Tititada Academy Logo
Tìm kiếm

Làm sao để định giá cổ phiếu?

Nội dung

    Điểm nhấn chính:

    Định giá cổ phiếu là một quá trình phức tạp và cần sự cẩn thận tuyệt đối trong quá trình nghiên cứu để quyết định hiện nay nên đầu tư cổ phiếu nào.

    - Làm sao để định giá cổ phiếu: sử dụng các phương pháp định giá như P/E, P/Book hay phương pháp chiết khấu dòng tiền.

    Định giá cổ phiếu là gì? Làm sao để định giá cổ phiếu?

    Định giá cổ phiếu là phương pháp xác định giá trị nội tại của cổ phiếu dựa trên các yếu tố như dòng tiền, triển vọng tương lai, tình hình kinh tế và các yếu tố khác, từ đó nhà đầu tư có thể xác định được cổ phiếu đó đang được định giá cao hay thấp trên thị trường.

    Mặt khác, định giá cổ phiếu không những đem lại lợi ích cho nhà đầu tư mà còn tác động tích cực đến doanh nghiệp phát hành. Đối với nhà đầu tư, định giá cổ phiếu giúp xác định giá trị thực tế của cổ phiếu và chọn ra những mã chứng khoán có khả năng sinh lời và tăng trưởng tốt trong tương lai. Hơn nữa, nó còn được xem là phương pháp giảm thiểu rủi ro đáng kể cho nhà đầu tư trước những nhóm cổ phiếu “dỏm” dẫn đến thiệt hại.

    Đối với doanh nghiệp, định giá cổ phiếu là một trong những bước quan trọng và cần thiết đối với một công ty muốn huy động vốn, chào bán cổ phiếu ra công chúng hay nâng tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.  

    Các khái niệm về giá cổ phiếu

    Làm sao để định giá cổ phiếu? rước hết, bạn cần nắm chắc khái niệm về giá của cổ phiếu, bao gồm:

    Mệnh giá (Face value): là giá trị danh nghĩa của cổ phiếu và được ghi trên mỗi cổ phiếu. Tại Việt Nam, cổ phiếu thường có mệnh giá là 10,000đ.

    - Giá trị sổ sách (Book value): là số tiền mà mỗi cổ phiếu của một công ty đóng góp vào giá trị tài sản sổ sách của công ty. Giá trị sổ sách được xác định bằng cách lấy tổng giá trị tài sản chia cho tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

    - Thị giá (Market value): là giá mà một cổ phiếu đang được giao dịch trên thị trường chứng khoán, được xác định dựa trên quy luật cung và cầu. Thị giá cổ phiếu có thể bằng, thấp hoặc cao hơn giá trị sổ sách và mệnh giá của cổ phiếu.

    - Giá trị nội tại (Instrinsic value): Chính là giá trị thực sự, giá trị bên trong của cổ phiếu, được xác định dựa trên các phương pháp định giá như chiết khấu dòng tiền, P/E, P/B,... Đây là giá trị mà các nhà đầu tư luôn muốn kiếm tìm. Nếu thị giá cổ phiếu nhỏ hơn giá trị nội tại, chứng tỏ cổ phiếu đó đang rất có giá trị và về cơ bản sẽ tăng lên mức giá thực sự của nó, đây là cơ hội để nhà đầu tư mua cổ phiếu. Ngược lại, nếu thị giá lớn hơn giá trị nội tại, cổ phiếu đó sẽ bị bán tạo áp lực để quay về mức giá thực của nó, nhà đầu tư không nên mua cổ phiếu khi giá đang cao hơn giá trị thực.  

    Phương pháp định giá cổ phiếu

    1. Làm sao để định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E

    Hệ số giá trên thu nhập một cổ phiếu, hay chỉ số P/E (Price to Earning ratio) được dùng để đánh giá mối quan hệ giữa thị giá cổ phiếu trên thị trường và lãi thu được trên một cổ phiếu (EPS). Hiểu đơn giản, chỉ số P/E cho bạn biết được bạn cần bỏ ra bao nhiêu tiền để có được một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu.

    Công thức định giá theo P/E

    Giá cổ phiếu = Chỉ số P/E x Dự phóng EPS

    Trong công thức này, chỉ số P/E thường được dùng theo số trung bình ngành và được điều chỉnh theo mức tăng trưởng của công ty. Dự phóng EPS là EPS dự đoán của năm hiện tại, điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải dự phóng kết quả kinh doanh và lợi nhuận sau thuế trong tương lai của công ty.

    Quan trọng, khi sử dụng P/E để định giá, nhà đầu tư cần phải so sánh theo cùng hệ quy chiếu. Ví dụ, P/E của ngân hàng là 10x và của một công ty được là 20x thì chưa thể nói là ngân hàng rẻ hơn công ty dược, do tính chất chu kỳ và rủi ro của hai ngành là khác nhau.

    2. Làm sao để định giá cổ phiếu theo phương pháp P/B

    Chỉ số Giá/Giá trị sổ sách một cổ phiếu (Price to Book ratio), ký hiệu là P/B, được dùng để so sánh giá hiện tại của cổ phiếu và giá trị ghi sổ của cổ phiếu đó. Chỉ số P/B cho chúng ta biết cổ phiếu đang được định giá cao hơn hay thấp hơn so với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó.

    Công thức tính chỉ số P/B:

    P/B = Giá trị thị trường cổ phiếu / Giá trị sổ sách của cổ phiếu (BVPS)

    Trong đó: Giá trị sổ sách của cổ phiếu (BVPS) = (Tổng giá trị tài sản – Giá trị tài sản vô hình – Nợ phải trả) / Số lượng cổ phiếu đang lưu hành

    Tuy nhiên, phương pháp P/B cũng có điểm yếu là nó phụ thuộc vào loại hình mà công ty đang hoạt động. Vì vậy, để định giá chính xác, nhà đầu tư cần phải so sánh công ty với các công ty trong cùng ngành, có cấu trúc tài sản và nợ tương tự.

    Để định giá cổ phiếu dựa trên phương pháp P/B, nhà phân tích thường dự phóng kết quả kinh doanh của công ty và vốn chủ sở hữu và giá trị sổ sách trong tương lai của công ty. Ví dụ: Một công ty có Vốn chủ sở hữu năm 2023 dự phóng là 100 tỷ đồng và chỉ số P/B của ngành là 2.0x, thì Vốn hóa của công ty sẽ được tính như sau:

    Vốn hóa thị trường = Vốn chủ sở hữu x Chỉ số P/B = 100 x 2.0= 200 tỷ đồng.  

    Từ vốn hóa công ty, có thể tính ra Giá cổ phiếu và so sánh với giá thị trường để có thể biết cổ phiếu đắt hay rẻ và ra quyết định mua bán.

    3. Làm sao để định giá cổ phiếu theo P/S

    Chỉ số Giá / Doanh thu (P/Sales, P/S) cho biết thị trường định giá bao nhiêu cho mỗi đồng doanh thu của công ty. Chỉ số P/S thường được dùng trong việc định giá cổ phiếu tăng trưởng chưa tạo ra lợi nhuận hoặc bị sụt giảm lợi nhuận tạm thời. Phương pháp định giá này thường được áp dụng đối với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, có lợi nhuận năm không ổn định, vì vậy nó được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư mạo hiểm.

    Ví dụ, nếu một công ty chưa tạo ra lợi nhuận, các nhà đầu tư có thể xem xét tỷ lệ P/S để xác định xem cổ phiếu đang được định giá quá thấp hay quá cao. Nếu chỉ số P/S thấp hơn các công ty tương đương trong cùng ngành đang có lãi, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua cổ phiếu do định giá thấp.

    Công thức tính chỉ số P/S:

    P/S = Vốn hóa công ty / Doanh số hàng năm

    Ví dụ, một công ty có doanh thu năm 2023 dự phóng là 100 tỷ và chỉ số P/S ngành là 1.0x. 

    Vốn hóa của công ty sẽ được tính như sau: Vốn hóa thị trường = Doanh thu * Chỉ số P/S = 100 * 1.0 = 100 tỷ. 

    Từ vốn hóa công ty, có thể tính ra Giá cổ phiếu và so sánh với giá thị trường để có thể biết cổ phiếu đắt hay rẻ và ra quyết định mua bán.

    4. Làm sao để định giá cổ phiếu theo EV/EBITDA

    Tương tự như các chỉ số khác, EV/EBITDA cũng là chỉ số quan trọng dùng để xác định giá trị nội của một doanh nghiệp. EBITDA là viết tắt của thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao. Nói cách khác, EBITDA cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính của một công ty vì nó đã loại bỏ các chi phí nợ, thuế và các biện pháp kế toán như khấu hao,...

    Để định giá theo EV/EBITDA, nhà phân tích thường dự phóng kết quả kinh doanh và dòng tiền tương lai của công ty, sau đó tính EBITDA dự phóng rồi nhân với chỉ số EV/EBITDA của ngành để tính ra giá trị doanh nghiệp EV.

    5. Làm sao để định giá cổ phiếu theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF)

    Đây là phương pháp định giá cổ phiếu thông qua việc đưa ra dự đoán về dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp, sau đó chiết khấu về giá trị hiện tại với tỷ suất chiết khấu phù hợp. Cụ thể, khi đầu tư vào một công ty, nếu như giá trị DCF của công ty đó cao hơn giá trị đầu tư ở thời điểm hiện tại thì đây là một cơ hội đầu tư sinh lời hấp dẫn và đáng xem xét. Hiểu đơn giản thì DCF giúp cho nhà đầu tư biết được cơ hội đầu tư đó có mang về lợi nhuận hay không.

    Công thức chiết khấu dòng tiền như sau:

    DCF = CF1/(1+r)^1 + CF2/(1+r)^2 +...+CFn/(1+r)^n

    Trong đó:

    DCF - Discounted cash flow: Dòng tiền đã được chiết khấu.

    CF - Cash flow: Dòng tiền mà công ty có thể tạo ra trong các năm tới  

    r - Discount rate: Tỷ lệ chiết khấu của dòng tiền

    Tuy nhiên, một trong những nhược điểm chính của phương pháp chiết khấu dòng tiền là nó phụ thuộc rất nhiều vào độ chính xác và độ tin cậy của ước tính dòng tiền và tỷ lệ chiết khấu. Việc ước tính dòng tiền trong tương lai của một dự án có thể là một thách thức, đặc biệt đối với các dự án dài hạn và phức tạp vì chúng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như điều kiện thị trường, nhu cầu của khách hàng, cạnh tranh, lạm phát và thay đổi công nghệ. Tương tự, việc lựa chọn tỷ lệ chiết khấu phù hợp có thể khó khăn vì nó phụ thuộc vào chi phí vốn, phần bù rủi ro và kỳ vọng của nhà đầu tư.

    Rất nhiều nhà đầu tư đều có cùng câu hỏi, hiện nay nên đầu tư cổ phiếu nào? Để có thể trả lời câu hỏi này, nhà đầu tư cần biết xác định giá trị thực của cổ phiếu và từ đó, so sánh với giá thị trường xem có hấp dẫn không để ra quyết định mua bán. Thông thường, nếu giá thị trường của cổ phiếu thấp hơn 20% đến 25% so với giá trị thực thì hâp dẫn cho việc mua vào. 


    Xem thêm: Chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi sang cổ phiếu thường

    Tuyên bố miễn trừ trách nhiệmTuyên bố miễn trừ trách nhiệm

    Bài viết này được cung cấp nhằm mục đích thông tin và tham khảo chung. Mặc dù đã cố gắng đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của các thông tin và dữ liệu được trình bày, Tititada không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. Bài viết không nhằm mục đích cung cấp lời khuyên tài chính, pháp lý, hoặc bất kỳ loại lời khuyên chuyên môn nào khác. Nếu bạn cần lời khuyên cụ thể, bạn nên tìm đến một chuyên gia hoặc cố vấn đáng tin cậy.

    Tititada - Đầu tư chứng khoán cùng chuyên gia

    Đầu tư chứng khoán với số tiền bất kỳ, với trải nghiệm đơn giản, dễ dàng, dành riêng cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

    Tích lũy

    Lãi suất hấp dẫn lên đến 6.6%

    Tìm hiểu thêm
    Tích lũy

    Cố vấn Robo AI

    Xây dựng danh mục đầu tư cá nhân hóa

    Tìm hiểu thêm
    Cố vấn Robo AI

    Đầu tư chứng khoán

    Với số tiền bất kỳ

    Tìm hiểu thêm
    Đầu tư chứng khoán