Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Xung đột Israel-Hamas tác động tới nền kinh tế

Nội dung

    Điểm nhấn chính: 

    - Xung đột địa chính trị giữa Israel và Gaza đã diễn ra từ hàng chục thập kỷ qua, ngay cả trước thế chiến thứ 2.  

    - Trong tháng 10/2023, mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, và xuất hiện dày đặc trên các kênh truyền thông như đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới đang còn trong giai đoạn phục hồi yếu.   

    Tóm tắt nhanh tình hình giữa Israel-Hamas 

    Dải Gaza nằm giữa Israel và Ai Cập, dọc bờ phía đông của Địa Trung Hải, nơi có hơn 2 triệu người Palestine đang sinh sống.  

    Từ năm 2007, Gaza bị kiểm soát bởi tổ chức Hồi giáo Hamas người Palestine với mục tiêu đưa Palestine thành một nhà nước độc lập. Hamas bị Mỹ và một số nước châu Âu coi là tổ chức khủng bố. 

    Ngày 7/10, Hamas bất ngờ bắn hàng ngàn tên lửa vào Israel và xâm nhập vào lãnh thổ Israel, giết hơn 1,400 người dân nước này, với lý do rằng Israel có hành vi "xúc phạm" nhà thờ al-Aqsa và nhằm kháng cự sự chiếm đóng của Israel trên dải Gaza.  Liền sau đó Israel đã tuyên bố tình trạng chiến tranh và trả thù Hamas bằng không kích và giết hơn 3,000 người ở Gaza, con số này ước tính còn cao hơn nhiều, tính tới ngày 17/10/2023. 

    Ngày 13/10, Israel ra lệnh 1.1 triệu thường dân Palestine tại phía bắc Gaza phải di tản về phía nam Gaza trong vòng 24 giờ, để tiến sâu vào Gaza và “diệt” tận gốc Hamas. 

    Số người chết và mức độ nghiêm trọng của xung đột lần này là cao nhất và chưa từng có trong tiền lệ xung đột giữa Israel và Gaza. 

    Trong cuộc họp với Israel ngày 18/10, Tổng thống Joe Biden đã nói: “Nhóm khủng bố Hamas đã phạm tội ác và những tàn bạo mà khiến cho ISIS (những gì ISIS đã làm) nhìn có vẻ lý trí hơn.” Và đảm bảo rằng Israel sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ quốc phòng mà họ cần.    

    Tổng quan nền kinh tế Israel 

    Nền kinh tế Israel đứng thứ 27 thế giới với GDP đạt 522 nghìn tỷ USD vào năm 2022 và đứng thứ 15 thế giới về GDP trên đầu người, đạt 54.6 nghìn USD. The Economist xếp Israel là nền kinh tế thành công thứ 4 trong số các nước phát triển vào năm 2022. 

    Israel phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, chiếm khoảng 30% GDP. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu gồm máy móc và thiết bị, phần mềm, kim cương cắt, nông sản,… Israel đứng thứ 9 toàn cầu về xuất khẩu vũ khí vào năm 2022. 

    Bank of Israel nắm giữ 213 tỷ USD dự trữ ngoại hối, cao thứ 18 trên thế giới, năm 2023. Kể từ 1970s, Israel nhận viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ cũng như hỗ trợ kinh tế dưới hình thức bảo lãnh cho vay, hiện chiếm khoảng một nửa số nợ nước ngoài của Israel. 

    Israel có số lượng công ty khởi nghiệp lớn thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ và có số lượng công ty niêm yết trên sàn NASDAQ lớn thứ ba sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhiều công ty công nghệ lớn đã mở trung tâm phân tích và nghiên cứu (R&D) của họ ở Israel, gồm Microsoft, Intel, IBM, Google, Apple, Facebook,… Israel đứng đầu thế giới về tỷ lệ chi tiêu cho R&D trên GDP, đạt 5.9% vào năm 2022, chủ yếu tập trung ở mảng công nghệ.   

    Nền kinh tế thế giới chịu tác động gì từ xung đột này? 

    1. Năng lượng và dầu khí 

    Sự bất ổn ở Trung Đông có khả năng làm suy yếu nguồn cung năng lượng toàn cầu và đẩy giá dầu lên cao. Ví dụ điển hình nhất trong lịch sử là chiến tranh Yom Kippur giữa Israel và Ả Rập năm 1973 đã gây ra lệnh cấm vận dầu mỏ khiến giá dầu tăng gần gấp bốn lần trong một năm. Cú sốc dầu mỏ khiến lạm phát tăng cao và góp phần tạo nên một thập kỷ mất mát. 

