Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Lý thuyết Kẻ ngốc hơn trong đầu tư là gì?

Nội dung

    Điểm nhấn chính: 

    - Lý thuyết Kẻ ngốc hơn cho rằng bạn có thể kiếm tiền từ việc mua chứng khoán được định giá quá cao vì thường sẽ có ai đó (tức là kẻ ngốc hơn) sẵn sàng trả giá cao hơn.

    - Có nhiều bằng chứng cho thấy, đối với các nhà đầu tư, những kẻ ngốc hơn thực sự tồn tại.

    - Kiến thức tài chính cá nhân: Chiến lược Kẻ ngốc hơn là chiến lược đầu cơ rất rủi ro và không được khuyến khích đối với các nhà đầu tư dài hạn.

    Lý thuyết Kẻ ngốc hơn là gì?

    Lý thuyết Kẻ ngốc hơn (Greater Fool Theory) cho rằng giá cả tăng lên bởi vì mọi người có thể bán chứng khoán được định giá quá cao cho một "kẻ ngốc hơn". Tất nhiên, đó là cho đến khi không còn kẻ ngu ngốc nào hơn nữa.

    Nếu hành động theo lý thuyết kẻ ngốc hơn, nhà đầu tư sẽ mua chứng khoán có giá tăng mạnh một cách đáng ngờ mà không cần kiến thức tài chính cá nhân, không cần phân tích tài chính cơ bản, và cũng không quan tâm đến giá trị nội tại của chứng khoán đã mua. Dựa theo lý thuyết này, nhà đầu tư vẫn có thể nhanh chóng bán chúng cho một “kẻ ngu ngốc hơn”, “kẻ” hy vọng bán khoản đầu tư này cho người khác một cách nhanh chóng. Chìa khóa để thành công trong việc đầu tư theo chiến lược kẻ ngu ngốc hơn là đảm bảo rằng kẻ ngốc hơn đó không phải là bạn.

    Về cơ bản, lý thuyết kẻ ngốc hơn trong đầu tư là một loại lý thuyết trò chơi suy đoán xem các nhà đầu tư khác sẽ sẵn sàng trả bao nhiêu để mua một chứng khoán. Điều này đồng nghĩa với việc chiến lược kẻ ngu ngốc hơn bỏ qua các nguyên tắc cơ bản như, định giá, đánh giá rủi ro, phân tích báo cáo thu nhập và các nguyên tắc cơ bản khác; do đó, những người tán thành lý thuyết kẻ ngu ngốc hơn có thể sẽ bị bỏ rơi sau khi thị trường điều chỉnh.

    Các học giả và chuyên gia tài chính đã chứng minh rằng giá cổ phiếu trên thị trường có thể dao động tùy thời điểm nhưng cuối cùng, chúng cũng sẽ quay trở lại mức giá trung bình của chúng (“hiện tượng trở về trung bình”). Khi bong bóng đầu cơ vỡ, giá cổ phiếu sẽ giảm nhanh chóng, lý thuyết kẻ ngốc hơn cũng vì đó mà bị phá vỡ.

    Lý thuyết Kẻ ngốc hơn và bong bóng kinh tế

    Hầu hết mọi người đều quen thuộc với thuật ngữ bong bóng tài chính. Thực tế, trong hơn hai thập kỷ qua, các nhà đầu tư đã trực tiếp trải qua hai bong bóng tài chính có ý nghĩa lịch sử: bong bóng cổ phiếu công nghệ xảy ra vào cuối những năm 1990 và bong bóng thị trường bất động sản xảy ra vào những năm 2008.

    Bong bóng (Bubble) là một hiện tượng kinh tế chỉ tình trạng thị trường mà trong đó giá của một loại hàng hoá nào đó tăng đột biến một cách vô lý và vượt quá giá trị cơ bản của chúng. Nhìn chung, bong bóng được coi là sự bùng phát của những điều phi lý – những làn sống lạc quan tự tạo và tự duy trì, đẩy giá tài sản lên cao và khiến các khoản đầu tư bị phân bổ sai lầm. Và lý thuyết Kẻ ngốc hơn thường được thảo luận liên quan trực tiếp đến sự tiếp tục của bong bóng.

    Lý thuyết về kẻ ngốc hơn giải thích hành vi của những người tham gia vào một thị trường với sự lạc quan thái quá (anh ngốc). Những anh ngốc này bỏ qua phân tích tài chính cơ bản và sẵn sàng mua những hàng hóa được định giá cao, với mong đợi sẽ bán được nó cho một tay đầu cơ tham lam khác (kẻ ngốc hơn) ở một mức giá cao hơn nhiều. Cách tiếp cận đầu cơ này dựa trên niềm tin rằng bạn có thể kiếm tiền bằng cách đánh cược vào giá tài sản trong tương lai và rằng bạn sẽ luôn có thể tìm được một “kẻ ngu ngốc hơn” sẵn sàng trả nhiều hơn bạn.

    Bong bóng kinh tế sẽ tiếp tục phình to thêm chừng nào mà những anh chàng ngốc này vẫn còn tìm được một kẻ ngốc hơn mình sẵn sàng mua những hàng hóa đó. Và bong bóng kinh tế sẽ kết thúc khi anh ngốc cuối cùng trở thành kẻ ngốc nghếch nhất - người trả giá cao nhất cho thứ hàng hóa được định giá quá cao và không tìm được người mua nào khác cho chúng. Khi bong bóng cuối cùng vỡ, sẽ có một đợt bán tháo lớn khiến giá trị tài sản giảm nhanh chóng. Kết quả là, nếu bạn là anh ngốc cuối cùng nắm giữ tài sản đó và không tìm được người mua khác và phải liên tục giảm giá để có thể bán được, và cuối cùng mất rất nhiều tiền.


    Ví dụ về Lý thuyết Kẻ ngốc hơn

    1. Khủng hoảng tài chính năm 2008

    Trường hợp của cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn, khi người ta lấy tín dụng từ ngân hàng để mua nhà, với hy vọng tìm được một người  ngốc hơn trong tương lai để họ có thể bán nhà với giá cao hơn và thu được lợi nhuận đáng kể. Chiến lược này đã có tác dụng trong nhiều năm vì dường như có vô số những kẻ ngốc hơn. Nhưng cuối cùng, nguồn cung của những kẻ ngốc bắt đầu cạn kiệt khi ngày càng nhiều người bắt đầu nhận ra thực tế rằng, những ngôi nhà đó không đáng giá bao nhiêu – nó quá đắt đỏ.

    Khi những người bán, tức những người thế chấp, không thể tìm được người mua và các ngân hàng cần phải xóa một lượng tín dụng khổng lồ cho những người thế chấp này khỏi bảng cân đối kế toán của họ. Điều này góp phần gây ra tình trạng khẩn cấp của hệ thống ngân hàng tại Mỹ và cuối cùng dẫn đến cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

    Như vậy, lý thuyết kẻ ngốc hơn không thực sự cung cấp cho các nhà đầu tư một chiến lược giao dịch dựa trên việc tìm ra những kẻ ngốc, mà chỉ giúp giải thích bong bóng đầu cơ có thể hình thành như thế nào.

    2. Bitcoin

    Giá của Bitcoin thường được coi là một ví dụ về lý thuyết Kẻ ngốc hơn. Tiền điện tử dường như không có giá trị nội tại và chúng tiêu thụ một lượng lớn năng lượng và chỉ bao gồm các dòng mã được lưu trữ trong mạng máy tính. Bất chấp những lo ngại này, giá bitcoin vẫn tăng vọt trong những năm qua.

    Vào cuối năm 2017, nó đã chạm mức cao nhất là 20,000 USD trước khi rút lui. Bị thu hút bởi lợi nhuận cao từ việc tăng giá, các nhà giao dịch và nhà đầu tư đã nhanh chóng mua và bán tiền điện tử, nhiều nhà quan sát thị trường cho rằng họ mua đơn giản vì họ hy vọng sau này sẽ bán lại với giá cao hơn cho người khác. Lý thuyết Kẻ ngốc hơn đã giúp giá bitcoin tăng vọt trong một khoảng thời gian ngắn khi nhu cầu vượt xa nguồn cung tiền điện tử.

    Những năm 2020 – 2021 cũng đã chứng kiến giá Bitcoin tăng lên những mức cao mới, đạt đỉnh 60,000 USD và dao động trên 50,000 USD trong nhiều tuần. Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, giá Bitcoin lại 1 lần nữa giảm mạnh có lúc xuống dưới 20,000 USD chỉ trong 6 tháng. Lúc bấy giờ, không còn kẻ ngốc hơn mua lại Bitcoin nữa, nhu cầu giảm khiến giá giảm theo, những người cuối cùng nắm giữ Bitcoin đã phải chịu thua lỗ nặng nề.

    Bạn có nên thực hiện chiến lược Kẻ ngu ngốc hơn không?

    Có nhiều bằng chứng, chiến lược kẻ ngu ngốc hơn thực sự tồn tại. Tuy nhiên, đây là một chiến lược rất rủi ro không khuyến khích áp dụng cho nhà đầu tư dài hạn. Để thực hiện thành công chiến lược Kẻ ngốc hơn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, nhà đầu tư phải hết sức chú ý đến thị trường, vì xu hướng giá có thể đảo ngược trong vài phút. Chiến lược Kẻ ngốc hơn không phải là chiến lược khả thi và bền vững đối với các nhà đầu tư không có kiến thức chuyên môn về đầu cơ và xu hướng thị trường.

    Những kẻ ngốc hơn thường là những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức tài chính cá nhân, và thiếu kiên nhẫn, bị thu hút bởi những cổ phiếu phổ biến hoặc “nóng”. Họ bỏ qua việc phân tích tài chính cơ bản, không quan tâm đến lợi nhuận ổn định, nhất quán hoặc giá trị cổ phiếu. Khi thị trường bắt đầu co lại, những loại khách hàng này sẽ muốn chuyển sang cổ phiếu “nóng” tiếp theo.


    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán