Điểm nhấn chính:
- Lợi suất trái phiếu bị ảnh hưởng đáng kể bởi chính sách tiền tệ, cụ thể là diễn biến lãi suất.
- Đầu tư trái phiếu có rủi ro không? Lãi suất giảm làm cho giá trái phiếu tăng và lợi suất trái phiếu giảm. Ngược lại, lãi suất tăng làm cho giá trái phiếu giảm và lợi suất trái phiếu tăng.
Lợi suất trái phiếu chịu ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ như thế nào?
Lợi suất trái phiếu thường chịu ảnh hưởng đáng kể bởi chính sách tiền tệ. Các chính sách này có thể xuất phát từ hành động của ngân hàng trung ương, hội đồng tiền tệ hoặc các loại ủy ban quản lý khác, chẳng hạn như việc bơm/hút tiền vào/ra nền kinh tế hoặc tăng/giảm lợi suất trái phiếu kho bạc.
Cốt lõi của chính sách tiền tệ là nhằm điều chỉnh và ấn định lãi suất cơ bản, và theo đó, lãi suất này sẽ xác định tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro – là tỷ suất lợi nhuận của khoản đầu tư hoàn toàn không có rủi ro, trên lý thuyết. Nó có thể được tính bằng cách trừ đi tỷ lệ lạm phát hiện tại khỏi lợi suất trái phiếu kho bạc phù hợp với thời gian đầu tư của bạn.
Lãi suất phi rủi ro thường có tác động lớn đến nhu cầu đối với tất cả các loại chứng khoán tài chính, đặc biệt là trái phiếu.
Một số vấn đề cơ bản về trái phiếu
Về cơ bản, lợi suất trái phiếu (Bond yield) là lợi nhuận mà nhà đầu tư nhận được từ trái phiếu đó. Có một số loại lợi suất trái phiếu, nhưng một trong những loại đơn giản nhất là lợi suất hiện hành (Current yield).
Lợi suất hiện hành thể hiện lợi nhuận mà nhà đầu tư kỳ vọng kiếm được nếu mua trái phiếu và giữ nó trong một năm. Lưu ý là, lợi suất hiện hành không phải là lợi nhuận thực tế mà nhà đầu tư nhận được nếu họ nắm giữ trái phiếu cho đến khi đáo hạn, bởi đó được gọi là lợi suất đáo hạn (Yield-to-marturity).
Sau khi trái phiếu được phát hành và giao dịch trên các sàn giao dịch, giống như cổ phiếu, giá của chúng sẽ tăng giảm theo cung và cầu. Và, giá trái phiếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi suất hiện hành của chúng.
Lợi suất hiện hành được tính bằng cách chia số tiền lãi trái phiếu hàng năm, tức là tiền lãi mà trái phiếu phải trả (Coupon), cho giá của nó.
Đây là quy tắc cơ bản đầu tiên cần nhớ về trái phiếu: Khi giá trái phiếu tăng, lợi suất trái phiếu giảm. Giả sử bạn có một trái phiếu trị giá 01 triệu đồng, có khoản thanh toán coupon hàng năm là 100,000đ và đang được giao dịch ở mức gần mệnh giá, với giá 1,010,000đ. Lợi suất của nó là 9.9% (100 / 1,010). Bây giờ, giả sử giá trái phiếu tăng lên 1,210,000đ. Lợi suất hiện hành của nó giảm xuống còn 8.3% (100/1,210).
Đầu tư trái phiếu có rủi ro không? Lãi suất và lợi tức trái phiếu
Như vậy, điều gì làm cho giá trái phiếu biến động? Có rất nhiều yếu tố, nhưng cái quan trọng nhất vẫn là lợi suất hiện hành. Và đây là nguyên tắc cơ bản thứ hai cần nhớ về trái phiếu: Khi lãi suất thấp, giá trái phiếu tăng - bởi vì các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.
Giả sử, Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lợi suất trái phiếu kho bạc (là lãi suất cơ sở mà các ngân hàng dùng để xác định các loại lãi suất khác) từ 3% xuống 1%.
Nhưng nếu có một trái phiếu trên thị trường có lợi suất 4%, thì đột nhiên giao dịch mua/bán ở trái phiếu này tăng vọt, bởi nó có lợi suất cao hơn đáng kể và mọi người sẽ muốn có nó. Vì vậy, theo nguyên tắc cung cầu, giá của trái phiếu sẽ tăng lên. Và bởi vì bạn đang phải trả nhiều tiền hơn cho trái phiếu đó nên lợi suất của nó sẽ giảm đi. Nhu cầu trái phiếu tăng lên dẫn đến giá tăng và lợi suất giảm.
Tất nhiên, điều ngược lại cũng đúng. Khi tỷ suất lợi nhuận phi rủi ro (như những gì bạn tìm thấy ở các trái phiếu và tín phiếu Kho bạc Nhà nước) tăng lên, tiền sẽ chuyển từ các loại tài sản tài chính rủi ro (như cổ phiếu) sang sự an toàn của lợi nhuận được đảm bảo bởi trái phiếu.
