Quyền chọn mua (Call option) là một hợp đồng tài chính cung cấp cho bạn quyền, mà không phải là nghĩa vụ, chọn mua chứng khoán cơ sở như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa hoặc tài sản khác ở một mức giá xác định trong một khoảng thời gian cụ thể.
Người mua “quyền chọn mua” thường phải trả một mức phí để có quyền và có thể thu về được lợi nhuận khi tài sản cơ sở tăng giá cao hơn mức giá thực hiện quyền + phí.
Ví dụ, bạn mua một hợp đồng quyền mua với giá 2,000đ, hợp đồng cho phép bạn mua cổ phiếu XYZ ở mức giá 50,000đ cho tới ngày đáo hạn ba tháng sau.
Trong thời gian đến ngày đáo hạn, giá cổ phiếu XYZ tăng lên 65,000đ, lợi nhuận bạn nhận được khi thực hiện quyền mua cổ phiếu XYZ ở giá 50,000đ là (65,000 – 50,000 – 2,000) = 13,000đ.
Còn nếu giá cổ phiếu XYZ giảm xuống 40,000đ, thì việc thực hiện quyền mua sẽ không còn ý nghĩa gì nữa, vì như vậy mức lỗ ghi nhận sẽ là (40,000 – 50,000 – 2,000) = – 12,000đ.
Thay vì như vậy, bạn có thể chọn bỏ quyền mua, và chỉ ghi nhận lỗ 2,000đ, bằng số tiền bạn bỏ ra khi mua quyền.
Quyền chọn bán (Put option) là một hợp đồng tài chính cung cấp cho bạn quyền, mà không phải là nghĩa vụ, chọn bán chứng khoán cơ sở như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa hoặc tài sản khác ở một mức giá xác định trong một khoảng thời gian cụ thể.
Người mua “quyền chọn bán” thường phải trả một mức phí cho quyền chọn bán và có thể thu về được lợi nhuận khi tài sản cơ sở giảm giá sâu hơn mức giá thực hiện quyền.
Ví dụ: bạn mua một hợp đồng quyền chọn bán với giá 2,000đ, và hợp đồng cho phép bạn bán cổ phiếu XYZ ở mức giá 50,000đ cho tới ngày đáo hạn vào ba tháng sau.
Trong thời hạn này, nếu giá cổ phiếu XYZ giảm thì giá của hợp đồng quyền chọn sẽ tăng và ngược lại nếu giá cổ phiếu tăng thì giá hợp đồng sẽ giảm.
Nếu tới ngày đáo hạn, giá cổ phiếu XYZ giảm xuống 35,000đ, thì lợi nhuận bạn nhận được khi thực hiện quyền bán cổ phiếu XYZ ở giá 50,000đ là (50,000 – 35,000 – 2,000) = 13,000đ.
Còn nếu giá cổ phiếu XYZ tăng lên 60,000đ, thì việc thực hiện quyền bán sẽ không còn ý nghĩa gì nữa, vì như vậy mức lỗ ghi nhận sẽ là (50,000 – 60,000 – 2,000) = – 12,000đ.
Thay vì như vậy, bạn có thể chọn bỏ quyền bán, và chỉ ghi nhận lỗ 2,000đ, bằng số tiền bạn bỏ ra khi mua quyền.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.