Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Tín hiệu của tín dụng xanh tại Việt Nam

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Tín dụng xanh được ngân hàng cấp cho các dự án sản xuất kinh doanh có mục đích bảo vệ môi trường.

    - Giai đoạn 2017 – 2022, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng hơn 23%/năm.  

    Khái niệm tín dụng xanh tại Việt Nam

    Tín dụng xanh là khoản tín dụng mà ngân hàng cấp cho các dự án sản xuất kinh doanh không gây rủi ro hoặc có mục đích bảo vệ môi trường. Đây cũng được xem là một trong những trụ cột chính của hệ thống tài chính xanh tại nước ta. Loại hình tín dụng này góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn vốn nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

    Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2022, có quy định tín dụng xanh là các khoản tín dụng được cấp cho các dự án, bao gồm:

    - Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên;

    - Ứng phó với biến đổi khí hậu;

    - Quản lý chất thải;

    - Xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường;

    - Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên;

    - Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

    - Tạo ra lợi ích khác về môi trường.

    Tình hình “tín dụng xanh” tại Việt Nam

    Thực tế cho thấy, phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tích tích cực.

    Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (thuộc Ngân hàng Nhà nước), dư nợ tín dụng xanh đạt 71 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015, tăng lên 340 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020 và năm 2022 chạm mốc gần 500,000 tỷ đồng. Như vậy, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng hơn 23%/năm trong giai đoạn 2017 – 2022. Tuy vậy, do tín dụng xanh là lĩnh vực mới tại Việt Nam, nên tỷ trọng của tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn, khi dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4.32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

    Tính đến cuối tháng 9/2023, dư nợ tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng là hơn 564,000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4.4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.  

    Đồng thời, đến nay đã có 40 tổ chức tín dụng tại Việt Nam báo cáo về hoạt động tài trợ cho các dự án xanh. Một số ngân hàng thương mại có tỷ trọng tín dụng xanh cao có thể kể đến như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), v.v.

    Điển hình nhất có thể kể đến như BIDV. Tính đến cuối năm 2022, BIDV tiếp tục dẫn đầu thị trường về tài trợ xanh với 1,718 dự án với tổng dư nợ tín dụng/bảo lãnh đạt 2.7 tỷ USD, chiếm 4.3% dư nợ tín dụng của BIDV và 13% dư nợ cho vay lĩnh vực xanh toàn bộ nền kinh tế. Trước đó, năm 2018, BIDV cũng là ngân hàng trong nước đầu tiên ban hành Khung quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội áp dụng cho các dự án, khách hàng. BIDV cũng là TCTD trong nước duy nhất ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Bộ Tài nguyên&Môi trường về thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững tính đến tháng 2/2023.

    Về phần các doanh nghiệp, để tiếp cận được nguồn tín dụng xanh, trong sản xuất cần phải “xanh hóa”, có nghĩa là đáp ứng các yêu cầu như sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, hạn chế ô nhiễm, cũng như phát thải vừa phải. Theo thống kê, các lĩnh vực thu hút tín dụng xanh hàng đầu hiện nay là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45% tổng dư nợ); và nông nghiệp xanh (chiếm hơn 30%). 

    Triển vọng tín dụng xanh tại Việt Nam

    Để thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận tín dụng xanh, chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành đáng kể các chính sách thi hành hỗ trợ.

    Ví dụ như Chỉ thị số 03/CT-NHNN thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; và gần đây là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    Đặc biệt, vấn đề môi trường ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm, khi Việt Nam, trong tiến trình xanh hóa sản xuất và nâng tầm sản phẩm đến cộng đồng quốc tế, đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050, giảm lượng phát thải khí nhà kính đến 43.5% vào năm 2030, và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050. Theo đó, NHNN đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, sẽ có 100% tổ chức tín dụng tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh với quy mô chiếm 10% tổng dư nợ nền kinh tế.

    Việt Nam cũng đang nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý cho tín dụng xanh, bên cạnh các thông tư, chỉ thị, mà còn đang triển khai và hoàn thiện hơn các quy định về tiêu chí môi trường và xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

    Tuy nhiên, việc hiện thực hóa “mục tiêu xanh” không chỉ đòi hỏi hoàn thiện các cơ chế chính sách, mà còn đòi hỏi một nguồn lực khổng lồ. Ông Võ Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc, tư vấn, dịch vụ tài chính ngân hàng, Công ty cổ phần tư vấn EY Việt Nam cũng khẳng định, còn rất nhiều nhu cầu về tín dụng xanh trong các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, từ giao thông vận tải, xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản, viễn thông, … “Tín hiệu tăng trưởng của tín dụng xanh những năm gần đây gấp nhiều lần tín dụng bình quân của toàn nên kinh tế. Nếu xu hướng này tiếp tục, tỷ lệ cho vay xanh sẽ càng lớn hơn nhiều nữa”.

    Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, Việt Nam sẽ cần huy động thêm 144 tỷ USD bên ngoài nguồn ngân sách nhà nước, tương đương 2.2% GDP để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát thải ròng bằng 0 trong giai đoạn 2021 – 2050.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán