Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Đô la hóa là gì và tại sao phải đô la hóa?

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Đô la hóa là quá trình thay thế đồng nội tệ bằng đồng ngoại tệ trong việc thực hiện các chức năng của tiền tệ của một quốc gia.

    - Đô la hóa giúp các nước đang phát triển thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài, lợi thế kinh tế vĩ mô  nhưng khả năng mất quyền tự chủ kinh tế cao.

    Đô la hóa là gì?

    Đô la hóa (Dollarization) là quá trình một quốc gia có thể có hai loại tiền tệ trong nền kinh tế, bao gồm đồng nội tệ và một loại tiền tệ khác mạnh hơn như đồng đô la Mỹ. Đô la hóa thường xảy ra khi đồng tiền của một quốc gia mất đi tính hữu dụng của nó như một phương tiện trao đổi do siêu lạm phát hoặc mất đi tính ổn định. Vì thế, nó thường xảy ra ở các nước đang phát triển có cơ quan tiền tệ trung ương yếu hoặc môi trường kinh tế kém phát triển. Trong một số trường hợp, đô la hóa sẽ giúp các nước đang phát triển thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài, sự công nhận của thị trường quốc tế nhưng hậu quả có thể sẽ nặng nề.

    Thông qua nghị định chính thức hoặc thông qua sự chấp nhận của các bên tham gia thị trường, đồng đô la trở thành phương tiện trao đổi được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch hàng ngày và đôi khi còn có tư cách chính thức là đồng tiền hợp pháp.

    Quốc gia đô la hóa đồng nghĩa với giao phó chính sách tiền tệ của họ cho Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). Đây có thể để lại hậu quả nặng nề cho quốc gia đô la hóa, vì chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ được đặt ra để mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ, nên nó chỉ phù hợp với nền kinh tế Mỹ chứ không phải lợi ích của quốc gia đô la hóa.  

    Các hình thức đô la hóa

    Đô la hóa là tình trạng mà tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ chiếm trên 30% trong tổng khối tiền tệ mở rộng, bao gồm: Tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi ngoại tệ. Hiện tượng đô la hóa được phân ra làm 3 loại sau:

    - Đô la hóa không chính thức: Trong nhiều nền kinh tế mới nổi, đồng đô la sẽ được sử dụng rộng rãi và chấp nhận trong các giao dịch tư nhân. Đô la hóa không chính thức có xu hướng làm giảm nỗ lực của chính phủ trong cuộc chiến chống lạm phát qua việc áp thuế ngầm lên tài sản tiền tệ trong nước. Vì vậy, nó không được chính phủ nước này coi là đồng tiền hợp pháp.

    - Đô la hóa một phần: Là tình trạng mà đồng đô la đóng vai trò thứ yếu và được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch thường ngày như phương tiện để trao đổi, thanh toán và dự trữ giá trị, trong khi đồng nội tệ vẫn tồn tại và lưu thông. Song, các nước trong tình trạng này vẫn duy trì ngân hàng nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ của họ.

    - Đô la hóa hoàn toàn: Là tình trạng xảy ra khi đồng đô la trở thành đồng tiền hợp pháp duy nhất được lưu thông trên thị trường. Nghĩa là, đồng ngoại tệ không chỉ được sử dụng hợp pháp trong các hợp đồng giữa các bên tư nhân, mà còn hợp pháp trong các khoản thanh toán của Chính phủ. Thông thường, các nước chỉ thực hiện đô la hóa khi đã thất bại trong việc thực thi các chương trình ổn định kinh tế.  

    Tại sao các quốc gia lại đô la hóa?

    Khi quốc gia đó đang trải qua tình trạng lạm phát kéo dài và có nguy cơ dẫn đến siêu lạm phát, cùng với tỷ giá hối đoái tăng mạnh, làm cho đồng tiền của quốc gia đó bị mất giá nghiêm trọng. Trước thực trạng đó, người dân sẽ có xu hướng chuyển tài sản của họ dưới dạng đồng nội tệ sang một loại tiền tệ khác mạnh hơn, điển hình là đồng đô la Mỹ (USD) hoặc đầu tư vào các loại tài sản thực. Bên cạnh đó, các quốc gia có tỷ giá hối đoái hoặc tiền tệ không ổn định dễ bị đầu cơ nhiều hơn, làm giảm giá đồng nội tệ đáng kể. Bằng cách lựa chọn sử dụng ngoại tệ, các quốc gia có thể giảm nguy cơ mất giá tiền tệ.

    Ở một số quốc gia mới nổi, với chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa được thực thi chưa hiệu quả cũng buộc quốc gia này phải đi vay các ngân hàng nước ngoài bằng đồng ngoại tệ (chủ yếu là đồng đô la Mỹ), từ đó dẫn đến việc đô la hóa các khoản nợ này.  

    Ưu và nhược điểm của việc đô la hóa

    Dưới những chuyển biến phức tạp từ cuộc xung đột địa chính trị, đồng đô la tồn tại qua nhiều cuộc khủng hoảng lớn và vẫn được xem là cái neo tiền tệ của thế giới. Vì vậy, việc hợp pháp hóa đồng đô la sẽ mang lại tác động tích cực đến thương mại quốc tế cho các quốc gia, và ít bị biến động từ thị trường hơn.

    Đô la hóa còn thu hút một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thông qua việc gỡ bỏ các tác động từ tỷ giá hối đoái cũng như biến động tiền tệ trong nền kinh tế quốc gia. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhận thấy tiềm năng lợi nhuận cao khi tiến hành hoạt động kinh doanh ở nước này nhờ tính ổn định của đồng đô la.

    Ngoài ra, sau khi đô la hóa, các khoản nợ của chính phủ và doanh nghiệp có thể được phát hành với lãi suất thấp hơn khi tính bằng đồng đô la nhờ phí bảo hiểm giảm do rủi ro vỡ nợ quốc gia giảm. Điều này dẫn đến lãi suất cho vay thấp hơn và kích thích đầu tư vốn. 

    Tuy nhiên, đô la hóa đi kèm với nguy cơ mất quyền tự chủ đối với một quốc gia đang phát triển áp dụng nó. Khi một quốc gia không thể sử dụng các chính sách kinh tế của mình sẽ có nguy cơ bị lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Điển hình là, họ mất quyền kiểm soát nguồn cung tiền, nên mất khả năng ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và quyền kiểm soát trực tiếp đối với nền kinh tế của đất nước. Không những thế, khi một quốc gia lớn cấm nước khác sử dụng đồng tiền của mình, sẽ đặt các nước đang thực hiện đô la hóa vào một tình huống cực kỳ khó khăn vì đã mất đi khả năng in tiền và bất kỳ quyền sở hữu nội tệ nào.  

    Các quốc gia áp dụng đô la hóa

    Đồng đô la được sử dụng ở Hoa Kỳ và các khu vực lãnh thổ của Hoa Kỳ như Puerto Rico, Guam, America Samoa, Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ và Quần đảo Bắc Marina. Ngoài ra còn có 11 quốc gia khác sử dụng USD làm tiền tệ chính thức như Ecuador, El Salvador, Zimbabwe, Palau, Argentina,… trong đó ba quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ đô la hóa là Ecuador, Argentine và Zimbabwe:

    1. Ecuador

    Ecuador là một quốc gia đang phát triển ở khu vực Mỹ Latinh, có lịch sử gắn bó lâu dài với đồng đô la Mỹ. Trước bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng, lạm phát tăng phi mã dẫn đến đồng tiền bị mất giá, năm 2000, Ecuador đã quyết định hợp pháp hóa đồng USD, thay thế đồng tiền nội tệ của mình. Thực tế cho thấy quá trình đô la hóa này đã giúp Ecuador thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và đạt một số kết quả khả quan trong tăng trưởng kinh tế. Đổi lại, Ecuador không chỉ mất quyền tự chủ trong các chính sách của mình mà còn giảm đi lợi thế cạnh tranh quốc tế so với các nước khác. Hơn nữa, quá trình đô la hóa không thể cứu vãn được những vấn đề cốt yếu của nền kinh tế, điển hình là cơ sở hạ tầng tồi tàn, gánh nặng nợ nần trong và ngoài nước do chi tiêu hoang phí của chính phủ, chủ quan cùng với chính trị bất ổn và tham nhũng trầm trọng. Điều này góp phần đẩy Ecuador vào các bẫy tài chính từ các giới tài phiệt và đang đi vào vết xe đổ “nợ công Hy Lạp”.

    2. Argentina

    Xuất phát từ đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và nguồn nhân lực vượt trội, từng có thu nhập GDP bình quân đầu người cao hơn Mỹ, Argentina liên tục ghi nhận sự sa sút trong các chỉ số kinh tế, đặc biệt là chỉ số lạm phát lên đến ba chữ số. Trước tình hình đó, nhiều luồng ý kiến đề xuất việc từ bỏ đồng peso, thay thế hoàn toàn bằng đồng đô la Mỹ cũng gây không ít tranh cãi.

    Vấn đề lớn nhất liên quan đến việc thực hiện đô la hóa là mất đi chính sách tiền tệ độc lập. Các quốc gia hợp pháp đồng đô la không thể điều chỉnh lãi suất để điều tiết nguồn cung tiền trước sự thay đổi của các điều kiện kinh tế.

    Thứ hai, đô la hóa sẽ không thể giải quyết được vấn đề thực sự đằng sau sự sụt giảm liên tục của Argentina, đó là năng suất. Vấn đề năng suất của Argentina có hai nguồn gốc liên quan đến sự thiếu cạnh tranh do chủ nghĩa bảo hộ và sự kém hiệu quả của chính phủ được chuyển sang khu vực tư nhân. Và cả hai điều này sẽ không được giải quyết bằng cách đô la hóa nền kinh tế.

    Cuối cùng, thực hiện chính sách đô la hóa đồng nghĩa với việc thâm hụt ngân sách của Argentina sẽ không còn được bù đắp một phần bằng thuế lạm phát. Vì vậy, chính phủ sẽ mất đi một trong những nguồn tài chính chính của mình. Nếu chính phủ quyết định giảm chi tiêu, Argentina sẽ nhận được nhiều kết quả tăng trưởng kinh tế khả quan hơn. Ngược lại, nếu Nhà nước tiếp tục chi tiêu hoang phí thì tình hình kinh tế sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

    Do đó, duy trì kỷ luật tài chính là rất quan trọng khi quốc gia đó đang thực hiện đô la hóa. Nó không chỉ đảm bảo sự ổn định tài chính, giảm gánh nặng nợ quốc gia mà còn kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Nếu không có kỷ luật tài chính, các quốc gia sử dụng đồng đô la làm tiền tệ chính thức có thể phải đối mặt với những thách thức trong việc quản lý ngân sách và đưa ra các quyết định tài chính hợp lý.

    3. Zimbabwe

    Sau khi lạm phát đồng đô la Zimbabwe đạt đến 2.2 triệu phần trăm vào tháng 7 năm 2008, Zimbabwe đã chấp nhận thử nghiệm hợp pháp đồng đô la Mỹ cho một số nhà bán lẻ có chọn lọc. Sau quá trình thử nghiệm, Bộ trưởng Tài chính đã hợp pháp đồng đô la Mỹ trong việc sử dụng chung vào năm 2009 nhưng sau đó lại đình chỉ sử dụng đồng đô la Zimbabwe vào năm 2015.

    Đô la hóa ở Zimbabwe ngay lập tức có tác dụng giảm lạm phát, giảm sự bất ổn của nền kinh tế, cho phép tăng cường sức mua của người dân và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, việc lập kế hoạch kinh tế dài hạn trở nên dễ dàng hơn đối với đất nước vì đồng đô la ổn định đã thu hút một số đầu tư nước ngoài.

    Tuy nhiên, quá trình đô la hóa không phải là một quá trình hoàn toàn suôn sẻ đối với đất nước và vẫn có những hạn chế. Tất cả các chính sách tiền tệ sẽ được tạo ra và thực hiện vì lợi ích của Hoa Kỳ, không phải Zimbabwe. Vì thế, Zimbabwe không những không thể làm cho hàng hóa và dịch vụ của mình rẻ hơn trên thị trường thế giới bằng cách phá giá đồng tiền của mình, mà tác động của đô la hóa cùng với các quy định của ngân hàng cũng làm nản lòng đầu tư nước ngoài.

    Đến năm 2019, Zimbabwe áp dụng chính sách phi đô la hóa khi các quốc gia đang giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ thông qua việc sử dụng đồng đô la Zimbabwe. Tuy nhiên, lạm phát tính bằng đồng đô la mới của Zimbabwe đã tăng cao và việc sử dụng đáng kể đồng đô la Mỹ làm tiền tệ chợ đen vẫn tiếp tục tồn tại. Bất chấp những thách thức, kể từ năm 2022, Zimbabwe đã tuyên bố rằng họ không có ý định quay trở lại tình trạng đô la hóa.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

      Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

      Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

      Tích lũy

      Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

      Tìm hiểu thêm
      Tích lũy

      Cố vấn Robo AI

      Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

      Tìm hiểu thêm
      Cố vấn Robo AI

      Đầu tư chứng khoán

      Với số tiền bất kỳ

      Tìm hiểu thêm
      Đầu tư chứng khoán