Ví dụ, nếu lãi suất cơ bản tăng từ 2% lên 4%, trái phiếu có lợi suất 5% có thể trở nên kém hấp dẫn hơn. Bởi vì nhà đầu tư có thể tìm trái phiếu khác có lợi suất cao hơn trong môi trường lãi suất gia tăng. Đồng thời, khi lãi suất tăng, giá trái phiếu cũng thường giảm, nên vì vậy phần lợi nhuận cao hơn đó sẽ không đáng để chấp nhận rủi ro. Cầu trái phiếu sẽ giảm và lợi suất sẽ tăng cho đến khi cung và cầu đạt đến trạng thái cân bằng mới.
Tác động của chính sách tiền tệ đến lợi suất trái phiếu
Lãi suất cơ bản, hay lãi suất điều hành, là một phần quan trọng trong chính sách tiền tệ của một quốc gia. Chính sách tiền tệ được định hình và thiết lập bởi cơ quan quản lý chính phủ và được thực hiện thông qua ngân hàng trung ương, hay Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng trung ương nhận thức được khả năng ảnh hưởng đến giá tài sản thông qua chính sách tiền tệ. Họ thường sử dụng quyền lực này để điều tiết những biến động trong nền kinh tế. Trong thời kỳ suy thoái, họ tìm cách ngăn chặn tình trạng giảm phát, hoặc tình trạng tăng trưởng kinh tế yếu, bằng cách hạ lãi suất, dẫn đến tăng giá tài sản.
Việc tăng giá tài sản có tác động kích thích nhẹ lên nền kinh tế. Lợi suất trái phiếu giảm sẽ dẫn đến chi phí vay của các doanh nghiệp và chính phủ thấp hơn, từ đó dẫn đến chi tiêu tăng lên. Lãi suất vay mua nhà thế chấp cũng có thể giảm khiến nhu cầu về nhà ở tăng lên.
Có nên mua trái phiếu không? Những điều cần lưu ý
Hiện tại ở Việt Nam, thị trường trái phiếu đã được phát triển khá tốt trong vài năm trở lại đây, với nhiều loại trái phiếu phát hành, có kỳ hạn đáo hạn đa dạng và ở nhiều mức lãi suất phù hợp cho nhà đầu tư lựa chọn.
Nhưng vào những giai đoạn Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất trong vài năm qua, đặc biệt trong năm 2020 đến đầu 2022, thị trường trái phiếu chứng kiến sự tăng giá trị đáng kể.
Khi lãi suất được cắt giảm, lợi nhuận từ các khoản đầu tư tài chính khác, như tài khoản tiết kiệm, trở nên kém hấp dẫn hơn vì chúng mang lại lợi suất thấp hơn. Điều này khuyến khích các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở nơi khác.
Trái phiếu là một lựa chọn hấp dẫn và thường được hiểu là “hoàn toàn không có rủi ro”: Trái phiếu, đặc biệt là những trái phiếu doanh nghiệp có lợi suất cao, trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong môi trường lãi suất thấp.
Và khi nhu cầu trái phiếu tăng, giá trái phiếu sẽ tăng theo. Điều này khiến hiện tượng đầu cơ gia tăng, bởi các nhà đầu tư tham gia với hy vọng là sau một khoảng thời gian nắm giữ ngắn hạn họ có thể bán với giá cao hơn.
Ngoài ra, trong thời kỳ “tiền rẻ”, các doanh nghiệp cần huy động vốn cũng có thêm động lực để phát hành trái phiếu với mức lợi tức coupon thấp hơn so với khi thị trường trong môi trường lãi suất ổn định hoặc tăng.
Tính tới tháng 8/2022, nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp chỉ chiếm 10.11% tổng lượng trái phiếu phát hành. Nhưng ở thị trường thứ cấp, khi trái phiếu được mua đi bán lại, NĐT cá nhân nắm giữ tới 32.6% lượng trái phiếu doanh nghiệp trên toàn thị trường.
Và sau khi NHNN tăng lãi suất hai lần vào quý 4/2022, thị trường trái phiếu lại chứng kiến sự sụt giảm giá trị đáng kể. Và với lãi suất cao hơn, các mức lợi tức trái phiếu thả nổi cũng tăng lên, gây áp lực trả lãi trái phiếu lên các doanh nghiệp phát hành.
Trong nửa đầu năm 2023, tổng giá trị trái phiếu bị chậm trả gốc, lãi lên tới khoảng 61,000 tỷ đồng, chiếm 5.7% giá trị trái phiếu đang lưu hành. Và số lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành cũng giảm 77.8% so với cùng kỳ năm về còn 62,300 tỷ đồng, tính đến 28/07/2023.
Tóm lại, ngay cả Bộ Tài chính cũng đánh giá rằng, chất lượng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân còn thấp, kiến thức tài chính, năng lực phân tích rủi ro hạn chế, mua trái phiếu chỉ vì lợi suất cao. Và nhấn mạnh rằng đầu tư trái phiếu không giốnh như gửi tiền tiết kiệm ngân hàng.
Xem thêm: Đầu tư vào trái phiếu có rủi ro không
Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.
Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia
Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.