Điểm nhấn chính:
- Cung tiền là tổng lượng tiền có sẵn trong một nền kinh tế tại một thời điểm, bao gồm tiền mặt, tiền xu và các khoản tiền gửi có thể tiếp cận.
- M1 là cung tiền được các nhà kinh tế sử dụng nhiều nhất để xác định số tiền đang lưu hành trong một quốc gia.
- Cung tiền M2 là thước đo quan trọng về lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế và tác động tiềm tàng của nó đối với lạm phát và hoạt động kinh tế.
Cung tiền là gì?
Cung tiền (Money supply) là tổng lượng tiền có sẵn trong một nền kinh tế của một quốc gia tại một thời điểm cụ thể. Cung tiền giống như một “nguồn cung cấp máu” tài chính cho nền kinh tế, bao gồm tất cả tiền mặt, tiền xu và các khoản tiền gửi có thể tiếp cận mà các cá nhân và doanh nghiệp có thể sử dụng để chi tiêu hoặc tiết kiệm.
Nói cách khác, cung tiền là tổng lượng tiền và các tài sản có tính thanh khoản khác như tiền gửi ngân hàng trong nền kinh tế của một quốc gia. Ở hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, chính phủ hoặc ngân hàng trung ương sẽ chịu trách nhiệm điều tiết cung tiền.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) là tổ chức chịu trách nhiệm quản lý cung tiền ở Hoa Kỳ, tại Việt Nam là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bằng cách sử dụng các công cụ tiền tệ khác nhau, bao gồm hoạt động thị trường mở, tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất điều hành, Fed và NHNN đảm bảo rằng cung tiền trong nền kinh tế được kiểm soát.
Các loại cung tiền trong nền kinh tế
Cung tiền được chia thành bốn loại chính: M0, M1, M2 và M3. Mỗi loại cung tiền phản ánh mức độ thanh khoản khác nhau.
Cung tiền M0
Tiền tệ cơ sở (Monetary base) bao gồm tiền tệ đang lưu hành và số dư tiền gửi mà các tổ chức lưu ký gửi tại Fed. Fed có thể tăng hoặc giảm lượng tiền cơ sở bằng cách mua hoặc bán chứng khoán trên thị trường mở. Ví dụ: Khi Fed mua trái phiếu Hoa Kỳ, số tiền đó sẽ bổ sung vào quỹ dự trữ của Fed và làm tăng lượng tiền cơ sở. Ngược lại, lượng tiền cơ sở sẽ giảm khi Fed bán trái phiếu và nhận được séc từ ngân hàng. Khi séc đó được gửi, số dư của ngân hàng với Fed sẽ giảm. Theo đó, tiền tệ cơ sở, thường được gọi là M0, đóng vai trò là bảng cân đối kế toán của Fed.
Cung tiền M1
M1 là cung tiền thường được các nhà kinh tế sử dụng để xác định số tiền đang lưu hành trong một quốc gia. Trong tất cả các loại cung tiền, M1 được xem là cung tiền hẹp nhất nhưng lại có tính thanh khoản cao nhất, nó bao gồm tiền đang lưu hành trên thị trường, tiền gửi không kỳ hạn và tài khoản giao dịch (chủ yếu là thẻ ghi nợ và thẻ ATM).
M1 cũng bao gồm các séc du lịch từ các khách du lịch (phát hành bởi các tổ chức phi ngân hàng). Tuy nhiên, M1 không bao gồm các tài sản tài chính như các tài khoản tiết kiệm và trái phiếu. Hầu hết các ngân hàng trung ương đều có cung tiền M1 gồm tiền đang lưu thông và các công cụ tiền khác có thể thanh toán dễ dàng, tuy nhiên vẫn có những thay đổi nhỏ trong định nghĩa M1 ở các quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn như M1 ở khu vực đồng euro (eurozone) có tính thêm các khoản tiền gửi qua đêm. Hay ở Anh không có cung tiền M1 mà chỉ có hai khái niệm cung tiền là M0 cho cơ sở tiền rộng (tiền mặt lưu thông ngoài Ngân hàng Chính phủ Anh) và M4 hay tiền mở rộng là tổng cung tiền.
M1 = Tiền mặt và tiền xu đang lưu hành + Tiền gửi có thể phát séc (không cần thanh toán) + Séc du lịch
Cung tiền M2
M2 là thước đo lượng tiền dự trữ bao gồm M1 cộng với tiền gửi tiết kiệm (bao gồm tài khoản tiền gửi thị trường tiền tệ), chứng chỉ tiền gửi (CD) hoặc tiền gửi có kỳ hạn nhỏ dưới 100,000 USD, và cổ phần trong các quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ.
Trong đó, quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ hay còn được gọi là quỹ thị trường tiền tệ là phương tiện đầu tư tập hợp vốn từ các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức để đầu tư vào chứng khoán nợ ngắn hạn như tín phiếu kho bạc Hoa Kỳ và thương phiếu. Do vậy, với tính chất rủi ro thấp cùng với tính thanh khoản cao, cổ phần trong các quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ có thể làm tăng thêm nguồn cung tiền M2. Thông thường người tiêu dùng và doanh nghiệp không sử dụng tiền gửi tiết kiệm và các thành phần tiền khác của M2 trong trao đổi mua bán hay thanh toán hóa đơn hằng ngày, nhưng các tài sản này vẫn có thể chuyển đổi thành tiền mặt.
M2 = M1 + Tiền gửi tiết kiệm + Quỹ tương hỗ thị trường tiền tệ + Chứng chỉ tiền gửi + Tiền gửi có kỳ hạn khác
Cung tiền M2 là thước đo quan trọng, cung cấp cái nhìn sâu sắc về lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế và tác động tiềm tàng của nó đối với lạm phát và hoạt động kinh tế. Sự gia tăng cung tiền M2 có thể kích tích tăng trưởng kinh tế và đầu tư bằng cách tạo ra nhiều vốn hơn để cho vay và chi tiêu. Tuy nhiên, nếu M2 tăng trưởng quá mức và không đi kèm với sự gia tăng sản xuất và hoạt động kinh tế có thể dẫn đến áp lực lạm phát và gây mất cân bằng trong thị trường tài chính.
Cung tiền M3
M3 là thước đo cung tiền bao gồm M2, tiền gửi có kỳ hạn dài, quỹ thị trường tiền tệ của tổ chức và hợp đồng mua lại ngắn hạn (repo). M3 là thước đo rộng nhất về cung tiền của nền kinh tế, nó nhấn mạnh tiền như một phương tiện lưu trữ giá trị hơn là một phương tiện trao đổi, do đó M3 bao gồm cả tài sản có tính thanh khoản kém hơn. Tuy nhiên, kể từ năm 2006, M3 không còn được theo dõi bởi Fed và chỉ tập trung vào M2 để định hướng chính sách.
M3 = M0 + M1 + M2 + Tiền gửi có kỳ hạn dài + Quỹ thị trường tiền tệ của tổ chức + Hợp đồng mua lại ngắn hạn (repo)
Cung tiền được xác định như thế nào?
Ngân hàng trung ương sẽ quy định lượng tiền có sẵn trong một quốc gia. Thông qua chính sách tiền tệ, ngân hàng trung ương có thể thực hiện chính sách mở rộng hoặc thu hẹp để thay đổi cung tiền. Đối với chính sách tiền tệ mở rộng, Ngân hàng trung ương có thể tăng cung tiền qua hoạt động thị trường mở, nghĩa là họ sẽ mua tín phiếu Kho bạc Hoa Kỳ bằng tiền mới đúc. Từ đó, số tiền này sẽ được đưa vào lưu thông trong thị trường chung. Ngược lại, chính sách tiền tệ thu hẹp sẽ bán tín phiếu Kho bạc, đồng nghĩa với việc hút tiền ra khỏi thị trường.
Các yếu tố quyết định cung tiền
Cung tiền thường bị tác động bởi nhiều yếu tố trong nền kinh tế, trong đó ba yếu tố mang tính quyết định bao gồm: tỷ lệ tiền gửi, tỷ lệ dự trữ và tỷ lệ dự trữ vượt mức.
- Tỷ lệ tiền gửi (Currency deposit ratio) biểu thị lượng tiền mặt mà người dân đang giữ trong tay so với tổng số tiền gửi. Tỷ lệ tiền gửi tăng dẫn đến số nhân tiền giảm.
- Tỷ lệ dự trữ (Reserve ratio) là lượng tiền mặt mà Fed hay NHNN yêu cầu các định chế ngân hàng giữ lại để đáp ứng mọi khoản rút tiền tiềm năng của khách hàng.
- Dự trữ vượt mức (Excess reserves) chính là số tiền dư thừa của ngân hàng sau khi thỏa mãn các yêu cầu dự trữ bắt buộc của NHTW.
Điều gì xảy ra khi NHNN giảm lượng tiền trong nền kinh tế?
Cung tiền của một quốc gia có ảnh hưởng đáng kể đến tình hình kinh tế vĩ mô của quốc gia đó, đặc biệt liên quan đến lãi suất, lạm phát và chu kỳ kinh doanh. Khi Fed hay NHNN thu hẹp cung tiền thông qua chính sách tiền tệ thắt chặt hoặc chính sách tiền tệ “diều hâu” (Hawkish), lãi suất sẽ tăng và chi phí đi vay sẽ cao hơn. Mặc dù chính sách này có thể giúp Chính phủ hạ nhiệt tình hình lạm phát của quốc gia trong thời gian ngắn nhưng lãi suất tăng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách thắt chặt có nguy cơ làm chậm tăng trưởng kinh tế, tăng tỷ lệ thất nghiệp và dẫn đến nền kinh tế suy thoái.
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.