    Sau khi Hamas tấn công, giá dầu thô WTI đã tăng vọt từ 82.8 USD (ngày 06/10) lên gần 88 USD (ngày 18/10). Giá dầu Brent cũng tăng mạnh từ 84.4 USD (ngày 06/10) lên gần 92 USD (ngày 18/10). 

    Israel không phải là nước xuất khẩu dầu nhưng khu vực này rất quan trọng đối với chuỗi cung ứng dầu toàn cầu. Bởi sự xung đột với giữa Israel và Hamas có liên quan đến Iran và Ả Rập Saudi, là hai nước có vai trò lớn trong nguồn cung ứng dầu thế giới. 

    Ngày 16/10, Iran cho biết họ sẽ tránh tham gia vào một cuộc xung đột trực tiếp với Israel, nhưng sẽ hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm của mình (Hamas và Hezbollah - nhóm vũ trang ở Lebanon) để chống lại Israel nếu sự việc leo thang ra tới ngoài khu vực. 

    Nếu Israel có ý định tấn công trả đũa Iran, các chuyên gia cho rằng Iran có thể “dọa” đóng cửa eo biển Hormuz. Bất kỳ hạn chế nào đối với eo biển này sẽ có tác động lớn đến giá khí đốt, vì nó là tuyến đường vận chuyển quan trọng đối với khí LNG và dầu mỏ. Qatar vận chuyển khoảng 1/5 lượng xuất khẩu LNG của thế giới qua kênh này. 

    Dầu của Iran hiện đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Các cuộc tấn công của Hamas đang càng làm rạn nứt mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, với suy đoán rằng Washington và các đồng minh sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Iran. 

    Theo Goldman Sachs, giá dầu thô Brent sẽ tăng thêm 1 USD cho mỗi 100,000 thùng dầu thô của Iran bị cắt khỏi thị trường toàn cầu mỗi ngày. Trong khi đó Bloomberg dự đoán giá dầu sẽ tăng 10%, hay thêm 3-4 USD. Ví dụ như trong cuộc chiến tranh Israel - Hezbollah ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào năm 2006 khiến dầu thô tăng 5 USD/thùng.  

    Ảnh hưởng cắt cung dầu từ Iran sẽ không đáng kể nếu Saudia và UAE bù đắp lượng dầu bị mất của Iran bằng công suất dự phòng của họ. 

    Tuy nhiên, tháng 9 vừa qua, Nga và Saudia (2 thành viên của OPEC) tuyên bố sẽ gia hạn cắt giảm nguồn cung dầu đến cuối năm 2023 nhằm hỗ trợ giá dầu, trùng hợp trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu tăng trở lại – chủ yếu nhờ Trung Quốc mở cửa trở lại. Sản lượng cắt giảm là 1.3 triệu thùng/ngày. Sau đó, Nga cũng đưa ra lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng chất lượng cao kể từ ngày 21/9/2023 cũng tăng lo ngại về nguồn cung nhiên liệu trên thế giới. 

    Ở mặt khác, một ngày trước khi Hamas tấn công Israel, Wall Street Journal đưa tin Saudi đã nói với Mỹ rằng họ sẵn sàng tăng cường sản xuất dầu trở lại vào đầu 2024. Và Saudi sẽ xem xét công nhận chủ quyền của Israel, điều mà nước này chưa bao giờ làm kể từ khi Israel thành lập vào năm 1948. 

    Tuy nhiên, chiến tranh giữa Israel và Hamas có nguy cơ lớn làm chệch hướng nỗ lực ngoại giao đó và có thể khiến việc cắt giảm của OPEC kéo dài lâu hơn. Đồng thời sẽ làm giảm khả năng bình thường hóa mối quan hệ giữa Saudi - Israel. 

    Goldman hiện kỳ vọng giá dầu Brent sẽ lên 100 USD/thùng vào tháng 6 tới và có thể tăng cao tới 104 USD. Trong khi trong quý 3 vừa qua, giá dầu đã tăng gần 30% so với quý 2 trước đó, và có thời điểm chạm mốc 95 USD/thùng. 

    2. Kinh tế vĩ mô 

    Lạm phát một lần nữa là một trong những vấn đề vĩ mô chính xuất hiện giữa cuộc xung đột địa chính trị này. Bởi lạm phát có mối liên hệ mật thiết với giá năng lượng. 

    Ví dụ như xung đột giữa Nga và Ukraine năm 2022 đã khiến lạm phát toàn cầu tăng khoảng 1.3 điểm phần trăm (ppts), theo số liệu từ Fed, chủ yếu do giá cả hàng hoá, đặc biệt là năng lượng tăng đáng kể. 

    Một số nghiên cứu chỉ ra rằng giá dầu tăng thêm 10 USD/thùng sẽ làm lạm phát toàn cầu tăng thêm 0.1-0.6 điểm cơ bản (ppts) trong ngắn hạn. Và hiện tại, nếu giá dầu đạt 100 USD/thùng trong quý IV sẽ khiến lạm phát của Mỹ tăng tới 0.9 ppts và tại EU và Anh tăng 0.4 ppts.  Quay trở lại với câu chuyện thắt chặt tiền tệ. Lãi suất của Mỹ và châu Âu hiện đã ở mức cao nhiều năm, dư địa tiếp tục tăng lãi suất là không còn nhiều. Và vì vậy, thế giới có thể tiếp tục đối mặt với áp lực lạm phát gia tăng trở lại, như trong những tháng gần đây – kể từ tháng 7. 

    Bloomberg đưa ra 3 viễn cảnh xung đột Israel – Hamas có thể ảnh hưởng đến thế giới:   

    - Xung đột chỉ diễn ra giữa hai bên, sẽ khiến giá dầu tăng 4 USD/thùng, GDP toàn cầu giảm 0.1 ppts và lạm phát tăng 0.1 ppts. 

    - Xung đột ủy nhiệm, là khi Israel đối mặt với sự tấn công ở nhiều phía gồm Gaza, Bờ Tây, Lebanon và Syria, và bất ổn diễn ra trên toàn khu vực Trung Đông, sẽ khiến giá dầu tăng 8 USD/thùng, GDP toàn cầu giảm 0.3 ppts và lạm phát tăng 0.2 ppts. 

    - Xung đột trực tiếp giữa Israel – Iran, là khi cả hai nước này đối đầu trực tiếp và bất ổn diễn ra trên toàn khu vực Trung Đông, sẽ khiến giá dầu tăng 64 USD/thùng, GDP toàn cầu giảm 1 ppts và lạm phát tăng 1.2 ppts. 

    3. Công nghệ và thị trường chip

    Ngành chip bán dẫn toàn cầu đã chứng kiến ​​sự bất ổn kể từ đại dịch và cuộc chiến giữa Israel-Hamas đang làm gia tăng sự bất ổn này hơn nữa. 

    Israel là một trong số ít nơi ngoài Đông Á có thể sản xuất chip tiên tiến. Các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Intel, Nvidia, Apple, Microsoft… có hoạt động chế tạo chip tại Israel đang đối mặt với nhiều sự không chắc chắn trong đó là lực lượng lao động. 

    Israel đã huy động 360,000 quân dự bị (là thường dân) nhằm chuẩn bị cho một cuộc xâm lược toàn diện có thể xảy ra ở Dải Gaza.   

    Nhìn gần hơn về Việt Nam

     Việt Nam, từ tháng 7 đến cuối tháng 9/2023, giá xăng dầu trong nước đã có 7 lần tăng trong 8 phiên điều chỉnh. Là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát tăng trở lại qua từng tháng vừa qua.  Tại Việt Nam, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3.5% tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng giá xăng dầu tăng 10% có thể khiến CPI tăng 0.36 ppts và GDP giảm 0.5 ppts. 

    Tuy nhiên, giá năng lượng tăng gần đây vẫn chưa tác động đáng kể đến tình hình lạm phát chung của Việt Nam. Do tính chung 9 tháng đầu năm 2023, CPI bình quân tổng thể chỉ tăng 3.16% svck, thấp hơn CPI cốt lõi (không bao gồm giá năng lượng và lương thực) tăng 4.49%. Chủ yếu nhờ giá xăng dầu bình quân trong nước 9Th2023 giảm 15.26% svck năm trước. 

    Giá xăng dầu tăng có thể tác động tiêu cực đến một số nhóm ngành sử dụng nhiều nguyên liệu này như vận tải gồm hàng không, nông nghiệp gồm phân bón, hay các nhóm sản xuất-xuất khẩu khác, gồm thủy sản, dệt may, thép. 

    Ngược lại, theo ông Nguyễn Đức Dũng, Phó TGĐ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, “nhóm ngành trung nguồn, bao gồm các đơn vị lọc dầu, vận chuyển xăng dầu thường sẽ có lợi nhất trong ngắn hạn khi giá dầu tăng cao. Tuy nhiên, cũng sẽ tùy thuộc vào sức mạnh nội tại và tồn kho của từng doanh nghiệp. Thường thì các đơn vị này sẽ mua nguyên liệu từ 2 đến 3 tháng trước đó. Đơn vị nào có dự báo tốt về thị trường, mua nguyên liệu từ nhiều tháng, hay kiểm soát tốt hàng tồn kho, thì sẽ có được lợi thế.” 

    (Cập nhật: 19/10/2023)


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán