Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Ngành quản lý gia sản tổng thể và tư vấn tài chính

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    - Quản lý gia sản là gì? Quản lý gia sản hay quản lý tài sản tổng thể đề cập đến các dịch vụ và chiến lược tài chính chuyên nghiệp nhằm quản lý và tối đa hóa sự giàu có của các cá nhân hoặc gia đình.

    - Ngành quản lý tài sản trên toàn thế giới ước tính nắm giữ 115.1 nghìn tỷ đô la AUM tính tới cuối năm 2022.

    Quản lý gia sản là gì?

    Quản lý gia sản (Wealth management) là một lĩnh vực lớn trong nền kinh tế. Theo PwC, ước tính tài sản được quản lý (AUM) trên toàn cầu đạt mức 115.1 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Đồng thời dự báo AUM toàn cầu sẽ chạm mốc 145.4 tỷ đô vào năm 2025.

    Tuy nhiên, thật khó để xác định ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục phát triển trong bao lâu khi các sản phẩm tài chính, nhu cầu của từng cá nhân và điều kiện kinh tế mà chúng ta phải đối mặt luôn thay đổi nhanh chóng.

    Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu khái quát về ngành quản lý tài sản tổng thể, bối cảnh của ngành cũng như tiềm năng của nó trong tương lai.


    Ngành quản lý gia sản đang ngày càng phát triển trên thế giới

    Quản lý gia sản đang dần trở thành một phần quan trọng của ngành tài chính. Nó là một dịch vụ tư vấn do các ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp nhằm giúp các khách hàng có giá trị tài sản ròng (NAV) cao quản lý tiền và tài sản của họ.

    Một cá nhân có giá trị ròng cao (hay High-net-worth individual) là khi sở hữu khối tài sản trị giá từ 1 triệu USD trở lên.

    Thông thường, một khách hàng tiềm năng sẽ phải thỏa mãn yêu cầu nhất định về NAV, tùy theo mỗi công ty quản lý tài sản mà con số NAV có thể thấp hơn 1 triệu USD.

    Sau đó, họ sẽ trình bày tình hình tài chính hiện tại và mục tiêu tài chính của họ với các nhà quản lý tài sản và cố vấn tài chính, những người sẽ giúp đưa ra đề xuất về các công cụ đầu tư phù hợp.

    Hầu hết các nhà quản lý vừa đóng vai trò là người quản lý gia sản, vừa là cố vấn tài chính trong cuộc sống hàng ngày của khách hàng. Họ kết hợp việc lập kế hoạch tài chính cùng với các dịch vụ đầu tư và thuế, giúp khách hàng hướng tới các mốc mục tiêu tài chính quan trọng trong cuộc sống, và có thể cung cấp cả kế hoạch di sản. Điều quan trọng là họ sẽ xác định một kế hoạch cụ thể cho tài chính trong tương lai của khách hàng.

    Cục diện thế giới tài chính thay đổi

    Cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 đã thay đổi ngành quản lý gia sản. Các chuyên gia tài chính trên khắp thế giới đã phải đối mặt với sự giám sát ngày càng chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý. Và người tiêu dùng cũng từng nhìn nhận ngành công nghiệp này với một sự hoài nghi, do tầm quan trọng của nó đối với họ vẫn còn là một câu hỏi lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do một khối lượng lớn tài sản đã bốc hơi trong suốt thời kỳ suy thoái lúc đó.

    Giá trị tài sản ròng đều giảm mạnh, trên dưới 20%, trên hầu hết các lĩnh vực ở nhiều quốc gia từ năm 2007 đến năm 2009. Tuy nhiên, nhờ các chính sách tiền tệ nới lỏng trên toàn thế giới nên hầu hết các tài sản truyền thống đã tăng giá một cách đáng kể từ năm 2010 đến năm 2014. Và đến năm 2015, quá trình phục hồi đã gần như hoàn thành và bắt đầu cho chu kỳ tăng trưởng mới.

    Trong hơn 1 thập kỷ qua, ngành quản lý gia sản đã đạt mức tăng trưởng AUM trung bình 7%/năm. Tuy nhiên cho tới năm 2022, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và hậu quả chúng để lại, trong đó bao gồm việc lãi suất tăng nhanh trở lại khiến giá trị nhiều loại tài sản giảm mạnh. Điều này dẫn tới AUM toàn cầu năm 2022 giảm xuống còn 115.1 nghìn tỷ USD, thấp hơn gần 10% so với mức cao năm 2021 (127.5 nghìn tỷ USD) – thể hiện mức giảm lớn nhất trong một thập kỷ.

    Ngoài ra, trong những năm gần đây, các nhà quản lý tài sản truyền thống còn gặp phải áp lực lớn trong việc thích nghi với môi trường chuyển đổi số và công nghệ hóa các hoạt động quản lý tài chính và đầu tư. Ví dụ như cố vấn robo hay tạo danh mục đầu tư với AI (trí tuệ nhân tạo), đã cung cấp các giải pháp thay thế minh bạch với chi phí thấp cho một ngành vốn dựa trên phí và hoa hồng để tạo ra thu nhập.

    Theo PwC (2023), hơn 90% các nhà quản lý tài sản đã sử dụng công nghệ đột phá như AI, dữ liệu lớn, chuỗi khối (blockchain) cho các hoạt động của mình. Tài sản do cố vấn robo quản lý sẽ đạt 5.9 nghìn tỷ USD vào năm 2027, cao hơn gấp đôi so với con số 2.5 nghìn tỷ USD vào năm 2022.

    Ngành quản lý tài sản tại Việt Nam

    Theo nhận định của các chuyên gia, ngành quản lý tài sản tại Việt Nam vẫn còn khá non trẻ. Thậm chí khái niệm quản lý gia sản là gì vẫn còn rất mới lạ tại Việt Nam.  Toàn thị trường hiện có chỉ gần khoảng 50 công ty quản lý quỹ. 

    Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đã ghi nhận những bước phát triển đột phá trong những năm gần đây. Năm 2019, AUM của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 20% so với năm trước, ước đạt 13.4 tỷ USD. Đến cuối năm 2022, con số này đạt 23.25 tỷ USD, tương ứng 2.44% GDP.

    Mặc dù vậy, tỷ lệ AUM trong GDP của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Cụ thể, tỷ lệ này của Trung Quốc là 10.7% (năm 2020), Ấn Độ là 15.4% (năm 2021), v.v.

    Mặt khác, do phần đông dân số còn chưa hiểu quản lý gia sản là gì và thói quen phân bổ tài sản để ủy thác cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Việt Nam còn rất khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2022, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam, tương ứng khoảng 7% dân số, chiếm đến trên 80% giá trị giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở mới chỉ chiếm dưới 1% dân số. Như vậy, có thể thấy rằng các nhà đầu tư Việt Nam có xu hướng tự đầu tư hơn là tìm đến các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp.

    Tương lai của ngành quản lý gia sản

    Từ việc quản lý tài sản của các tỷ phú cho đến tư vấn tài chính cá nhân ở mức độ nhỏ hơn, bản chất của quản lý tài sản tổng thể là hướng đến giá trị thực của tài sản. Được hiểu là một cam kết về lợi tức tài chính, tăng trưởng bền vững và sự bảo đảm vượt trội hơn so với bất kỳ khoản phí nào liên quan đến dịch vụ đó.

    Ngày nay, một bộ phận lớn nhà đầu tư có xu hướng chọn tự quản lý tài sản hơn. Tuy nhiên họ vẫn có nhu cầu được tư vấn, nhưng lại muốn có nhiều quyền kiểm soát hơn với chi phí thấp hơn. Điều này dẫn đến nhiều sự gián đoạn trong ngành khi các công ty quản lý tài sản truyền thống chưa nắm bắt kịp với sự thay đổi nhu cầu này.

    Việc tận dụng hiệu quả các công nghệ tân tiến, chẳng hạn như AI hay cố vấn robo, có thể giúp các tổ chức nhanh chóng xây dựng một tập khách hàng lớn hơn và mang lại trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng, từ đó giúp họ có vị trí thuận lợi để không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ.

    Theo PwC, AUM của ngành này sẽ hồi phục vào năm 2027 và đạt 147.3 nghìn tỷ đô la Mỹ, tương đương tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 5%. Ngoài ra, cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng AUM ở Châu Á-Thái Bình Dương sẽ cao hơn khoảng 50% so với Bắc Mỹ vào năm 2027.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán

    Bài viết liên quan