Thị trường xe điện Việt Nam cũng đang phát triển với sự gia nhập của Vinfast
Biến đổi khí hậu đang làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Việc chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện chạy bằng điện (Electric Vehicle) thường được coi là một bước quan trọng trong quá trình khử cacbon trong hệ thống giao thông toàn cầu.
Lịch sử hình thành của xe điện
Thực chất, chiếc xe điện đầu tiên đã được cho ra đời vào năm 1977, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và những lo ngại về khí hậu ngày càng tăng. Toyota Prius là chiếc xe điện đầu tiên, của hãng xe nổi tiếng tại Nhật Bản, cũng là mẫu xe Hybrid điện hiện đại đầu tiên và đã đạt thành công vang dội, bán chạy nhất thế giới.
Sự phát triển của thị trường xe ô tô điện
Việc áp dụng xe điện đã tăng tốc trong vài năm qua. Kể từ năm 2012, doanh số bán xe điện toàn cầu đã tăng trưởng với tốc độ CAGR là 56%. Vào năm 2021, doanh số bán xe điện tăng gấp đôi so với năm 2020, đạt mức cao kỷ lục 6.75 triệu chiếc.
Năm 2022 đã phá vỡ kỷ lục này khi số lượng ô tô bán ra đạt tới 10 triệu chiếc, tăng 55% so với năm 2021. Ngoài ra, trong năm 2022, có tới 25.9 triệu EV được sản xuất trên toàn cầu, 26 triệu ô tô điện lưu hành trên đường tính đến 2022 – lần lượt tăng 60% so với năm 2021 và gấp 5 lần 2018. Xe điện chiếm 14% thị phần trong năm 2022, gấp 10 lần so với năm 2017, trong đó: Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ là 3 thị trường EV lớn nhất, chiếm lần lượt 60%, 25% và 8% thị phần xe điện của thế giới. Vào năm 2022, Tesla chiếm lĩnh thị phần xe BEV với 1,314,330 chiếc xe được bán ra, đứng ở vị trí thứ 2 là BYD với 913,052 xe. SAIC, Volkswagen và Geely-Volve lần lượt ở vị trí thứ 3, 4 và 5 trong thị trường xe BEV.
Minh chứng cho việc gia tăng của thị trường xe điện bên cạnh các con số về doanh số bán xe, năm 2022, chi tiêu toàn cầu cho xe điện tăng 50% so với năm 2021, đạt khoảng 425 tỷ USD. Phần lớn số tiền này được người tiêu dùng chi tiêu trực tiếp cho việc mua xe, trong khi chính phủ các nước chi khoảng 40 tỷ USD thông qua việc mua khuyến khích trực tiếp.
Nửa đầu năm 2023, hơn 5.8 triệu chiếc xe điện được bán ra trên toàn cầu, 3.2 triệu chiếc trong đó được bán ở Trung Quốc. Có thể thấy rằng, Trung Quốc đã giữ vị trí thủ lĩnh của thị trường xe điện trong nhiều năm qua, các công ty Trung Quốc chiếm gần 60% thị phần EV toàn cầu, theo sau là các doanh nghiệp Hàn Quốc (26%) và Nhật Bản (10%).
Các điểm sạc ngày càng được mở rộng để đáp ứng nhu cầu
Không giống như các loại xe ICE truyền thống sử dụng năng lượng từ quá trình đốt cháy nhiên liệu để xe hoạt động, xe điện sử dụng điện từ để chuyển đổi thành năng lượng cơ học. Vì thế, hiệu quả và phạm vi phủ sóng của hệ thống sạc cũng ảnh hưởng đến quãng đường xe điện có thể di chuyển, đáp ứng nhu cầu sạc năng lượng điện khi hết pin. Cuối năm 2022, có 2.7 triệu điểm sạc công cộng trên toàn thế giới, trong đó có hơn 900,000 điểm sạc đã được lắp đặt vào năm 2022, tăng 55% so với năm 2021.
Pin là điểm khác biệt chính giữa các mẫu xe điện, quyết định hiệu suất hoạt động và trị giá của một chiếc xe điện. Vì thế, thị trường pin xe điện toàn cầu đã chứng kiến sự tăng mạnh trong nhiều năm qua, và cũng được dự báo tăng mạnh từ 17 tỷ USD lên hơn 95 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2028.
Trung Quốc là một quốc gia có thể gọi là “đầu tàu”, khi vừa chiếm lĩnh thị phần trong thị trường xe ô tô điện, vừa chiếm lĩnh thị phần sản xuất pin nhờ gia nhập cuộc đua từ sớm. Năm 2022, công suất sản xuất pin của Trung Quốc nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại, chiếm 77% tổng công suất toàn cầu. Trung Quốc còn là nơi đặt trụ sở của 6/10 công ty sản xuất pin lớn nhất thế giới.
Ba lan đứng vị trí thứ 2 về công suất sản xuất pin năm 2022, bằng 1/10 của Trung Quốc. Ba Lan là nơi đặt siêu nhà máy Wroclaw của LG Energy Solution, nhà máy pin lớn nhất tại châu Âu và là một trong những cơ sở lớn nhất thế giới. Tính chung, các quốc gia châu Âu chỉ chiếm 15% tổng công suất sản xuất pin toàn cầu năm 2022. Dù vẫn thua xa Trung Quốc, Mỹ cũng là một trong những nước sản xuất pin hàng đầu thế giới. Tính tới năm 2022, nước này có 8 nhà máy pin lớn đang hoạt động, chủ yếu đặt tại vùng Trung Tây và phía Nam.
Ngày càng nhiều dòng vốn mạo hiểm đầu tư đổ vào các star-up EV
Trong thập kỷ qua, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm dành cho các công ty khởi nghiệp về năng lượng sạch đã bùng nổ, đặc biệt là về phương tiện di chuyển bằng điện. Nhà đầu tư tài chính, Venture capital, quỹ cổ phần tư nhân đều nhìn thấy tiềm năng mang lại lợi nhuận cao trong tương lai của các star-up xe EV.
Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây ngày càng ít vốn đổ vào start-up mới tham gia thị trường xe ô tô điện, vì lo ngại sự cạnh tranh ngày càng gây gắt và các ông lớn đang đẩy nhanh quá trình điện khí hóa. Thay vào đó, các nhà đầu tư ở giai đoạn đầu đang tìm kiếm cơ hội đầu tư mới trong chuỗi giá trị, ở nhóm thượng nguồn (như pin hoặc khoáng sản quan trọng) hoặc hạ nguồn (như sạc hoặc tái chế).
Đầu tư vốn mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp phát triển công nghệ EV và pin tăng cao trong năm 2022, đạt gần 2.1 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021, với mức đầu tư ngày càng tăng vào pin và các khoáng sản quan trọng, trong đó:
- 850 triệu USD đầu tư vào các công ty phát triển công nghệ pin ở vòng hạt giống A.
- 1.2 tỷ USD vào các start-up sản xuất xe và công nghệ sạc điện: Nổi bật nhất là 730 triệu USD vào phân khúc sạc pin và 200 triệu USD vốn cho tái chế và tái sử dụng pin.
Kỷ nguyên điện đang đến
Quá trình chuyển đổi sang xe điện của ngành công nghiệp ô tô đang tăng tốc. Trong năm 2023, thị phần EV cũng mong đợi sẽ chiếm 18% doanh số bán các loại xe trong năm 2023. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán tổng số đội xe điện (không bao gồm xe hai/ba bánh) sẽ tăng từ gần 30 triệu chiếc vào năm 2022 lên khoảng 240 triệu chiếc vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 30%. Trong đó, Trung Quốc chiếm 40% doanh số bán xe điện và Mỹ chiếm 20% thị phần.
Theo S&P Global, năm 2026 sẽ là một năm bùng phát cho việc tăng tốc áp dụng xe điện, điều này sẽ thúc đẩy xu hướng điện khí hóa ô tô phía trước. Đến năm 2030, hơn một phần tư số xe du lịch mới được bán ra sẽ là xe điện. Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu dự kiến sẽ chiếm hơn 70% sản lượng xe điện toàn cầu vào năm 2030 (so với năm 2022 khi họ chỉ chiếm 10% tổng số nhà sản xuất xe điện).
Động thái của các nước trên thế giới cũng cho thấy rằng thị trường xe ô tô điện vô cùng phát triển trong tương lai, với hơn 20 quốc gia đã công bố ý định loại bỏ hoàn toàn việc bán xe động cơ đốt trong (ICE) mới trong 30 năm tới, trong đó nhiều quốc gia đặt mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2050. Vương quốc Anh chuẩn bị cấm bán mới xe chạy bằng xăng và dầu diesel vào năm 2035. Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất ô tô lớn trên toàn thế giới đã báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên động cơ đốt trong (ICE) khi quá trình chuyển đổi sang phương tiện không phát thải (ZEV) đang được đẩy mạnh. Minh chứng cho điều này, gần đây, General Motors đã thông báo rằng họ đặt mục tiêu ngừng bán xe động cơ đốt trong vào năm 2035, trong khi Audi có kế hoạch ngừng sản xuất các mẫu xe này vào năm 2033. Để đáp ứng các mục tiêu đề ra của tất cả các quốc gia, dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy doanh số xe điện toàn cầu sẽ cần tăng lên 25 triệu xe vào năm 2030, và chiếm 15% thị phần.
Ngoài ra, công xuất sản xuất pin toàn cầu sẽ tăng gấp 8 lần vào năm 2027 với vị trí dẫn đầu vẫn sẽ thuộc về Trung Quốc. Trong khi Mỹ, Đức và các quốc gia khác với thị phần lần lượt là 10%, 6% và 10%.
VinFast, gia nhập thị trường xe điện Việt Nam
Dù vẫn là một thương hiệu xe “tân binh”, nhưng VinFast đã có nhiều mẫu xe ra mắt thị trường. trong năm 2022, Vinfast ghi nhận doanh số khá tốt:
- 24,042 tổng xe bán ra thị trường.
- 999 chiếc VF8 đầu tiên xuất khẩu thế giới trong tổng 65,000 đơn đặt hàng.
- Lần đầu tiên lọt tên trong top 10 các hãng xe có doanh số lớn nhất thế giới.
Niêm yết thông qua SPAC là bước đi táo báo nhất của VinFast, định giá IPO của VinFast và BSAQ tới 27 tỷ đô la. Sau khi niêm yết cổ phiếu Vinfast biến động lớn về giá, có lúc định giá cao nhất lên đến 200 tỷ, trở thành nhà sản xuất ô tô có giá trị thứ ba trên thị trường sau Tesla với mức định giá 756.4 tỷ USD và Toyota ở mức 225 tỷ USD, nhưng nhanh chóng sụt giảm lại về mức 20 tỷ, thấp hơn định giá tài thời điểm niêm yết.
Trong lịch sử ngành ô tô Việt Nam, chưa khi nào xe điện, xe hybrid được giới thiệu và bán ra nhiều như trong năm 2022, đánh dấu bước chuyển theo xu hướng chung của thị trường ô tô toàn cầu. Nhà đầu tư đang tự hỏi liệu VinFast sẽ mang đến điều gì cho thị trường xe điện Việt Nam và thế giới?
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.