Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Temu – Team Up Price Down

Nội dung

    Điểm nhấn chính

    - Năm 2023, doanh thu Temu tăng 81% so với năm 2022, đạt 34.8 tỷ USD. Tuy nhiên lỗ từ 8 đến 9 tỷ USD, chủ yếu do các chiến dịch marketing tốn kém và khuyến mãi mạnh tay.

    - Temu không nắm giữ hàng tồn kho, mà hoạt động dựa trên mô hình quản lý hoàn toàn.

    Giới thiệu về Temu

    Temu là một nền tảng thương mại điện tử mới nổi, được ra mắt vào tháng 9 năm 2022 tại Hoa Kỳ bởi PDD Holdings, công ty mẹ của Pinduoduo – một trong những gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc với tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt hàng trăm tỷ USD. Với mục tiêu mở rộng thị trường quốc tế, Temu nhanh chóng phát triển và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, nhờ chiến lược bán hàng giá rẻ và khuyến mãi lớn.

    Temu hiện là nền tảng thương mại điện tử phổ biến thứ 2 thế giới với 663 triệu lượt truy cập trung bình hàng tháng trong quý III, đứng sau Amazon với 2.7 tỷ lượt truy cập.

    Ngay từ đầu, Temu đã tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm từ các nhà sản xuất Trung Quốc với mức giá cực kỳ cạnh tranh, phục vụ nhu cầu tiêu dùng giá rẻ tại Mỹ và các quốc gia khác. Temu khiến người tiêu dùng tại Mỹ mê mẩn ngay từ những ngày đầu tiên gia nhập thị trường bởi mức giá quá rẻ trong một thời điểm lạm phát tăng cao.

    Nguồn: Tititada Research

    Theo số liệu công bố lượt tải ứng dụng Temu tính đến tháng 4/2024 đạt 46.4 triệu người so với thời điểm tháng 8/2022 là 400 nghìn người. Mức tăng trưởng này đã đưa Temu vượt qua một số đối thủ lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử, với ứng dụng đạt thứ hạng cao trên cả iOS và Android.

    Từ tháng 9/2022 đến tháng 9/2023, Global Wireless Solutions (GWS) tại Mỹ cho biết trung bình người dùng dành 22 phút mỗi ngày trên Temu, gấp đôi Amazon (11 phút) và Shein (12 phút). Một phần bởi vì Temu áp dụng mua sắm kết hợp giải trí, họ tích hợp các trò chơi điện tử (game) như Fishland, Coin Spin, Card Flip để người dùng tích điểm thưởng đổi thành ưu đãi mua hàng, khiến thời gian lưu lại ứng dụng lâu hơn.  

    Tình hình tài chính của Temu

    Tổng doanh số giao dịch trên sàn (GMV) tăng trưởng theo cấp số nhân. Vào 2022, GMV chỉ mới 290 triệu USD nhưng đã tăng hơn 4,500 lần, đạt 14 tỷ USD năm 2023. Dự báo GMV của Temu đạt 29.5 tỷ USD năm 2024 và 41 tỷ USD vào năm 2025. Để so sánh, GMV của Amazon dự kiến đạt 756.9 tỷ USD năm 2024.

    Nguồn: Tititada Research

    Hơn 40% GMV của Temu đến từ Mỹ và đang có ý định giảm thị phần của thị trường Hoa Kỳ trong tổng doanh số xuống còn khoảng một phần ba. Temu đang tích cực thu hút khách hàng ở các thị trường khác để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của mình.

    Nguồn: Tititada Research

    Năm 2023, doanh thu Temu tăng 81% so với năm 2022, đạt 34.8 tỷ USD. Dù đạt mức tăng trưởng mạnh về người dùng và doanh thu, nhưng Temu hiện đang phải đối mặt với khoản lỗ lớn do chi phí mở rộng và quảng cáo. Trong năm 2023, công ty đã báo cáo khoản lỗ từ 8 đến 9 tỷ USD, chủ yếu do các chiến dịch marketing tốn kém và khuyến mãi mạnh tay.

