Điểm nhấn chính:
- Thị trường chứng khoán là một trong những kênh đầu tư có tỷ suất sinh lợi cao hơn so với những kênh đầu tư khác.
- Để đầu tư chứng khoán, cần có những hiểu biết cơ bản về các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán là lãi suất, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và cung - cầu.
Hiểu biết cơ bản về chứng khoán
Thị trường chứng khoán là một trong những kênh đầu tư có tỷ suất sinh lợi cao hơn so với những kênh đầu tư khác, nhưng kèm với mức độ rủi ro cao hơn. Sự e ngại rủi ro làm cho chúng ta không dám “rót vốn” vào thị trường chứng khoán, cộng thêm với kinh tế ảm đạm cũng là một trong những lý do chính làm cản trở hành trình đầu tư của mọi người. Tuy vậy, trong hai năm trước, lúc đại dịch bùng phát và nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những biến số khó lường, thì các thị trường chứng khoán lại phục hồi nhanh chóng và đạt mức cao nhất mọi thời đại chủ yếu do dòng tiền chính phủ bơm ra để hỗ trợ nền kinh tế.
Chính sự bất cân xứng giữa thị trường chứng khoán và các chỉ số kinh tế là nguyên nhân gây ra sự hoang mang trong tâm lý nhà đầu tư, và dẫn đến việc tất yếu cần phải xảy ra là sự điều chỉnh, tạo lại sự cân bằng. Biến động là một điều không thể tránh khỏi trong thị trường chứng khoán trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, khi nhìn vào các mô hình giá trong dài hạn, chúng ta có thể thấy xu hướng biến động của chúng được xác định một cách rõ ràng hơn.
Hiểu được yếu tố nào ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán cũng như cách chúng tác động lên xu hướng biến động của thị trường có thể giúp nhà đầu tư cải thiện khả năng sinh lời một cách bền vững.
Bốn yếu tố cơ bản tác động đến thị trường chứng khoán bao gồm:
Lãi suất
Giá cổ phiếu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mức độ thay đổi của lãi suất, một sự thay đổi nhỏ trong lãi suất có thể gây ra một loạt các biến động trên thị trường chứng khoán. Lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đi vay của các nhà đầu tư, ngân hàng, doanh nghiệp và chính phủ, do đó có thể ảnh hưởng đáng kể đến lượng tiền chi tiêu, đầu tư trong nền kinh tế.
Khi lãi suất tăng, các nhà đầu tư phải cắt giảm khoản vay của họ vì chi phí vay trở nên đắt đỏ hơn. Các công ty cũng sẽ có xu hướng cắt giảm chi tiêu, qua đó tác động trực tiếp đến thu nhập của họ theo chiều hướng bất lợi. Khi không đạt được sự tăng trưởng, điều này sẽ dẫn đến sự lao dốc của giá cổ phiếu, và nếu xảy ra trên diện rộng ở toàn nhóm ngành, thị trường chứng khoán sẽ đồng thời lao dốc.
Bên cạnh đó, khi lãi suất tiền gửi tăng trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều rủi ro, sẽ có không ít nhà đầu tư lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng thay vì mua cổ phiếu, thậm chí là rút tiền khỏi thị trường chứng khoán để chuyển qua các tài khoản tích lũy có kỳ hạn. Việc dòng tiền bị rút dần ra khỏi thị trường thường có thể kích hoạt động thái bán tháo, dẫn đến mức sụt giảm nhanh và mạnh. Từ đó dẫn đến sự lao dốc của thị trường chứng khoán.
Chẳng hạn như trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có một loạt các đợt tăng lãi suất, tác động trực tiếp đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc tăng lãi suất của Fed đã gây áp lực lớn lên tỷ giá của Việt Nam, cộng với áp lực từ lạm phát, đã khiến Ngân hàng Nhà nước cũng phải tăng lãi suất điều hành tới 2 đợt trong tháng 9 và 10. Điều này, kèm với các sự ảnh hưởng riêng lẻ khác trong nền kinh tế, khiến chỉ số VNIndex lao dốc mạnh hơn 20% chỉ trong vòng hai tháng, 9 và 10.
Lạm phát
Lạm phát là sự gia tăng chi phí, giá cả của hàng hóa và dịch vụ trong một khoảng thời gian. Một mức lạm phát cao thường được coi là tín hiệu tiêu cực cho thị trường chứng khoán. Bởi lúc này, giá của mọi thứ đã ở mức khá cao, kể cả điểm số của cả thị trường.
Lạm phát được xem là ảnh hưởng đến đời sống của mọi người đặc biệt thu nhập thấp. Khi giá cả tăng, sức mua sẽ giảm. Ví dụ trước đây bạn có 100k chi phí mua cáfe mỗi tuần, 1 ly càfe 20k thì có thể mua 5 ly. Trong môi trường lạm phát, giá tăng lên 25k, thì bạn chỉ có thể mua 4 ly, như vậy quán café doanh số cũng giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Để đối phó với lạm phát, ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất và theo đó, giảm các hoạt đông kinh doanh do phần lớn các công ty có thể phải hoãn đầu tư và ngưng sản xuất do chi phí đầu vào tăng quá cao. Qua đó dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại, thậm chí đạt mức âm, gây áp lực cho giá cổ phiếu dẫn đến điều chỉnh của thị trường chứng khoán.
Trong năm 2022, Cục dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất nhiều lần trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, và thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu đã có những đợt điều chỉnh giảm lớn. Cụ thể thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm hơn 20% trong năm 2022 sau 4 lần tăng lãi suất của Fed.
Kinh tế toàn cầu
Xu hướng kinh tế toàn cầu cũng có tác động đến thị trường chứng khoán của từng quốc gia. Trong thế giới phẳng, nền kinh tế của nhiều quốc gia liên thông và bị ảnh hưởng lẫn nhau.
Ví dụ như nếu kinh tế Mỹ suy thoái sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam vì Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Ví dụ như là sự ảnh hưởng từ địa chính trị giữa Ukraine và Nga đã khiến nguồn cung dầu bị ảnh hưởng nặng nề đối với các quốc gia châu Âu và gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu thế giới. Các mã chứng khoán thuộc ngành dầu khí ở thị trường các nước, bất kể là công ty đó có bị ảnh hưởng hay không, vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi vì tâm lý chung của các nhà đầu tư liên tục bị tác động bởi những tin tức không mấy khả quan.
Hoặc là, với những dự báo về suy thoái kinh tế tại các quốc gia phát triển đứng đầu thế giới như Mỹ và Anh gần đây cũng khiến thị trường chứng khoán toàn cầu trở nên thận trọng hơn, thậm chí là giảm mạnh với suy đoán rằng khả năng điều đó xảy ra là rất cao.
Cung và cầu của thị trường
Cung và cầu của các sản phẩm, dịch vụ, tiền tệ và các khoản đầu tư khác được xem là yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Trong nền kinh tế thị trường, bất kỳ sự biến động giá nào cũng có thể được giải thích bằng sự chênh lệch tạm thời giữa lượng cung và lượng cầu. Do đó, sự dao động mức cung và cầu tạo ra động lực làm tăng hoặc giảm giá cổ phiếu.
Ví dụ: khi một công ty hoạt động đặc biệt tốt, nhu cầu về một mã cổ phiếu sẽ tăng vượt lượng cung, điều này sẽ làm cho giá cổ phiếu đó tăng lên và ngược lại.
Hoặc ngược lại, một cổ phần dư bán nhiều phiên cũng có thể anh hưởng đối với tâm lý nhà đầu tư đối với ngành và từ đó có các công ty khác cùng hoạt động trong ngành cũng có thể bị ảnh hưởng.
Đầu tư vào cổ phiếu được xem là việc không thể tránh khỏi rủi ro. Nhưng với phương pháp tiếp cận phù hợp cũng như những nhận định cẩn trọng về những yếu tố trên, nhà đầu tư sẽ có thể kiếm được mức lợi nhuận như mong muốn. Tất cả những gì bạn cần là tìm hiểu để có những hiểu biết cơ bản về chứng khoán từ đó xây dựng cho mình một chiến lược phân bổ tài sản vững chắc và an toàn.
Đọc thêm: Vì sao nên đầu tư cổ phiếu từ sớm?
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.