    Mặc dù không có số liệu về số tiền Temu chi cho hoạt động quảng bá, nhưng một vài số liệu sau cho thấy Temu đã mạnh tay chi tiền cho marketing như một triệu phú.

    Cụ thể, năm 2023, ước tính Temu đã chi khoảng 1.2 tỷ đô la cho Meta và Meta tính toán Temu đã chạy 8,900 quảng cáo vào tháng 1. T2/2023, Temu đã chạy quảng cáo Super Bowl đầu tiên của mình, một quảng cáo dài 30 giây kêu gọi người xem "mua sắm như một tỷ phú". Đặc biệt quảng cáo được phát ba lần - có khả năng tiêu tốn 21 triệu USD tương đương với 1 lượt tốn 7 triệu USD.

    Nguồn: Tititada Research

    Tăng trưởng doanh thu Temu dựa trên việc bán hàng giá rẻ, đổi lại mỗi đơn hàng có mức lợi nhuận rất thấp. Dù vậy, Temu hy vọng vào sự mở rộng quy mô để tạo ra lợi nhuận dài hạn thông qua tăng trưởng số lượng người dùng và giao dịch.  

    Chiến lược gia tăng thị phần

    USP của Temu là phương pháp mua sắm dựa trên khám phá. Khi mở ứng dụng, một luồng đề xuất sản phẩm tùy chỉnh vô tận. Đặc biệt là ứng dụng khuyến khích người dùng cuộn để giải trí, tăng khả năng họ sẽ nhấn nút "Mua". Người dùng cũng được giải trí với các trò chơi trong ứng dụng cho phép họ giành được phần thưởng.

    Mua sắm xã hội và giảm giá liên kết (affiliate discount) là chiến lược kinh doanh khuyến khích người dùng mời bạn bè của họ vào ứng dụng. Trong mua sắm xã hội, người mua hợp tác để mua các mặt hàng, nhận được chiết khấu theo nhóm nếu đạt đến ngưỡng nhất định. Temu đã học chiến lược này của Shein.

    Ngoài ra, Temu sử dụng một chiến lược sáng tạo được gọi là sản xuất ngược để căn chỉnh hàng tồn kho sản phẩm với nhu cầu của khách hàng theo thời gian thực. Ban đầu, một số lượng nhỏ sản phẩm được sản xuất. Sản xuất các mặt hàng phổ biến được tăng tốc, trong khi các sản phẩm ít phổ biến hơn bị loại bỏ. Điều này cho phép công ty tung ra các sản phẩm mới với tốc độ đáng kinh ngạc trong khi vẫn tiết kiệm chi phí.

    Thật ra thì chiến lược giảm giá của Temu cũng không khác so với các sàn khác, chỉ khác ở chỗ Temu chịu chi hơn nên giá giảm mạnh hơn. Temu học áp dụng chiến lược này từ công ty mẹ Pinduoduo. Pinduoduo đã thành công tại Trung Quốc khi bán các sản phẩm giảm giá mạnh trực tiếp từ nhà sản xuất cho người mua thu nhập thấp, cũng như các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.  

    Giá rẻ từ đâu mà có?

    Giá cả khi mua tại nền tảng Temu thấp một cách bất ngờ, thấp đến nổi sản phẩm đó không khiến sự chú ý đổ dồn vào mà chỉ khiến cho việc thả sản phẩm vào giỏ rồi mua. Có lẽ cho thấy rằng Temu đang thu hút người tiêu dùng nhanh nhất có thể bất kể việc bán lỗ xảy ra.

    Tận dụng chuỗi cung ứng của Trung Quốc

    Temu tận dụng trực tiếp các nhà sản xuất và nguồn cung cấp sản phẩm từ Trung Quốc, điều này giúp nền tảng duy trì mức giá thấp mà không cần phải thông qua các nhà phân phối hoặc bán lẻ trung gian. Chuỗi cung ứng tinh gọn này giúp Temu cắt giảm được nhiều chi phí và mang lại lợi ích về giá cho người tiêu dùng​.

    Không sở hữu hàng tồn kho

    Temu không nắm giữ hàng tồn kho, mà hoạt động dựa trên mô hình quản lý hoàn toàn,” nghĩa là hàng hóa chỉ được gửi đi sau khi có đơn đặt hàng.  Có nghĩa là người tiêu dùng sẽ đặt hàng trước sau đó các shop sẽ thực hiện mua hàng và giao hàng. Các shop sẵn sàng bán các sản phẩm “đuôi dài và nhãn trắng” – sản phẩm ít phổ biến không cần thương hiệu riêng sau đó bán lại dưới thương hiệu của các nhà bán lẻ lớn.

    Mô hình này hoàn hảo để bắt đầu vì yêu cầu thấp đối với người bán và có thể nhanh chóng thu thập được nhiều hàng hóa giá rẻ. Đó là "bí quyết" đằng sau sự phát triển nhanh chóng của Temu khi trong vòng chưa đầy hai năm, Temu đã thu hút 200,000 người bán và gửi 4 triệu gói hàng mỗi ngày từ 60 kho hàng tại Trung Quốc, thu hút 467 triệu người dùng toàn cầu. Đến tháng 6 năm 2024, Temu đã hoạt động tại 71 quốc gia và có GMV trung bình hàng ngày là 120 triệu USD.

    Và cuối cùng, Temu áp dụng "mô hình sản xuất ngược" (reverse-manufacturing model) đã giúp Shein làm mưa làm gió trên thị trường bán lẻ thời trang trực tuyến. Theo đó, ban đầu, Temu cung cấp sản phẩm với số lượng nhỏ để thăm dò thị trường. Những sản phẩm có nhu cầu cao sẽ được sản xuất thêm, còn những sản phẩm không bán chạy sẽ bị loại bỏ. Ưu điểm của mô hình là khả năng tối ưu hóa lượng tồn kho, giảm thiểu lãng phí và nâng cao hiệu quả môi trường. Đồng thời, Temu cũng có thể cung cấp nhiều loại sản phẩm hơn so với các phương thức bán lẻ truyền thống, cho phép công ty nhanh chóng đáp ứng các xu hướng mới của thị trường.

    Lao động cưỡng bức

    Đáng lo ngại hơn là vấn đề lao động cưỡng bức. Temu không tự sản xuất sản phẩm, thay vào đó, họ vận chuyển chúng từ các nhà máy ở Trung Quốc đến người tiêu dùng. Một báo cáo từ Ủy ban Chọn lọc Hạ viện về Đảng Cộng Sản Trung Quốc nêu rõ, "Temu không có bất kỳ hệ thống nào để đảm bảo tuân thủ Đạo luật Phòng ngừa Lao động Cưỡng bức của Người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA). Điều này gần như đảm bảo rằng các lô hàng từ Temu có chứa các sản phẩm được sản xuất bằng lao động cưỡng bức đang được đưa vào Hoa Kỳ một cách thường xuyên."

    Bán hàng giả gắn nhãn hàng thật

    Tuy nhiên, một số điều tra cho rằng mức giá "rẻ sập sàn" hầu như áp dụng với các mặt hàng không rõ nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ, có kiểu dáng na ná với nhiều hãng danh tiếng.

    Quan trọng hơn, mức giá gốc dường như bị thổi phồng lên quá đáng để mức giảm giá có vẻ ấn tượng, dù trên thực tế có khi còn cao hơn nhiều so với giá bán chính hãng trong nước. Lấy ví dụ một mẫu tai nghe không dây được rao bán trên Temu với mức giá hơn 7.1 triệu đồng, giảm từ giá gốc gần 21 triệu đồng (khoảng 66%).

    Tuy nhiên, mức giá chính hãng của chiếc tai nghe này khi mới ra mắt vào năm 2020 chỉ khoảng 8.5 triệu đồng, và hiện tại chỉ còn 5.5 triệu đồng trên trang web Sony Việt Nam sau khi chiết khấu. Vậy thì mức giá gốc 21 triệu đồng mà Temu đưa ra là từ đâu mà có?

    Chất lượng không được kiểm chứng

    Giữa tháng 10, một cuộc điều tra về Temu được công bố bởi nhóm bảo vệ người tiêu dùng CHOICE tại Australia đã phát hiện ra một số sản phẩm của công ty này gây nguy hiểm khi sử dụng. Theo đó, CHOICE đã mua và thử nghiệm ngẫu nhiên 15 món đồ chơi từ Temu, hầu hết đều có nguy cơ tiềm ẩn từ pin đồng xu và pin cúc áo. Đáng chú ý, mọi sản phẩm đều không vượt qua được bài kiểm tra an toàn theo quy định của Australia.

    Vào tháng 5, Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Anh Which cũng phát hiện ra mối nguy hiểm trong máy sưởi Temu. Các mẫu mà nhóm này thử nghiệm có khả năng gây cháy và không phù hợp để bán hợp pháp tại quốc gia này.

    Cùng tháng đó, một cuộc điều tra của Dispatches thuộc kênh truyền hình Channel 4 của Anh phát hiện Temu đã quảng cáo sai sự thật một số công cụ rằng chúng được chứng nhận an toàn, bằng cách chồng tên của thương gia lên tài liệu chứng chỉ thật.

    Vì vậy, họ không giám sát được liệu hàng hóa trên sàn có được chứng nhận an toàn trước khi bán hay không và dựa vào việc người bán "cam kết sản phẩm an toàn và tuân thủ các quy định tại thị trường mục tiêu của họ" trong quá trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nói cách khác, nhiều thị trường mục tiêu hiện vẫn chưa có cách kiểm soát chất lượng sản phẩm bán trên Temu, đơn cử như Australia.  

    Cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh

    Tuy nhiên, thị trường TMĐT lớn nhất ĐNA – Indonesia cho rằng mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp người tiêu dùng với các nhà máy ở Trung Quốc để giảm giá đáng kể của Temu là sự cạnh tranh không lành mạnh. Ngược lại, các nền tảng như Shopee và Lazada, vốn đã thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực, cung cấp nhiều sản phẩm từ các nhà cung cấp nội địa, điều đó giúp họ tuân thủ các quy định của thị trường địa phương. So với mô hình hiện tại của Temu mặc dù giá cả phải chăng, nhưng thiếu sự tích hợp với các nhà cung cấp nội địa, điều này có thể khiến Indonesia khó phát triển nếu không thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường địa phương.

    Vì thế, đầu tháng 10, Indonesia đã yêu cầu Google và Apple chặn Temu trên Appstore, CH Play để ứng dụng không thể được tải xuống tại quốc gia này nhằm bảo vệ các doanh nghiệp SME trong nước. Bởi Indonesia có cấu trúc kinh tế đặc biệt khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp hơn 60% GDP và tạo ra 97% việc làm.

    Động thái chặn Temu của Indonesia bắt nguồn từ khái niệm rộng hơn về chủ nghĩa bảo hộ chính trị. Chủ nghĩa bảo hộ liên quan đến việc thực hiện các chính sách kinh tế nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài. Bằng cách chặn Temu, Indonesia cũng đang hạn chế dòng nhập khẩu vốn sẽ làm suy yếu các doanh nghiệp trong nước, nhưng ngược lại cho phép các ngành công nghiệp trong nước phát triển mà không bị áp đảo bởi giá cả cạnh tranh của hàng nhập khẩu.

    Tuy vậy, tác động lâu dài của các chính sách bảo hộ của Indonesia vẫn chưa được nhìn thấy. Mặc dù chúng có thể mang lại sự cứu trợ ngắn hạn cho các doanh nghiệp địa phương, nhưng quốc gia này cũng phải cân nhắc cách duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, nơi người tiêu dùng ngày càng mong đợi giá thấp và sản phẩm có sẵn rộng rãi. Việc củng cố các ngành công nghiệp trong nước và thúc đẩy đổi mới là giải pháp bền vững hơn là chỉ dựa vào chủ nghĩa bảo hộ.  

    Ứng dụng nguy hiểm nhất đang lưu hành rộng rãi

    Bên cạnh các cáo buộc về hàng giả, Temu còn bị các quốc gia, trong đó có Việt Nam phát cảnh báo là “ứng dụng nguy hiểm nhất” bởi nó có các chức năng ẩn được thiết kế để đánh cắp dữ liệu diện rộng rãi và hoạt động giống như malware tiên tiến, thu thập dữ liệu cá nhân và hành giám sát hoặc thậm chí là tấn công mạng.

    Các hoạt động thu thập dữ liệu của Temu vượt xa những gì cần thiết đối với một nền tảng thương mại điện tử. Ứng dụng này yêu cầu quyền truy cập rộng rãi vào thiết bị của người dùng, bao gồm thông tin nhạy cảm như dữ liệu vị trí, danh bạ và thậm chí là quyền truy cập micro và camera.

    Năm 2023, ứng dụng của công ty mẹ, Pinduoduo, đã bị xóa khỏi cửa hàng Google Play do lo ngại về malware.  

    Temu có làm thay đổi thị trường Việt Nam?

    Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn sôi động, tốc độ phát triển trung bình 25%/năm, hơn 61 triệu người Việt mua sắm và giá trị mua bình quân mỗi người khoảng 336 USD/năm. Quy mô dự kiến đạt 14.7 tỷ USD vào năm 2024, và tốc độ tăng trưởng giá trị hàng hóa gộp (GMV) ước tính lên tới 53% trong năm.

    Những ngày gần đây, Temu gây sốt tại VN không chỉ vì giá rẻ mà còn vì hình thức tiếp thị liên kết với hoa hồng cao – 150,000 đồng cho mỗi lượt giới thiệu thành công. Thậm chí chính sách trên Temu còn hấp dẫn hơn các sàn khác, cho phép trả hàng trong vòng 90 ngày trong khi Shopee là 15 ngày.

    Hiện tại, Temu tại Việt Nam vẫn còn khá sơ khai, việc thanh toán cũng gặp khó khăn do chưa tích hợp các ví điện tử. Temu có mặt ở VN từ cuối tháng 9/2024, dù chưa đăng ký kinh doanh TMĐT với cơ quan quản lý và chưa công bố chính thức nhưng người dùng đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

    Trong thị trường TMĐT, Shopee, TikTok Shop và Lazada lần lượt là 3 sàn dẫn đầu, sự gia nhập của Temu có thể sẽ tạo ra áp lực lớn đối với ba ông lớn này bởi giá rẻ có khi đến 90%, và các tên tuổi nhỏ hơn như Tiki có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa.

    Thị trường TMĐT Việt Nam không giống Indonesia, Indonesia cố gắng bảo vệ sàn TMĐT lớn nhất của mình là Tokopedia bởi nó là sàn của người Indo và cũng là niềm tự hào, Tokopedia vẫn sống tốt bất chấp các thế lực mới xuất hiện, Tiktok Shop hay cả Temu. Ngược lại, cứ mỗi khi thị trường Việt Nam xuất hiện người chơi mới, thị phần của Tiki lại giảm xuống.

    Nhiều ý kiến cho rằng Tiki có thể sẽ bị Temu mua lại để làm nền tảng cho sự phát triển của thương hiệu tại Việt Nam. Nếu điều đó xảy ra thì Việt Nam cũng không còn sàn thương mại nào của người Việt.

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán